Putin: Nga có thể tăng quân ở Syria trong vài giờ nếu cần
Tổng thống Vladimir Putin hôm nay cảnh báo Nga có thể tăng cường hiện diện quân sự ở Syria chỉ trong “vài giờ” nếu cần, đồng thời kêu gọi các bên trong cuộc xung đột tại nước này tôn trọng lệnh ngừng bắn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong buổi lễ tuyên dương binh sĩ từ Syria trở về nước tại Điện Kremlin ngày 17/3. Ảnh: Reuters.
“Nếu cần thiết, Nga trong vài giờ có thể tăng cường sự hiện diện trong khu vực lên quy mô phù hợp với tình hình đang diễn ra và tùy ý sử dụng toàn bộ khả năng của chúng tôi”, AFP dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong buổi lễ tuyên dương binh sĩ từ Syria trở về nước tổ chức tại Điện Kremlin. “Chúng tôi không muốn làm vậy, leo thang quân sự không phải là lựa chọn của chúng tôi”.
Theo ông Putin, đó là lý do Nga đặt hy vọng vào nhận thức chung của tất cả các bên và trong cam kết đối với tiến trình hòa bình từ chính phủ Syria, phe đối lập.
Tổng thống Putin ngày 14/3 ra quyết định rút “phần lớn” binh sĩ Nga khỏi Syria, nói mục tiêu đặt ra “nhìn chung” đã hoàn thành. Ông thông báo Moscow không bỏ rơi đồng minh Bashar al-Assad, cam kết tiếp tục hỗ trợ về quân sự cũng như trong lĩnh vực khác cho tổng thống Syria.
Ông Putin cho biết Moscow sẽ để lại hệ thống phòng không hiện đại S-400 ở Syria và cảnh báo lực lượng Nga sẽ bắn hạ “mọi mục tiêu” họ coi là mối đe dọa. Ông chắc chắn “lực lượng yêu nước” Syria đang chiến đấu với phiến quân sẽ giành được thắng lợi lớn trên chiến trường trong tương lai gần.
Tổng thống Nga cũng ca ngợi lực lượng vũ trang vì sự phục vụ của họ tại Syria. “Chúng ta đã tạo ra điều kiện để bắt đầu tiến trình hòa bình”, ông nói. “Đó chính là nhờ các bạn, những binh sĩ Nga, người mở ra con đường đến hòa bình”.
Video đang HOT
Theo Điện Kremlin, hơn 700 binh sĩ, sĩ quan không quân, bộ binh và hải quân Nga, cùng nhiều quan chức quân đội đã được mời tham dự buổi lễ.
Moscow bắt đầu chiến dịch không kích tại Syria vào ngày 30/9 năm ngoái, theo yêu cầu chính thức từ Tổng thống Assad. Nga nhấn mạnh họ tấn công vào các nhóm “khủng bố” như Nhà nước Hồi giáo (IS) trong khi phương Tây cáo buộc Moscow chủ yếu nhằm vào phe nổi dậy mà họ coi là ôn hòa đang chống lại ông Assad.
Như Tâm
Theo VNE
Chiến phí của Nga sau 6 tháng không kích Syria
Nga có thể phải chi tới 664 triệu USD để duy trì hiện diện quân sự ở Syria trong gần nửa năm qua.
Các chiến đấu cơ Su-30 Nga đóng tại căn cứ không quân Khmeimim, Syria. Ảnh:RT
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 14/3 thông báo bắt đầu rút phần lớn quân khỏi Syria vì "các mục tiêu đặt ra cho lực lượng vũ trang và Bộ Quốc phòng nhìn chung đã hoàn thành". Câu hỏi khiến nhiều người thắc mắc lúc này là để đạt được mục tiêu ấy, Nga phải tốn bao nhiêu tiền và đánh đổi những gì.
IBTimes dẫn số liệu mới nhất từ trang nghiên cứu quốc phòng IHS Jane's cho biết trong gần 6 tháng phát động chiến dịch can thiệp quân sự ở Syria, Nga mỗi ngày tiêu tốn 3-4 triệu USD.
Mặc dù chính phủ Nga không công bố số liệu chi tiết, theo các chuyên gia, chi phí thực tế có thể còn cao hơn thế bởi số tiền phải bỏ ra để triển khai các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình chưa bao gồm trong thống kê phí tổn hàng ngày.
Nếu mỗi ngày bỏ ra ba triệu USD, số tiền mà Nga phải chi cho cuộc chiến ở Syria tương đương 498 triệu USD. Với 4 triệu USD tiêu tốn mỗi ngày, con số sẽ là 664 triệu USD.
Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cuối tháng 12 năm ngoái lại ước tính Nga mỗi ngày cần tiêu đến 8 triệu USD để duy trì can thiệp quân sự ở Syria. Mức chi bị đẩy lên gấp đôi sau vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11 bắn rơi cường kích Su-24 Nga tại khu vực gần biên giới Syria. Sự cố này buộc Moscow phải điều động tăng cường các hệ thống phòng không tân tiến tới đây nhằm bảo vệ tốt hơn dàn chiến đấu cơ của mình, cũng như bổ sung thêm các loại bom đạn mới hay tên lửa thông minh có chi phí lớn hơn nhiều.
Theo đó, mỗi giờ chiến đấu cơ và trực thăng Nga hoạt động tiêu tốn lần lượt 12.000 USD và 3.000 USD. Vì thế, để duy trì hoạt động của khoảng 50 máy bay quân sự ở Syria, không quân Nga mỗi ngày phải chi ra khoảng 710.000 USD, với giả định là mỗi chiến đấu cơ bay trung bình trong 90 phút và trực thăng bay trong một tiếng.
Nga mỗi ngày cũng phải dành khoảng 750.000 USD cho đạn dược. Các chi phí khác ước chừng vào khoảng 440.000 USD. Hoạt động của các chiến hạm trên Địa Trung Hải "ngốn" 200.000 USD một ngày. Chi phí liên lạc, hậu cần và tình báo tốn thêm khoảng 250.000 USD.
Kỹ thuật viên tại căn cứ không quân Khmeimim, Latakia, Syria, nơi chiến đấu cơ Nga xuất kích tấn công các mục tiêu khủng bố. Ảnh: RIA Novosti
Hãng thông tấn Reuters hôm 15/3 miêu tả quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Nga Putin khiến quốc tế "bất ngờ". Dù ông chủ Điện Kremlin khẳng định quân đội Nga đã "hoàn thành mọi mục tiêu" nhưng một số chuyên gia lại cho rằng vấn đề tài chính mới là nguyên nhân sâu xa dẫn đến bước thay đổi chiến lược đột ngột của Moscow.
Theo quan sát viên Andrew Peek từ New York Daily News, mức chiến phí khoảng 4 triệu USD mỗi ngày ở Syria là gánh nặng tương đối lớn với Moscow trong bối cảnh giá dầu thế giới sụt giảm sâu suốt thời gian qua và Nga lại là một quốc gia chịu sự phụ thuộc lớn vào dầu mỏ.
Nga gần đây còn lên tiếng yêu cầu Arab Saudi giảm sản lượng và tăng giá dầu, nhưng bị Riyadh từ chối. Arab Saudi tuần trước đề xuất vay ngân hàng một khoản nợ có giá trị từ 6 đến 8 tỷ USD nhưng nhất quyết không tăng giá dầu. Hành động này cho thấy Riyadh, một đồng minh thân cận của Washington, không hề do dự trong việc đẩy Moscow vào cảnh khốn cùng.
Vậy nên, theo ông Peek, rút quân vào lúc này sẽ giúp Nga tiết kiệm được đáng kể, nhất là khi các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên nước Nga đang khiến nền kinh tế điêu đứng.
Cây bút Lydia Tomkiw từ IBTimes lại không cho rằng lý do Nga rút quân khỏi Syria xuất phát từ vấn đề tài chính bởi nếu so với mức ngân sách quốc phòng 50 tỷ USD của nước này thì con số 664 triệu USD trên chỉ là một phần rất nhỏ bé, và Nga hoàn toàn có thể duy trì hiện diện quân sự lâu hơn ở Syria.
Sau khi liệt kê các lý do Nga rút quân khỏi Syria, bình luận viên Max Fisher của Vox cho rằng tổn thất về chiến phí dù ở mức chấp nhận được cũng là yếu tố mà Nga xem xét khi ra quyết định. Theo Fisher, kinh tế Nga năm qua gặp vô vàn khó khăn, và chi phí cho cuộc chiến ở Syria vẫn sẽ ảnh hưởng đến ngân sách nước này. Nếu tiếp tục "một mình một ngựa" ở Syria, Nga sẽ ngày càng bị cô lập hơn trên trường quốc tế, kéo theo những hậu quả khôn lường, ông nói.
"Trong lúc kinh tế lao dốc, giá dầu thấp và ảnh hưởng chính trị giảm sút, nước cờ khôn ngoan nhất của Putin là rút ra khỏi một cuộc chiến tốn kém sau khi đã đạt được những điều mình muốn", Fisher nhấn mạnh.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Rút quân khỏi Syria, liệu Putin có bỏ rơi Assad Quyết định rút quân khỏi Syria của ông Putin có thể là dấu hiệu cho thấy ông cắt quan hệ với ông Assad, nhưng cũng có thể là đòn tâm lý khiến hai phe ở Syria nghiêm túc đàm phán. Tổng thống Nga Putin (phải) và Tổng thống Syria Assad. Ảnh: AP Tổng thống Vladimir Putin hồi đầu tuần bất ngờ ra lệnh...