Qatar phản đối mọi sự hiện diện của lực lượng nước ngoài tại Gaza
Kết thúc Diễn đàn Doha thường niên ngày 11/12 tại Qatar, đa số các nhà lãnh đạo Trung Đông phản đối mọi hành động can thiệp quân sự nước ngoài tại Dải Gaza sau khi xung đột giữa Hamas – Israel chấm dứt.
Cảnh đổ nát sau vụ oanh kích của Israel xuống trại tị nạn Maghazi, miền Trung Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani khẳng định không một quốc gia Arab nào sẽ cử các lực lượng để bình ổn Dải Gaza khi không còn giao tranh. Ông cũng thể hiện rõ quan điểm phản đối sự hiện diện của các lực lượng quốc tế tại Gaza trong điều kiện hiện nay.
Trong khi đó, Thủ tướng Jordan Bisher Khasawneh cảnh báo việc không giải quyết được vấn đề hậu chiến đồng nghĩa với tình hình tại Gaza sẽ trở nên tồi tệ hơn trong 1 hoặc 2 năm.
Về phần mình, Thủ tướng Chính quyền Palestine (PA) Mohammad Shtayyeh khẳng định không được phép xóa sổ phong trào Hamas, bởi đây “là một phần không thể tách rời của nền chính trị Palestine”.
Video đang HOT
Trước diễn biến phức tạp tại Gaza, Qatar vẫn đang nỗ lực thúc đẩy một lệnh ngừng bắn mới giống với lệnh ngừng bắn kéo dài 7 ngày vào tháng trước kèm với đó là thỏa thuận giữa Hamas và Israel về trả tự do các con tin, tù nhân cũng như đẩy mạnh công tác cứu trợ nhân đạo. Thủ tướng Thani nhấn mạnh các nước Trung Đông cần có chung trách nhiệm chấm dứt xung đột hiện nay và các bên liên quan cần trở lại bàn đàm phán để tìm ra giải pháp sau cùng.
Diễn đàn Doha là sự kiện thường niên do Qatar đăng cai, chủ yếu quy tụ các quốc gia khu vực Trung Đông để bàn về các thách thức lớn của thế giới. Diễn đàn năm nay không đưa ra được các chính sách cụ thể, nhất là thiếu sự tham gia của các quốc gia như Saudi Arabia, Liban và Ai Cập.
Hãng tin AFP (Pháp) ngày 12/12 dẫn lời 3 nhà ngoại giao cho biết quan chức của trên 20 nước, trong đó có Israel nhưng không có quốc gia Arab nào, sẽ có mặt tại Paris vào ngày 13/12 để xác định chiến lược về cách thức hạn chế tài chính của Hamas và các hoạt động trực tuyến của phong trào này. Hiện Pháp đang cùng Đức, Italy thúc đẩy để Liên minh châu Âu (EU) đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Hamas.
Nga lên tiếng về mối quan hệ với Hamas
Nga đang giữ liên lạc với văn phòng chính trị của phong trào Hồi giáo Hamas ở Qatar, nơi tổ chức phần lớn các cuộc đàm phán về trao trả con tin với Israel.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu trực tuyến trong khuôn khổ Diễn đàn Doha. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trực tuyến tại một diễn đàn ở thủ đô Doha của Qatar ngày 10/12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã lên tiếng giải thích về mối quan hệ giữa Moskva và nhóm vũ trang Hamas của Palestine.
Theo đó, ông Lavrov cho biết Nga chỉ duy trì tiếp xúc với văn phòng chính trị của lực lượng này, có trụ sở chính tại Qatar. Và những liên hệ này giúp đạt được thỏa thuận thả con tin, điều mà Israel phản ứng tích cực.
"Hamas đã thực hiện một cuộc tấn công khủng bố vào ngày 7/10 và chúng tôi đã ngay lập tức lên án hành động này. Hamas có một nhánh chính trị hoạt động ở Doha và chúng tôi có quan hệ với nhánh chính trị đó. Đồng thời chúng tôi đã lập tức liên lạc với những người liên quan ở Doha để thảo luận về số phận của các con tin", ông Lavrov nêu rõ.
Tại thời điểm Israel và Hamas nhất trí ngừng bắn tạm thời và trao đổi con tin vào tháng trước, Nga đã sơ tán trên 750 công dân nước này, trong đó có 300 trẻ em, khỏi vùng chiến sự.
Lệnh tạm dừng giao tranh - kết quả của nỗ lực đàm phán suốt nhiều tuần do Qatar làm trung gian - đã chứng kiến Hamas thả tự do cho 110 người bị bắt hôm 7/10 và Israel thả 240 tù nhân người Palestine.
Ngoài thỏa thuận trao trả con tin chính giữa Hamas và Gaza, Nga đã đảm bảo được sự an toàn cho các công dân nước này bị Hamas bắt giữ, đồng thời tiếp đón ít nhất một phái đoàn Hamas ở Moskva trong quá trình đàm phán.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố Moskva sẽ tiếp tục gia tăng áp lực chính trị để đạt được lệnh ngừng bắn nhân đạo ở Dải Gaza.
Ông Lavrov khẳng định trong mọi vấn đề vẫn luôn có những hy vọng về giải pháp ngoại giao và đây là những gì mà Nga đã cố gắng thực hiện kể từ khi bạo lực bùng phát tại Gaza. Ông bày tỏ lên án mạnh mẽ các vụ tấn công khủng bố vào Israel, cũng như bất kỳ cuộc tấn công khủng bố nào. Tuy nhiên, việc trừng phạt tập thể hàng triệu dân thường Palestine là không thể chấp nhận được.
Tình hình ở Trung Đông trở nên xấu đi sau khi các tay súng Hamas từ Dải Gaza xâm nhập vào lãnh thổ Israel ngày 7/10 vừa qua, khiến nhiều cư dân tại các khu định cư biên giới thiệt mạng và bắt giữ con tin. Israel đã tuyên bố phong tỏa hoàn toàn vùng đất này và tiến hành các chiến dịch quân sự.
Theo cơ quan y tế ở Gaza, trên 1,9 triệu người, tương đương với 80% dân số, ở vùng đất này phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán do cuộc chiến kéo dài hơn hai tháng qua. Số người thiệt mạng đã vượt quá 17.000 người, với các nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Chuyến hòa giải chưa từng có đối với Qatar cứu vãn thỏa thuận ngừng bắn mong manh Thỏa thuận dường như đang trên đà đổ vỡ. Trong khi phong trào Hồi giáo Hamas cáo buộc Israel không giữ đúng cam kết thì Israel đe dọa tiếp tục các cuộc tấn công chết người vào Dải Gaza. Một tù nhân Palestine, được trả tự do theo thỏa thuận ngừng bắn, gặp lại người thân ở Ramallah, Bờ Tây ngày 26/11/2023. Ảnh:...