Putin sắp vào sách lịch sử của Nga
Bộ Giáo dục Nga quyết định sẽ đưa sự nghiệp chính trị của ông Putin vào một chương trong cuốn giáo trình lịch sử mới sắp được ban hành.
Ngày 23/9, một quan chức Bộ Giáo dục Nga cho biết họ sẽ dành một chương trong giáo trình lịch sử chính thức mới của Nga để viết về sự nghiệp chính trị của Tổng thống Vladimir Putin trong giai đoạn sau khi ông lên nắm quyền vào năm 2000.
Giai đoạn lịch sử từ năm 2000, khi Putin kế nhiệm cựu Tổng thống Boris Yeltsin cho đến khi ông được bầu làm Tổng thống nhiệm kỳ 3 vào năm 2012 sẽ trở thành một phần riêng biệt trong cuốn giáo trình lịch sử sắp sửa được giới thiệu này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Quan chức Bộ Giáo dục Nga cho hay: “Sau thời gian dài tham vấn, chúng tôi đã quyết định rằng cuốn giáo trình này cần phải có giai đoạn lịch sử với các cuộc bầu cử Tổng thống gần đây nhất của Nga.”
Ông này cũng thừa nhận đã có nhiều nghi vấn và tranh cãi xung quanh vấn đề này, nhưng cuối cùng họ vẫn quyết định vẫn tiếp tục thực hiện động thái “vẫn rất phổ biến trên toàn cầu” này.
Hồi đầu năm, ông Putin đã lệnh cho các nhà sử học tại Viện Khoa học Nga chuẩn bị một cuốn sách giáo khoa chuẩn hóa cung cấp cho các học sinh hiểu biết rõ ràng về lịch sử nước Nga.
Video đang HOT
Trong tháng 2, ông Putin cũng đã yêu cầu các nhà sử học xây dựng một giáo trình lịch sử không chứa đựng “những mâu thuẫn nội tại và những sự kiện mơ hồ” bởi các giáo trình lịch sử hiện nay của nước Nga chứa đựng quá nhiều quan điểm trái ngược nhau.
Quyết định của Bộ Giáo dục Nga đưa sự nghiệp chính trị của ông Putin vào sách lịch sử đã gây nên những căng thẳng cho những người chịu trách nhiệm soạn thảo, khi họ phải đưa ra đề cương của giáo trình này vào tuần sau.
Hiện vẫn chưa rõ những sự kiện nào trong sự nghiệp chính trị của Putin sẽ được đề cập, và giáo trình này sẽ dành bao nhiêu trang cho các vấn đề gây nhiều tranh cãi trong xã hội Nga, chẳng hạn như cách xử lý vấn đề chiến tranh ở Chechnya của ông Putin.
Tờ Izvestia, cơ quan ngôn luận của điện Kremlin cho biết chính bản thân ông Putin cũng đã lên tiếng phản đối kế hoạch đưa sự nghiệp của ông vào sách lịch sử và nói rằng vẫn chưa đến lúc đánh giá các sáng kiến chính trị của ông. Người phụ trách báo chí của ông Putin cũng đã bác bỏ sự liên quan của Tổng thống tới dự án này.
Ông Dmitry Peskov, phụ trách báo chí của ông Putin nói: “Tổng thống sẽ không can thiệp vào công việc của các học giả và giáo viên. Hãy để các chuyên gia quyết định xây dựng cuốn sách này như thế nào, và liệu có cần thiết phải đưa vào sách sự nghiệp của tổng thống hiện thời hay không.”
Năm 2007, ông Putin đã gây ra một số tranh cãi trong dư luận Nga khi ban hành một chỉ đạo cho các giáo viên lịch sử nói rằng cách lãnh đạo độc đoán của Stalin là cần thiết, đồng thời đưa ra khái niệm về dân chủ trong vòng quản lý.
Theo Pravda
Syria: Ông Putin mỉa mai sự bất lực của phương Tây
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (19/9) đã lên tiếng chỉ trích gay gắt các cường quốc phương Tây về sự bất lực của họ trong việc đưa ra một kế hoạch thích hợp cho tương lai của Syria mà không có Tổng thống Bashar al-Assad cũng như những dự liệu phải làm gì nếu những kẻ khủng bố lên cầm quyền ở nước này.
Tổng thống Putin
Phát biểu tại cuộc họp hàng năm của Câu lạc bộ Valdai, ông Putin cho biết, ông đã thảo luận những vấn đề như vậy với một loạt người đồng cấp phương Tây và chỉ nhận được những câu trả lời mập mờ, không chắc chắn cho các câu hỏi của ông về tương lai của đất nước đang chìm trong bạo lực chiến tranh này.
"Khi tôi có cuộc gặp với những người đồng nghiệp phương Tây, tôi nói: Được thôi, về bản chất, các ông muốn gạt bỏ những kẻ khủng bố sang một bên và giúp họ (phe nổi dậy Syria) lên cầm quyền nhưng sau đó thì thế nào?", Tổng thống Putin cho biết đồng thời nhấn mạnh đến việc Mỹ và các đồng minh phương Tây của nước này từng thừa nhận thực tế rằng, các nhóm có liên quan đến al-Qaida đang là một phần rất lớn trong lực lượng nổi dậy chống chính quyền của ông Assad.
"Các bạn sẽ làm gì - lấy một tờ báo và gạt họ ra khỏi vị trí cầm quyền này? Nhưng điều đó là không thể, chúng ta biết là không thể", ông chủ điện Kremlin cho hay, lấy dẫn chứng về sự thất bại của phương Tây trong việc đưa nền dân chủ vào Iraq và Libya thông qua chiến dịch can thiệp quân sự.
Theo nghiên cứu gần đây của tổ chức quốc phòng IHS Jane's có trụ sở ở thủ đô London, 1/10 trong số 100.000 chiến binh nổi dậy đang chiến đấu chống lại chính phủ Syria là những phần tử có liên quan đến tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới al-Qaida. Theo chính quyền của ông Assad, con số này thực chất còn cao hơn gấp nhiều lần. Các phần tử Hồi giáo cực đoan đang tiến dần tới việc thống trị các phe nhóm nổi dậy.
Nhà lãnh đạo Nga một lần nữa khẳng định, việc sử dụng vũ lực ở Syria chỉ có thể được phép thực hiện nếu được sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chứ không phụ thuộc vào kết quả của một quyết định đơn phương bởi một nước nghĩ mình "vô địch".
Theo lời ông Putin, sự đồng thuận trong các vấn đề liên quan đến chiến tranh, hòa bình phải là nguyên tắc nền tảng, cơ bản của Liên Hợp Quốc và đi ngược lại nguyên tắc đó sẽ làm phương hại đến bản chất của tổ chức quốc tế này.
"Đó sẽ là một cú giáng mạnh vào trật tự thế giới chứ không phải vào Syria ", Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Ông chủ điện Kremlin cũng tái khẳng định, cuộc khủng hoảng ở Syria chỉ có thể được giải quyết thông qua một cuộc đối thoại nội bộ giữa chính phủ và các phe nhóm đối lập. "Dù khó khăn như thế nào, chúng ta cũng phải thuyết phục hai bên tìm ra những điểm chung, đi đến thỏa thuận để tìm cách cân bằng lợi ích. Chỉ có như thế thì tình hình đất nước Syria mới có thể ổn định trong lâu dài hay thậm chí là bình thường hóa".
Đề cập đến vấn đề sử dụng vũ khí hóa học, Nhà lãnh đạo Nga tiếp tục nhắc lại quan điểm của nước này là, vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8 vừa rồi ở ngoại ô thủ đô Damascus nhiều khả năng là hành động khiêu khích và nó cần phải được điều tra toàn diện. "Nếu chúng ta tìm được câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi ai gây ra vụ tấn công đó, ai đã gây ra tội ác đó... chúng ta có thể đưa ra quyết định về bước đi tiếp theo", ông Putin nói.
Trong khi phương Tây và Mỹ khăng khăng đổ lỗi cho quân của Tổng thống Assad đã gây ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8 vừa rồi thì Nga tuyên bố không bị thuyết phục bởi các bằng chứng được đưa ra. Moscow tin rằng, vụ tấn công này là âm mưu do phe nổi dậy dàn dựng nhằm lôi kéo sự can thiệp quân sự từ bên ngoài, đặc biệt là từ Mỹ, vào cuộc nội chiến ở Syria .
Mỹ, Nga tiếp tục đối đầu
Trong cuộc tranh cãi dai dẳng, không dứt về việc ai là thủ phạm gây ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ việc Nga "chĩa mũi tên nghi ngờ" về phía phe nổi dậy Syria. Theo ông Kerry, bản báo cáo vừa được các thanh sát viên Liên Hợp Quốc công bố trong tuần này không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho lời cáo buộc của Moscow.
"Nhờ vào bản báo cáo được chờ đợi lâu nay của Liên Hợp Quốc, những sự thực ở Syria mới trở nên rõ ràng hơn và những lập luận trở nên thuyết phục hơn", Ngoại trưởng Kerry cho các phóng viên biết tại trụ sở của Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông này nhấn mạnh, bản báo cáo của Liên Hợp Quốc đã chỉ ra rõ ràng rằng, chính phủ Syria thực hiện vụ tấn công bằng vũ khí hóa học khiến hơn 1.400 người thiệt mạng.
Những phát biểu trên của ông Kerry được đưa ra nhằm đáp trả tuyên bố trước đó của Tổng thống Putin về việc Nga có "đủ mọi lý do để tin" rằng vụ tấn công là một "hành động khiêu khích" bởi nó dã sử dụng những đầu đạn từ thời Liên Xô và không còn xuất hiện trong kho vũ khí của quân đội Syria.
Những phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ cũng được đưa ra vào thời điểm khi mà lãnh đạo các nước trên thế giới chuẩn bị có cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần tới và vấn đề Syria được cho sẽ là một chủ đề nóng bỏng
Theo VNN
Bạc Hy Lai viết tâm thư thề rửa sạch tên tuổi Trong một bức thư được viết từ trong tù gửi gia đình, Bạc Hy Lai thề sẽ rửa sạch tên tuổi và không phụ truyền thống vinh quang của gia đình. Trong khi chờ đợi bản phán quyết được đưa ra vào Chủ nhật tuần này, Bạc Hy Lai đã viết một bức thư từ trong tù gửi tới gia đình và tuyên...