Puma Punku – công trình đáng nể hơn kim tự tháp Ai Cập
Các di chỉ có từ năm 536-600 này được tạo thành từ granite và diorite – loại đá có độ cứng chỉ thua kim cương.
Tiwanaku – thành phố cổ nhất thế giới
Thành phố cổ Tiwanaku nằm ở phía đông nam hồ Titicaca, cách thủ đô La Paz của Bolivia 72 km về phía tây. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di chỉ có niên đại hàng nghìn năm ở Nam Mỹ, và là nơi thu hút khách du lịch hàng đầu của Bolivia.
Một biểu tượng tinh thần theo văn hóa Tiwanaku được điêu khắc tinh xảo.
Ngược dòng thời gian, Tiwanaku lần đầu tiên được nhắc đến trong cuốn Biên niên sử đầu tiên của người Indies của nhà sử học Pedro Cieza de Leon. Khi đó thành phố đã hoang tàn. Đến năm 1549, trong lần thám hiểm sau, ông đã tìm thấy nốt phần còn lại của Tiwanaku.
Căn cứ theo những dấu tích còn lại, các nhà khảo cổ cho rằng khu vực xung quanh Tiwanaku đã có người dân sinh sống từ những năm 1500 TCN. Hầu hết các nghiên cứu đều thống nhất với giả thiết, Tiwanaku phát triển trong thời gian giữa những năm 300 tới 1000 TCN. Thành phố Tiwanaku trở thành trung tâm chính trị, tôn giáo của một đế chế hùng mạnh kéo dài 500 năm.
Đến năm 1945, nhà khoa học Arthur Posnansky đã sử dụng kỹ thuật thiên văn, ước tính Tiwanaku có 15.000 năm tuổi. Tuy nhiên cũng có một số người không tin tưởng vào độ chính xác của kỹ thuật tính toán này.
Mặc dù vậy, hầu hết các nhà khoa học, khảo cổ học và lịch sử đều thống nhất cho rằng Tiwanaku là thành phố cổ nhất thế giới. Thành phố này còn tồn tại trước cả thời gian xuất hiện hồ Titicaca huyền thoại. Có tài liệu cho rằng, một trận lụt lớn từ cách đây hàng chục nghìn năm đã nhấn chìm cả thành phố trong biển nước, hình thành hồ Titicaca ngày nay.
Điều này có chính xác không thì chưa biết, nhưng có một sự thật đó là sau hàng nghìn năm, lượng nước của hồ Titicaca đã cạn dần. Từ đây phát lộ những dấu tích quan trọng của một thành phố cổ từng tồn tại.
Sự thống trị của Tiwanaku bắt đầu suy giảm trong thế kỷ thứ 11, và sụp đổ hoàn toàn vào thế kỷ 12. Đến ngày nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra câu trả lời vì sao đế chế này sụp đổ. nhưng có một điều mà các nhà khoa học tin rằng Tiwanaku từng là thủ đô, trung tâm tôn giáo, chính trị của một đế chế hùng mạnh kéo dài 500 năm.
Trong các di chỉ khảo cổ còn hiện hữu, ấn tượng nhất là vòng thành bao quanh ngôi đền trung tâm Kalasasaya bề thế, làm từ đá bằng đá sa thạch đỏ nặng tới 130 tấn. Các nhà khoa học đau đầu để tìm ra câu trả lời vì sao người xưa có thể vận chuyển khối đá khổng lồ từ mỏ cách đấy hơn 10 km.
Rải rác là các kiến trúc được chạm trổ tinh vi từ những khối đá xanh Andesit có nguồn gốc từ bán đảo Copacabana nằm bên hồ Titicaca. Một giả thuyết cho rằng những viên đá Andesit khổng lồ nặng hơn 40 tấn này đã được vận chuyển khoảng 90 km qua hồ Titicaca bằng thuyền sậy, sau đó kéo thêm 10 km đến Tiwanaku.
Ngày nay, Tiwanaku còn là nơi để người dân Bolivia hành hương, tưởng nhớ đến tổ tiên và là địa điểm tổ chức các lễ hội tôn giáo lớn.
Video đang HOT
Cách Tinawaku vài trăm mét là khu phế tích độc nhất vô nhị Puma Punku. Có ý kiến cho rằng đây là khu vực đền thờ và đài tưởng niệm của người Inca cổ xưa kia.
Khu phế tích Puma Punku có niên đại 1.000 năm.
Yếu tố thu hút và làm ngỡ ngàng du khách của công trình này là những phiến đá khổng lồ được điêu khắc tinh vi, vuông góc, bề mặt nhẵn mịn như những thanh gỗ lớn được bào kỹ lưỡng.
Các di chỉ có từ năm 536-600 này được tạo thành từ đá granite và đá diorite có độ cứng chỉ thua kim cương. Nếu quan sát kỹ những phiến đá, du khách có thể bắt gặp một số khối cấu trúc đá rất phức tạp, như thể chúng được tạo ra bởi máy móc hoặc thậm chí là thiết bị cắt bằng laser.
Nhiều tảng đá với các đường hoa văn thẳng tắp, độ sâu đồng đều tuyệt đối và được đặt khít vào nhau như một một khối đá liền. Các nhà nghiên cứu chưa hiểu vì sao có thể có những tác phẩm chính xác trên một quy mô lớn như vậy.
Những viên đá lạ thường với những góc vuông hoàn hảo, nhẵn mịn. Điều này càng khiến Puma Punku trở nên độc đáo hơn.
Puma Punku nằm ở độ cao khoảng 4.000 mét so với mực nước biển, cây cối khó có thể phát triển để chế tạo thành những con lăn bằng gỗ. Còn mỏ đá nằm cách xa hàng trăm km. Như vậy, việc di chuyển những phiến đá nặng hàng trăm tấn đến khu vực này là điều không tưởng vào thời đó.
Nhiều người tin vào giả thuyết người ngoài hành tinh với các kỹ thuật tiên tiến đã tạo ra những công trình đồ sộ này, hay chí ít là họ tư vấn cho người dân bản địa xây dựng. Các nhà nghiên cứu về xây dựng còn cho rằng, xét về độ phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao của công trình, các kim tự tháp ở Ai Cập cổ đại quá đơn giản so với phế tích ở Puma Punku.
Nói cách khác, sự độc đáo của Puma Punku không kém so với những công trình của người Inca ở Machu Picchu mà vẫn còn tồn tại khá nhiều ở Peru.Với những bí ẩn chưa có lời giải đáp, Tiwanaku và Puma Punku vẫn là điểm thu hút sự tò mò của khách du lịch khi muốn tìm hiểu những nền văn minh cổ xưa ở Bolivia và cả vùng Nam Mỹ.
Năm 2000, khu phức hợp Tinawaku được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Để đến Tinawaku và Puma Punku, bạn có thể đặt tour tham quan trong vòng một ngày từ các công ty du lịch ở thủ đô La Paz. Bạn nên yêu cầu một hướng dẫn viên địa phương để giới thiệu văn hóa, phong tục tập quán cũng như chi tiết về các công trình xây dựng ở đây.
Theo Zing
7 thành cổ bỏ hoang đầy bí ẩn trên thế giới
Từ hàng nghìn năm trước, các nền văn minh trên thế giới đã rất phát triển với bằng chứng là các di tích còn sót lại khiến chúng ta phải kinh ngạc.
1. Pompeii, Italy
Sự phun trào của núi lửa Vesuvius vào ngày 24/8 năm 79 sau CN đã khiến thành phố cổ Pompeii bị hủy hoại gần hết. Ngày nay, nó chỉ còn lại những bức tường của các căn phòng, các bức tượng bằng đồng tinh xảo, rất nhiều những bức tranh được bảo quản khá tốt và trở thành điểm du lịch rất được yêu thích.
Nhưng chính lượng khách du lịch quá đông cùng những cơn lũ lụt thỉnh thoảng xuất hiện khiến cho Pompeii ngày càng bị hư hỏng nhiều hơn. Hiện nay, Pompeii đã được đóng cửa để bảo trì, nếu bạn chưa từng đến đây có thể tìm xem bộ phim 3D - "Pompeii" để hiểu hơn về thành phố chứa đựng vô vàn những điều thú vị này.
2. Tiwanaku, Bolivia
Đế chế Tiwanaku từng phát triển rất mạnh mẽ ở Bolivia cho đến khi nó sụp đổ vào thế kỷ 12. Đồng thời do biến đổi khí hậu nên vùng đất xung quanh thành trì của Tiwanaku còn sót lại trở nên rất hoang vu vì không loài cây nào mọc được.
Một trong những điểm tham quan hấp dẫn nhất tại Tiwanaku là quảng trường Puerta del Sol, một công trình hình chữ nhật hoành tráng được chạm khắc từ chỉ một phiến đá nặng 45 tấn với các biểu tượng thần linh mạnh mẽ và các yếu tố của lịch chiêm tinh.
3. Skara Brae, Scotland
Những người dân trong ngôi làng Skara Brae - được xây dựng từ thời đồ đá có niên đại 5.000 năm tuổi tại quần đảo Orkney của Scotland đã bỏ đi sau khi liên tục bị những cơn bão cát siêu mạnh càn quét khoảng 2.500 năm trước. Đến năm 1850, người ta mới phát hiện ra sự tồn tại của ngôi làng và duy trì công tác khôi phục, bảo tồn cho đến ngày nay.
4. Công viên quốc gia Mesa Verde, Colorado
Bắt đầu từ khoảng những năm 600 sau CN, tổ tiên người Puebloan hay còn gọi là người Anasazi sống trên cao nguyên Colorado đã bắt tay vào xây dựng những ngôi nhà bên vách đá. Các nhà khảo cổ đương đại đã phát hiện được hơn 4.000 địa điểm khảo cổ giá trị và người ta vẫn chưa lý giải được vì sao người Puebloan lại có thể hoàn thành các công trình ở độ cao như vậy trong môi trường vô cùng khắc nghiệt, hè thì nóng bỏng, đông lại lạnh giá.
Người Puebloan còn đi săn bắn, trồng ngô, đậu, bí và phát triển những cách thức sáng tạo để dự trữ nước như xây hồ, đập. Tuy nhiên tới năm 1300, các tiến bộ trong thủy lợi cũng như nông nghiệp của họ cũng không thể chống lại cơn hạn hán kéo dài cả thập kỷ khiến những người dân phải bỏ đi.
5. Petra, Jordan
Bộ phim "Indiana Jones và cuộc thập tự chinh cuối cùng" năm 1989 lừng danh đã thực hiện những cảnh quay ấn tượng ở thành cổ Petra. Được bao bọc hoàn toàn bời núi đá, thành phố khổng lồ này làm toàn bằng đá sa thạch màu hồng, xây dựng từ 2.000 năm trước bởi bộ tộc người Ả Rập Nabataens.
Mặc dù nằm trong sa mạc cằn cỗi nhưng hệ thống trữ nước tinh vi của người Nabataeans đã giúp Petra tồn tại và phát triển để trở thành trung tâm giao thương lớn nối Trung Quốc, Ấn Độ, Địa Trung Hải và Trung Đông. Tuy nhiên Petra cuối cùng cũng chịu sự cai trị dưới triều đại La Mã và một loạt các trận động đất mạnh đã khiến nó sụp đổ.
Để tham quan Petra bạn phải đi bộ, cưỡi ngựa hoặc đi xe ngựa dọc theo con đường Siq, một con đường rất hẹp chạy qua vách núi sa thạch. Ở cuối con đường, bạn sẽ không thể tin vào mắt mình khi thấy cả một thung lũng rộng mở, các ngôi mộ uy nghiêm, hang động kỳ lạ và một thánh đường lớn được xây trên sườn đồi cùng những dấu hiệu và hình vẽ chạm khắc thể hiện quá khứ huy hoàng cũng như của cải bạt ngàn mà Petra từng có.
6. Knossos, Hy Lạp
Cách bờ biển đảo Crete 5 dặm là thành cổ Knossos - hiện thân còn sót lại của nền văn minh Minoan - một nền văn hóa thời đại đồ đồng phát triển mạnh mẽ khoảng giữa 3000 năm trước CN.
Mặc dù có nhiều suy đoán về sự tồn tại của các mê cung cũng như huyền thoại về vị vua Minos - con trai của thần Zeus nhưng qua những kết quả khảo cổ khai quật được thì Knossos thực sự là một thành phố tiên tiến với hệ thống nước sinh hoạt, đường sá và các tác phẩm nghệ thuật, bao gồm cả đồ kim loại, đồ gốm và các bức bích họa rực rỡ.
Rất nhiều các cuộc tranh luận đã nổ ra xung quanh việc tại sao Knossos lại suy tàn, các nhà khoa học người thì suy đoán là do núi lửa, người lại cho rằng nguyên nhân là từ một cơn sóng thần. Tuy nhiên vẫn chưa ai đưa ra được câu trả lời chính xác.
Khi đến đây, các khách tham quan không thể bỏ qua cung điện Knossos, quảng trường trung tâm, phòng tắm công cộng, và bản sao bức bích họa cá héo và những phụ nữ nhảy múa trong căn phòng hoàng gia - những di tích còn sót lại cho đến ngày nay của Knossos.
7. Atlantic
Trong nhiều thế kỷ, các học giả đã nghiên cứu và tranh luận về vị trí của các thành phố mất tích Atlantis được đưa ra đầu tiên bởi nhà triết học Hy Lạp cổ đại Plato - người đã tuyên bố đó là một thành phố bị chìm dưới đáy biển chỉ qua một đêm. Nhưng liệu đây chỉ là huyền thoại hay là sự thật thì không ai biết chính xác. Người ta dự đoán Atlantis đã bị chìm ở khoảng đảo Síp đến Satorini của Hy Lạp.
Năm 2011, một nhóm nghiên cứu quốc tế đã thông báo họ phát hiện ra Atlantis ở miền nam Tây Ban Nha, bị chôn vùi trong vùng đầm lầy của Vườn quốc gia Donana. Sử dụng radar chuyên ngành và theo các công cụ hiện đại, họ đã tìm thấy bằng chứng về sự sống của con người và cho rằng đó có thể là Atlantis. Mặc dù, giả thuyết này đã bị bác bỏ nhưng một số nhà khoa học vẫn tiếp tục điều tra.
Theo ngôi sao
Khám phá 10 thành phố cổ nhất thế giới Những thế kỉ trôi qua tạo nên sự vĩ đại và uy nghi của các thành phố, chúng để lại dấu ấn của thời đại và nền văn minh. 1.Damascus, Syria. Thủ đô Damacus là thành phố lớn nhất của Syria với dân số hơn 4,5 triệu người. Được cho là ra đời từ hoảng 10.000-8.000 năm trước công nguyên, nhưng đến nay...