Pù Luông rừng “vàng”, núi “bạc”
Giữa trời và đất là các mảng màu xanh tươi của những cánh rừng già, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông bao bọc lấy từng ngôi làng của đồng bào Thái, Mường và biến chúng thành những ốc đảo bình yên.
Ở núi mới thấy giá trị của rừng
Khu BTTN Pù Luông nằm trên địa giới hành chính của 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa, với tổng diện tích 16.999,81ha. Nơi đây có hệ sinh thái núi đá vôi thấp duy nhất ở miền Bắc nước ta, với những cánh rừng nguyên sinh hàng nghìn năm tuổi. Thảm thực vật tại Khu BTTN Pù Luông chủ yếu là loại rừng kín nhiệt đới thường xanh theo mùa, có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại với 908 loài động vật, trong đó 47 loài có tên trong Sách đỏ đang có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo tồn; 257 loài IUCN (2022), như: báo gấm, beo lửa, hươu sao, gấu ngựa, sơn dương… Ngoài ra, ở đây còn là “thủ phủ” của hàng trăm loài bướm, lưỡng cư, động vật thân mềm khác, như: 13 loài chim, 6 loài cá, 2 loài bò sát, 17 loài côn trùng… Đặc biệt, Khu BTTN Pù Luông có tới 1.579 loài thực vật, trong đó có 58 loài quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, 106 loài IUCN (2022), như: thông Pà Cò, nghiến, lan hài, kim tuyến đá vôi, vù hương… Vào mùa xuân, chúng nở rộ biến những ngọn núi thành “bữa tiệc” của các loài hoa. Chưa kể, hệ thống đá Karst của hệ sinh thái núi đá vôi còn lưu giữ nhiều hang động đẹp (hang Dơi Kho Mường).
Với cảnh sắc, vẻ đẹp hoang sơ của Pù Luông, nhất là những ruộng lúa bậc thang và rừng rậm nguyên sinh, Pù Luông đã và đang trở thành một điểm đến thu hút khách trong nước và quốc tế. Gõ trên “Google” tìm từ khóa Pù Luông, chỉ sau chưa đầy nửa phút, có đến hàng nghìn kết quả. Pù Luông trong tiếng Thái là hai từ ghép để chỉ đỉnh núi cao nhất. Nơi đây có núi cao, rừng sâu, bản làng tĩnh lặng, rất lý tưởng để “chữa lành”. Thông thường vào giữa tháng 5 hằng năm, Khu BTTN Pù Luông là điểm đến của hàng nghìn người yêu thích chạy bộ từ khắp mọi miền trên thế giới đổ về tham gia giải chạy địa hình VJM (Vietnam Jungle Marathon). Và đó thực sự là những ngày hội của người dân Pù Luông khi họ được chứng kiến một không khí náo nhiệt có thể là duy nhất trong năm trên mảnh đất vốn luôn yên bình này.
Từ Thác Hiêu đi qua bản Kho Mường đến trụ sở Khu BTTN Pù Luông ở xã Thành Sơn, xe chúng tôi lọt thỏm giữa mênh mông rừng. Hạ hết kính xe, tận hưởng phút giây thư thái, hít thở không khí trong lành, mát dịu và ngắm cảnh sắc thiên nhiên huyền ảo như mơ. Hai bên đường, bạt ngàn cây cổ thụ hai ba người ôm cao vút, tán lá xòe rộng che chở cho các tầng cây thấp hơn, trên nhiều cành cây các loại phong lan đợi dịp khoe sắc, thấp hơn là những cây đỗ quyên đại thụ chen nhau núp bóng, chờ mùa đơm hoa, tạo nên thảm hoa đỏ rực khổng lồ, điểm xuyết là những chùm hoa đỗ quyên trắng tinh khiết. Bất chợt từ phía ngọn núi trước mặt, gió lại đem mây tới tràn vào ngách núi, nối đất vào với trời xanh, xóa nhòa mọi ranh giới. Vẻ đẹp ấy khiến ai đó nếu đã một lần đến và được ngập chìm giữa bao la, khoáng đạt và mênh mang của đất trời sẽ không thể quên.
Với những tiềm năng tự nhiên sẵn có, núi rừng Pù Luông có đầy đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nghiên cứu…
Vừa khai thác, vừa bảo vệ
Rừng là vàng, núi là bạc, là cuộc sống của đồng bào nơi đây. Những năm trước, thời tiết khô hạn kéo dài, nhiều nơi trong huyện thiếu nước sinh hoạt, nhiều thửa ruộng khô cạn không thể cấy thì những thửa ruộng bậc thang của các thôn, xã trong và gần Khu BTTN Pù Luông vẫn xanh tốt, cho năng suất cao, đó là nhờ nguồn nước của rừng được bảo vệ tốt. Rồi những năm thời tiết khắc nghiệt, những cánh rừng già như tấm áo ấm che chắn con người khỏi những đợt gió lạnh và sương muối tấn công. Bên cạnh đó, nguồn cỏ dưới tán rừng cung cấp thức ăn để người dân phát triển chăn nuôi gia súc…
Video đang HOT
Nhờ thế, đời sống của người dân định cư trong Khu BTTN Pù Luông đã có nhiều chuyển biến, tỷ lệ hộ đói, hộ nghèo giảm qua từng năm. Người dân tích cực chuyển đổi giống cây trồng cho năng suất thấp, như: ngô, sắn… sang trồng giống cây cho năng suất cao, như: gạo nếp, cây ăn quả, rau theo mùa… Bên cạnh đó là các loài cây dược liệu, thảo quả, như: cây sói rừng, sả, hương nhu, cỏ máu, sâm đất… cũng được trồng chủ động và mở rộng diện tích. Thành quả đó có sự góp sức rất lớn của những cánh rừng nguyên sinh, chúng giúp ổn định nhiệt độ, nguồn nước cho cây trồng, chống lũ quét gây thiệt hại mùa màng của bà con.
Đồng bào Thái, Mường của huyện Bá Thước và huyện Quan Hóa luôn ý thức rằng rừng là tài sản chung nhưng không vô tận, nên việc khai phá đất rừng canh tác cũng nằm trong giới hạn, ngay cả khi khai thác cây rừng phục vụ đời sống đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, nếu người nào khai thác sai số lượng, chủng loại và sử dụng không đúng mục đích thì sẽ bị phạt. Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ rừng và đa dạng nguồn sinh thái rừng, như: tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ rừng tại các xã vùng đệm; tổ chức tuần tra, kiểm tra an ninh rừng thường xuyên; lên danh sách theo dõi, xử lý những đối tượng vi phạm an toàn rừng; tổ chức giao khoán bảo vệ rừng; tổ chức trồng rừng thay thế 39,115ha… Tất cả cho thấy sự gắn bó máu thịt, sự nhân ái, công bằng của con người với thiên nhiên. Nhờ thế cho đến thời điểm hiện tại, rừng Pù Luông vẫn giữ được nguyên sơ, vẫn xanh màu xứ sở, bao bọc cuộc sống của đồng bào qua nhiều thế hệ.
Những năm gần đây, Pù Luông đang dần thức giấc, nhiều homestay được xây dựng và đưa vào vận hành đã mang lại một diện mạo mới cho đất và người nơi đây. Khu BTTN Pù Luông hiện có 64 cơ sở lưu trú; trong đó, có 44 nhà nghỉ sinh thái cộng đồng và 20 cơ sở nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đặc biệt, Pù Luông có những cơ sở lưu trú cao cấp, như: Jungle Loge Puluong, Puluong Retreat, Eco Garden, Pù Luông Ebino… và đang triển khai nhiều dự án du lịch.
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa các dân tộc, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Pù Luông đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2025, Khu BTTN Pù Luông sẽ đón khoảng 15.800 lượt khách du lịch, doanh thu đạt khoảng 12,6 tỷ đồng; đến năm 2030, đạt 27.000 lượt khách, doanh thu khoảng 33 tỷ đồng; vào năm 2045, đạt 50.000 lượt khách du lịch, tổng thu khoảng 85 tỷ đồng.
Đến Khu BTTN Pù Luông vào bất cứ mùa nào, tháng nào, với mục đích gì… ta sẽ luôn được vỗ về và bao bọc bằng cái sắc xanh tươi mát của núi rừng, bằng những triền ruộng bậc thang quyến rũ và bằng sự chân chất nồng hậu của bà con các dân tộc Thái, Mường. Chúc cho Pù Luông ngày càng đẹp thêm để chào đón các du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng.
Pù Luông mùa nước đổ
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Thanh Hóa) mang vẻ đẹp yên bình, thơ mộng khiến du khách xua tan những bộn bề, tất bật của cuộc sống.
Mùa này đang là mùa nước đổ, nhìn từ trên cao, những thửa ruộng bậc thang lóng lánh như những chiếc gương khổng lồ.
Vẻ đẹp trong veo của Pù Luông vào mỗi sớm mai
Pù Luông là khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích 17.600 ha, nằm ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa thuộc 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng rừng rậm nguyên sinh và người bản địa cần mẫn đã vẽ lên những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp.
Pù Luông quanh năm bồng bềnh mây trắng hấp dẫn du khách tới trải nghiệm
Ở độ cao 1.700m nên Pù Luông có không khí mát mẻ, trong lành và vô cùng thoáng đãng. Vậy nên dù cách TP Thanh Hóa gần 150 km, cách Hà Nội khoảng 4 giờ đi đường nhưng địa điểm này vẫn thu hút đông đảo du khách mỗi năm.
Thiên nhiên ôm trọn những nếp nhà ở Pù Luông
Cùng khí hậu dễ chịu, mát mẻ, trong lành, Pù Luông còn mang vẻ đẹp đơn sơ, bình dị với những con người thân thiện của một vùng quê truyền thống. Đến đây, mọi người sẽ được khám phá những cảnh quan tươi đẹp và thưởng thức các món ăn đặc sản hấp dẫn.
Ruộng bậc thang ở Pù Luông mùa nước đổ
Thời điểm lý tưởng nhất để đi du lịch Pù Luông Thanh Hóa là vào khoảng tháng 5 đến tháng 10. Cuối tháng 5, đầu tháng 6 là lúc Pù Luông khoác lên mình một màu áo mới "xanh mướt nhẹ nhàng" khi bước vào vụ mùa lúa mới. Mùa nước đổ cuối tháng 6, đầu tháng 7, những thửa ruộng bậc thang lấp loáng dưới bóng nắng dịu nhẹ. Đến tháng 9, tháng 10, Pù Luông chuyển sang mùa vàng khi lúa chín trĩu bông. Mọi giác quan đều được đánh thức, sắc vàng óng hòa quyện cùng mùi thơm lúa mới đem đến cảm giác bình yên.
Cảnh sắc Pù Luông còn nguyên sơ, trong lành và yên ả
Pù Luông còn có nhiều địa điểm để du khách tham quan, trải nghiệm. Bản Kho Mường nằm sâu trong vùng lõi của khu bảo tồn, cách biệt với các bản làng khác, ít chịu ảnh hưởng từ tác động của con người nên vẫn giữ được nét đẹp thơ mộng vốn có. Chợ phiên Phố Đoàn có từ thời Pháp thuộc ở xã Lũng Niêm (Bá Thước). Chợ họp vào đúng 2 buổi sáng thứ 5 và chủ nhật hằng tuần, bày bán đủ loại hàng hóa từ truyền thống đến hiện đại.
Chợ phiên Phố Đoàn là điểm nhấn giữa khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông
Đỉnh núi Pù Luông theo tiếng Thái là đỉnh cao nhất vùng với mây bao phủ quanh năm. Thác Hiêu được mệnh danh là thác nước đẹp nhất ở xứ Thanh. Nơi này khiến những người yêu thích thiên nhiên phấn khích bởi vẻ đẹp hùng vĩ.
Thác Hiêu là điểm đến lý tưởng của du khách khi đến Pù Luông
Bản Đôn nằm ở trung tâm của khu bảo tồn, là một trong số ít bản lưu giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, kiến trúc nhà sàn độc đáo. Không chỉ mang đậm bản sắc độc đáo riêng, Pù Luông còn được yêu thích bởi đồ ăn, ẩm thực, cũng rất đa dạng và đặc trưng như cá suối nướng, gà đồi, vịt Cổ Lũng, cơm lam, măng đắng...
Du khách nước ngoài tận hưởng không khí trong lành ở Pù Luông
Thiên nhiên, cảnh vật, con người Pù Luông đã níu chân du khách, nhất là du khách nước ngoài thích khám phá, trải nghiệm.
Tham quan Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông Thanh Hóa Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa, thuộc địa phận hai huyện Quan Hóa và Bá Thước, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông hiện đang lưu giữ những giá trị cảnh quan thiên nhiên phong phú, hệ động thực vật đa dạng, là điểm đến hấp dẫn với những ai ưa thích khám phá thiên nhiên... Khu Bảo tồn Thiên nhiên...