Quá khứ buồn của kẻ mang tội giết cha
Nhiều năm nay, Lê Công Cư thường mang gương mặt u uất. Cư ít tiếp xúc ngay cả với những người bạn tù. Ở Cư có một nét gì đó khiến tôi bị ám ảnh. Có lẽ là bởi đôi mắt sâu với những ẩn ức không dễ gì chia sẻ và cả ở cách nói chuyện rất thật thà của Cư.
Tuổi thơ u uất
Cư sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hà Tây cũ, gia đình làm nghề nông. Mỗi khi nhắc đến người mẹ tội nghiệp, vốn là diễn viên đoàn cải lương Hoa Mai ( tỉnh Hà Sơn Bình cũ), đẹp người đẹp nết, Cư lại khóc. Hắn khóc vì thương mẹ, dù bà đã qua đời hơn chục năm nay. Hắn khóc vì thương cả quãng đời tuổi thơ chưa một ngày có được hạnh phúc của mình. Ký ức của hắn về gia đình chỉ là những đau thương với người cha nghiệt ngã, ác độc.
Bố Cư vốn là bộ đội, khi đến với mẹ Cư thì bà đã qua một lần dang dở. Mẹ hắn có một người con gái riêng với người chồng cũ. Đời diễn viên đa đoan nhưng lại được nhiều người ngưỡng mộ, đó có lẽ là nguyên nhân chính khiến cha Cư thường xuyên dành cho mẹ hắn những trận đòn thù. Không chỉ đánh vợ, bố Cư còn đánh người con gái riêng của vợ cũng dã man không kém. Càng ngày, ông ta càng uống rượu nhiều hơn và mỗi khi say xỉn lại tìm thú vui trong việc hành hạ vợ con. Sau này khôn lớn, trong suy nghĩ của Cư chỉ tồn tại một khái niệm: Bố rất ác độc!
Video đang HOT
“Bố tôi đánh đến nỗi chị gái tôi nhiều lần định tự tử vì muốn thoát khỏi địa ngục. Những lúc ấy mẹ tôi chỉ khóc khuyên can con. Bà rất hiền lành. Đời bà đã một lần dang dở nên chỉ biết nhịn nhục cho nhà cửa êm ấm. Có lần ông ta cầm chiếc đòn gánh phang vào đầu mẹ tôi khiến bà phải đi cấp cứu. Sau lần đó, bà bị ảnh hưởng não nặng nề, sức khỏe sa sút. Từ khi lấy bố tôi, mẹ tôi phải bỏ đoàn văn công và lao động như một người nông dân chân lấm tay bùn” – Cư kể trong nước mắt.
Điều đau đớn nhất mà theo Lê Công Cư, chính bố hắn là người gây nên cái chết oan khuất của mẹ hắn. Vụ việc xảy ra đã hơn chục năm rồi, Cư muốn quên đi cho nhẹ lòng nhưng càng quên, ký ức đau buồn càng dội về trong những đêm mất ngủ khiến hắn bị ám ảnh. Hôm đó, bố Cư đi chơi ở đâu về và lại bạo hành vợ.
Ông ta lôi bà vợ vốn là cô diễn viên mảnh mai yếu đuối xềnh xệch ra giếng rồi đập giúi giụi đầu vợ vào thành giếng. Vốn đã từng một lần bị chấn thương não do bị chồng phang đòn gánh vào đầu, mẹ Cư nằm bẹp đến ba ngày sau thì chết. Vốn từ trước đến nay ít trò chuyện với bố, lại sẵn nỗi căm ghét người cha ác độc, từ sau ngày mẹ mất, Cư dường như đoạn tuyệt hẳn với bố. Hắn vào Đà Nẵng làm thuê để quên đi những tháng ngày đau khổ.
“Tôi không bao giờ tha thứ cho mình!”
Lê Công Cư đã thốt lên như vậy khi ngồi trò chuyện cùng tôi. Án tù chung thân cũng không khiến Cư thấy đau lòng bằng việc hằng đêm phải đối mặt với chính mình trước mỗi giấc ngủ nặng nề. Cái chết oan uổng của người mẹ, cái chết đau đớn của người cha luôn như những thước phim quay chậm hiện về rõ mồn một. Cho đến giờ, nỗi ân hận lớn nhất trong Cư là không thể bảo vệ được mẹ trước sự ác độc của bố và đã không kiềm chế được cơn nóng giận để rồi trút hết sự cay đắng, căm phẫn bao nhiêu năm lên người cha tàn độc.
Lê Công Cư
Theo lời Cư kể thì đó là một ngày hắn về nhà hỏi mượn bố cuốn sổ đỏ để tìm sơ đồ mộ liệt sĩ cho một người bạn mà hắn cất trong đó. Trong cơn say rượu, người cha đinh ninh rằng thằng con đang đòi lấy sổ đỏ để bán nhà mình. Cha Cư dù khi ấy đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn giữ nguyên bản tính hung hăng. Ông vớ con dao ở đầu giường chém vào mặt thằng con trai duy nhất. Môi Cư mặn chát vì máu tứa ra đầm đìa, mấy cái răng cũng răng rắc gãy theo. Cơn giận dữ dồn ứ từ bao nhiêu năm qua khiến Cư như con thú bị thương. Hắn giật phắt con dao trên tay bố và quay lại chém thẳng vào người ông.
Tỉnh dậy thì hắn biết người cha đã chết. Hắn òa khóc nức nở. Vợ con hắn cũng khóc váng trời. Cư bị công an bắt ngay sau đó. Ra tòa lĩnh án chung thân, Cư được đưa về cải tạo ở Trại giam Nam Hà – trại giam gồm toàn những phạm nhân án nặng.
Cán bộ quản giáo kể rằng, từ hồi vào đây, Cư luôn sống khép kín, ít chia sẻ với mọi người. Ở đây, mỗi phạm nhân đều có một ẩn ức riêng, Cư cũng thế. Anh ta vốn bản tính hiền lành, chỉ vì một phút nông nổi mà gây trọng tội. Thế nên Cư rất có ý thức cải tạo để mong có ngày trở về.
Tôi hỏi Cư, nếu sau này được về, việc đầu tiên anh sẽ làm gì, Cư rưng rưng nước mắt: “Nếu có ngày đó, tôi mong được trở về nhà, quỳ bên bàn thờ cha để thắp cho ông một nén hương thành tâm. Tôi không cầu mong ông tha thứ nhưng làm thế, có lẽ lòng tôi sẽ nhẹ nhõm hơn”.
Giờ đây, niềm an ủi duy nhất của Lê Công Cư là hai đứa con, một trai, một gái đã là những cô cậu học trò ngoan ngoãn, thỉnh thoảng vẫn viết thư hỏi thăm bố và động viên bố yên tâm cải tạo. Nhận thư các con, lần nào Cư cũng khóc. Cư nói, anh ta không khóc vì phải xa con mà vì nhận thấy rõ được tình cảm của chúng dành cho bố cũng như tình cảm của mình dành cho những đứa con – đó là tình phụ tử chân thành, thứ tình cảm mà hàng chục năm qua, Cư không bao giờ nhận được từ người cha. “Tôi có thể không có tài sản dành cho con nhưng tình yêu thương chúng nó thì lúc nào cũng đầy ắp. Tôi không muốn chúng phải chịu cảnh lạnh lùng, hắt hủi như tôi ngày xưa…” – Cư nói.
Theo Công an TP.HCM