Putin lập chiến lược kinh tế cho Nga
Với quyết định trở lại chạy đua ghế tổng thống, Thủ tướng Nga Vladimir Putin cam kết sẽ củng cố kinh tế và cho rằng nước này cần trông cậy vào bản thân hơn là mong ngóng chuyện gia nhập Tổ chức thương mại thế giới.
Tại một hội nghị của các nhà đầu tư hôm qua, Putin đã thống lĩnh diễn đàn để nói về các kế hoạch hiện đại hóa quân sự, y tế, đường sá sân bay và nhà ở, cũng như các biện pháp hỗ trợ công nghiệp. Ngân sách quốc gia sẽ chi, ông nói, bằng cách cắt giảm những công trình không cần thiết và chống tham nhũng.
Riêng chương trình cải tổ quân đội của ông có giá hơn 600 tỷ USD.
Video đang HOT
Thủ tướng Nga V. Putin tại hội nghị các nhà đầu tư vào Nga hôm qua. Ảnh: AP.
Trong những tuần trước đây, Putin đã nhắc nhiều đến tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay và trong tương lai gần của Nga. Ông cũng nhắc đến những liều thuốc kinh tế khắc khổ mà người Nga có thể phải chuẩn bị tinh thần để nhận. Tuy nhiên những nhận định ông đưa ra hôm qua có phần nào lạc quan hơn, theo nhận định của Washington Post.
Putin cho biết cựu bộ trưởng tài chính uy tín Alexei Kudrin – từ chức do bất đồng với Tổng thống Dmitry Medvedev – sẽ “có chân trong ban lãnh đạo”. Kudrin nổi tiếng với quan điểm thận trọng và từng phản đối việc tăng chi tiêu cho quốc phòng mà Putin chủ trương. Trên thực tế đây cũng chính là điều châm ngòi mâu thuẫn giữa Kudrin với Medvedev. Putin nói thêm rằng Kudrin với ông là bạn bè thân thiết từ đầu những năm 1990.
Cũng như trước đây, Putin thường cho thấy bản thân ông không quá ham muốn Nga gia nhập WTO, dù Moscow đã phải mất 17 năm qua để đàm phán và có lúc gần như đã đạt được. Putin cho rằng các nước giàu chỉ muốn dựa vào thế độc quyền và đòi hỏi các nước nghèo làm thế này thế khác. Ông cho biết mới đây Nga đã được yêu cầu phải đạt thỏa thuận với Gruzia – quốc gia có chiến tranh với Nga hồi năm 2008.
“Liệu các đối tác của chúng ta ở châu Âu và Mỹ có thực sự muốn chúng ta vào WTO hay không?”.
Điều quan trọng hơn, theo Putin, là một khi Nga ở trong WTO, các nước giàu có có thể đánh bật các công ty Nga ra khỏi chính thị trường của mình. Trong khi Nga đang cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ, Putin cho rằng nước này “cần nội địa hóa ngành công nghiệp”. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu nên được giảm bớt trong khi tăng sản xuất nội địa. Có được điều này, Nga sẽ không phải chấp nhận “những điều kiện không thể chấp nhận” trong tiến trình đàm phán gia nhập WTO.
Putin tin rằng Nga có thể thoát khỏi cơn bão khủng hoảng tài chính đang hình thành trong khu vực đồng euro và tiếp tục duy trì tăng trưởng GDP. Cụ thể là, nếu giá dầu ở mức 80 đôla/thùng trong năm tới, kinh tế Nga sẽ tăng 2%. Nếu giá dầu ở mức 60 đôla, mức giảm cũng là 2%
Đây là lần đầu tiên Putin phát biểu về chính sách kinh tế kể từ khi ông tuyên bố tái tranh cử chức tổng thống cách đây hai tuần. Theo tuyên bố của cặp đôi lãnh đạo nước Nga, nếu Putin đắc cử, Medvedev sẵn sàng nhận trách nhiệm làm thủ tướng.
Hồi đầu tuần, trong một bài trả lời phỏng vấn, Putin cũng lần đầu tiên đề cập đến chính sách ngoại giao của Nga trong tương lai, theo đó ông mong muốn lập một liên minh ở vùng Á-Âu (Eurasia) với nòng cốt là các nước thuộc Liên Xô trước đây.
Bầu cử lập pháp của Nga sẽ diễn ra tháng 12 tới với dự đoán rằng đảng Nước Nga thống nhất mà Putin là thành viên sẽ giành chiến thắng. Bầu cử tổng thống được tiến hành tháng 3 năm sau. Theo hiến pháp mới của Nga, một người có thể tại nhiệm ghế tổng thống hai nhiệm kỳ 6 năm.
Theo VNExpress