Putin kêu gọi Obama đàm phán về Ukraine
Tổng thống Nga Putin ngày 28/3 đã kêu gọi người đồng cấp Mỹ Obama thảo luận về một đề xuất của Mỹ để có giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông cũng khẳng định với Liên hợp quốc, Nga “không có ý định” hành động quân sự ở Ukraine.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama muốn tìm kiếm giải pháp ngoại giao với cuộc khủng hoảng Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga thị sát quân ở Crimea
Nhà Trắng ra tuyên bố cho biết ông Putin đã đưa ra kêu gọi trên trong cuộc điện đàm với ông Obama, sau khi đề xuất về một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gửi cho Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào tuần này.
“Tổng thống Obama đã gợi ý Nga đưa ra phản ứng rõ ràng bằng văn bản”, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho hay.
Ông Obama và ông Putin đã nhất trí để ông Kerry và Lavrov gặp gỡ, “bàn những bước tiếp theo” sau sáng kiến của Mỹ.
Video đang HOT
Chi tiết về đề xuất của Mỹ không được tiết lộ, song tuyên bố của Nhà Trắng cho biết ông Obama nhấn mạnh quyết tâm theo đuổi giải pháp ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng. “Ông Obama đã nói rõ rằng điều này chỉ có thể xảy ra chỉ khi Nga rút quân và không có các bước thêm nào vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine”, tuyên bố có đoạn.
Putin “không có ý định hành động quân sự”
Tổng thống Putin hôm qua cũng lần đầu tiên xác nhận lực lượng của Nga liên quan tới Crimea, khi khẳng định các sự kiện ở Crimea đã chứng tỏ “khả năng mới” và tính sẵn sàng cao của quân đội Nga. Ông cảm ơn “các tướng lĩnh và quân nhân ở Hạm đội Hắc Hải cùng các đơn vị khác được triển khai ở Crimea vì sự kiềm chế và quả cảm cá nhân của họ”
Ông cho biết các hành động của quân nhân Nga ở Crimea “chính xác và chuyên nghiệp”, cho phép “tránh được khiêu khích và đổ máu cũng như thực hiện một cách hòa bình cuộc trưng cầu dân ý” vào ngày 16/3 vừa qua, khi Crimea bỏ phiếu để trở thành một phần của Nga.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon hôm qua cho hay ông Putin đã khẳng định với ông rằng Nga không có kế hoạch có hành động quân sự thêm ở khu vực. “Ông ấy không có ý định đưa ra bất kỳ hành động quân sự nào”, ông Ban Ki-moon cho hay. Tuy nhiên, ông Putin “đã bày tỏ lo ngại về một số nhân tố cấp tiến cực đoan và các hoạt động như vậy dọc các đường biên giới”.
Việc Nga cho sáp nhập Crimea đã vẽ lại bản đồ châu Âu và tái mở chia rẽ Đông-Tây thời Chiến tranh Lạnh. Trước căng thẳng ngoại giao hiện nay, Nato đã tái củng cố các vị trí dọc biên giới với Nga.
Còn phó giám đốc Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) Alexander Malevany được hãng thông tấn Interfax dẫn lời cho biết: “Đã có sự gia tăng mạnh những đe dọa từ bên ngoài đối với nhà nước. Mong muốn hợp pháp của người ở Crimea và các vùng miền đông Ukraine đang gây ra sự kích động ở Mỹ và các đồng minh của họ” và Nga đang có “những biện pháp tình báo phản công” nhằm đáp trả nỗ lực của phương Tây nhằm “làm suy yếu ảnh hưởng của Nga ở một khu vực có tầm quan trọng lớn”.
Trong khi đó, Tổng thống Obama, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh CBS,cho rằng có bằng chứng Nga tập hợp lực lượng ở biên giới Ukraine. Một quan chức an ninh cấp cao ở Kiev tuần này ước tính có khoảng 100.000 lính Nga “chốt” quanh Ukraine. Tuy nhiên phía Nga không xác nhận con số này và khẳng định sự điều động quân của họ ở biên giới Ukraine phù hợp với các thỏa thuận quốc tế.
Vũ Quý
Tổng hợp
Theo Dantri
Mỹ thừa nhận Nga đã "hoàn toàn kiểm soát Crimea"
Các quan chức cấp cao của Mỹ ngày 2/3 đã thừa nhận bán đảo tự trị Crimea của Ukraine đã được hàng ngàn lính Nga kiểm soát thành công và đây có thể là khởi đầu cho một cuộc xâm chiếm lớn hơn.
Binh sỹ được cho là người Nga ở làng, bên ngoài Simferopol, thủ phủ Crimea.
"Họ đưa quân tiếp viện bằng máy bay vào và đã dàn xếp xong", một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay. Trong khi theo một quan chức Nga, "lực lượng Nga giờ đây đã kiểm soát hoàn toàn hoạt động của bán đảo Crimea."
Hôm nay, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết đã thảo luận vấn đề Ukraine với người đồng cấp Trung Quốc và quan điểm của họ trùng hợp nhau. Ông Lavrov cũng tuyên bố hai thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng bảo an Liên hợp quốc sẽ liên lạc chặt chẽ trong vấn đề Ukraine.
Trong khi đó, lính biên phòng Ukraine thông báo có hoạt động tăng cường xe bọc thép gần một cảng bên phía Kênh Kerch của Nga. Đây là kênh biển hẹp chia cắt Nga và Ukraine. Tuyên bố từ người phát ngôn lực lượng biên phòng cho biết tàu Nga cũng đã di chuyển vào và vòng quanh thành phố Sevastopol, thuộc Crimea, nơi có căn cứ của Hạm đội Hắc Hải Nga và lực lượng Nga đã phong tỏa dịch vụ điện thoại ở một số khu vực.
Theo phóng viên BBC, Crimea hiện thực chất đang nằm dưới sự kiểm soát của lính Nga mặc dù không một viên đạn nào được bắn ra. 2 căn cứ quân sự lớn của Ukraine đã đầu hàng và các cơ sở chủ chốt khác như sân bay đã bị chiếm. Hàng ngàn lính tinh nhuệ mới của Nga mới được đưa đến Crimea, vượt xa số binh sỹ Ukraine.
Một quan chức Mỹ cấp cao khác cho hay điều họ quan tâm tiếp là liệu Putin "có tiếp tục điều quân tới các vùng khác của Ukraine" hay không.
"Chúng tôi đã thấy sự can thiệp ở Crimea", quan chức này nói. "Tình hình thậm chí sẽ bất ổn hơn khi mở rộng sự can thiệp đó vào miền đông Nga".
Quan chức này cho biết thêm: "Điều then chốt của chúng tôi là họ phải rút lại những gì họ đã làm, trở lại căn cứ của họ ở Crimea. Chúng tôi sẽ theo dõi rất, rất sát và dĩ nhiên sẽ rất rất quan ngại nếu thấy thêm leo thang ở miền đông Ukraine".
Chính vì vậy Mỹ đã phái Ngoại trưởng Kerry tới Kiev vào ngày thứ ba, gặp gỡ chính phủ mới ở Ukraine và bày tỏ "ủng hộ mạnh mẽ cho chủ quyền của Ukraine", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay. Song, nhiều người tỏ ra nghi ngờ về ảnh hưởng của ông Kerry cũng như các quan chức khác đối với Mátxcơva.
Theo ANTD
Putin đề nghị quốc hội Nga cho phép triển khai quân ở Ukraine Tổng thống Nga Putin hôm nay 1/3 đã đệ yêu cầu lên Thượng viện Nga, đề nghị phê chuẩn việc sử dụng lính Nga ở Ukraine. Trong khi đó Ukraine cáo buộc Nga đã đưa thêm 6.000 quân vào Crimea Những binh lính không rõ danh tính đang kiểm soát nhiều trụ sở quan trọng ở Cộng hòa tự trị Crimea của Ukraine...