Pù Luông mùa nước đổ
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông ( Thanh Hóa) mang vẻ đẹp yên bình, thơ mộng khiến du khách xua tan những bộn bề, tất bật của cuộc sống.
Mùa này đang là mùa nước đổ, nhìn từ trên cao, những thửa ruộng bậc thang lóng lánh như những chiếc gương khổng lồ.
Vẻ đẹp trong veo của Pù Luông vào mỗi sớm mai
Pù Luông là khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích 17.600 ha, nằm ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa thuộc 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng rừng rậm nguyên sinh và người bản địa cần mẫn đã vẽ lên những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp.
Pù Luông quanh năm bồng bềnh mây trắng hấp dẫn du khách tới trải nghiệm
Ở độ cao 1.700m nên Pù Luông có không khí mát mẻ, trong lành và vô cùng thoáng đãng. Vậy nên dù cách TP Thanh Hóa gần 150 km, cách Hà Nội khoảng 4 giờ đi đường nhưng địa điểm này vẫn thu hút đông đảo du khách mỗi năm.
Thiên nhiên ôm trọn những nếp nhà ở Pù Luông
Cùng khí hậu dễ chịu, mát mẻ, trong lành, Pù Luông còn mang vẻ đẹp đơn sơ, bình dị với những con người thân thiện của một vùng quê truyền thống. Đến đây, mọi người sẽ được khám phá những cảnh quan tươi đẹp và thưởng thức các món ăn đặc sản hấp dẫn.
Ruộng bậc thang ở Pù Luông mùa nước đổ
Video đang HOT
Thời điểm lý tưởng nhất để đi du lịch Pù Luông Thanh Hóa là vào khoảng tháng 5 đến tháng 10. Cuối tháng 5, đầu tháng 6 là lúc Pù Luông khoác lên mình một màu áo mới “xanh mướt nhẹ nhàng” khi bước vào vụ mùa lúa mới. Mùa nước đổ cuối tháng 6, đầu tháng 7, những thửa ruộng bậc thang lấp loáng dưới bóng nắng dịu nhẹ. Đến tháng 9, tháng 10, Pù Luông chuyển sang mùa vàng khi lúa chín trĩu bông. Mọi giác quan đều được đánh thức, sắc vàng óng hòa quyện cùng mùi thơm lúa mới đem đến cảm giác bình yên.
Cảnh sắc Pù Luông còn nguyên sơ, trong lành và yên ả
Pù Luông còn có nhiều địa điểm để du khách tham quan, trải nghiệm. Bản Kho Mường nằm sâu trong vùng lõi của khu bảo tồn, cách biệt với các bản làng khác, ít chịu ảnh hưởng từ tác động của con người nên vẫn giữ được nét đẹp thơ mộng vốn có. Chợ phiên Phố Đoàn có từ thời Pháp thuộc ở xã Lũng Niêm (Bá Thước). Chợ họp vào đúng 2 buổi sáng thứ 5 và chủ nhật hằng tuần, bày bán đủ loại hàng hóa từ truyền thống đến hiện đại.
Chợ phiên Phố Đoàn là điểm nhấn giữa khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông
Đỉnh núi Pù Luông theo tiếng Thái là đỉnh cao nhất vùng với mây bao phủ quanh năm. Thác Hiêu được mệnh danh là thác nước đẹp nhất ở xứ Thanh. Nơi này khiến những người yêu thích thiên nhiên phấn khích bởi vẻ đẹp hùng vĩ.
Thác Hiêu là điểm đến lý tưởng của du khách khi đến Pù Luông
Bản Đôn nằm ở trung tâm của khu bảo tồn, là một trong số ít bản lưu giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, kiến trúc nhà sàn độc đáo. Không chỉ mang đậm bản sắc độc đáo riêng, Pù Luông còn được yêu thích bởi đồ ăn, ẩm thực, cũng rất đa dạng và đặc trưng như cá suối nướng, gà đồi, vịt Cổ Lũng, cơm lam, măng đắng…
Du khách nước ngoài tận hưởng không khí trong lành ở Pù Luông
Thiên nhiên, cảnh vật, con người Pù Luông đã níu chân du khách, nhất là du khách nước ngoài thích khám phá, trải nghiệm.
Sa Pa tỉnh Thanh
Khi chúng tôi đến Pù Luông, lúa vẫn còn xanh. Không chụp được những bức ảnh mùa vàng tuyệt đẹp như vẫn thường thấy trên mạng xã hội, nhưng con đường mềm mại uốn cong như dải lụa, tiết trời mát mẻ trong cái nắng vàng như mật ong, bữa ăn ngon với vịt Cổ Lũng luộc chấm chẩm chéo và pa pỉnh tộp (cá nướng kiểu dân tộc Thái)...
đủ để khiến mọi thành viên trong "đội phượt tay mơ" được tận hưởng cảm giác thật thư thái, an nhiên.
Nhà trọ anh Tá và chú chó ý nhị
Vật trang trí duy nhất cho phòng trọ của tôi đơn giản chỉ là một tấm kính trong suốt. Và như thế là đủ, bởi vì từ đó bạn sẽ nhìn thấy một bức tranh khổ lớn được viền bằng dây mướp hoa vàng. Trong đó là trọn vẹn một khu vườn nhỏ xanh tươi, với lối đi lát gạch nghiêng. Tía tô cảnh tím đỏ làm nền cho vạn thọ màu cam rực rỡ. Một khoảng sân cỏ đầy nắng. Sàn gỗ để ngồi uống trà ngắm sao.
Phòng ở của chúng tôi nhỏ thôi, nhưng đủ tiện nghi. Đặc biệt nhất có lẽ là phòng tắm với vách kính mặt núi. Chẳng thế mà anh Tá, chủ nhà trọ tếu táo dặn chúng tôi "đừng để các bạn khỉ đẹp trai xuống núi nhìn trộm nhé". Nhà trọ của anh có tên rất Tây: Puluong Holiday, được khách du lịch "ba lô" rất ưa thích. Nhưng chính chủ nhân của nó thì lại không hề nhắc đến cái tên "Tây" ấy với chúng tôi, mà bảo: "Nếu muốn tìm, bạn chỉ cần lên mạng, gõ "nhà anh Tá ở Pù Luông" là có cả đường đi đấy".
Pù Luông trong tiếng Thái có nghĩa là "ngọn núi cao nhất trong vùng". Đường lên Pù Luông (đỉnh cao trên 1.700m) có những con dốc nghiêng tới 18%, thách thức các tay lái lụa. Bù lại, quang cảnh xanh tươi, còn khá hoang sơ, đem đến cho du khách cảm giác thật sảng khoái, dễ chịu. Cộng đồng dân cư ở đây chủ yếu là người dân tộc Thái, với văn hóa bản địa phong phú.
Bản làng Pù Luông thuần phát và chưa bị thương mại hoá. |
Anh Tá, chủ nhà nghỉ của chúng tôi, không phải là người dân tộc Thái. Nhưng có lẽ những năm làm ăn nơi đất khách quê người đã giúp anh nhận ra và nhanh chóng hấp thụ những nét đặc sắc của văn hóa bản địa, biến nó thành lợi thế kinh doanh. Sau vài chục phút tay dao tay thớt, những đặc sản địa phương như vịt Cổ Lũng, cá suối, măng rừng, nhộng ong, lá đắng... qua bàn tay khéo léo của anh đã trở thành những món ăn hấp dẫn trên mâm cơm đầy đặn, bày biện đúng theo phong tục người Thái khi nhà có khách quý. Điểm đặc sắc là các loại muối chấm được rắc ngay trên mâm chứ không cho vào bát riêng. Cũng có thể vì thế mà thực khách bỗng nhớ đến những bữa cơm góc rừng một chiều mưa xa vắng. Rất nhiều món ngon, nhưng ấn tượng nhất với tôi hôm ấy là món canh lá đắng nấu với thịt nạc băm. Đắng lắm, đắng đến mức chỉ một số ít người ăn được, nhưng ai "chịu" nó thì ăn vào lại thấy tỉnh táo vô cùng. Một chút hậu vị nhang nhác ngọt lưu lại rất lâu sau đó.
Điểm cộng nữa của nhà anh Tá là chú chó cực tinh khôn. Suốt hành trình vòng vèo xuyên bản xem lúa, thăm thác của chúng tôi, cứ thấy một chú chó lững thững "đi kèm", vừa như chỉ lối, vừa để bảo vệ. Lấy làm lạ, trên đường về, chúng tôi cố tình dừng lại không qua đi chiếc cầu tre ngang suối. Cậu chàng bèn chạy ra giữa cầu, rồi đứng lại ngoáy đuôi rối rít, ra ý bảo "đường này cơ mà". Thấy chúng tôi trầm trồ với nhau, một người làng cười bảo: "Chó nhà Tá, khôn lắm". Vài bước nữa về đến nhà, lại không thấy đâu nữa. Hóa ra, cậu chàng đã kịp chạy về trước, mừng rỡ đứng đón khách giữa sân.
Chú chó con ở Pù Luông. |
Khoáng đạt thiên nhiên, phong phú văn hóa bản địa
Cách nhà nghỉ của anh Tá không xa là bản Hiêu - một bản người Thái nằm bên bờ thác Hiêu. Bản gồm hơn trăm nóc nhà nằm rải rác dọc theo hai bên bờ suối. Từ đầu bản đến cuối bản khoảng một cây số, gồm tới năm thác nước, không lớn, nhưng nước chảy xiết, trong vắt. Nhìn từ đỉnh, dòng nước chảy đến lưng chừng núi thì tách ra thành hai nhánh, đổ về hai hướng khác nhau và hợp lại ở cuối dòng, tạo thành một hồ bơi tự nhiên mát lạnh, ngay cả giữa mùa hè. Hồ bơi khá nông, chỉ khoảng trên dưới 1m, đáy nhiều cát nên rất lý tưởng cho các du khách "giải nhiệt". Người dân trong vùng nói, khởi nguồn của dòng suối Hiêu là một hang đá thuộc dãy núi đá hùng vĩ của khu sinh cảnh đá vôi Pù Luông - Cúc Phương, được đánh giá là khu vực đất thấp duy nhất còn lại của rừng sinh cảnh núi đá vôi ở miền Bắc Việt Nam. Chính vì thế, dòng nước ở thác Hiêu có hàm lượng đá vôi cao, nhanh chóng "hóa thạch" các cây cối, đồ vật trong dòng chảy, tạo nên những tảng đá có hình thù rất sinh động.
Một phần của thác Hiêu. |
Sáng hôm sau, chúng tôi có dịp đi chơi chợ phiên Phố Đoàn (người dân địa phương còn gọi là Phố Đòn). Chợ nhóm họp từ thời Pháp thuộc tại xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, mỗi tuần hai phiên vào thứ năm và chủ nhật, là nơi giao thương buôn bán những sản vật địa phương, nơi gặp gỡ, chuyện trò giao lưu và... ăn quà. Xen giữa những chiếc măng tươi khổng lồ như ngà voi, những xâu cua núi, chuột đồng, ốc đá, những mớ lá đắng, rổ rau rừng... là những hàng quà quê đơn sơ, dân dã. Có nhìn thấy cảnh các cụ ông, cụ bà, chàng trai, cô gái người Thái, người Mường, người Kinh vui vẻ vừa ăn ngon lành những chiếc bánh rán mới vớt vàng xuộm, những chiếc bánh ướt trắng ngà rắc hành phi thơm lựng, vừa trò chuyện rôm rả mới thấy hạnh phúc đôi khi thật đơn giản.
Nếu có thiên hướng làm một nhà "dân tộc học" và không ngại đường sá gập ghềnh, bạn không nên bỏ qua thung lũng Kho Mường. Nằm cách UBND xã Thành Sơn chỉ khoảng hơn 2km, nhưng chặng đường khá gập ghềnh nên Kho Mường hầu như chưa bị "thương mại hóa". Từ trên cao nhìn xuống, nổi bật lên trên màu xanh ngắt của rừng là những ngôi nhà sàn mái sẫm nằm giữa những khoảng xanh nhạt hơn của ruộng lúa, nương ngô, nương sắn. Hang Kho Mường được hình thành từ hàng trăm triệu năm trước với một dòng sông ngầm bên dưới. Đây cũng là nơi trú ngụ của nhiều loài dơi. Tiếng kêu của bầy dơi trong quang cảnh mờ ảo thấp thoáng những nhũ đá với hình thù kỳ dị có thể làm bạn hơi lành lạnh sống lưng, nhưng thích thú.
Tất nhiên, còn rất nhiều nơi để bạn khám phá, tùy thuộc vào quỹ thời gian và sức khoẻ. Như bản Đôn, nơi sinh sống của khoảng 80 hộ đồng bào dân tộc Thái, yên bình và mến khách. Rồi ba bản vùng cao Son - Bá - Mười của xã Lũng Cao, cách trung tâm thành phố khoảng 130km về phía Tây Bắc, có khi còn được gọi là khu Cao Sơn. Son - Bá - Mười nằm trên đỉnh của dãy núi Pha Hé, Pha Chiến, chạy song song với dải Pù Luông - Cúc Phương. Khu vực này đích thực là "Sa Pa của tỉnh Thanh", bởi quanh năm, nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 20oC, đôi khi mùa đông còn có tuyết rơi. Những nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái ở đây gần như vẫn giữ nguyên như hàng trăm năm trước, không phải loại nhà sàn cột xi măng...
Dù chưa được chiêm ngưỡng lúa vàng, nhưng chúng tôi không hề tiếc.
Tham quan Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông Thanh Hóa Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa, thuộc địa phận hai huyện Quan Hóa và Bá Thước, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông hiện đang lưu giữ những giá trị cảnh quan thiên nhiên phong phú, hệ động thực vật đa dạng, là điểm đến hấp dẫn với những ai ưa thích khám phá thiên nhiên... Khu Bảo tồn Thiên nhiên...