Quá dễ để mua khóa luận chỉ với… 30.000 đồng
Có một thực tế rất đáng lên án, ảnh hưởng tới sản phẩm của giáo dục, đó là một số điểm photocopy, trang web đã công khai rao bán, tổ chức hoạt động mua bán “chất xám” – tiểu luận, khóa luận, chuyên đề tốt nghiệp…
Một bộ tiểu luận từ 15-30 trang đã được in ra giấy có giá là 500 đồng/trang, nếu mua file cóp ra USB – cổng chứa dữ liệu thì khách hàng chỉ phải trả 10.000 đồng/bộ; còn đối với file khóa luận, chuyên đề tốt nghiệp cóp trực tiếp vào USB thì giá của nó tăng lên 30.000 – 40.000 đồng (với số trang dao động từ 70-120 trang/bộ).
Điều này đang thực sự báo động, đòi hỏi các cơ quan chức năng vào cuộc. Bởi nếu không được ngăn chặn, hành vi buôn bán luận văn, chuyên đề… để trục lợi bất chính không chỉ tiếp tay cho thói gian lận trong học tập, thi cử, mà còn dẫn tới hậu quả ra lò những sản phẩm giáo dục không mong muốn.
File khóa luận tốt nghiệp… chỉ với 30-40 ngàn đồng.
PGS. TS Phạm Văn Quyết – Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, ĐH KHXH&NV (ĐHQGHN) cho biết, theo quy trình đào tạo của nhà trường, đối với hệ đào tạo bậc thạc sĩ, trước khi làm luận văn, các học viên phải lập và báo cáo đề tài cũng như giáo viên hướng dẫn cho Ban Giám hiệu nhà trường. Kế đó, Ban Giám hiệu nhà trường ra thông báo thành lập một ban (bao gồm các thầy giáo, nhà nghiên cứu chuyên môn…) chuyên đảm nhận việc kiểm định tính cấp thiết, mức độ khả quan cũng như xét xem có sự trùng lặp với các đề tài khác không. Các đề tài này sau khi bảo vệ được lưu trong bảng biểu theo dõi. Do đó, các học viên có suy nghĩ “đạo, xào” luận văn cần nhận thức rõ hệ lụy đi kèm.
Để thu thập thêm cứ liệu cho bài viết này, phóng viên đã có cuộc thâm nhập thực tế thị trường mua bán “chất xám” đã và đang tồn tại trên địa bàn thành phố thời gian qua. Sáng 26/8, trong cơn mưa tầm tã của đợt thời tiết chuyển mùa, “khoác” lên mình bộ dạng của những sinh viên đang có nhu cầu tìm mua tiểu luận, khóa luận, chúng tôi tìm tới cung đường Trần Đại Nghĩa – đoạn gần khu vực Trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội (quận Hai Bà Trưng). Đập vào mắt chúng tôi lúc này là hình ảnh các cửa hàng photocopy nằm san sát nhau. Lượng khách (chiếm đa phần là sinh viên) lui tới nơi đây để in, sao tài liệu học tập luôn nườm nượp.
Tấp vào một cửa hàng nằm ngay mặt đường, khi biết chúng tôi có nhu cầu muốn “sắm” cho mình một bộ file tiểu luận để nộp gấp cho thầy giáo chấm lấy điểm, chủ quán là một trung niên không ngần ngại cung cấp ngay một điểm chuyên kinh doanh mua bán tiểu luận, khóa luận, chuyên đề tốt nghiệp… nằm cách đấy không xa.
“Lò” sản xuất, buôn bán “mặt hàng đặc biệt” này nằm trong một con ngõ nhỏ gần khu vực Trường ĐH KTQD. Có lẽ với mục đích “quảng cáo” cho khách hàng biết các mặt hàng kinh doanh của mình nên chủ cửa hiệu photocopy ở đây đã cho gắn một tấm biển quảng cáo có nội dung: “… Chuyên in tiểu luận, luận văn, đề án, chuyên đề” ngay phía đầu ngõ. Bất giác ai đi qua cũng phải tò mò mà ngoái nhìn…
Chỉ nhìn thấy khách vừa kịp dừng xe, nữ chủ quán khoảng ngoài 40 tuổi vận bộ quần áo ngủ đon đả mời chào: “Em cần gì? Cứ để xe đấy, vào đây!”. Thấy chúng tôi đề cập đến việc muốn mua một vài bộ khóa luận tốt nghiệp có liên quan đến ngành tài chính ngân hàng để về “xào” cho đỡ mất thời gian, chị chủ quán vừa đẩy chiếc ghế về phía khách, đồng thời không quên bật màn hình chiếc máy tính đang nằm giữa gian nhà: “Đợi chị chút! Cái gì cũng có hết”.
Video đang HOT
Nhiều cửa hàng photocopy luôn sẵn sàng bán khóa luận với giá rẻ như bèo
Vừa mở máy, người phụ nữ này vừa tranh thủ quảng cáo thêm về các loại “hàng” mình đang có như các tiểu luận, khóa luận, chuyên đề tốt nghiệp bao hàm các nội dung có liên quan đến những chuyên ngành như: kế toán, tài chính, kinh tế, ngân hàng… cửa hàng đều có đủ. “Trăm nghe không bằng một thấy”, sợ khách chưa tin, nữ chủ quán liền nhấp chuột vào bên trong một file chứa dữ liệu có trong máy tính.
Đến đây chúng tôi mới “tá hỏa” trước một list (danh sách) dài cả hàng trăm bản tiểu luận, khóa luận, chuyên đề tốt nghiệp… của các khối ngành kinh tế đều được bài trí khá bài bản trong một bản thống kê gồm 3 cột với các nội dung tương đương: Mã tiểu luận, khóa luận tên đề tài số trang đính kèm.
“Em lấy khóa luận đề tài, chuyên ngành gì?”, chủ quán hất hàm hỏi một trong hai chúng tôi. “Chị cứ lấy đại cho em một bộ có liên quan đến chuyên ngành tài chính ngân hàng”. Nghe rồi, chị sử dụng thao tác chắt lọc dữ liệu thông qua từ khóa “ngân hàng”. Hàng loạt mã đề tài, tên khóa luận theo đó xuất hiện. Tôi liền nhanh tay chỉ 2 mã số của một khóa luận có đề tài nghiên cứu về việc đẩy mạnh huy động vốn của 2 chi nhánh ngân hàng có trụ sở đóng tại Hà Nội. “OK!” – vừa nói, chị vừa điền mã ký hiệu của khóa luận trên vào một tờ giấy trên bàn. “Thế còn lấy gì nữa không em?”. “Chị cho em thêm 2 bộ tiểu luận của môn Triết học và Kinh tế chính trị nữa, nội dung thế nào cũng được”. Tay chị lại thoăn thoắt điền mã số ra giấy….
Vén bức màn bí mật
Sau khi “chốt” lại danh sách mã số các tiểu luận, khóa luận, chị liền thao tác mở một folder (nơi chứa dữ liệu). Đến đây, chúng tôi càng thấy “phát hoảng” hơn khi mà bên trong là hàng trăm file tiểu luận, khóa luận, chuyên đề tốt nghiệp… với tên file đính kèm bởi các mã số… Đáng chú ý sau khi nhận đủ tiền, chị chủ quán còn đưa ra lời “bảo hành” chắc như đinh đóng cột: Bọn em cứ yên chí về chất lượng của các khóa luận, tiểu luận trên. Nhiều “đầu nậu” nhận làm khoá luận, chuyên đề với giá hàng triệu đồng còn đổ về đây để mua lại của chị đem về “xào” lại đấy…!
Tiếp tục ghi nhận thêm về thị trường mua bán tiểu luận, khóa luận, chuyên đề tốt nghiệp trên địa bàn thành phố, chúng tôi ghé vào một điểm chuyên cung cấp tài liệu, giáo trình đã được photocopy trong con ngõ nằm trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh – đoạn gần Trường Đại học Luật Hà Nội.
Thấy tôi bảo là sinh viên năm thứ 3 của một trường đại học đóng trên địa bàn đang cần mua cho mình file tiểu luận, đề cương ôn tập của khối ngành tư pháp, cô nhân viên bán hàng cho biết: “Mỗi file tiểu luận của khối ngành luật (luật thương mại, luật hình sự…) được copy trực tiếp ra USB có giá 20 ngàn đồng/bộ. Còn khóa luận tốt nghiệp các chuyên ngành có giá 30 ngàn đồng/bộ”.
Cầm tờ tiền mang mệnh giá 50 ngàn đồng từ tay chúng tôi, qua vài thao tác cô nhân viên đã “bắn” sang USB của tôi một khóa luận lên đến 85 trang giấy A4.
Giao diện một file chuyên đề luận được chụp lại.
Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian vài tiếng đồng hồ, qua khảo sát, thâm nhập thực tế, chúng tôi đã có trong tay chiếc USB chứa “chất xám” của 5-6 tiểu luận, khoá luận các loại – và như vậy chỉ cần bỏ ra chút tiền, một khối lượng kiến thức không phải ít đã mặc nhiên thuộc về chúng tôi. Đáng chú ý, khi bóc gỡ dữ liệu lưu trữ trong chiếc USB chúng tôi nhận thấy: toàn bộ số khóa luận, tiểu luận trên đều được làm khá cẩn thận, các mục lời nói đầu, nội dung cho đến lời cảm ơn, danh mục tài liệu tham khảo… rồi tên sinh viên thực hiện…
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hầu hết các điểm kinh doanh “chất xám” trên địa bàn thành phố hiện nay đều kiêm dịch vụ photocopy, in ấn tiểu luận, khóa luận, chuyên luận tốt nghiệp… Và một điều ít ai nhận biết được đó chính là việc, tại một số điểm, chủ cửa hàng sau khi nhận dịch vụ in, chỉnh sửa căn lề tiểu luận, khóa luận… cho khách đã lén copy vào máy của mình, sau đó cung cấp cho người có nhu cầu mua số “chất xám” này.
Không chỉ bán tại các điểm kinh doanh dịch vụ photocopy, một số đối tượng nhận thấy mạng Internet là kênh thông tin, giao dịch chớp nhoáng nên đã công khai rao bán trên mạng. Các diễn đàn, trang web đính kèm các nội dung quảng cáo, rao bán đại loại như: “Bán luận văn, khóa luận… giảm giá”; “khách hàng mua nhiều sẽ được giảm giá”…
Nhấp vào đường link: …, chúng tôi chứng kiến việc giao diện màn hình máy tính hiện ra thông tin khá gây sốc: “Biểu phí dịch vụ đặt mua (luận văn, khóa luận) giảm giá từ 25/6 đến 30/6/2010″, đính kèm là hàng loạt biểu giá đặt mua luận văn thạc sĩ – luận văn cao học. 100 ngàn đồng/bộ tài liệu luận văn thạc sĩ, bài thảo luận có giá 40 ngàn đồng/bộ… đó là một số thông tin có trong biểu giá trên. Rồi tại trang web: …, hàng loạt lời quảng cáo “chắc như đinh đóng cột” như: bất kể luận văn, khóa luận theo các khối ngành… tất cả đều có cả.
Thực tế này cho thấy rõ ràng đây là hành vi vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ đã ra đời được 5 năm, tuy nhiên tại nhiều trường đại học tình trạng sinh viên vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến. Phổ biến nhất vẫn là việc sao chép tài liệu của người khác cho những đề tài của mình. Tình trạng sao chép này dẫn đến trường hợp có những tài liệu đã được sao chép dây chuyền qua rất nhiều người. Và nếu như chúng ta không trang bị cho giáo viên những công cụ phát hiện đạo văn, đơn cử như công cụ kiểm tra tính cá biệt của tác phẩm thì rất khó phát hiện được tình trạng đạo văn, sao chép tài liệu…
Phát hiện “cop” tiểu luận sẽ không công nhận điểm Đem vấn đề “chất xám” đang được rao bán công khai hiện nay đến trao đổi với đại diện Ban Giám hiệu ĐH KTQD HN, chúng tôi được PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng cho biết: Hiện tượng mua bán các file tiểu luận, khóa luận như hiện nay rất đáng lên án. Bởi đây là hoạt động kinh doanh gây ảnh hưởng “chất xám” học đường. Các trường hợp sử dụng file tiểu luận, khóa luận để nộp, lấy điểm cho mình phải bị xử lý nghiêm. Cũng theo PGS. TS Bùi Anh Tuấn, để ngăn ngừa việc sinh viên mua “chất xám”, lấy tiểu luận, khóa luận người khác làm của mình, hằng năm, nhà trường đều phổ biến nội quy rộng rãi tới các khóa học. Theo đó, những sinh viên nào nếu bị phát hiện gian lận trong quá trình làm tiểu luận, khóa luận sẽ bị xử lý nghiêm. Điểm số theo đó sẽ bị hạ xuống (tùy từng mức độ vi phạm). Đặc biệt, đối với trường hợp sử dụng đề tài, khóa luận của người khác khi bị phát hiện, nhà trường còn thực thi biện pháp không công nhận điểm, đưa ra kỷ luật trước trường. PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho hay: Để ngăn chặn việc mua bán “chất xám” như hiện nay, các trường đại học cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến nội quy liên quan đến việc xử lý nghiêm các sai phạm có liên quan cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn đề tài tiểu luận, khóa luận, chuyên đề… cần sát sao trong quá trình chấm điểm, kiểm tra tính trung thực đối với từng học sinh, sinh viên. Bởi trên thực tế cũng có thể xảy ra trường hợp sinh viên trường này do cùng khối ngành kinh tế đã mua đề tài, khóa luận của sinh viên trường khác. Đồng thời, trong quá trình chấm duyệt, cần phân loại mảng đề tài một cách rõ rệt để từ đó sớm phát hiện, xử lý kịp thời các tiểu luận, khóa luận tốt nghiệp trùng lặp, có dấu hiệu gian lận.
Theo CAND
"Đạo văn" ngoài tầm kiểm soát!
Nạn sao chép tài liệu, luận văn... đã khiến cho trường đại học - môi trường giáo dục bậc cao - trở thành nơi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vừa nhiều vừa phức tạp.
"Việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong trường ĐH vừa nhiều về số lượng vừa phức tạp về tính chất. Nhiều giảng viên, sinh viên vi phạm rất hồn nhiên" - TS. Lê Văn Hưng, Trưởng Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế TPHCM, nhìn nhận tại hội thảo "Bảo vệ quyền tác giả trong trường ĐH" do Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức sáng 23/6.
Chép từ tài liệu sao chép!
TS. Lê Văn Hưng nêu thực tế: Nhiều giảng viên sao chép tài liệu của người khác nhưng không dẫn nguồn. Hành vi đó đã trở thành một thói quen tồn tại nhiều năm. Giảng viên sử dụng lâu dần rồi trở thành "tài sản" của mình cho đến khi "xảy ra chuyện" mới giật mình thì sự đã rồi. Qua khảo sát về việc sử dụng công trình nghiên cứu khoa học của người khác để làm luận văn, luận án của nghiên cứu sinh, học viên cao học, TS. Lê Văn Hưng nhận định việc phát hiện sao chép rất khó. Đối với khóa luận tốt nghiệp của sinh viên thì lại càng khó hơn vì nhiều đề tài lặp đi lặp lại và số lượng sinh viên làm khóa luận mỗi năm đều rất đông. "Thực tế là việc sao chép trong trường ĐH nằm ngoài tầm kiểm soát. Thậm chí việc sao chép phổ biến đến mức có người lại sao chép cả những tài liệu đã được sao chép từ người khác" - TS. Lê Văn Hưng nói.
TS. Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cũng cho biết thực tế, có những người hướng dẫn lại cùng đứng tên cuốn sách của chính học trò của mình, rồi đưa vào hồ sơ để xin học hàm. Hay có những người làm chủ biên nhưng không viết chữ nào... Theo TS. Vũ Mạnh Chu, đây là thực tế đáng tiếc vì người thầy trước hết phải có danh dự của người thầy, bên cạnh đó là đạo đức của người làm khoa học.
Sinh viên cần phải học về đạo đức nghiên cứu khoa học khi bước chân vào giảng đường ĐH.
Cần quy chế sở hữu trí tuệ trong trường ĐH
Thạc sĩ Trương Thùy Trang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, cho rằng giảng dạy, nghiên cứu trong trường ĐH nhằm mục đích chủ yếu cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội, nguồn nhân lực này không chỉ thành thạo kỹ năng và có hiểu biết mà còn phải có phẩm chất đạo đức. Họ cần nhận thức rằng cái gì sử dụng của người khác thì phải xin phép, có như vậy đạo đức nghề nghiệp mới được gìn giữ.
Thạc sĩ Trương Thùy Trang cho rằng các trường ĐH cần xây dựng quy chế quản lý sở hữu trí tuệ. Quy chế bao gồm các quy định về quyền sở hữu, ưu tiên bảo mật, về tổ chức khai thác thương mại, về phân chia lợi ích và các thủ tục... Bên cạnh đó, cần hình thành đầu mối chuyên trách theo dõi, giám sát và triển khai các nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ, kịp thời xử lý những xung đột liên quan đến sở hữu trí tuệ trong trường ĐH...
Thông qua việc so sánh kinh nghiệm bảo hộ sở hữu trí tuệ của một số trường ĐH nước ngoài, PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, giảng viên Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng để tránh việc "đạo văn", ngay khi nhập học tuần đầu tiên, sinh viên cần phải được giới thiệu về các nguyên tắc bảo vệ sở hữu trí tuệ, trong đó đặc biệt là đạo đức của người nghiên cứu khoa học và những hình thức kỷ luật nếu sinh viên "đạo văn". Bên cạnh đó, các trường cũng tạo điều kiện cho các thầy cô có cơ hội sử dụng các công cụ phát hiện "đạo văn" như các phần mềm hỗ trợ việc phát hiện việc sao chép hiện đang được bán trên thị trường...
Theo Thùy Vinh
Người lao động
Ngày càng có nhiều teen "đạo văn" qua internet Hiện nay tại Anh, có gần 90 trường trung học và hơn 130 trường đại học đang sử dụng các phần mềm phát hiện đạo văn nhằm phát hiện ra các học sinh gian lận đang ngày càng gia tăng, gấp đôi so với 2 năm trước đây. Điều này báo động tình trạng các học sinh cần được dạy dỗ lại về...