PSG Đặng Văn Bài: ‘Không nên vì bảo tồn mà cấm phát triển’
“ Bảo tồn là phải phục vụ phát triển và ngược lại phát triển không thể bằng mọi giá mà hy sinh bảo tồn”, PGS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam nêu quan điểm khi Quảng Bình có ý định làm cáp treo vào Phong Nha – Kẻ Bàng.
- UBND tỉnh Quảng Bình đang lấy ý kiến và cho nhà đầu tư khảo sát để xây dựng cáp treo vào Phong Nha – Kẻ Bàng. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
- Dự án đang ở giai đoạn khảo sát và chủ đầu tư hoàn toàn có quyền làm điều này mà không bị cấm đoán nếu không ảnh hưởng đến di sản. Họ đi khảo sát cũng giống như khách đi tham quan mà thôi. Dự án chưa hoàn thiện nên tôi chưa thể nói “có” hay “không”. Nếu nói không thì là cảm tính chứ không có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, với 37 năm làm về bảo tồn di sản văn hóa, từng duyệt hàng trăm dự án liên quan đến lĩnh vực này, cá nhân tôi chắc chắn không bao giờ ủng hộ dự án nào nếu nó ảnh hưởng đến di sản văn hóa. Trường hợp dự án đó không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng ít nhất đến di sản thì sẽ phải cân nhắc.
Nhu cầu bảo tồn, bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa cũng có thể coi là nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội địa phương nên dự án mà UBND tỉnh đưa ra, chúng ta không nên vội cản trở mà cần xem kỹ rồi đưa ra lời khuyên, tư vấn mang tính tích cực. Dự án này phải đáp ứng trước hết yêu cầu của UNESCO với di sản thiên nhiên thế giới, đáp ứng nhu cầu quản lý bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa theo tinh thần của luật Di sản văn hóa.
- Nhiều người lo ngại dự án trên sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng, trong đó có Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới với nhiều thành tạo hiếm có. Ông nghĩ sao về lo ngại này?
Ông Đặng Văn Bài. Ảnh: HT.
- Chắc chắn khi thực hiện bất kỳ công trình nhân tạo nào trong tự nhiên cũng gây ra ảnh hưởng dù ít hay nhiều. Vấn đề là làm sao để phát triển kinh tế – xã hội mà ít ảnh hưởng đến di sản, môi trường nhất.
Tất nhiên với di sản thiên nhiên tầm cỡ thế giới thì việc bảo tồn được phải đặt lên trên, và không thể hy sinh bảo tồn cho phát triển được vì như thế đâu còn là di sản nữa. Nhưng nếu vì nhu cầu bảo tồn mà cấm không cho phát triển thì sẽ mâu thuẫn. Ngược lại nếu phát triển bừa bãi, cốt đặt mục tiêu lợi nhuận và phát triển kinh tế xã hội lên trên, không quan tâm đến bảo tồn thì cũng là mâu thuẫn. Vì vậy, chủ đầu tư nếu phát triển mà hạn chế tối đa ảnh hưởng tới di sản thì có thể chấp nhận trong chừng mực nào đó.
Việc xây dựng cáp treo, hay bất kỳ dự án nào trong di sản thiên nhiên thì các đòi hỏi về bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản văn hóa phải khắt khe hơn và đáp ứng được yêu cầu của những bên hữu quan.
- Dự án liên quan đến di sản như thế nào thì được cho là hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thưa ông?
- Đó là khi nó không làm ảnh hưởng mà còn góp phần bảo tồn; điều hòa được lợi ích cộng đồng, lợi ích đối tác tham gia và mang lại công ăn việc làm cho người dân. Tôi cho rằng, dự án nào thực hiện được điều này thì sẽ được hoan nghênh và cộng đồng chắc chắn sẽ ủng hộ.
Quá trình khảo sát điều tra xây dựng, chủ đầu tư phải có ý thức tôn trọng môi trường thiên nhiên. Nếu tôn trọng, họ sẽ đặt ra các giải pháp để cân bằng giữa việc bảo tồn và xây dựng mới, giữa bảo tồn và phát triển. Chủ đầu tư cần tạo ra sự hài hòa trong lợi ích của các đối tác can dự đến dự án và đặc biệt là lợi ích của cộng đồng đang sinh sống gắn bó với di sản.
Tiếp đó, khi xây dựng dự án hoàn chỉnh rồi, để được phép thi công thì chủ đầu tư phải nhận được ý kiến từ cơ quan chủ quản, cụ thể ở đây là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cùng sự tham gia của các bộ, ngành liên quan như trường hợp này là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng. Đặc biệt, dự án phải có sự đồng thuận của Trung tâm di sản văn hóa thế giới và Hội đồng di sản văn hóa quốc gia – đơn vị tư vấn của Thủ tướng và giúp Bộ Văn hóa làm thẩm định.
Sau khi trình, nếu dự án không đạt chuẩn thì sẽ không được xây dựng. Một nguyên tắc trong xây dựng dự án ở khu di sản là chủ đầu tư cần căn cứ vào Nghị định 70 do Thủ tướng ký về xây dựng quy hoạch các dự án bảo tồn di sản văn hóa.
Video đang HOT
Các nhà thám hiểm đi trong hang Én. Con sông ngầm chảy qua đây rồi ra hang Sơn Đoòng. Nhiều người lo ngại khi cáp treo xây dựng ở đây sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cảnh quan và môi trường. Ảnh: NatGeo.
- Sở hữu di sản thiên nhiên thế giới nhưng Quảng Bình vẫn là tỉnh nghèo, người dân chưa được hưởng lợi từ di sản này. Ông có thể chia sẻ một số giải pháp được UNESCO khuyến cáo để giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển kinh tế?
- UNESCO khuyến khích các quốc gia thành viên tham gia công ước bảo tồn di sản văn hóa thiên nhiên quốc tế phải thức tỉnh ý thức cộng đồng và trách nhiệm của quốc gia ấy, đồng thời thực hiện cam kết về việc bảo vệ sự toàn vẹn của di sản, bảo vệ được giá trị nổi bật, sự toàn cầu của di sản.
Một quốc gia thực hiện việc gì đó để phục vụ cho phát triển, UNESCO cũng không cản nếu như việc ấy không làm tổn hại đến sự toàn vẹn của di sản, không làm suy giảm giá trị nổi bật toàn cầu. Thậm chí hoạt động đó còn được khuyến khích nếu nó góp phần bảo vệ sự toàn vẹn ấy.
Tôi lấy ví dụ, trước khi được xếp hạng là di sản thiên nhiên thế giới thì trong vùng lõi của Cát Bà có cộng đồng dân tộc đang sống. Họ sống nhờ vào rừng như đánh bẫy, hái lượm khai thác nguồn lợi từ rừng lâu nay. Nhưng khu rừng giờ ở vị thế khác và cần được bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Điều này đồng nghĩa với việc cuộc sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, muốn phát triển du lịch thì phải tạo công ăn việc làm cho dân, để họ tham gia dự án có dịch vụ nhỏ và vừa để tồn tại cùng di sản. Vì vậy sự đồng thuận của cộng đồng người sống xung quanh di sản ấy cũng là yếu tố quyết định cho phép xây dựng công trình hay không.
Di sản văn hóa là của cộng đồng, do cộng đồng sáng tạo ra và cộng đồng bảo vệ nó, nhưng họ chỉ bảo vệ khi họ được hưởng thụ lợi ích về mặt tinh thần và vật chất. Thế nên bất kỳ dự án nào trong di sản phải tính đến lợi ích cộng đồng địa phương ấy.
- Cá nhân ông có băn khoăn gì về dự án này?
- Điều khiến tôi băn khoăn là nhà kinh tế thường đặt lợi nhuận lên hàng đầu chứ không phải lợi ích di sản. Bởi vậy tôi rất mong các nhà đầu tư hãy xây dựng dự án trên tinh thần tôn trọng sự toàn vẹn, tôn vinh giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Có như vậy họ mới tìm được những giải pháp tối ưu thích hợp về khoa học kỹ thuật, kinh tế để giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn và phát triển.
Nếu chủ đầu tư phát triển thái quá, thiếu kiểm soát gây những hậu quả nặng nề thì họ sẽ phải chấp nhận việc di sản bị loại ra khỏi di sản văn hóa thế giới. Trong trường hợp ấy hình ảnh quốc gia, uy tín thương hiệu quốc gia sẽ bị ảnh hưởng và suy giảm theo.
- Theo ông, Quảng Bình nên học tập mô hình cáp treo nào trên thế giới?
- Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới đang làm công việc này khá tốt. Nhưng họ rất tôn trọng môi trường sinh thái, văn hóa, tính toàn vẹn giá trị di sản và đặc biệt họ đã tạo ra các công trình đạt giá trị thẩm mỹ, xanh, sạch đẹp.
Tại Việt Nam, tôi thấy mô hình cần học tập là ở Yên Tử (Quảng Ninh), công ty thực hiện cáp treo đang làm khá tốt khi họ hạn chế quy mô xây dựng đến mức tối đa, tức là diện tích xây dựng thấp nhất theo nghĩa là vừa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cáp treo, vừa ảnh hưởng ít nhất tới môi trường.
Tuy nhiên, Yên Tử làm được không có nghĩa là các nơi khác cũng làm. Yên Tử có thể kiểm soát tốt dòng người tham gia du lịch ở mức độ và rõ ràng họ đang ngày càng phát huy lợi thế nhờ cáp treo. Quan trọng là họ luôn ý thức bảo vệ môi trường và sử dụng số tiền thu được để đầu tư cho bảo tồn di sản.
Hương Thu thực hiện
Theo VNE
Cáp treo khám phá Sơn Đoòng có "phá hỏng" di sản?
PV đặt câu hỏi: Việc xây dựng tuyến cáp treo tại Phong Nha - Kẻ Bàng có ảnh hưởng đến rừng di sản? Lãnh đạo tỉnh và chủ đầu tư trả lời, sẽ đặt việc bảo vệ giá trị rừng di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng lên hàng đầu.
Chiều 4/11, tại thành phố Đồng Hới, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cuộc họp báo cung cấp thông tin liên quan đến Dự án xây dựng tuyến cáp treo tại Phong Nha - Kẻ Bàng. Theo đó, sau hơn 10 đợt khảo sát quy mô bao gồm các kỹ sư Việt Nam cùng các giám đốc kỹ thuật cáp treo, các chuyên gia trắc địa, chuyên gia địa hình địa chất... người nước ngoài, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời đã xác định được hai hướng tuyến cáp treo: Tuyến cáp treo số 01 từ cửa động Phong Nha đến cầu Trạ Ang với chiều dài tuyến là 6.788m. Tuyến cáp treo số 02 từ cầu Trạ Ang đến cửa sau động Sơn Đoòng với chiều dài 3.872m.
Dự án cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng dự kiến có 30 trụ, mỗi trụ chiếm khoảng 10 m2 đất, trên mỗi trụ có gắn 01 camera 360 độ để theo dõi cháy rừng và công tác bảo vệ rừng.
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, chủ trì cuộc họp báo thông tin về dự án cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, nhấn mạnh, Quảng Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế xã hội, đó là một hệ thống hạ tầng tương đối đồng bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, hệ thống đường bộ thuận lợi. Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch, Quảng Bình có nhiều danh thắng với 116 km bờ biển, hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại, suối nước khoáng Bang, đền Công chúa Liễu Hạnh, di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Nhưng hiện nay, Quảng Bình vẫn là tỉnh nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn bình quân toàn quốc. Việc phát triển du lịch là một hướng đi đúng để góp phần đưa Quảng Bình thoát nghèo và vươn lên trở thành một tỉnh giàu.
Trước nhiều luồng dư luận trái chiều về dự án này, nhiều phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến việc xây dựng tuyến cáp treo tại Phong Nha - Kẻ Bàng liệu có ảnh hưởng đến giá trị rừng di sản. Các câu hỏi trên đã được lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời đã trả lời là muốn khai thác những tiềm năng thế mạnh về du lịch tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng để đưa tỉnh Quảng Bình sớm thoát nghèo, cuộc sống người dân ngày càng giàu mạnh hơn. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng và khai thác, UBND tỉnh Quảng Bình và đơn vị chủ đầu tư sẽ đặt việc bảo vệ giá trị rừng di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng lên hàng đầu.
"Hoàn toàn nằm ngoài hang động"
Trao đổi với PV Dân trí xung quanh việc triển khai xây dựng dự án tuyến cáp treo tại Phong Nha - Kẻ Bàng, ông Đặng Minh Trường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời khẳng định, việc xây dựng cáp treo tại Phong Nha - Kẻ Bàng nằm hoàn toàn bên ngoài động, không phải nằm trong lòng động như nhiều người lầm tưởng, bởi ga đến cuối cùng của tuyến cáp treo nằm cách cửa hang khoảng 300 mét.
Ông Đặng Minh Trường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời trả lời các câu hỏi của phóng viên
"Chúng tôi sẽ báo cáo cụ thể với UBND tỉnh Quảng Bình tất cả những kết quả khảo sát, cùng xem xét tính khả quan của các tuyến cáp treo mà vẫn giữ được nguyên trạng rừng di sản... Tất cả những thiết kế triển khai sẽ đều có báo cáo, xin ý kiến của các Bộ ngành liên quan như: Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT&DL, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... đảm bảo tránh việc vi phạm những quy định của UNESCO về bảo tồn văn hóa và du lịch thiên nhiên. Nhà đầu tư cùng các nhà tư vấn nước ngoài sẽ phải cam kết các biện pháp tiếp cận không ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và phải đảm bảo các tiêu chí về phát triển bền vững mà UNESCO công nhận", ông Trường cho hay.
Việc xây dựng cáp treo tại Phong Nha - Kẻ Bàng nằm hoàn toàn bên ngoài động (Ảnh: Internet)
Bên cạnh đó, dự án xây dựng tuyến cáp treo tại Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ không hề ảnh hưởng đến các tour du lịch mạo hiểm dành cho các du khách nước ngoài có sức khoẻ, có điều kiện như hiện nay. Dự án đầu tư xây dựng: "Tuyến cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc Quần thể Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng" nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu của mọi công dân Việt Nam và bạn bè Quốc tế muốn thám hiểm và chinh phục vẻ đẹp hùng vĩ các hang động, chinh phục báu vật của Tổ quốc Việt Nam, đưa Quảng Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam, tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
Một thực tế cũng khẳng định rằng, trên thế giới hình thức vận chuyển khách đi bằng cáp treo đến các địa điểm di sản (đã được UNESCO công nhận) là rất phổ biến với hơn 80 điểm khác nhau
Cụ thể, tuyến cáp treo trên núi Hoa Sơn (Trung Quốc) là một ví dụ. Hoa Sơn thuộc tỉnh Thiểm Tây, là một trong năm ngọn núi thuộc Ngũ Nhạc Danh Sơn của Trung Quốc. Năm 1990, Hoa Sơn được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Đây là một trong những ngọn núi thiêng và đẹp nhất Trung Quốc. Núi Hoa Sơn còn là điểm đến của những du khách ưa mạo hiểm vì con đường trên núi chỉ là những tấm gỗ mỏng manh cùng những sợi dây xích chắp vá vào nhau. Nhiều biện pháp an toàn đã được thực hiện, nhưng hàng năm số người tử vong ở đây vẫn không hề giảm và ngọn núi này còn có tên gọi "Ngọn núi chết".
Tuyến cáp treo trên núi Hoa Sơn
Để phục vụ mong muốn được chiêm ngưỡng di sản thế giới độc đáo Hoa Sơn của đông đảo du khách trong và ngoài nước, một tuyến cáp treo đã được xây dựng tại đây.
Cáp treo trên núi Hoa Sơn có chiều cao khoảng 2.000 mét và dài khoảng 4.2km. Kể từ khi có tuyến cáp treo này, hàng triệu du khách được thoả mãn ước ao của mình, những tai nạn thảm khốc do sự mạo hiểm của "Ngọn núi chết" gây ra hầu như không còn nữa. Phương án xây dựng cáp treo phục vụ du khách đến với hang động lớn nhất thế giới - hang Sơn Đoòng thuộc rừng di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng là 1 phương án tối ưu, bởi theo kinh nghiệm trên thế giới, thì cáp treo chính là loại hình vận chuyển duy nhất đảm bảo cho việc bảo tồn thiên nhiên nguyên vẹn như vốn có.
C am kết cùng tỉnh chung sức bảo vệ rừng di sản
Dự án xây dựng cáp treo tại Phong Nha - Kẻ Bàng đưa du khách tham quan hang động đẹp nhất thế giới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tỉnh Quảng Bình. Với những dự án tầm cỡ như thế này, Quảng Bình sẽ khai thác được thế mạnh về du lịch đang có, lượng khách du lịch đến Quảng Bình chắc chắn sẽ tăng mạnh, kéo theo sự phát triển của hệ thống giao thông và các loại hình dịch vụ khác như lưu trú, ẩm thực, hang lưu niệm... Dự án sẽ mở ra cơ hội việc làm ổn định cho hàng chục ngàn người lao động.
Và điều quan trọng hơn cả là khi có tuyến cáp treo thuận lợi, việc đi lại dễ dàng hơn, công tác kiểm tra, ngăn chặn nạn phá rừng sẽ được thực hiện triệt để, những sự cố cháy rừng sẽ được kịp thời phát hiện, ứng cứu, việc xâm hại di sản (đục thạch nhũ...) trong các hang động cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng .
Trong Quyết định số 24/2012/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính Phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng có nêu rõ: "Nhà nước khuyến khích các hoạt động dịch vụ môi trường rừng, kinh doanh du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm tạo nguồn thu để bù đắp các chi phí, nâng cao thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thay thế dần đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước".
Để được triển khai dự án này, Công ty Cổ phần Tập Đoàn Mặt Trời cũng cam kết cùng tỉnh chung sức bảo vệ rừng di sản quý giá Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: Đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh
Công ty Cổ phần Tập Đoàn Mặt Trời cam kết cùng tỉnh chung sức bảo vệ rừng di sản quý giá Phong Nha - Kẻ Bàng, xem đó như vấn đề sống còn của việc kinh doanh du lịch sinh thái bền vững, và cũng là lợi ích của chủ đầu tư, bởi cốt lõi của sự thu hút khách du lịch nằm ở cảnh quan tuyệt đẹp của hang động và rừng nguyên sinh.
Đặng Tài - Phúc Lịnh
Theo Dantri
Cáp treo Sơn Đoòng cách cửa động 300 mét Tỉnh Quảng Bình cho hay, dự án cáp treo trị giá 3.000 tỷ đồng ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng sẽ đưa du khách vào ngắm rừng nguyên sinh, chứ không vào bên trong hang động Sơn Đoòng. Ngày 4/11, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức họp báo về dự án cáp treo Phong Nha-Kẻ Bàng. Tham dự có nhiều sở ban...