“Quả ngọt” từ việc doanh nghiệp chi nghìn tỷ đầu tư về nông thôn
Xác định sự tham gia của doanh nghiệp (DN) có vai trò rất quan trọng để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), TP.HCM đã xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích, thu hút DN đầu tư vào nông thôn và đã gặt hái những thành công bước đầu.
Ông Thái Quốc Dân – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM nhận định, sự tham gia, chung sức của DN trong đầu tư nông nghiệp và xây dựng NTM đã góp phần giúp thành phố đạt được các thành tựu cơ bản trong xây dựng NTM trong giai đoạn 1 (2010 – 2015) và phát động nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt giai đoạn 2016 – 2020.
Doanh nghiệp – địa phương cùng bắt tay
Là DN chuyên ngành thực phẩm trứng gia cầm và sản phẩm từ gia cầm, từ lâu Công ty TNHH Ba Huân đã gắn bó với Chương trình xây dựng NTM của TP.HCM. Ông Phạm Thanh Hùng – Phó Giám đốc công ty cho biết, nhằm tăng cường hợp tác, liên kết 4 nhà, công ty đã chủ động lập nhà xưởng, mở rộng các đơn vị sản xuất chủ lực tại các xã nông thôn ở thành phố. Tại xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh) công ty đã xây dựng nhà máy xử lý và sản xuất trứng sạch lớn nhất của công ty với mong muốn tạo thêm lực cho phát triển sản xuất của địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ.
Nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân thăm Công ty Giày Viễn Thịnh – một trong những DN sớm rót tiền vào đầu tư ở nông thôn. Ảnh: T.Đ
Tương tự, khi tham gia xây dựng NTM, các DN trên địa bàn đã thể hiện vai trò xã hội trong việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Điển hình là Công ty Giày Viễn Thịnh (huyện Nhà Bè) đã phối hợp với xã đào tạo nghề cho người lao động, sau đó nhận lao động vào làm việc ngay tại xưởng của công ty. Về phía chính quyền, UBND thành phố tạo điều kiện thông qua quyết định về sát hạch nghề để sau đó cấp chứng chỉ nghề, đồng thời tạo điều kiện cho các DN, hộ sản xuất vay vốn.
Video đang HOT
Làm mới chính sách
Bên cạnh xây dựng các chính sách ưu đãi choDN, TP.HCM đã đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở khu vực nông thôn để đẩy mạnh giao thương, phát triển sản xuất nhằm thu hút các DN đầu tư về nông thôn. Với cách làm này, có thể thấy rõ hiệu quả từ xã điểm Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) do T.Ư trực tiếp chỉ đạo.
Theo đó, khi xây dựng đề án (năm 2009) trên địa bàn xã có 54 DN, đến khi tổng kết (cuối năm 2011) đã có 159 DN, không chỉ trên lĩnh vực nông nghiệp mà còn trên các lĩnh vực công nghiệp như may gia công quần áo, giày dép, chế biến trà – cà phê, gỗ, rau củ sấy khô, mua bán hàng kim khí điện máy, kinh doanh nhà hàng khách sạn…, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân.
Để tiếp tục đẩy mạnh vai trò của DN trong xây dựng, theo ông Trần Ngọc Hổ – Phó Giám đốc Sở NNPTNT thành phố, từ cuối năm 2015, Sở đã nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM thông qua thu hút DN. “Thành phố sẽ có các giải pháp như: Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tạo điều kiện DN nắm bắt, hưởng thụ chính sách; tháo gỡ khó khăn trong quá trình DN đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng NTM qua khảo sát nhu cầu, khả năng của DN; tăng cường phối hợp với DN trong công tác dự báo sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề; tiếp tục thực hiện các chính sách tài chính trong phát triển NTM có liên quan đến DN; xem xét, đề xuất bổ sung, ban hành các chính sách phù hợp với từng thời điểm và hoàn cảnh thực tế nhằm huy động các nguồn lực đa dạng hơn. Đặc biệt là nghiên cứu chính sách khuyến khích DN phát triển nông nghiệp đô thị giai đoạn 2016 – 2020…”- ông Hổ cho biết.
Theo Danviet
Sẵn sàng "rót" vốn nếu sử dụng tiền hiệu quả
Đó là nhận định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14 của Chính phủ, vừa được tổ chức tại Hà Nội.
90% vay không thế chấp
Để triển khai Nghị quyết 14 của Chính phủ, NHNN, Bộ NNPTNT, Bộ KHCN đã lựa chọn 28 doanh nghiệp trên toàn quốc thực hiện 31 dự án tại 22 tỉnh, thành phố tham gia chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, có 8 ngân hàng thương mại đã cam kết tài trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối liên kết, ứng dụng công nghệ cao với số tiền 5.627 tỷ đồng.
Nông dân huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) kiểm tra chất lượng tôm nuôi. ảnh:T.X
Là lãnh đạo một trong số 22 tỉnh được triển khai thí điểm, Chủ tịch tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cho biết, ở vùng sản xuất cá tra lớn của An Giang, nhiều người đã được cho vay đến 6 tỷ đồng/ha không cần thế chấp. Theo ông Thạnh, với mỗi 1ha nuôi cá tra được định mức khoảng 700 triệu đồng, chu kỳ nuôi cá tra trong 6 tháng được khoảng 350 tấn, tính ra giá trị là 7 tỷ đồng mà được cho vay tới 6 tỷ đồng (90%) là rất cao.
"Những vướng mắc trong vấn đề tài sản bảo đảm đã kéo dài tử năm 2008 đến nay, nhưng khi thực hiện cho vay theo chuỗi thí điểm của Nghị quyết 14 thì vướng mắc này đã được giải quyết. Doanh nghiệp bao tiêu được sản phẩm, người nông dân thì ký trực tiếp hợp đồng với doanh nghiệp, giao dịch qua tài khoản và ngân hàng kiểm soát từ đầu vào cho tới đầu ra, xuất khẩu. Do đó, dù không có tài sản bảo đảm nhưng 41/72ha sản xuất của Công ty Thuận An đã được vay theo hình thức tín chấp" - ông Thạnh nói.
"Trên cơ sở những kết quả đạt được của chương trình thí điểm cho vay theo Nghị quyết 41, các ngân hàng thương mại cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng phù hợp để phục vụ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là phục vụ triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt".
Ông Nguyễn Văn Bình
Báo cáo của NHNN cho biết, sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết 14, các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương với số tiền 6.937 tỷ đồng, vượt số tiền cam kết ban đầu. Trong quá trình triển khai, nhiều doanh nghiệp đã được NHNN chấp thuận tăng số vốn vay để mở rộng sản xuất.
Nhận định của NHNN và tham luận của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tại hội nghị cho rằng, sau gần 2 năm triển khai chương trình đã đạt được mục tiêu đề ra với những kết quả quan trọng.
Các doanh nghiệp được lựa chọn đã tích cực triển khai liên kết với nông dân, đầu tư khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, có chất lượng và mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp; người nông dân tham gia liên kết yên tâm về tiêu thụ sản phẩm và được doanh nghiệp hỗ trợ về giống, kỹ thuật, vật tư..., do đó đời sống từng bước được cải thiện. Các ngân hàng thương mại lựa chọn được dự án, phương án sản xuất kinh doanh tốt để cho vay và thông qua chuỗi liên kết kiểm soát được dòng tiền cho vay, vì thế hiệu quả tín dụng được nâng lên rõ nét.
Vay theo liên kết đạt hiệu quả cao
Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, chương trình vay vốn theo chuỗi liên kết thí điểm Nghị quyết 14 này không chỉ có ý nghĩa đối với thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà còn mang ý nghĩa rất thời sự trong bối cảnh hiện nay, đó là vấn đề truy xuất nguồn gốc và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. "Thời gian thí điểm chương trình là 2 năm, nhưng thực chất mới làm được hơn 1 năm nên hầu hết các địa phương đều kiến nghị nên tiếp tục chương trình này" - ông Tám nói.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhận định: "Trong kinh tế thị trường, tôi khẳng định không có mô hình nào cho tất cả các đối tượng, chúng ta phải có rất nhiều các mô hình để phù hợp với từng địa phương, từng loại mặt hàng sản xuất. Ví dụ như liên kết hộ sản xuất cá tra, hoặc các hộ sản xuất mía, lúa gạo... mà doanh nghiệp phải ký vài nghìn hợp đồng với nông dân thì việc quản lý hợp đồng cũng đã đủ chết, mà cũng không có sức nào đi quản lý được".
"Như vậy chúng ta cần phải có những mô hình liên kết giữa các hộ gia đình với nhau và với HTX; HTX cũng phải tham gia liên kết với doanh nghiệp. Riêng ngân hàng, lúc nào cũng sẵn sàng cho vay nếu như tiền vay đó được sử dụng hiệu quả" - ông Bình nhấn mạnh.
Ông Bình cũng cho biết, trong thời gian còn lại của chương trình, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối và các hộ nông dân tham gia triển khai có hiệu quả dự án.
Theo Danviet
"Bình Dương cần phát triển mạnh nông nghiệp đô thị" Đây là ý kiến của bà Nguyễn Hồng Lý - Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội ND Việt Nam tại Hội nghị "Sơ kết giữa nhiệm kỳ BCH Hội ND tỉnh khóa 8" (2013-2018) của tỉnh Bình Dương vào sáng 8.10. Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Vinh - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Dương, cho biết, trong nửa nhiệm kỳ...