Putin sẽ làm gì nếu đúng IS đánh bom máy bay chở khách Nga
Ông Putin được dự đoán sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động chống khủng bố tại Syria và cả ở trong nước nếu thực sự máy bay Nga bị rơi ở Ai Cập là do Nhà nước Hồi giáo tấn công.
Một binh sĩ Ai Cập đứng canh gác tại hiện trường vụ rơi máy bay Nga trên bán đảo Sinai. Ảnh: Reuters
Năm 1999, hàng loạt vụ đánh bom nhằm vào các tòa chung cư ở ba thành phố Moscow, Buinaksk và Volgodonsk của Nga khiến gần 300 người thiệt mạng. Vụ việc thổi bùng lên tâm lý hoang mang, lo sợ trên khắp đất nước. Ông Vladimir Putin, khi đó giữ chức thủ tướng Nga, đã xử lý tình huống một cách khá khôn khéo. Đích thân ông đứng ra giám sát các cuộc tấn công tại nước cộng hòa ly khai Chechnya và thề sẽ diệt trừ những tay súng Hồi giáo cực đoan, bên bị cáo buộc gây ra thảm kịch.
Theo Wall Street Journal, chính hành động cứng rắn này đã đưa ông Putin tới chiếc ghế tổng thống, đồng thời trở thành dấu ấn trong phong cách điều hành của ông chủ Điện Kremlin: luôn cương quyết và mạnh tay trước khủng bố.
“Chỉ có thể nói chuyện với các phần tử khủng bố bằng biện pháp mạnh. Chúng không thể hiểu thứ ngôn ngữ nào khác”, ông Putin năm 2001 quả quyết, vài tháng sau sự kiện khủng bố 11/9 tại Mỹ.
Điện Kremlin hôm qua bác bỏ nghi ngờ của Anh cho rằng một thiết bị nổ đặt trên khoang khiến chiếc máy bay thuộc hãng hàng không giá rẻ Kogalymavia ( Metrojet), Nga, rơi trên bán đảo Sinai, Ai Cập, hôm 31/10, cướp đi sinh mạng của 224 người. Dù vậy, theo bình luận viên Nathan Hodge và Olga Razumovskaya, với thái độ không thỏa hiệp với khủng bố được duy trì bấy lâu nay của ông Putin, Moscow chắc chắn sẽ có những động thái quân sự cụ thể để đáp trả nếu nguyên nhân thảm kịch được xác định là do Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Moscow hôm 30/9 phát động chiến dịch không kích phiến quân IS ở Syria. Trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc, ông Putin ngầm khẳng định Nga là cường quốc duy nhất trên thế giới đủ khả năng ngăn chặn sự bành trướng của các tay súng cực đoan IS. Ông cũng thể hiện rõ ràng rằng yếu tố bất ngờ là một phần không thể thiếu trong chiến lược chống khủng bố của Nga.
“Đường phố ở Leningrad đã dạy tôi một điều. Nếu không thể tránh khỏi một cuộc chiến thì hãy ra đòn trước”, Tổng thống Putin tháng trước nói. “Thà chiến đấu với chúng ở đó còn hơn là chờ chúng kéo đên đây”.
Ông Putin nói chiến dịch quân sự của Nga sẽ chỉ dừng lại ở các cuộc không kích, song giới quan sát nhận định Moscow nhiều khả năng sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động ở Syria và nhanh chóng có những bước đi mới để diệt trừ các phần tử cực đoan trong nước, đặc biệt là nếu vụ tai nạn máy bay Nga thực sự do các nhóm khủng bố gây ra.
“Hãy nhìn vào cách Tổng thống Putin đối phó với khủng bố trong quá khứ, ông ấy luôn đáp trả bằng vũ lực với một chiến lược không gì khác ngoài diệt trừ tất cả”, Varvara Pakhomenko, nhà phân tích từ nhóm Khủng hoảng Toàn cầu, đánh giá. “Vậy nên việc Nga tăng cường hoạt động quân sự ở Syria là hoàn toàn có thể xảy ra”.
Lúc này, người dân Nga sẽ nhận ra tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông không còn là những thứ quá xa xôi chỉ xuất hiện trên bản tin mà thực chất nó đang ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống và tính mạng của chính họ.
Gần hai năm qua, ông Putin đã thu hút được một lượng người ủng hộ khổng lồ, khơi dậy làn sóng yêu nước bằng những động thái cứng rắn ở Ukraine và bây giờ là Syria. Nhưng nếu thảm kịch với máy bay Nga được chứng minh là do khủng bố, đây sẽ là quả bom công phá mạnh mẽ vào ánh hào quang mà Tổng thống Nga đã dày công gây dựng, cây bút RupertCornwell từ Independent, nhận xét.
Việc chi nhánh IS ở Ai Cập tuyên bố bắn hạ chiếc phi cơ càng làm dấy lên những mối ngờ vực trong công chúng rằng hành động can thiệp quân sự ở Syria khiến quân khủng bố chĩa mũi dùi sang Nga.
Video đang HOT
Vì thế, ông Putin sẽ cảm thấy cần phải gia tăng hơn nữa áp lực lên IS và cả những lực lượng đang lăm le gây nhiễu loạn bên trong nước Nga bằng các chiến dịch quân sự quy mô hơn.
“Dân chúng Nga đòi hỏi Putin phải hành động và tôi dám chắc ông ấy sẽ làm theo”, bằng cách đẩy mạnh hoạt động quân sự ở Syria, Michael Pregent, cựu nhân viên tình báo Mỹ, nói.
Pregent so sánh việc IS tuyên bố bắn hạ máy bay Nga với việc nhóm này hồi tháng hai tung ra đoạn video quay cảnh thiêu sống viên phi công Jordan. Hành vi man rợ của IS khi đó khiến chính quyền Jordan quyết định tham gia tích cực hơn vào cuộc chiến chống IS.
Sự kiện lần này cũng giống với vụ việc gần 9 tháng trước đã thôi thúc vua Jordan tăng cường các cuộc không kích chống IS, Pregent cho hay. Động lực đó có thể “còn lớn hơn gấp trăm lần đối với một người như ông Putin”.
Bắt tay với Ai Cập chống IS
Một phương án khả thi khác là Nga sẽ bắt tay với Ai Cập cùng chiến đấu chống khủng bố, theo quan sát viên Pamela Engel từ Business Insider.
“Ai Cập là một trong số rất ít các quốc gia Arab ủng hộ Nga can thiệp vào Syria, nếu không muốn nói là nước duy nhất”, Boris Zilberman, chuyên gia về Nga và Trung Đông, nhận định. “Ông Putin từng nêu rõ luôn ưu tiên việc củng cố hợp tác kinh tế, quân sự và năng lượng với Ai Cập”.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin có thể né tránh việc quy kết trách nhiệm cho IS bởi điều đó có nguy cơ kéo ông lún sâu hơn vào cuộc chiến. “Câu hỏi lớn lúc này là Nga sẽ đổ lỗi cho bên nào”, Michael Kofman, chuyên gia nghiên cứu về Nga và chính sách công tại Trung tâm Wilson, nhận xét.
Nhưng nếu IS thực sự là thủ phạm thì Moscow sẽ buộc phải đẩy mạnh các cuộc công kích nhằm vào IS mà mục tiêu dễ thấy nhất là Raqqa, trung tâm đầu não của quân khủng bố ở Syria.
“Nếu Nga tin rằng IS làm việc đó thì họ chắc chắn sẽ đáp trả”, ông Kofman nói.
Đến nay, Nga vẫn cho rằng khả năng chiếc phi cơ của nước này bị khủng bố tấn công là không cao. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm qua nhấn mạnh bất cứ thông tin nào xuất phát từ các nguồn không phải cơ quan điều tra thì đều “chưa được xác minh” hoặc “nghi vấn”.
Bình luận của ông Peskov xuất hiện sau khi Thủ tướng Anh David Cameron bày tỏ quan ngại về việc máy bay Nga “có thể rơi vì một thiết bị nổ”.
Tổng thống Nga hôm qua có cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh. Theo thông báo từ điện Kremlin, ông Putin đã đề cập tới tầm quan trọng của việc đưa thông tin dựa trên các nguồn của cơ quan điều tra chính thức.
Alexander Neradko, người đứng đầu Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga, khẳng định các nhân viên điều tra chưa loại bỏ bất kỳ nguyên nhân nào. Các nhóm làm việc riêng biệt sẽ xem xét những khía cạnh khác nhau của vụ việc. Một nhóm sẽ tìm hiểu về quá trình chuẩn bị trước khi bay của phi công, một nhóm rà soát thông số kỹ thuật cũng như lịch sử bảo trì của máy bay, nhóm khác lật lại hồ sơ của phi hành đoàn. Một nhóm nhận nhiệm vụ kiểm tra thi thể cùng hành lý của các nạn nhân để xác định nguyên nhân tai nạn, bao gồm cả kịch bản có bom gài trên máy bay, ông Neradko cho biết thêm.
Moscow đã phải đấu tranh với làn sóng Hồi giáo cực đoan ở khu vực Bắc Caucasus trong hơn một thập kỷ qua nhưng các nhà phân tích cho rằng chính sự hiện diện của Nga trên chiến trường Syria đã kéo nước này vào thế đối đầu trực diện với IS. Lực lượng này đã và đang từng bước xâm nhập vào vùng Bắc Caucasus.
“Trước khi Nga tăng cường hiện diện ở Syria, các cuộc nổi dậy ở nước này chỉ nằm bên rìa của phong trào khủng bố toàn cầu”, bà Pakhomenko nói. “Nhưng Nga một lần nữa lại phải đối diện với mối đe dọa khủng bố và các tay súng cực đoan sẽ nhìn Nga như cách mà chúng đang nhìn vào Mỹ”.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Nguyên nhân rơi máy bay Nga có thể bị che giấu vì lợi ích quốc gia
Một số chuyên gia cho rằng trước khi công bố báo cáo chính thức, các bên liên quan có thể che giấu nguyên nhân máy bay Nga gặp nạn để bảo vệ lợi ích.
Một người đàn ông đặt hoa tưởng niệm tại nơi máy bay Nga rơi. Ảnh: AFP
Ngày 31/10, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Ai Cập tuyên bố đã hủy hoại máy bay mang số hiệu 7K9268 của hãng hàng không giá rẻ Nga Kogalymavia (Metrojet) trên bán đảo Sinai, Ai Cập, khiến toàn bộ 217 hành khách cùng 7 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Căn cứ vào các nghiên cứu ban đầu tại hiện trường, giới chức Ai Cập cũng như các điều tra viên đã bác bỏ tuyên bố này và nhận định không có dấu hiệu cho thấy máy bay bị tấn công khủng bố.
Chuyên gia Thierry Vigoureux của nhật báo Le Point của Pháp nhận định việc điều tra sẽ rất phức tạp và kéo dài bởi vụ việc liên quan đến lợi ích của nhiều bên và nhiều quốc gia khác nhau. Báo cáo sơ bộ sẽ được đưa ra sớm nhất sau một tháng, còn báo cáo chi tiết sẽ được công bố sau khoảng một năm.
Trong khoảng thời gian báo cáo điều tra chưa được đưa ra, các bên liên quan thường tìm cách bảo vệ lợi ích thiết yếu của mình, chuyên gia này cho hay.
Theo đó, việc một máy bay dân sự chở nhiều du khách bị bắn hạ hoặc bị tấn công khủng bố sẽ đẩy nền công nghiệp du lịch vốn đang khó khăn của Ai Cập vào tình trạng khốn đốn hơn. Giới chức Ai Cập ngay lập tức khẳng định không có dấu hiệu khủng bố trong thảm kịch hàng không này là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Liên quan đến Nga, các chuyên gia của Pháp nhận định rằng việc công bố khả năng xảy ra khủng bố với chiếc máy bay tại thời điểm này sẽ ảnh hưởng lớn đến dư luận trong nước, đặc biệt khi IS tuyên bố làm như vậy để trả thù chiến dịch can thiệp quân sự của Nga tại Syria.
Nhiều khả năng giới chức Nga lo ngại tỷ lệ người dân Nga ủng hộ chiến dịch không kích ở Syria sẽ sụt giảm vì lo sợ và tức giận với nguy cơ khủng bố. Sẽ không khách quan nếu nói rằng Nga tìm cách che giấu sự thật, nhưng không đề cập đến khả năng xấu vào thời điểm này là hoàn toàn hợp lý, các chuyên gia Pháp nhận định.
Ngoài ra các nhân viên điều tra của Pháp và Đức được phái đến hỗ trợ cũng sẽ rất thận trọng khi đưa ra tuyên bố bởi Ai Cập là khách hàng vũ khí lớn nhất của Pháp gần đây với nhiều hợp đồng máy bay và tàu chiến có giá trị lớn.
Khả năng khủng bố
Nhiều chuyên gia hàng không Pháp cho rằng khả năng máy bay Nga bị tấn công khủng bố tương đối cao, và xác suất máy bay gặp sự cố kỹ thuật là rất thấp.
Chuyên gia hàng không Michel Polacco của đài France Info cho rằng phạm vi phân tán các mảnh vỡ của máy bay cho thấy có một sức nén bung ra rất lớn đã khiến toàn bộ cấu trúc của máy bay bị vỡ tung. Khả năng trục trặc kỹ thuật dẫn đến hiện tượng này rất hiếm khi xảy ra, thậm chí hầu như không có.
"Phạm vi phân tán của tán của các mảnh vỡ khiến chúng tôi nghĩ đến khả năng khủng bố, bởi chỉ có chất nổ hoặc bom mới gây ra sức công phá lớn như vậy", ông Polacco nói.
Các chuyên gia an ninh và hàng không cho biết phiến quân trên bán đảo Sinai chỉ sở hữu tên lửa vác vai, loại tên lửa chủ yếu dùng để bắn trực thăng và máy bay tầm thấp ở độ cao khoảng 6.000 mét. Máy bay 7K9268 đang bay ở độ cao hơn 9.400 mét lúc gặp nạn, nên rất khó có thể vỡ tung vì trúng một quả tên lửa vác vai.
Bản tuyên bố của IS không đề cập cụ thể đến việc dùng tên lửa để bắn rơi máy bay. Chúng chỉ khẳng định đã gây ra vụ việc và không đề cập đến cách thức tiến hành ra sao.
Hơn nữa, lực lượng phiến quân thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo IS đã rất tự tin khi đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc. Bản tuyên bố của chúng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, thậm chí còn được ghi âm để phát tán.
Theo chuyên gia về khủng bố Romain Caillet, đến nay IS chưa bao giờ nhận trách nhiệm về một vụ khủng bố mà chúng không gây ra, ngoại lệ duy nhất là cuộc tấn công vào trại lính của Nga ở Caucasus vào tháng 9 năm ngoái. Nếu tiếp tục làm như vậy, phiến quân IS sẽ đối mặt với khả năng đánh mất thanh thế mà chúng đang nỗ lực gây dựng trong thời gian qua.
"Việc thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào Nga ở Ai Cập có ý nghĩa với IS bởi Ai Cập là quốc gia Arab duy nhất ủng hộ chiến dịch can thiệp quân sự của Nga tại Syria", ông Caillet cho biết.
Ông Vigoureux cho rằng rất khó xảy ra lỗi kỹ thuật hoặc sai sót của con người, bởi dù hoạt động đã lâu, chiếc máy bay gặp nạn được bảo dưỡng tốt và phi hành đoàn được đánh giá là những người dày dạn kinh nghiệm.
Một khi đã đạt đến độ cao hành trình, dù động cơ bị hỏng và ngưng hoạt động hoàn toàn, máy bay vẫn có khả năng đáp xuống một sân bay gần nhất, ông nói.
Ông này đặt giả thuyết một kẻ đánh bom tự sát của IS đã đặt chất nổ hoặc thiết bị gây cháy vào khoang của máy bay, và ngòi nổ có thể được kích hoạt bằng đồng hồ hẹn giờ hoặc một cơ chế kích hoạt nổ theo độ cao, sát hại toàn bộ 224 người trên chiếc phi cơ.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Nga kêu gọi dừng sử dụng Boeing 737 Cơ quan điều tra tai nạn hàng không Nga hôm qua kêu gọi tạm ngừng sử dụng phi cơ Boeing 737 ở nước này vì có "nhiều thiếu sót nghiêm trọng". Phi cơ Boeing 737 thuộc hãng hàng không Nga Orenburg Airlines cất cánh từ sân bay Vnukovo, ngoại ô Moscow, ngày 21/4. Ảnh: AP. Ủy ban Hàng không Liên bang Nga (MAK)...