Putin phê chuẩn dự thảo sáp nhập Crimea
Tổng thống Vladimir Putin ủng hộ một dự thảo thỏa thuận sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga và đề nghị các cơ quan quyền lực của quốc gia này thông qua.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận Crimea là quốc gia độc lập. Ảnh: Itar Tass
Theo AFP, thông tin trên được đưa ra hôm nay trong một thông cáo chính thức của Điện Kremlin. Tổng thống Putin cũng chỉ thị cho các cơ quan quyền lực ở Nga phê chuẩn việc Crimea trở thành một phần của nước Nga và nói rằng việc “ký thỏa thuận này ở cấp độ cao là điều thích hợp”.
Trước đó, ông cũng đã thông báo cho quốc hội và chính phủ Nga về đề xuất sáp nhập của Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Crimea và cơ quan lập pháp của thành phố Sevastopol, nơi Hạm đội Biển Đen đồn trú.
Video đang HOT
Theo kế hoạch, 15h hôm nay (18h Hà Nội), thành viên Hạ viện, chính phủ liên bang, lãnh đạo của các khu vực và đại diện của các giới trong xã hội, sẽ được mời đến Điện Kremlin để nghe phát biểu từ thổng thống.
Hôm qua, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh công nhận Crimea là quốc gia độc lập. Sắc lệnh trên được ban bố “sau khi xem xét sự bày tỏ ý nguyện của người dân Crimea tại cuộc trưng cầu dân ý” hôm 16/3.
Tối qua, chủ tịch Hạ viện Nga (Duma quốc gia) phát biểu trên truyền hình rằng quá trình sáp nhập sẽ có thể được hoàn tất nhanh chóng. Hôm nay, bà Valentina Matvienko, chủ tịch thượng viện, nói rằng tiến trình sáp nhập sẽ được “thảo luận nhanh chóng” và không nên kéo dài, RIA Novosti cho biết.
Crimea hôm 16/3 tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc bán đảo này sáp nhập vao Nga hay vẫn la môt phân cua Ukraine. Kết quả cuộc trưng cầu cho thấy 96,77% số người bỏ phiếu chọn tách khỏi Ukraine và đi theo Nga. Cuộc trưng cầu gây tranh cãi được Moscow công nhận, trong khi Mỹ cùng nhiều quốc gia phương Tây phản đối gay gắt. Liên minh châu Âu và Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt đối với một số quan chức cấp cao của Nga và Ukraine mà họ cho là phải chịu trách nhiệm về tình hình Ukraine.
Đức Dương
Theo VNE
Mỹ chạy đua tránh vỡ nợ
Cuộc chạy đua song mã đang diễn ra tại Quốc hội Mỹ, và Thượng viện gần về đích trong nỗ lực khôi phục hoàn toàn hoạt động của chính phủ liên bang và tránh nguy cơ vỡ nợ cận kề.
Các lãnh đạo Thượng viện đang nỗ lực "giải cứu" nước Mỹ - Ảnh: Reuters
Cả lãnh đạo phe đa số lẫn thiểu số tại Thượng viện Mỹ đều bày tỏ lạc quan sẽ sớm đạt được thỏa thuận trước khi "quả bom" nợ công phát nổ trong vòng 24 giờ nữa. Nếu Quốc hội không nâng mức trần nợ công 16.700 tỉ USD trước hạn chót ngày 17.10, chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu cạn tiền và có thể vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.
Theo tờ The Washington Post, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid phát biểu một cách tự tin rằng hai phía đã đạt được "tiến triển vượt bậc" hướng đến thỏa thuận đột phá, và nhiều khả năng sớm đạt được tiếng nói chung. "Tôi hết sức lạc quan rằng chúng tôi sẽ sớm đạt đến thỏa thuận trong tuần này để mở cửa chính phủ, chi trả các hóa đơn cho nước Mỹ và bắt đầu tiến trình điều đình dài hạn nhằm đưa nước Mỹ đến một nền tảng tài khóa chắc chắn", ông Ried nói. Thủ lĩnh đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell tiếp lời khi công nhận "chúng tôi có một ngày đàm phán tốt đẹp".
Trước diễn biến lạc quan tại Thượng viện, Nhà Trắng đã hoãn cuộc họp lúc 15 giờ ngày 14.10 (giờ Mỹ) giữa Tổng thống Barack Obama với các lãnh đạo lưỡng viện, để các ông Reid và McConnell có thêm thời gian tiến tới một giải pháp đột phá. Theo các cố vấn tại Thượng viện, nội dung đề nghị mới nhất từ ông Reid yêu cầu cấp tiền cho chính phủ hoạt động đến ngày 15.1.2014, và nâng mức trần nợ công để đáp ứng nhu cầu vay nợ đến giữa tháng 2.2014. Một khi dự luật ngân sách ngắn hạn được thông qua, các nhà làm luật sẽ tổ chức hội nghị ngân sách để điều đình các vấn đề quan trọng. Trong khi đó, phía Dân chủ tiết lộ ông Reid cũng cân nhắc những đề nghị của phe Cộng hòa, trong đó có điều khoản thay thế loại thuế đánh vào các thiết bị y khoa để tạo nguồn thu cho chương trình bảo hiểm y tế Obamacare. Tuy nhiên, phía Dân chủ cho hay các nghị sĩ Cộng hòa cần nhượng bộ thêm nếu muốn được thông qua.
Thỏa thuận sắp đạt được giữa các lãnh đạo Reid và McConnell có thể nhanh chóng được Thượng viện bỏ phiếu ủng hộ, đẩy áp lực về phía Hạ viện đang nằm trong tay đảng Cộng hòa. Đến khuya qua (giờ VN), tới phiên Hạ viện lên kế hoạch thông qua dự luật riêng nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng về nợ công lẫn ngân sách, chứ không muốn dựa vào phương án của Thượng viện. Tuy nhiên, Nhà Trắng và lãnh đạo đa số tại Thượng viện phản ứng gay gắt với đề xuất của phe Cộng hòa tại Hạ viện.
Trước những thông tin trên, thị trường lập tức phản ứng hết sức lạc quan. Giá cổ phiếu tăng trong phiên giao dịch ngày 14.10, với chỉ số Dow Jones tăng 64,15 điểm (0,42%) lên mức 15.301,26 điểm vào lúc đóng cửa. Tại châu Á, giá cổ phiếu cũng khởi sắc trong ngày 15.10 trước viễn cảnh thỏa thuận sẽ sớm được thông qua tại Quốc hội Mỹ.
Trước cuộc khủng hoảng tại Mỹ, chủ nợ lớn nhất của nước này là Trung Quốc tỏ ra hết sức sốt ruột. Hôm qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu đề nghị Washington hãy thực hiện những biện pháp cụ thể để giải quyết rốt ráo vấn đề nợ công, ngăn chặn viễn cảnh vỡ nợ trái phiếu chính phủ, theo Reuters.
Thụy Miên
Theo TNO