‘Pride’- Bộ phim đề tài đồng tính hay nhất 2014
Bộ phim “ Pride” đến từ điện ảnh nước Anh của đạo diễn Matthew Warchus mang màu sắc tươi sáng, lạc quan, đem đến cho khán giả một cái nhìn khác về người đồng tính.
Dựa trên sự kiện lịch sử có thật diễn ra tại nước Anh dưới thời nữ thủ tướng Margaret Thatcher, Pride kể về một nhóm người đồng tính ở London, đứng ra quyên góp và ủng hộ công khai những người công nhân mỏ đình công chống chính phủ trong suốt những năm 1984-1985.
Bộ phim đề tài đồng tính Pride được dựa trên một sự kiện có thật trong lịch sử hiện đại Anh quốc.
Vụ đình công này trở thành cuộc xung đột xã hội lớn nhất trong lịch sử hiện đại nước Anh với ba người thiệt mạng, 20.000 người bị thương và hơn 10.000 vụ bắt giữ. Cũng vì sự kiện này mà “bà đầm thép” Margaret Thatcher từng phải hứng chịu rất nhiều búa rìu dư luận. Sự phẫn nộ của những người công dân mỏ cũng như tinh thần nổi loạn của cộng đồng người đồng tính được đạo diễn Matthew Warchus thể hiện khá mạnh tay trong bộ phim của ông nhằm phản ánh một thời kỳ hỗn loạn trong lịch sử nước Anh.
Đề tài về người đồng tính tuy không còn quá mới mẻ nhưng vẫn tỏ ra hết sức đặc biệt qua cách xử lý của đạo diễn Matthew Warchus với Pride. Khai thác một câu chuyện có thật, chân dung nhiều nhân vật có thật trong lịch sử, Pride không kể về những điều viển vông, xa xôi. Mỗi số phận, mỗi cuộc đời được vinh danh trong phim đều gắn liền với một phần lịch sử nước Anh qua những bước thăng trầm, sóng gió.
Để có được chất liệu chân thực và phong phú cho bộ phim, đạo diễn Matthew Warchus và biên kịch Stephen Beresford tới gặp gỡ và phỏng vấn trực tiếp những nhân chứng sống của thập niên 1980. Một số người đồng tính đã qua đời vì căn bệnh HIV, nhưng hầu hết như những người còn lại đều tỏ ra rất hào hứng và xúc động khi hồi tưởng và kể lại sự kiện này.
Pride đem đến một góc nhìn mới về người đồng tính, khi đạo diễn không muốn biến họ thành những số phận đặc biệt, mà chỉ coi tất cả như một cộng đồng chung, với những mục đích chung bên cạnh người bình thường.
Không chỉ tái hiện lịch sử, Pride còn được đánh giá cao bởi ý nghĩa xã hội và tính nhân văn khi đem đến một góc nhìn khác về những người đồng tính. Nếu như hầu hết các bộ phim đồng tính đình đám trước đây như Brokeback Mountain hay Blue is the Warmest Color đều tập trung vào cuộc đời, số phận của những cá nhân, thì Pride lại mô tả chân dung của cả một cộng đồng, một tập thể các cá nhân gay và lesbian. Ở đó, không có bi kịch cá nhân nào lớn hơn tinh thần tập thể, không có nỗi mặc cảm thân phận nào lớn hơn tinh thần xả thân vì cộng đồng.
Lần đầu tiên, những người đồng tính bước lên màn ảnh như những công dân bình thường, có hoài bão, ước mơ, lý tưởng và lòng nhân hậu. Nếu như nhiều đạo diễn khác từng cố tìm cách chứng minh rằng những người đồng tính khác biệt với một đời sống tâm sinh lý bất bình thường, những bi kịch cá nhân khó chia sẻ, thì Matthew Waschus dường như cố gắng đi ngược lại điều đó. Các nhân vật của Pride không sống và đấu tranh cho tình yêu của thế giới thứ ba. Cuộc đấu tranh lớn lao và ý nghĩa hơn cả đối với họ chính là cuộc đấu tranh nhân quyền, chiến đấu vì những người thợ mỏ dưới ách áp bức của chính phủ Thatcher.
Trường đoạn những công nhân mỏ và người trẻ đồng tính cùng đứng bên nhau, đồng ca ca khúc Bread and Roses, bài hát nổi tiếng ngợi ca tinh thần đấu tranh cho bình đẳng giới, là một trong những cảnh phim thể hiện được tính nhân văn, tinh thần đoàn kết của bộ phim. Dù mang giới tính nào, dù xuất phát từ tầng lớp khác nhau ra sao, những công dân Anh quốc bé nhỏ đã thực sự đứng bên nhau, đấu tranh cho bánh mì, cho hoa hồng và cho một xã hội bình đẳng, bác ái, tự do.
Bộ phim hội tụ nhiều nhân vật với các tính cách khác nhau, tạo ra một bức tranh sặc sỡ như lá cờ của cộng đồng LGBT.
Video đang HOT
Matthew Warchus cũng tỏ ra may mắn khi hội tụ được một dàn diễn viên không quá ngôi sao để câu chuyện trở nên gần gũi, chân thật nhưng cũng không quá hời hợt, suồng sã để khán giả mau chóng lãng quên. Một Bill Nighy kiệm lời, nhút nhát, một Paddy Considine lém lỉnh, thông minh hay một George MacKay ngờ nghệch, lơ đãng… tất cả đã làm nên một bức tranh phong phú, sặc sỡ các mảng màu như lá cờ của cộng đồng LGBT.
Phần nhạc phim được xử lý khá tinh tế, các bài hát được lựa chọn theo dòng lịch sử cũng là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên không khí của bộ phim. Đặc biệt, bài hát For a Friend được viết bởi những người bạn trong ban nhạc The Communards dành tặng riêng Mark Ashton, chàng trai trẻ qua đời năm 26 tuổi vì căn bệnh thế kỷ HIV sau những đấu tranh kiên trì, bền bỉ cho nhân quyền, cũng được sử dụng làm khúc ca thiêng liêng khép lại cả bộ phim. Cái kết đầy lạc quan, tươi sáng trên nền nhạc rộn rã, huy hoàng thực sự để lại những dư âm khó quên trong lòng người xem Pride.
“I am disecretely” (tạm dịch: Tôi khác biệt), thông điệp giản dị Mark trao cho Joe vào phút cuối của bộ phim cũng chính là thông điệp ý nghĩa về niềm kiêu hãnh mà đạo diễn Matthew Warchus muốn gửi tới những người thuộc thế giới thứ ba. Pride không phải là bộ phim sẽ ám ảnh người xem nhiều như Blue is the Warmest Color hay Xuân quang xạ tiết, nhưng những cảm xúc bộ phim mang đến hẳn sẽ khiến khán giả liên tưởng đến hoa hồng nhiều hơn là bánh mỳ, dù ngày mai có ra sao đi chăng nữa.
Trailer bộ phim ‘Pride’
Tại giải thưởng Quả cầu vàng 2015, Pride nhận được một đề cử ở hạng mục Phim truyện xuất sắc nhất – Thể loại hài kịch hoặc ca vũ nhạc. Trước đó, Pride từng giành ba giải của giải thưởng Phim độc lập Anh quốc, trong đó có hạng mục Phim độc lập Anh quốc hay nhất.
Zing.vn đánh giá: 4/5
Theo Zing
15 điều thú vị từ danh sách đề cử Quả cầu vàng 2015
Giải thưởng phim ảnh thường niên của Hiệp hội báo chí nước ngoài Hollywood sắp sửa diễn ra vào ngày 11/1 tới chứa đựng nhiều điều thú vị xung quanh danh sách đề cử.
Meryl Streep thường được nhắc đến với lượng đề cử Oscar kỷ lục lên đến con số 18. Tuy nhiên, bà thậm chí còn làm được nhiều hơn thế với giải thưởng Quả cầu vàng. Với đề cử tại hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất qua bộ phim ca vũ nhạc Into the Woods năm nay, nữ diễn viên 65 tuổi tới nay đã có tổng cộng 29 đề cử Quả cầu vàng. Trong số này, Meryl Streep từng được xướng tên chiến thắng tám lần.
Tại giải thưởng Quả cầu vàng, Meryl Streep còn đang nắm giữ một kỷ lục khác khi bà là nữ diễn viên được nhận đề cử trong vòng bốn năm liên tiếp. Trước Into the Woods năm nay, bà từng có đề cử với các vai diễn trong The Iron Lady,Hope Springs và August: Osage County. Theo sát bà hiện là hai diễn viên trẻ với ba năm được đề cử liên tiếp: Joaquin Phoenix (với The Master, Her và Inherent Vice) và Amy Adams (với The Master, American Hustle và Big Eyes).
Trailer bộ phim 'Khu rừng cổ tích'
Trở lại với số lượng đề cử, theo sau Meryl Streep là nữ diễn viên gạo cội Helen Mirren người Anh với tổng cộng 13 đề cử trong sự nghiệp. Bà có được đề cử đầu tiên năm 1996 với bộ phim nhựa truyền hình Losing Chase. Mười năm sau, bà được nhận tới hai đề cử diễn xuất trong cùng một năm với bộ phim điện ảnh The Queen và phim nhựa truyền hìnhElizabeth I. Thành tích của Helen Mirren năm nay tiếp tục được nối dài với vai diễn trong bộ phim ẩm thực The Hundred-Foot Journey. Cho tới nay, nữ diễn viên 69 tuổi đã từng có ba lần giành chiến thắng chung cuộc.
Trong số các diễn viên được đề cử năm nay, xếp sau Meryl Streep về số lần chiến thắng là nam diễn viên Robert Duvall. Với sáu lần được đề cử trong quá khứ, ông từng giành chiến thắng tới bốn lần. Đề cử Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất năm nay của ông cũng chính là hạng mục duy nhất mà bộ phim tâm lý The Judge tranh tài tại Quả cầu vàng 2015.
Reese Witherspoon rút khỏi dự án Big Eyes của Tim Burton để hóa thân thành Cheryl Strayed, người phụ nữ tự mình đi bộ leo núi một quãng đường dài 1.770 cây số để tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn, trong bộ phim Wild. Điều thú vị là cả hai nữ diễn viên chính của hai bộ phim này cuối cùng đều nhận được đề cử Quả cầu vàng 2015: bản thân Resse Witherspoon với Wild và Amy Adams với vai họa sĩ Margaret Keane trong Big Eyes.
Benedict Cumberbatch nhận được đề cử tại hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất - Thể loại chính kịch với The Imitation Game. Trong phim, anh hóa thân thành nhà toán học thiên tài đồng tính, anh hùng Thế chiến thứ II Alan Turing. Ở ngoài đời, một nghiên cứu thú vị cho thấy Benedict Cumberbatch trên thực tế có quan hệ họ hàng với Alan Turing. Tuy nhiên, hai người cách nhau tới... 17 chi.
Có ba diễn viên nhận được đề cử kép tại Quả cầu vàng 2015 là Julianne Moore, Mark Ruffalo và Bill Murray. Julianne Moore có hai đề cử đều ở các mảng diễn xuất trên màn ảnh rộng với Still Alice và Map to the Stars. Còn Mark Ruffalo và Bill Murray thì có một đề cử với màn ảnh rộng, một đề cử với màn ảnh nhỏ.
Jake Gyllenhaal là một trong số các ứng viên Quả cầu vàng 2015 hiếm hoi phải đổ máu trên phim trường. Để hóa thân thành tay phóng viên Lou Bloom trong Nightcrawler, ban đầu tài tử giảm tới 9 kg trong quá trình chuẩn bị cho vai diễn. Đến một cảnh quay cao trào, nhân vật Lou Bloom như phát điên và dùng tay không đấm vào gương liên tục. Trường đoạn này được nam diễn viên thể hiện hết sức ấn tượng, đồng thời khiến anh phải nhập viện để khâu vết thương. Jake Gyllenhaal nhận được đề cử tại hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất - Thể loại chính kịch với Nightcrawler.
Steve Carell nối dài danh sách các diễn viên sử dụng mũi giả và sau đó nhận được đề cử Quả cầu vàng. Ông là người thứ bảy sau những Nicole Kidman với The Hours, Will Smith với Ali, Robin Williams với Mrs. Doubtfire, Al Pacino vớiDick Tracy, Steve Martin với Roxanne và Robert De Niro với Raging bull. Tuy nhiên, trong số này thì chỉ có Nicole Kidman, Robin Williams và Robert De Niro là giành được thắng lợi sau cùng. Năm nay, Steve Carell nhận đề cử với vai diễn tỷ phú John du Pont trong bộ phim Foxcatcher tại hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất - Thể loại chính kịch.
Trong số 10 đề cử diễn xuất của thể loại chính kịch của Quả cầu vàng 2015, có tới sáu là được dựa trên những nhân vật có thật: Jane Hawking của Felicity Jones trong The Theory of Everything; Cheryl Strayed của Reese Witherspoon trong Wild; John du Pont của Steve Carell trong Foxcatcher; Alan Turing của Benedict Cumberbatch trong The Imitation Game; Martin Luther King Jr. của David Oyelowo trong Selma; và Stephen Hawking của Eddie Redmayne trong The Theory of Everything.
Hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất chứng kiến cuộc đối đầu giữa hai Người khổng lồ xanh Hulk là Edward Norton và Mark Ruffalo. Edward Norton của The Incredible Hulk nhận đề cử với Birdman, còn Mark Ruffalo của The Avengers lại có được đề cử với Foxcatcher. Tuy nhiên, theo giới phân tích dự đoán, ứng viên nặng ký nhất tại hạng mục này hiện lại là J.K. Simmons với bộ phim Whiplash.
Trong số 29 diễn viên nhận đề cử về diễn xuất của Quả cầu vàng 2015, chỉ có đúng hai người da màu. Đó là David Oyelowo, người thủ vai Martin Luther King Jr. trong bộ phim tiểu sử Selma; và bé Quvenzhane Wallis trong tác phẩm ca vũ nhạc Annie. Con số này trong năm 2014 là năm người.
Cũng trong số 29 diễn viên nhận được đề cử, có tám cái tên lần đầu nhận được vinh dự này, bao gồm Felicity Jones (The Theory of Everything), Rosamund Pike (Gone Girl), David Oyelowo (Selma), Eddie Redmayne (The Theory of Everything), Quvenzhane Wallis (Annie), Ethan Hawke (Boyhood), J.K. Simmons (Whiplash) và Mark Ruffalo (Foxcatcher, The Normal Heart).
Dù Unbroken, Maleficent và Angelina Jolie bị Quả cầu vàng 2015 hoàn toàn ngó lơ thì bộ đôi Brangelina có lẽ sẽ vẫn xuất hiện tại lễ trao giải thưởng năm nay. Brad Pitt là một trong số các nhà sản xuất của Selma, bộ phim nhận được đề cử tại hạng mục Phim truyện xuất sắc nhất - Thể loại chính kịch. Bên cạnh đó, cha của Angelina Jolie, ngài Jon Voight, cũng có một đề cử với loạt phim truyền hình Ray Donovan.
Ứng viên lớn nhất của hạng mục Phim truyện xuất sắc nhất - Thể loại chính kịch là Boyhood, bộ phim được đạo diễn Richard Linklater thực hiện trong vòng 12 năm. Bản thân Tổng thống Obama từng công khai chia sẻ đây là bộ phim mà ông yêu thích nhất trong năm 2014.
Theo Zing
Bom tấn của Angelina Jolie bị Quả cầu vàng 2015 bỏ rơi Cùng lúc đó, tác phẩm độc lập ăn khách "Birdman" được nhận tới 7 đề cử, dẫn đầu danh sách tranh giải Quả cầu vàng năm nay. Danh sách đề cử giải thưởng Quả cầu vàng 2015 được Hiệp hội Báo chí Hoa Kỳ hé lộ trong đêm 11/12 chứng kiến hai bộ phim được đánh giá cao trong thời gian qua là...