Putin đã tìm được “tay trong” cho đấu trường dài hơi?
Chuyến thăm bất ngờ của tướng Khalifa Hifter tới Nga cuối tháng Sáu từng được đồn đoán là nhằm đảm bảo thỏa thuận vũ khí với Kremlin. Song, nếu chỉ như vậy thì quá đơn giản.
Ứng viên lý tưởng
Để lý giải cho chuyến thăm này, cần phải nhìn cách đón tiếp mà theo chuyên gia chính sách đối ngoại Nga ở Trung Đông Yuri Barmin đánh giá là “ồn ào bất thường” của Nga dành cho một nhân vật gây nhiều tranh cãi.
Ở Moscow, tướng Libya Khalifa Hifter đã có cuộc gặp với các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng, nhưng đáng chú ý nhất là cuộc gặp với ông Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh Nga – một cơ quan hoạch định chính sách chủ chốt và thân cận với Tổng thống.
Nói cách khác, “thông điệp được chuyển tới cho ông Hifter ở Nga có khả năng tới từ chính Putin”.
Những nỗ lực ngoại giao của Moscow tại Libya gần đây không chỉ là nhằm bán vũ khí. “Trên thực tế, Kremlin có thể đang muốn chơi một trò chơi dài hơi ở Libya, tìm kiếm một vị trí nào đó trong cơ cấu chính trị sau khủng hoảng ở nước này”.
Video đang HOT
Tướng Khalifa Hifter đang là nhân vật được Nga “chọn mặt gửi vàng”?
Suốt nhiều thập kỷ, Nga vẫn chưa thành công trong việc tìm kiếm đồng minh chính trị trung thành tại Libya thời kỳ hậu Gaddafi. Sau cuộc cải tổ ở Bộ Ngoại giao cuối năm ngoái, Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov – người đảm trách thúc đẩy đàm phán ngoại giao về Syria, đã được giao phụ trách các vấn đề về Libya.
“Việc bổ nhiệm này cho thấy rằng Nga hoàn toàn nghiêm túc đối với quan hệ ngoại giao với Libya và rằng Nga cần một đối tác trung thành, ổn định. Hifter – người từng được Liên Xô đào tạo, dường như là ứng viên lý tưởng cho vị trí này bởi kinh nghiệm trong lĩnh vực quân sự giúp ông ta có thể có chung tiếng nói với giới chức Kremlin”.
Nhiều chuyên gia ở Moscow tin rằng, mạng lưới rộng lớn những người ủng hộ Hifter và quyền lực của ông này trong lĩnh vực quân sự có thể giúp Putin đạt được vị trí mình mong muốn ở Libya.
Một lợi thế nữa là, nhà lãnh đạo Nga rất biết cách làm việc với các chính trị gia xuất thân là lính – điển hình như với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi hay Quốc vương Jordan.
Về phần mình, dù đã có 2 thập kỷ ở Mỹ và tham gia chiến dịch lật đổ Gaddafi, song Hifter có thể là một chính trị gia trung thành, dễ điều khiến, giống như những gì Nga đang tìm kiếm.
Ông ta đang ở vị thế mà đối thủ nhiều hơn đồng minh, ở cả trong và ngoài Libya. Trên thực tế, một số nhân vật ở phương Tây còn nhận định, Hifter sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn Hạ Viện cho phép Tripoli bỏ phiếu chấp nhận chính phủ mới.
Như vậy, một mối quan hệ thân thiết với Kremlin sẽ là điểm tựa vững chắc cho Hifter.
“Đấu trường dài hơi”
Sau chuyến thăm của Hifter tới Moscow, truyền thông Nga đã dẫn một nguồn tin ngoại giao nói rằng, Chủ tịch Hạ viện Libya Aguila Saleh Issa sẽ sớm tới Nga gặp gỡ giới lãnh đạo nước này. Chuyên gia Barmin nhận định, nếu đúng như vậy thì Hifter chính là nhân vật trung gian, đóng vai trò chủ chốt trong việc này.
Quan trọng hơn, chuyến thăm của ông Issa tới Moscow sẽ là dấu hiệu cho một liên minh chính trị vững chắc giữa Kremlin và giới tinh hoa trong Quốc hội Libya.
Vậy thì, tại sao Kremlin lại bất ngờ tích cực trên mặt trận ngoại giao với Libya, khi mà họ không được gì, cũng không mất gì trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở quốc gia này?
“Không như Syria, Libya nên được coi là đấu trường dài hơi hơn đối với Nga. Về mặt tài chính, Moscow đã mất hàng tỉ USD từ các hợp đồng dầu mỏ và vũ khí sau khi chính quyền Gaddafi bị lật đổ, song điều này không phải là vấn đề chủ chốt chi phối tính toán của các nhà hoạch định chính sách Nga”.
Sau những gì diễn ra với Syria và Assad vài tháng qua, ngày càng có nhiều chính trị gia ở Trung Đông bỏ Washington theo Moscow, tìm sự ủng hộ của Putin.
Đại sứ Nga ở Libya từng phát biểu: “Không chỉ có phe đối lập ở Libya mà cả Libya đang tìm kiếm sự ủng hộ của Nga. Họ hiểu rằng, nếu không có chúng tôi, họ sẽ rất khó khăn để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại. Vì thế, việc nhiều đảng cùng muốn gặp chúng tôi và đề nghị chúng tôi hỗ trợtinh thần – vật chất là điều tương đối tự nhiên”.
Học giả Barmin chỉ ra ý định của Kremlin tại Trung Đông ẩn sau tuyên bố của ông Molotov – Libya không phải là một trò chơi mà khi kết thúc là xong, mà là công cụ giúp Nga không đứng ngoài các vấn đề tại Trung Đông.
“Tham gia tìm kiếm giải pháp cho khủng hoảng chính trị ở Libya… là động thái có lợi cho hình ảnh của người chiến thắng mà Nga muốn xây dựng trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố và sánh ngang hàng với Mỹ tại Trung Đông”.
Theo Soha News