Putin: Nước Nga chỉ có 2 đồng minh…
Trong 3 giờ 55 phút, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giải đáp 90 câu hỏi, bao gồm tình hình trong nước, quan hệ giữa Nga với phương Tây và độc lập ở miền đông Ukraine…
Tổng thống Putin mở đầu cuộc đối thoại trực tuyến với người dân bằng một bài phát biểu ngắn vào lúc 12h03 phút (giờ Moscow).
Tổng thống Nga ngồi tại một trường quay được thiết lập gần điện Kremlin. Cùng lúc đó, cuộc giao lưu được phát trực tiếp trên một loạt kênh truyền hình và đài phát thanh Nga.
Trong bài phát biểu mở đầu, Putin cho biết tổng sản phẩm quốc nội của Nga năm 2014 tăng 0,6%, và Nga đã giữ không cho vòng xoáy lạm phát diễn biến quá nặng nề.
Trong thời gian khoảng 1 tuần nhận các câu hỏi từ khắp nơi gửi tới, đã có hơn 2.386.000 thắc mắc muốn được giải đáp.
Gần 250 nhà báo Nga và hơn 70 phóng viên nước ngoài, trong đó có phóng viên Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật… đang tác nghiệp tại trường quay này để đưa tin về cuộc giao lưu trực tuyến.
Theo ông Putin, sản lượng dầu mỏ của Nga năm 2014 đã đạt con số kỉ lục 525 triệu tấn. Cũng trong năm 2014, khắp nước Nga đã xây dựng được 82 triệu m2 nhà ở, nhiều nhất từ trước tới nay.
Tình trạng thất nghiệp không diễn biến nghiêm trọng. Theo đánh giá của ông Putin, việc thất thoát vốn ra nước ngoài cũng không tới mức thảm hoạ. Vốn của các ngân hàng Nga đạt 77 nghìn tỉ rúp, vượt quá giá trị tổng sản phẩm quốc nội của đất nước.
Ông cho rằng, mức thâm hụt ngân sách 3,7% là chấp nhận được.
Tổng thống Putin ghi nhận thu nhập thực tế của người dân Nga đã giảm do lạm phát tăng 11,4%. Ông cho rằng, dù có cấm vận và trừng phạt của phương Tây hay không, nước Nga cũng cần phải hướng tới các biện pháp quản lý kinh tế hoàn thiện hơn nữa.
Ông Putin cho rằng, kinh tế Nga có thể phục hồi sớm hơn chứ không phải là 2 năm. Sản xuất nông nghiệp trong nước nhất định sẽ tăng trưởng.
Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh toàn xã hội Nga gắn kết như hiện nay, thì nước Nga không sợ bất kỳ một mối đe doạ nào.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại buổi giao lưu trực tuyến
Nước Nga không sợ bất kỳ một mối đe dọa nào
Putin không đồng tình với những lời chỉ trích quá nhiều đối với hoạt động của chính phủ Nga.
Ông cho rằng, kế hoạch hành động của chính phủ Nga trong thời kỳ khủng hoảng được tính toán rất kỹ và thể hiện đúng thực trạng của nền kinh tế, mặc dù theo ông, việc triển khai kế hoạch chống khủng hoảng cần phải đẩy nhanh hơn nữa.
Các hành động của chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga nhằm cấp vốn cho hệ thống ngân hàng Nga và những biện pháp khác nữa đã được thực hiện rất xác đáng.
Putin cũng ghi nhận, nhìn chung, trong cả nước hiện nay, giá cả hàng hoá đã bắt đầu giảm, tuy không đều khắp ở tất cả các địa phương. Đồng rúp đi vào ổn định và đã tăng giá. Đáng chú ý là rúp tăng giá nhanh hơn so với giá dầu mỏ.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin nêu câu hỏi cho Tổng thống Nga. Theo ông này, nước Nga cần có mô hình tăng trưởng mới và tỏ ý lo ngại tỉ trọng của Nga trong nền kinh tế thế giới sẽ giảm sút.
Đáp lại, ông Putin cho rằng, Nga cần phải tạo ra những điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp và đầu tư tư nhân, hoàn thiện chính sách tiền tệ, tín dụng và công tác quản lý kinh tế.
Ông nhấn mạnh: “Để hoạch định chính sách kinh tế một cách đúng đắn, cần phải có cái đầu. Nhưng để giữ được lòng tin của công dân, thì cần phải có cả trái tim nữa”.
Video đang HOT
Tổng thống Putin không đồng tình với ông Kudrin khi ông này cho rằng triển vọng kinh tế Nga xấu hơn so với kinh tế châu Âu và Mỹ.
Tiếp câu hỏi của mình, ông Kudin đề xuất với Tổng thống Putin rằng cần phải xác định địa chỉ rõ ràng hơn nữa khi thực hiện trợ cấp xã hội. Ông này cho rằng, hội đồng tư vấn cho Tổng thống Nga về kinh tế làm việc còn rời rạc.
Vì sao Nga bán S-300 cho Iran?
Ông Putin trả lời câu hỏi của Hiệu trường trường Đại học Quan hệ Quốc tế Moscow Anatoly Torkunov về việc Nga dỡ bỏ lệnh cấm bán hệ thống tên lửa S-300 cho Iran.
Ông Putin nói rằng, Tehran đã cho thấy sự mềm mỏng, có nhượng bộ về chương trình hạt nhân của Iran. Do đó, Nga đã thông qua quyết định cung cấp hệ thống tên lửa S-300 cho Iran. Hệ thống vũ khí này không có trong danh mục những mặt hàng mà Iran bị cấm vận.
Ông nhấn mạnh rằng, Nga sẽ hành động phối hợp chặt chẽ với các đối tác khác về những mặt hàng có trong danh mục cấm vận đối với Iran.
Theo ông Putin, cần phải khuyến khích Iran có lập trường mềm mỏng về chương trình hạt nhân của mình, việc cung cấp hệ thống tên lửa S-300 cho Iran hoàn toàn không đe doạ Israel mà đây là một nhân tố kiềm chế nếu tính đến tình hình cụ thể trong khu vực này.
Quang cảnh trường quay nơi diễn ra cuộc GLTT
Tổng thống Poroshenko không đề nghị tôi lấy Donbass
Trả lời câu hỏi về quan hệ Nga – Ukraine, Tổng thống Putin nói: “Tổng thống Poroshenko không đề xuất với tôi nhận lấy vùng Donbass trong thời gian tiến hành đàm phán ở Minsk, mà chính quyền Ukraine tự tay mình cắt vùng Donbass ra, và đó mới là vấn đề”.
Putin nhấn mạnh: “Chúng ta không lựa chọn các đối tác. Trong hoạt động của mình, chúng ta cần phải tuân thủ lợi ích của đất nước chứ không phải là tuân theo tình cảm thân thiện hay không thân thiện”.
Tổng thống Nga nói: “Người Nga và người Ukraine là một dân tộc, giữa chúng ta không có sự khác biệt. Nước Nga mong muốn kinh tế Ukraine thoát khỏi khủng hoảng và nước Nga đáp ứng các yêu cầu của Ukraine về khí đốt, than đá”.
Theo ông Putin, Nga không thấy Kiev có nguyện vọng khôi phục kinh tế và lĩnh vực xã hội ở Donbass, nước Nga không trông chờ gì ở chính quyền Kiev ngoài việc muốn họ ứng xử với nước Nga như một đối tác quan trọng trên tất cả các phương hướng hoạt động.
Ông Putin đòi chính quyền Kiev phải thực hiện đầy đủ các thoả thuận Minsk và nhấn mạnh, chỉ có giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.
Tổng thống Putin cũng tỏ ý tiếc là ông Poroshenko đã không nghe theo lời khuyên không thực hiện những hành động vũ lực ở đông nam Ukraine.
Putin tuyên bố không có quân đội Nga ở Ukraine. Ông cho biết sẽ là không đúng nếu can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine. “Ukraine là một nhà nước tự do và độc lập. Nga sẽ hướng trọng tâm vào phát triển sự hợp tác và liên kết với Ukraine”.
Tổng thống khẳng định Nga không có những tham vọng đế chế, muốn phát triển quan hệ với Ukraine với Belarus, Kazakhstan, Kyrgystan.
Ông cũng cho rằng điều quan trọng là phải có biện pháp để dòng người tị nạn từ vùng đông nam Ukraine chấm dứt, và ở vùng này có những điều kiện bình thường cho cuộc sống của người dân.
Putin kêu gọi chính quyền Kiev thể hiện ý chí chính trị và sự mềm mỏng để cho người dân Donbass có thể tự quyết định tương lai của mình. Ông khẳng định, không thể có chiến tranh với Ukraine.
Các nhà báo theo dõi cuộc GLTT tại trường quay
Vụ ám sát Nemtsov là sự kiện đáng xấu hổ
Trả lời câu hỏi của Irina Khakamada, nữ chuyên gia nghiên cứu chính trị Nga, về vụ ám sát cựu phó Thủ tướng Nga Boris Nemtsov, ông Putin cho rằng, đây là một sự kiện bi thảm và đáng xấu hổ.
Ông nói thêm rằng, có quan điều tra Nga đã xử lý vụ việc hiệu quả và nhanh chóng. Vấn đề còn lại là liệu có bắt được những kẻ đã thuê bọn tội phạm thực hiện tội ác này hay không.
Ông cho rằng, phe đối lập có quyền và có khả năng tham gia đời sống chính trị của nước Nga một cách hợp pháp, kể cả ở trong nghị viện, nếu như vào được cơ quan này thông qua bầu cử.
Theo Tổng thống Putin, nếu các đại diện của phe đối lập Nga có chân trong nghị viện, điều đó sẽ là một yếu tố tích cực.
Nga chỉ có 2 đồng minh là quân đội và hải quân
Trả lời câu hỏi của Tổng biên tập tờ Nezavisimaya Gazeta về khả năng khôi phục quan hệ Nga với phương Tây, ông Putin cho rằng, quan hệ với phương Tây xấu đi không phải do Nga gây ra.
Những mưu toan của phương Tây gây thiệt hại cho Nga bằng các biện pháp cấm vận là không có tác dụng nhiều. Nước Nga đã xử lý được những khó khăn liên quan đến nợ của các công ty Nga.
Ông nhấn mạnh rằng, điều kiện chính để cải thiện quan hệ giữa Nga với phương Tây là phải tôn trọng nước Nga. “Nước Nga luôn luôn mong muốn hợp tác”.
Tổng thống Putin nêu rõ, Mỹ không cần đồng minh mà cần chư hầu, nước Nga không thể tham gia hệ thống quan hệ như thế.
Ông kiên quyết khẳng định, Nga không thể “mím môi lại, giận dữ phương Tây và tự cô lập mà phải hợp tác với những ai sẵn sàng hợp tác với mình”.
Tổng thống Nga tin rằng Mỹ sẽ thất bại trong mưu toan áp đặt mô hình của mình cho toàn thế giới.
Ông không đồng tình với ý kiến cho rằng, điểm số uy tín của chính quyền Nga tăng lên tỉ lệ thuận với mức độ đối đầu với phương Tây.
Trả lời câu hỏi “Nga có đồng minh hay không” của cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, Tổng thống Putin cho hay, ông đồng tình với lời của Hoàng đế Alexander III trước đây nói rằng, “ai cũng sợ sự rộng lớn của Nga” và nước Nga chỉ có 2 đồng minh là quân đội và hải quân.
Tổng thống Putin gọi các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO, các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể và nhóm BRICS là các đồng minh của nước Nga.
Nga không có ý định gây chiến với ai, Nga cũng không coi bất kỳ nước nào là kẻ thù và không khuyên bất kỳ nước nào coi Nga là kẻ thù. Nga sẽ tôn trọng sự lựa chọn của mỗi nhà lãnh đạo chính trị và của mỗi nước có đến Moscow tham dự cuộc duyệt binh mừng Chiến thắng hay không.
Ông cho rằng, hiện nay Washington đang gây ảnh hưởng tới sự lựa chọn của nhiều người.
Một cử tọa theo dõi cuộc GLTT của Putin trên trường quay
Trả lời câu hỏi về nguy cơ khủng bố, Tổng thống Putin nói, tổ chức IS ra đời trên lãnh thổ Iraq, nơi mà Mỹ đã có cuộc tiến công quân sự năm 2003.
Ông không nhận thấy nguy cơ do IS gây ra đối với an ninh của Nga, nhưng bày tỏ lo lắng rằng, có những công dân Nga tham gia tổ chức khủng bố này.
Ông cho hay, các cơ quan đặc biệt của Nga đã thực thi một số biện pháp để ngăn chặn việc này.
Về việc Pháp không giao tàu Mistral cho Nga theo hợp đồng, Putin nhấn mạnh, điều đó không hề có ảnh hưởng gì tới khả năng phòng thủ của các lực lượng vũ trang Nga và tin rằng Pháp sẽ hoàn trả tiền cho Nga. Còn Nga sẽ không đòi Pháp phải trả tiền phạt vì vi phạm hợp đồng cho Nga.
Ông Putin nhắc lại rằng, hợp đồng đó được ký với Pháp nhằm ủng hộ nước Pháp và để bảo đảm việc làm của xưởng đóng tàu ở Pháp.
Trả lời câu hỏi về việc vấn đề nợ lương công nhân khi xây dựng sân bay vũ trụ Vostochnyi đang nóng lên gần đây, ông Putin cho biết, ông sẽ trực tiếp giám sát chặt chẽ mọi vấn đề của công trình này.
Ông nói rằng, hiện nay, toàn bộ tiền lương đã được chuyển vào ngân sách của đơn vị tổng thầu để chi trả.
Putin khẳng định, Nga là cường quốc vũ trụ và cần phải có sân bay vũ trụ của mình để thực hiện các cuộc phóng tất cả mọi loại thiết bị vũ trụ.
Tổng thống Nga nói: “Đến năm 2023, chúng ta dự kiến sẽ tạo lập một trạm vũ trụ trên quỹ đạo của riêng mình.
Triển vọng đó còn xa, nhưng rất cần thiết đối với chúng ta – cần thiết từ góc độ phục vụ kinh tế quốc dân, bởi trạm vũ trụ quốc tế (ISS) hiện nay, mặc dù được khai thác rất triệt để phục vụ khoa học và kinh tế quốc dân, nhưng nó chỉ nhìn thấy 5% lãnh thổ liên bang Nga.
Với việc có trạm vũ trụ của riêng mình, chúng ta sẽ bao quát được toàn bộ lãnh thổ rộng lớn của đất nước”.
Tổng thống Nga tại cuộc GLTT
Ở cuối cuộc đối thoại, Tổng thống Putin đã trở về với chủ đề Ukraine. Ông tuyên bố: “Vào một ngày nào đó, toàn thể nhân dân Ukraine sẽ đưa ra đánh giá đối với tình trạng dã man mà chúng ta đang phải chứng kiến hiện nay”.
Trả lời câu hỏi khác, Tổng thống Putin nói rằng, trong tương lai, ông không muốn trở thành Tổng thư ký LHQ.
Ông khẳng định: “Tôi thấy rõ một nước Nga phồn vinh và các công dân của nước Nga là những con người hạnh phúc”. Theo hiến chương LHQ, đại diện của một nước uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an không thể lãnh đạo LHQ.
Theo Trí Thức Trẻ
Điện Kremlin: Ông Putin có thể sắp tới New York
Ông Putin có khả năng sẽ tham gia phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Ảnh: Sputnik.
Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ có mặt phát biểu tại buổi khai mạc phiên họp lần thứ 70 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Sputnik dẫn nguồn báo Kommersant đưa tin.
Theo các nguồn tin gần gũi với điện Kremlin, "đang chuẩn bị một chuyến đi" của ông Putin đến New York vào cuối tháng Chín. Điều này cũng được khẳng định với báo giới bởi một nguồn tin từ Ban thư ký Liên hiệp quốc.
Các nguồn tin đều nói đến nay chuyến đi mới nằm trong dự kiến và quyết định cụ thể sẽ xuất hiện vào đầu tháng Tám.
"Quyết định cuối cùng chưa được thông qua. Việc dự kỳ họp Đại hội đồng được xem xét như một phương án, và không hẳn quan trọng đây có phải là kỳ họp chẵn hay không", tờ báo Nga dẫn lời ông Peskov, thư ký báo chí của Tổng thống.
Theo NTD/Bizlive