Putin “quyến rũ” 2 đồng minh ruột ở Trung Đông của Mỹ
Chuyến thăm của tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ả rập Xê út và Tiểu các vương quốc Ả rập thống nhất ( UEA) được tiến hành giữa lúc ở khu vực vùng Vịnh có những biến động quan trọng mới mà đều có liên quan đến vai trò và chính sách của Nga.
Tổng thống Nga Putin thăm UAE. Ảnh: Khaleej Times.
Mỹ rút quân đội ra khỏi Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đội vào Syria – nơi mà từ năm 2015 đến nay Nga không chỉ tăng cường hiện diện quân sự mà còn tham chiến trực tiếp và đóng vai trò quyết định đối với mọi khả năng giải pháp chính trị hoà bình cho tương lai của Syria.
Mỹ cùng một số đồng minh trong khu vực vùng Vịnh tiếp tục căng thẳng và đối đầu với Iran nhưng nguy cơ bùng nổ đụng độ quân sự trực tiếp giữa hai bên đã được giảm thiểu đi đáng kể. Nga và Iran có quan hệ hợp tác tốt đẹp và Iran cũng có vai trò nhất định ở Syria.
Với tất cả những nước trong khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh hiện thù địch và đối địch với Iran thì Nga lại có quan hệ thân thiện và hợp tác hiệu quả, trong đó có Ả rập Xê út, UEA và Israel. Qua đó có thể thấy chuyến công du vùng Vịnh này của ông Putin không chỉ đơn thuần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Nga với các nước đối tác này mà còn là một phần trong chủ ý của Nga tạo dựng cục diện quan hệ mới về địa chiến lược, về chính trị an ninh cũng như kinh tế đối ngoại của Nga với cả khu vực này.Ả rập Xê út và UEA cùng với Israel là những đồng minh quân sự chiến lược quan trọng nhất ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh đối với Mỹ.
Video đang HOT
Tuy nhiên, cả hai vương triều ở sa mạc vùng Vịnh này lại đang rất cần đối tác mới về kinh tế và thương mại cũng như đầu tư để hiện đại hoá toàn diện đất nước, thực thi các cuộc cải cách kinh tế và xã hội, thúc đẩy kinh tế đối ngoại nhằm chuẩn bị chu đáo từ rất sớm cho thời kỳ nguồn dầu khí của họ bị cạn kiệt, tức là giảm sự lệ thuộc vào dầu khí. Nga được họ để ý đến và ngày càng coi trọng chính vì thế. Tuy cách xa châu Âu về địa lý và không gần Nga như các nước châu Âu trong EU và NATO nhưng họ lại không bị mắc mớ quan hệ trầm trọng với Nga như những nước kia.
Trong khi đó, những vương triều dầu lửa ở vùng Vịnh như Ả rập Xê út hay UEA thuộc diện những đối tác có tầm quan trọng ngày càng tăng về nhiều phương diện ở tầm chiến lược cũng như chính sách đối với Nga. Nga cần các đối tác này để tăng cường hợp tác về dầu khí, cần nguồn vốn đầu tư và cả thị trường ở đó, kể cả về vũ khí. Mỹ và EU càng duy trì lâu dài các biện pháp chính sách trừng phạt Nga về kinh tế, tài chính và thương mại thì Nga lại càng cần có đối tác chính trị, kinh tế, tài chính, thương mại và đầu tư mới. Nếu những đối tác này đồng thời lại còn là đồng minh quân sự chiến lược của Mỹ ở khu vực này thì lại càng thêm lợi cho Nga vì chẳng khác gì bắn đi một mũi tên nhằm trúng hai đích khi Nga có thể phân hoá Mỹ, EU và Nato với các nước này trong khu vực.
Một mục đích khác nữa mà ông Putin theo đuổi với việc tạo cục diện quan hệ mới ở khu vực này là Nga sớm hay muộn thì rồi cũng sẽ phải cân bằng quan hệ với tất cả các nước trong khu vực để có lợi nhất. Rồi vấn đề Syria cũng sẽ phải được giải quyết. Rồi quan hệ của Mỹ và đồng minh ở khu vực với Iran cũng sẽ được hoá giải. Nga cần trong tương lai gần cũng như tương lai xa sự công nhận và chấp nhận là đối tác tin cậy từ phía tất cả các nước này chứ không phải chỉ là đồng minh và đối tác của riêng một vài nước trong khu vực.
Mỹ rút quân đội ra khỏi Iraq và Syria cũng như giảm cam kết chính sách cho khu vực này tạo ra khoảng trống quyền lực, ảnh hưởng và vai trò mà chỉ Nga mới có đủ khả năng bù lấp và hiện đang có những tiền đề thuận lợi nhất để bù lấp. Ông Putin đã phát hiện khu vực này cho nước Nga và bố trí chiến lược lại cho Nga ở đó.
Theo danviet.vn
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ mục tiêu đàm phán với Nga về Syria
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định nếu chính phủ Syria có thể kiểm soát được Manbij thì sẽ không còn gì để lo lắng.
Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là đạt được thỏa thuận với Nga về việc rút các nhóm người Kurd ra khỏi thành phố Manbij của Syria. Thông tin này được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiết lộ trong bài phát biểu tại Istanbul.
" Chúng tôi muốn những kẻ khủng bố từ Đảng Công nhân người Kurd phải được dọn sạch khỏi các vùng lãnh thổ mà chế độ (Syria) đang kiểm soát", - nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói.Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng, nếu quân đội Syria có thể kiểm soát được Manbij thì "không có lý do gì để lo lắng".
Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là đạt được thỏa thuận với Nga về việc rút các nhóm người Kurd ra khỏi thành phố Manbij của Syria. (Ảnh: kremlin.ru)
Người đứng đầu Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết rằng, ông dự định sẽ thảo luận về vấn đề này với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo sẽ được tổ chức tại Sochi (Nga) vào ngày 22/10. Điện Kremlin thông báo rằng, tại buổi hội đàm, hai Tổng thống sẽ tập trung thảo luận về tình hình ở Syria.
Ngày 9/10, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố bắt đầu chiến dịch quân sự "Mùa xuân Hòa bình" ở đông bắc Syria. Theo ông Erdogan, chiến dịch này nhằm vào "Các Đơn vị Tự vệ Nhân dân" (YPG) và "Lực lượng Dân chủ Syria" của người Kurd - các tổ chức bị coi là khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ bị lên án ở châu Âu, Mỹ và Liên minh các quốc gia Ả-rập, trong khi chính quyền Damascus gọi đây là hành động xâm lược. Sau đó, lực lượng người Kurd đã đạt được thỏa thuận với chính quyền Syria. Theo đó, quân đội chính phủ sẽ giúp họ đẩy lùi cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đến ngày 17/10, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đi đến thống nhất sẽ tạm dừng chiến dịch. Thỏa thuận, được ký giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong khuôn khổ chuyến thăm của ông đến Thổ Nhĩ Kỳ, quy định nhóm người Kurd phải rút khỏi các vùng lãnh thổ giáp ranh với Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria.
Để đổi lấy điều này, Mỹ cần phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Ankara do Tổng thống Donald Trump ban hành. "Lực lượng dân chủ Syria" của người Kurd cũng nhất trí với quyết định tạm dừng chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ.
(Nguồn: NTV)
VĂN ĐỨC
Theo VTC
Màn khẩu chiến gay gắt trên Twitter giữa Tổng thống Trump và cựu Cố vấn An ninh quốc gia Rice Trên Twitter, Tổng thống Donald Trump và cựu Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice có màn đấu khẩu gay gắt sau cuộc trò chuyện của bà Rice trong chương trình HBO. Tối 18/10, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice có cuộc trò chuyện trong chương trình Real Time with Bill Maher. Đây là chương trình trò chuyện được...