Putin phớt lờ mọi cảnh báo của Mỹ ở Crimea
Bất chấp các cảnh báo của Mỹ, Nga vẫn tăng cường ảnh hưởng của mình tại Crimea.
Trong những ngày gần đây, liên tiếp những lời cảnh báo của Tổng thống Mỹ Barack Obama gửi đến Tổng thống Nga Vladimir Putin đều bị gạt sang một bên trong khi ông Putin càng thúc đẩy các nỗ lực nhằm kiểm soát bán đảo Crimea của Ukraine.
Sau khi ông Obama lần đầu tuyên bố rằng Nga sẽ phải “trả giá” nếu Putin đưa quân vào Crimea, các lực lượng thân Nga ở đây đã dần dần chiếm được quyền kiểm soát cả bán đảo này và họ đã quyết định tổ chức sớm một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của vùng đất này.
Mặc dù ông Obama tuyên bố rằng cuộc trưng cầu dân ý này là vi phạm pháp luật quốc tế, nhưng ở khu vực mà người gốc Nga chiếm đa số, nhiều khả năng cuộc trưng cầu dân ý sẽ trở thành một trở ngại đối với nỗ lực của Mỹ nhằm gây sức ép buộc Putin rút quân khỏi Crimea.
Ông Obama trao đổi qua điện thoại với ông Putin về tình hình Ukraine
Ông Andrew Kuchins thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định: “Trong cách nghĩ của Putin, cuộc trưng cầu dân ý này là sự hợp thức hóa sự hiện diện của Nga tại khu vực đó.”
Nếu người dân Crimea nhất trí sáp nhập vào Nga, cuộc trưng cầu dân ý này sẽ đặt chính quyền Obama vào một vị thế khó khăn nếu phản đối nguyện vọng của đông đảo người dân.
Mỹ đã tìm cách bắt kịp những động thái nhanh chóng của người Nga bằng cách đưa ra một loạt biện pháp cấm vận tài chính và đi lại đối với người Nga cùng các đối thủ chính trị của chính quyền lâm thời ở Kiev. Các quan chức Mỹ cũng ra sức ngoại giao con thoi khắp thế giới để thuyết phục các nước rằng hành động quân sự của Moscow ở Crimea là trái pháp luật, và thậm chí Mỹ còn muốn tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc, đồng minh chống phương Tây của Nga.
Hôm thứ Năm, ông Obama đã tuyên bố: “Tôi tin rằng chúng ta đang cùng nhau tiến lên, thống nhất quyết tâm phản đối những hành động vi phạm luật pháp quốc tế và ủng hộ chính phủ, nhân dân Ukraine.”
Cũng trong hôm đó, EU thông báo đã chấm dứt các cuộc hội đàm với chính phủ Nga trong việc ký kết một thỏa thuận kinh tế quan trọng và ngừng quy chế miễn visa du lịch cho công dân Nga trong 28 quốc gia thuộc khối.
Nhà Trắng vẫn tin rằng họ vẫn có thể giải quyết tranh cãi hiện nay với Nga bằng biện pháp ngoại giao. Hôm thứ Năm, Obama đã trò chuyện qua điện thoại với Putin suốt hơn một giờ đồng hồ, đưa ra những giải pháp như Nga rút lực lượng ra khỏi Crimea và tổ chức đàm phán trực tiếp giữa Nga với Ukraine.
Video đang HOT
Lực lượng Nga đã kiểm soát gần như toàn bộ bán đảo Crimea
Tuy nhiên những diễn biến mau lẹ ở Crimea cho thấy câu hỏi cuối cùng mà ông Obama đang đối mặt không phải là Mỹ có thể làm gì để ngăn chặn Nga kiểm soát Crimea, mà Mỹ nên có quan hệ với Nga như thế nào sau khi điều đó xảy ra.
Các cố vấn Nhà Trắng vẫn nói cứng rằng Mỹ sẽ không thể duy trì quan hệ bình thường với Nga nếu Moscow sáp nhập Crimea hoặc thừa nhận nền độc lập của vùng đất này. Tuy nhiên có vẻ như lời đe dọa đó chẳng là gì với Kremlin, vì cả Mỹ và châu Âu cũng đã từng đe dọa như vậy sau khi Nga thừa nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia vào năm 2008, và cho đến nay họ vẫn duy trì lực lượng quân sự ở 2 khu vực này.
Các quan chức Mỹ cho rằng Nga đang áp dụng chiến thuật tương tự như ở Abkhazia và Nam Ossetia để gia tăng ảnh hưởng của mình ở Crimea. Còn các chuyên gia trong khu vực thì cho rằng Putin còn có một mục tiêu lớn hơn: áp đặt ảnh hưởng lên các nghị sĩ ở thủ đô Kiev thông qua cuộc bầu cử sắp diễn ra vào tháng 5 tới đây.
Mặc dù chưa ai có thể biết chắc được về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tới đây ở Crimea, song có nhiều dấu hiệu chứng tỏ người dân ở đây sẽ lựa chọn về với Nga. Khoảng 60% dân số Crimea tự coi mình là người Nga, và hôm qua Quốc hội Crimea đã bỏ phiếu nhất trí với việc sáp nhập vào Nga.
Dân Crimea hoan nghênh quyết định sáp nhập vào Nga của Quốc hội
Trước đây cuộc trưng cầu dân ý được ấn định vào ngày 30/3, song các nghị sĩ Crimea đã đẩy nhanh nó sớm 2 tuần so với kế hoạch. Và cuộc trưng cầu dân ý trước đây chỉ đưa ra khả năng về việc Crimea có được thêm quyền tự trị hay không, còn bây giờ lại thêm một tùy chọn là Crimea có nên sáp nhập vào Nga hay không.
Các quan chức Mỹ tin rằng Nga sẽ ít nhiều gây tác động lên cuộc trưng cầu dân ý này, mặc dù Putin vẫn chưa đưa ra bất cứ tuyên bố công khai nào về kế hoạch đó. Hồi đầu tuần, Putin đã khẳng định rằng Nga không hề có ý định sáp nhập Crimea, tuy nhiên ông lại tuyên bố người dân Crimea có quyền quyết định số phận của mình thông qua trưng cầu dân ý.
Mỹ cũng cho biết họ nhận thấy rất ít dấu hiệu chứng tỏ Trung Quốc sẽ đứng về phía họ, mặc dù đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã tuyên bố rằng nước này ủng hộ việc “không can thiệp” và tôn trọng chủ quyền, thống nhất lãnh thổ của Ukraine.
Có vẻ như Trung Quốc sẽ không có những hành động quyết liệt để chống lại Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Các quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc cũng nhìn nhận vấn đề Crimea dưới lăng kính của một quốc gia có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng biên giới và có quan hệ gắn bó hơn với nước láng giềng.
Theo Khampha
Bi kịch của hải quân Ukraine ở Sevastopol
Bị chính những người từng sát cánh với mình trước đây vây hãm, hải quân Ukraine đang trong thế tiến thoái lưỡng nan ở Sevastopol.
Bà Lilia Timashuk đứng trên cầu cảng một căn cứ hải quân nhỏ trên vịnh Sevastopol ở phía nam Crimea và trò chuyện qua điện thoại với người chồng Vasily của mình. Bà và Vasily chỉ đứng cách nhau có 50 mét, nhưng suốt cả tuần nay, họ không thể nào chạm được vào nhau hay trò chuyện với nhau mà không dùng điện thoại.
Vasily là một thiếu tá trên một tàu chiến hải quân Ukraine chuyên chống tàu ngầm và rà phá thủy lôi. Thế nhưng giờ đây nó đang phải thả neo cách cầu cảng một đoạn, và toàn bộ 92 sĩ quan, thủy thủ trên tàu đều không thể lên bờ vì họ quyết định trung thành với Ukraine và không chịu giao tàu cho người Nga hoặc chính quyền tự trị Crimea. Cách đó không xa, chiếc kỳ hạm trong hạm đội của họ cũng đang chịu chung số phận.
Trên một ngọn đồi nhìn xuống cầu cảng, những người lính Nga trang bị súng máy, súng trường bắn tỉa cùng nhiều thiết bị khác đang đứng gác. Các thủy thủ Ukraine cũng được trang bị súng trường và đứng canh gác trên tàu để đẩy lùi bất cứ âm mưu xâm nhập nào.
Một thủy thủ Ukraine canh gác trên tàu Ternopil đang neo đậu ở Sevastopol
Cứ vài giờ, các đại diện của chính quyền Crimea lại đến cầu cảng tìm cách thuyết phục thủy thủ đoàn của hai chiếc tàu chiến lên bờ và trở về nhà. Tuy nhiên, viên thuyền trưởng của tàu luôn từ chối đề nghị này.
Mặc dù họ không hề muốn rời tàu, nhưng họ cũng không thể nào rời khỏi cảng nhà để tới điểm tập kết tại Odessa như phần lớn các tàu chiến khác của hải quân Ukraine. Mỗi lần họ tìm cách rời đi, nhiều tàu chiến Nga lại tìm cách phong tỏa lối ra để ngăn chặn họ. Thậm chí hôm qua một chiếc tàu chiến cũ của Nga cũng đã bị đánh đắm ngay tại luồng ra vào cảng, ngăn chặn hoàn toàn nỗ lực rút đi của tàu chiến Ukraine.
Hôm thứ Tư, người Nga đã cho phép dân địa phương mang thực phẩm và nước uống tiếp tế cho các thủy thủ trên 2 chiếc tàu chiến, và một giáo sĩ cũng được phép lên tàu để cầu nguyện cho các thủy thủ.
Tàu chiến Nga bị đánh đắm chắn luồng ra vào cảng
Bà Lilia nói: "Tôi không chỉ lo sợ cho chồng mình mà còn cho cả thủy thủ đoàn. Trên tàu họ giống như một gia đình, cả người Ukraine và người Nga, và thật dã man khi người ta tìm cách chia rẽ họ vì lý do chính trị. Họ đã tuyên thệ trung thành, và họ sẽ không từ bỏ vũ khí và rời bỏ tàu."
Từ cuối tuần trước, các lực lượng Nga đã bắt đầu kiểm soát toàn bộ bán đảo, bắt đầu bằng quân cảng Sevastopol, nơi Hạm đội Biển Đen đóng quân, và cũng là nơi hải quân Ukraine bị vây hãm. Tuy nhiên cho đến hiện nay, chưa một phát súng nào nổ ra ở đây. Một bầu không khí yên bình đến kỳ lạ vẫn baotrùm cả khu vực vốn đang rất căng thẳng này.
Không phải ngẫu nhiên mà những cuộc đối đầu giữa binh sĩ Ukraine và lính Nga tại các căn cứ quân sự ở Crimea lại trở thành tâm điểm chú ý của dư luận trong suốt tuần qua. Rất nhiều người gốc Nga hiện đang phục vụ trong lực lượng lục quân, hải quân và không quân Ukraine. Trước đây, nhiều sĩ quan cấp cao của Ukraine cũng đã từng sát cánh với các đồng đội Nga trong lực lượng Hồng Quân cho đến khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.
Sau khi Nga kiểm soát toàn bộ bán đảo Crimea, một số binh lính Ukraine đã chấp nhận đầu hàng, hay nói cách khác là "tuyên thệ trung thành với Crimea", tuy nhiên vẫn có hàng ngàn binh lính khác vẫn trung thành với Ukraine và sẵn sàng chờ lệnh từ chính phủ ở Kiev.
Hôm thứ Tư, truyền thông Ukraine phát một đoạn trao đổi qua sóng vô tuyến giữa thuyền trưởng kỳ hạm Ukraine tại quân cảng Sevastopol và viên đô đốc Nga yêu cầu ông đầu hàng. Vị thuyền trường này đáp lại một cách giận dữ: "Người Nga không bao giờ đầu hàng." Viên đô đốc Nga tỏ vẻ ngạc nhiên: "Nhưng anh là người Ukraine cơ mà." Vị thuyền trưởng tuyên bố: "Tôi là một công dân Ukraine trung thành và tôi cũng là người Nga, bởi thế, tôi sẽ không đầu hàng."
Tàu tên lửa Moskva của Nga tuần tra trên Biển Đen
Vì những viên sĩ quan này đang bị vây hãm bên trong các tàu chiến hoặc căn cứ của mình, nên người phát ngôn cho họ thường là những bà vợ sống gần đó. Bà Krystinia, vợ của một sĩ quan không quân Ukraine tâm sự: "Tôi mệt mỏi lắm rồi. Mẹ tôi là một sĩ quan cấp cao trong quân đội Nga, còn chồng tôi phục vụ trong không quân Ukraine. Gia đình tôi giờ có cả hai phe. Giờ thì các chính trị gia đang tìm cách xé nát nó."
Những chiếc tàu chiến ở Sevastopol đã trở thành biểu tượng cho cả hai bên. Đối với người Nga và rất nhiều người dân của thành phố cảng Sevastopol vốn không bao giờ chấp nhận chủ quyền của Ukraine đối với Crimea, quân cảng này là tài sản chiến lược giúp Nga có thể duy trì ảnh hưởng của mình trên Biển Đen và Địa Trung Hải, đồng thời tự bảo vệ mình trước bất cứ cuộc tấn công nào từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên của NATO.
Còn đối với người Ukraine, Sevastopol là biểu tượng cho chủ quyền và độc lập của đất nước. Hạm đội Ukraine đóng quân ở cảng Sevastopol, rất xa thủ đô Kiev. Có lẽ cú đòn mạnh nhất giáng xuống niềm tự hào của người Ukraine trong tuần vừa qua là tuyên bố của chỉ huy hạm đội vừa được bổ nhiệm Denis Berezovksy rằng ông tuyên bố trung thành với chính quyền Crimea và trao lại căn cứ cho họ. Sau tuyên bố của Đô đốc Berezovksy, quân đội Nga và các dân quân thân Nga đã kiểm soát căn cứ phục vụ cho cả hạm đội lẫn lực lượng cảnh sát biển này.
Một thủy thủ Ukraine đau đáu nhìn ra phía Biển Đen
Tuy nhiên các thủy thủ trên 2 chiếc tàu chiến vẫn tỏ thái độ chống đối và công khai treo cờ Ukraine trên tàu và một số tòa nhà ở bộ chỉ huy hải quân. Tại đây, nhiều lính Nga và lính Ukraine đã biết nhau từ trước, và họ vẫn cùng nhau cười đùa và trêu chọc về các vị chỉ huy của mình.
Trong khi đó, người dân địa phương ở Crimea lại tỏ ra ủng hộ người Nga và coi những người lính Ukraine như những kẻ xâm lược. Họ đã treo cờ của hạm đội Nga tại quảng trường Nakhimov, địa điểm được đặt tên theo một đô đốc đã chỉ huy hạm đội Nga chiến đấu tại Sevastopol trong cuộc chiến Crimea và hy sinh vào năm 1855.
Ông Alexander Ivanov, một cựu sĩ quan hải quân từng phục vụ trong hạm đội tàu ngầm của Hồng Quân thời Liên Xô tuyên bố: "Đây là một thành phố Nga. Người Ukraine chẳng có gì để mong đợi ở đây. Họ thật ngạo mạn khi chiếm giữ những con tàu từng thuộc về Liên Xô. Tôi không phản đối gì người dân Ukraine cả, nhưng các chính trị gia ở Kiev đều ghét người Nga, và giờ đây những thủy thủ này đang phải trả giá."
Theo Khampha
Mỹ điều tàu khu trục tên lửa tới Biển Đen Một tàu khu trục tên lửa của Hải quân Mỹ đang trên đường hướng tới Biển Đen trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Ukraine. Hải quân Mỹ ngày hôm qua (6/3) cho biết, tàu khu trục tên lửa USS Truxtun đang trên đường tới Biển Đen. Động thái diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang leo thang,...