Pôn Pốt sát hại hơn 3.000 dân thường An Giang: Ký ức kinh hoàng của những người sống sót
Nhiều gia đình chạy vào chùa Phi Lai, Tam Bửu hoặc lên núi Dài ẩn núp nhưng bị Pôn Pốt phát hiện giết hết. Như gia đình ông Ba Lê, cả nhà khoảng 50 người (gồm vợ, con, cháu…) chạy vào hang trên núi trốn nhưng bị Pôn Pốt giết sạch. Sau này hang đó được người dân Ba Chúc đặt tên là hang Ba Lê…
Đại gia đình 50 người bị giết sạch!
Những ngày cuối cùng của năm 2018, PV Dân trí đến thị trấn Ba Chúc (trước kia là xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), được một cán bộ phụ trách văn hóa dẫn đi thăm những gia đình là nạn nhân của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và những người đã từng trực tiếp cầm súng chiến đấu với bọn diệt chủng Pôn Pốt. Có nghe họ kể mới phần nào thấy cuộc thảm sát đẫm máu đó dã man thế nào và cảm nhận được nỗi đau xé lòng của những người vợ, người con ở lại.
Trở lại lịch sử của cuộc chiến này, Pôn Pốt bắt đầu đánh rải rác vào một số địa phương vùng Tây Nam từ những năm 1972, tuy nhiên đến những năm 1977, 1978 chúng tập trung nguồn lực đánh dữ dội vào địa bàn tỉnh An Giang và Kiên Giang. Riêng tại An Giang, ngày 18/4/1978, Pôn Pốt dùng hai sư đoàn tấn công vào xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc) thực hiện hàng loạt vụ thảm sát dân thường, tàn phá nhà cửa, gieo cảnh đau thương khắp nơi. Trong 12 ngày chiếm đóng (18/4 đến 30/4/1978), Pôn Pốt đã giết 3.157 người dân vô tội.
Nhà mồ Ba Chúc – nơi lưu giữ 1.159 hài cốt do tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt gây ra trong 12 ngày chiếm đóng tại xã Ba Chúc vào năm 1978
Nhiều gia đình chạy vào chùa Phi Lai, Tam Bửu hoặc lên núi Dài ẩn núp nhưng bị Pôn Pốt phát hiện giết hết. Như gia đình ông Ba Lê, cả nhà khoảng 50 người (gồm vợ, con, cháu…) chạy vào hang trên núi trốn nhưng bị Pôn Pốt giết sạch. Sau này hang đó được người dân Ba Chúc đặt tên là hang Ba Lê.
Cũng có nhiều gia đình còn lại một hoặc vài người, như gia đình ông Huỳnh Văn Quốc (SN 1967), cả gia đình ông gồm 10 người chết hết 9 người, chỉ còn ông may mắn thoát chết nhờ mê đánh cờ tướng.
Ông Quốc kể: “Khi hay tin Pôn Pốt tràn vào Ba Chúc, cha mẹ tôi dẫn 8 anh em chúng tôi lên núi Dài trốn. Sau mấy ngày thấy có bộ đội về đánh, tình hình lúc này tạm ổn, hôm đó, sau khi ăn cơm chiều xong, tôi bảo anh hai ra khỏi hang đánh cờ tướng nhưng anh hai không chịu đi. Do vậy, tôi đi một mình và khoảng 5 phút sau, Pôn Pốt dội bom trúng hang gia đình tôi ẩn núp, các anh em và mẹ tôi chết tại chỗ. Còn cha tôi được người dân đưa về Tri Tôn điều trị nhưng 4 tháng sau cha tôi cũng qua đời”.
Nhiều năm qua, ông Huỳnh Văn Quốc nhang khói cho cha mẹ và 7 anh chị em của mình nhưng bàn thờ chẳng có tấm di ảnh nào của họ.
Nỗi đau mất hết người thân đối với ông Quốc không sao tả được. Đến giờ này, hơn 40 năm trôi qua, ông không dám nhớ lại. Ông tập trung vào cuộc sống gia đình, lo trồng trọt chăn nuôi, lo hai con gái ăn học. Mỗi đêm, ông thắp nhang tưởng nhớ hương hồn cha mẹ và các anh chị em ở bàn thờ nhà chính nhưng chẳng có tấm hình nào.
Đứa con 10 tháng tuổi khát sữa bị giết trước mặt mẹ
Chúng tôi đến thăm nhân chứng thứ hai là cụ Hà Thị Nga (82 tuổi), người có 5 đứa con và chồng bị Pôn Pốt sát hại. Đau lòng nhất là đứa con gái út mới 10 tháng tuổi của bà cũng bị Pôn Pốt giết hại dã man khi cháu bé khóc đòi bú sữa.
Bà Hà Thị Tám (em thứ 8 của cụ Nga, đang nuôi dưỡng cụ Nga), kể: “Khi chị tôi còn tỉnh táo hay kể rằng, lúc gia đình chị chạy lên núi trốn thì bị bọn Pôn Pốt phát hiện bắt giữ, đem về cánh đồng Lạc Quới xử bắn tập thể. Chị tôi bị bắn vào cổ nhưng không chết, đến tối chị tôi tỉnh lại. Đứa con chị bế trên tay 10 tháng tuổi bị bọn chúng ném xuống đất cũng tỉnh lại bò đến bên mẹ đòi bú sữa. Mấy thằng lính thấy vậy túm đứa nhỏ giết dã man và lấy cục đá táng vào đầu chị tôi nên chị tiếp tục bị ngất. Chúng tưởng chị chết nên bỏ đi và chị may mắn được người dân cứu sống”.
Video đang HOT
Nhân chứng sống là cụ bà Hà Thị Nga nay già yếu, cuốc sống và mọi sinh hoạt đều phải dựa vào người em Hà Thị Tám.
Hiện cụ Nga đã 82 tuổi, cụ không còn đi đứng được nữa, đầu óc không tỏ tường. Mọi sinh hoạt cá nhân nhờ cả vào người em gái. Chính quyền địa phương lo đầy đủ chế độ cho cụ Nga theo diện người già, bệnh tật.
Ông Nguyễn Văn My – Trung đội trưởng Du kích xã Ba Chúc, người trực tiếp cầm súng chiến đấu với bọn Pôn Pốt – chia sẻ: “Với phương châm “giết sạch, đốt sạch, phá sạch”, trong khoảng thời gian rất ngắn, chỉ 12 ngày chiếm đóng, chúng đã thảm sát hàng ngàn người dân vô tội ở Ba Chúc. Đi đến đâu chúng cướp bóc tài sản, đốt phá nhà cửa, các công trình công cộng, tàn sát đồng bào ta không kể già trẻ, nam nữ”.
Ông Nguyễn Văn Mỹ – nguyên Trung đội trưởng du kích xã Ba Chúc kể lại tội ác của bọn Pôn Pốt trong 12 ngày chiếm đóng tại Ba Chúc
Nguyên nhân bà con chết nhiều, theo ông My, là do người dân nghĩ chỉ có lính giết lính, lính không giết dân thường; Hoặc người dân nghĩ khi trốn vào chùa, trước mặt Phật, bọn giặc không giết. Nhưng không ngờ chúng giết người quá dã man!
Tại buổi Hội đàm cấp cao tại An giang vừa diễn ra mới đây giữa hai Đoàn đại biểu cấp cao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia, ông Nhem Valy, Phó Chủ tịch thường trực – Tổng thư ký Hội đồng quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển tổ quốc Campuchia đã thay mặt Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia nhắc lại quá trình đấu tranh của dân tộc Campuchia chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot và biết ơn sự giúp đỡ của quân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Campuchia.
Ông Nhem Valy khẳng định, thời gian tới, Mặt trận hai nước sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp các tầng lớp nhân dân hai nước nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của mối quan hệ thiêng liêng giữa hai dân tộc; nhất là lễ kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng tại Campuchia (7/1/1979-7/1/2019), để thấy rõ trách nhiệm gìn giữ và vun đắp hơn nữa cho quan hệ hai nước, góp phần cho sự ổn định và phát triển của 2 nước Việt Nam-Campuchia.
Nguyễn Hành
Theo Dantri
Người đàn ông có hơn 200 người thân bị Pol Pot sát hại
Chú Tư Chỉnh ở An Giang có hơn 200 người họ hàng bị quân Pol Pot giết hại, nhưng cái chết của bác gái với tư thế quỳ hằn sâu trong ký ức.
Ngày 18/4/1978, quân Khmer Đỏ tràn vào xã Ba Chúc (tỉnh An Giang). Trong 11 ngày đêm, chúng thẳng tay tàn sát dã man hơn 3.000 người, dìm Ba Chúc trong biển máu với vô vàn hình thức giết người man rợ như thời trung cổ.
Tác giả Võ Diệu Thanh tìm gặp những nhân chứng vụ thảm sát, ghi lại trong cuốn Về từ hành tinh ký ức. Được sự đồng ý của Tao Đàn (đơn vị nắm bản quyền sách), Zing.vn trích đăng câu chuyện của chú Tư Long (xã Lê Trì, Huyện Tri Tôn, Tỉnh An Giang) - nạn nhân của cuộc diệt chủng.
Cô lập Ba Chúc xong, tụi nó tiến hành tàn sát
Nội ngoại tôi có hai trăm người đã bị giết.
Không phải tự nhiên chúng tôi chạy vô hang núi. Không phải tự nhiên chúng tôi chạy vô chùa Phi Lai. Nó đặt pháo bên kia giồng Tà Muôn. Giồng đất đó cao lắm. Là bên này kênh Vĩnh Tế. Là đất mình. Mỗi ngày pháo hai, ba lần. Khi thì sáng khi thì chiều.
Không có nơi nào để tránh pháo trừ hang núi và chùa. Cứ vào đó trốn cảm thấy an tâm hơn. Hễ im tiếng pháo là chạy về nhà nấu cơm. Ăn xong lại chạy tiếp vô hang núi trốn pháo. Có những hang cạn, có những hang sâu. Có những hang do con người khoét cho sâu thêm đặng ở đông hơn. Mỗi hang núi trốn hàng trăm người.
Hết tháng này tới tháng khác. Những nhà nào dư dả có lúa gạo thì gánh gạo tản cư. Ăn hết lại phải về nhà xay gạo rồi tản cư tiếp. Những nhà nghèo thì phải lên rẫy trồng tỉa. Những năm đó đói kém, chúng tôi không biết chạy đi đâu trừ việc bám trụ xóm làng quen thuộc của mình.
Tại mình lớn lên ở đây. Chiến tranh đâu phải là mới thấy. Cô biết đó. Hồi đó ở đây là căn cứ. Đạn pháo nào mà không từng chứng kiến. Hồi chiến tranh, nghe đạn pháo dân cũng chạy vô chùa. Mấy ổng hai bên thấy vậy bắn né chùa ra. Chùa như là nơi quy ước để dành cho những người dân trốn đạn pháo.
Sách Về từ hành tinh ký ức. Ảnh: TĐ.
Ai mà ngờ tụi nó pháo vô chùa. Chết mấy chục người.
Ừ thì trốn trong hang núi leo nheo như vậy đâu có sung sướng gì. Nhưng đó là chỗ có thể sống được qua những đợt pháo. Riết rồi quen. Xe bộ đội lên chở đi di tản, họ nói nên vô cánh núi Dài, vô Tri Tôn, chỗ đó có căn cứ cũ, hiểm trở, du kích dễ phòng cũng dễ công. Ba Chúc gần căn cứ tụi nó quá mà địa hình lại trống trải rất thất thế trong phòng thủ. Nhưng lúc đó không mấy người tin là sẽ có chiến sự nên cũng lười đi, có một số đi rồi lại quay trở về. Cứ ăn cơm xong lại vô chùa vô núi trốn pháo. Ai cũng như ai hết chớ có phải chỉ mình mình đâu. Thành ra thấy cũng thường.
Cho tới một đêm tụi nó tràn sâu vô cô lập Ba Chúc. Cánh trên nó đưa quân đóng chặn ngang đồng Lạc Quới, chặn lối về Chi Lăng, Tịnh Biên. Cánh dưới tụi nó chiếm cánh đồng Lương Phi bọc qua dọc nửa núi Dài, chặn lối thoát về Tri Tôn. Khi cô lập xong Ba Chúc hoàn toàn, tụi nó mới yên tâm tiến hành tàn sát.
Những cánh lính đi trước không giết người mà chỉ đốt nhà. Ba Chúc ít cây cỏ, lại nhằm mùa hạn nên đồng ruộng làng xóm trống trải. Nhà bị đốt hết, cả thị trấn trở thành một cánh đồng lớn, có thể nhìn thông thống từ đầu xã tới cuối xã, chỉ còn chùa Phi Lai và núi Tượng đứng trơ trọi.
Nhà cháy ầm ầm, khói cuộn mù mịt không thấy lối đi. Mấy đứa nhỏ bốn, năm tuổi chịu không nổi khói khóc um. Khói lửa kinh hoàng lắm cô ơi.
Chỗ khác thì tôi không rành. Chỗ hang núi tôi đang trốn thì chỉ có một thằng ôm máy bộ đàm C25, hai thằng ôm súng AK. Nó cầm súng chỉ vô miệng hang rồi châm tiếng Khmer gì đó. Bà già Thạch Út đã từng vô sóc buôn bán nên bả châm tiếng Khmer với nó. Bà nói mấy chú này mời mình xuống lộ, xuống đó người ta giải quyết.
Một thằng chĩa súng một thằng trói từng người. Rồi nó lùa đi. Trên đường đi, nội tôi, bà ba Vàng già quá đi không nổi, nó bắn chết tại chỗ. Tôi thấy không được rồi, đã có ý định trốn từ chỗ đó.
Lúc xuống một chút nữa nó bắn bác Hai tôi, ba chị Tư Chỉnh, bác Hai tôi bị bắn chúi đầu vô bụi tầm vông chết. Lúc đó tôi mới tức tốc bỏ chạy. Tôi chạy miết tới đường quằng chỗ cây me thì gặp ba tôi cùng bác gái và hai em tôi ở đó. Ba tôi nói ráng trốn đi con, tụi này nó ác lắm.
Chúng tôi cứ chạy băng qua đường rừng mà không biết đâu là lối mòn, đâu là đường chưa mở. Chừng tới một chỗ le mọc nhiều, mọi người mới chui vô bụi le trốn. Tôi lấy lá le rải lên che cho mọi người. Thằng Hưởng em tôi, tôi ém nhét nó vô hang lấy lá le phủ lên đầu nó. Tôi cũng chui vào bụi le trốn. Lúc từ trong bụi le nhìn ra tôi mới hoảng hốt. Chỗ tụi tôi trốn sát bên một lối mòn. Tụi nó dắt người đi xuống, không biết bao nhiêu mà kể cô ơi. Đông lắm. Hàng mấy trăm người. Đi hoài không thấy hết. Chưa bao giờ đi với nhau đông như vậy. Không ai trong số họ giống như đang đi vô chỗ chết cả. Có lẽ cả đoàn đều không ngờ rằng chỉ một chút nữa, tất cả đều gặp nhau phía bên kia thế giới.
Những ngày chạy trốn, ngồi trên một tảng đá cao chỗ núi Tượng, nhìn ra đồng tôi thấy tụi Pol Pot lùa người ra. Họ mặc quần áo đủ màu. Có người còn che dù. Rồi tụi nó ria súng bắn. Mấy cái đìa thì xác người chất vun. Quần áo họ đủ màu nằm chất lên nhau la liệt. Đống đống như vậy, nhiều, nhiều lắm. Thấy rõ hết cô ơi. Vì tháng Ba, đồng ruộng đất mới cày nên trống không. Chẳng có cây cỏ gì. Chỉ tụi nó đi lại ăn uống, giết người và xác người. Dọc theo núi Tượng cũng có xác người nhưng ít hơn không chất đống như những chỗ đồng trống.
Chúng tôi trốn quanh một hòn đá lớn. Những người khỏe leo lên cao, được ngách đá che chở. Bác tôi phụ nữ yếu ớt không leo kịp được nên nấp dưới chân tảng đá.
Đêm 16 mưa lớn lắm. Cũng đêm đó chúng tôi có gặp một cặp vợ chồng với một đứa con còn đỏ hỏn. Tôi nhớ là tôi lượm được tấm cao su che mưa cho người phụ nữ và đứa nhỏ. Họ trốn trong hang gần chỗ tôi. Sáng đó tụi nó lên phát hiện ra họ. Tụi nó ngoắc ra dắt họ đi. Đi được một lúc bỗng tụi nó quay lại. Lần trở lại này nó phát hiện ra bác gái tôi. Bác tôi quỳ xuống lạy nó.
Cái xác quỳ
Tôi không hiểu sao dòng họ nội ngoại từ má tới anh chị em tôi chết tới hai trăm người mà tôi chỉ nhớ mỗi cái chết của bác gái, một người không ruột thịt. Tôi nhớ như in dù sự việc diễn ra cách đây bốn mươi năm.
Nó chĩa súng vào bác. Bác lạy nó. Mấy cậu ơi tha cho tôi, tôi là người dân chớ không phải giặc. Bác nói chưa hết câu, khi bác vừa bước chân lên bệ đá nó bắn bác một phát súng, viên đạn xuyên qua đầu. Bác chúi đầu xuống bệ đá rồi chết trong tư thế đó, người quỳ, đầu chúi xuống bệ đá. Bác chết ngay dưới chân tôi. Tôi không hiểu sao tụi nó không nán lại lùng sục. Chỉ cần nó bước tới bước lui vài bước chân đã phát hiện tôi, ba tôi, chị tôi đang trốn quanh khe đá. Dường như bận bịu với việc giết bác gái tôi đã làm cho tụi nó lơ là việc lùng sục. Tụi nó bỏ đi.
Cái chết của bác gái tôi làm mọi người còn sống gần như không dám nhúc nhích. Ai cũng im lìm chịu trận một chỗ. Chúng còn đáo tới đáo lui chỗ chúng tôi vài lần. Nhưng nhìn thấy xác bác tôi nằm chỏng khu, chúng nghĩ là không còn ai nên lại bỏ đi. Tôi đứng ở gần đó, lấy con mắt nhìn bác gái tôi chết quỳ mà không dám động tay vào sửa.
Cái nắng tháng Ba hèn hạ gì? Cô biết đó, nhìn da tôi đi, da người sống nhưng dưới cái nắng của miền núi Ba Chúc nó cháy đen vầy nè. Nắng tháng Ba, cái nắng cháy sau những ngày hạn dài, cây cỏ tiêu điều. Người trốn trong nhà còn héo nữa nói gì là phơi giữa nắng. Cô đem nước xối vô đá vô cát nó sôi lên. Người sống nằm trên đá dám chín thịt chín da.
Mùa đó, cây lớn cây nhỏ đều rụng sạch lá. Chỉ còn lại thân cây và những nhánh già. Không một lá non nào nhú ra khỏi thân. Nếu người lạ nhìn tưởng đâu cả cánh rừng trên núi đã chết khô. Núi Tượng nhìn đâu cũng thấy toàn đá. Đá nằm dọc, đá nằm ngang, đá ngả nghiêng dưới nắng. Nắng như đổ lửa lên đá.
Xác bác tôi phơi quỳ trong cái nắng tháng Ba đổ lửa như vậy. Tôi nhìn vào cái dáng quỳ bất động của bác thấy như bác đang rất mỏi. Tôi cứ muốn với tay sửa lại nhưng rồi lại thôi. Cho tới ba ngày sau, chịu đựng hết nổi, khi ít nghe tiếng lùng sục của chúng, tôi liều gan lật bác lại sửa xác bác cho ngay ngắn. Nhưng cô hình dung thử coi, người chết ba ngày, tay chân bác tôi đã đơ cứng với dáng quỳ chổng khu trên đất.
Tôi kéo mấy lần nhưng tay chân vẫn đơ cứng, nắm tới đâu da bị tuột tới đó... Ba tôi nói: "Thôi con, đừng sửa nữa, tụi nó trở lại thấy mất dấu lại tìm kiếm kỹ là chết hết". Tôi buộc phải để bác trở về vị trí quỳ mọp như lúc bác bị giết.
Cánh đồng đầy nạn nhân của quân Khmer Đỏ.
Chúng tôi vẫn ở bên khe đá. Đói thì moi củ ráng bay mọc trong khe đá để ăn. Hoặc có khi hái lá xây rừng để ăn. Lá đó vị chát chát chua chua. Ăn xong mười ngày lúc xuống núi, tôi đi không nổi. Chị tôi khát quá. Em tôi đái bao nhiêu chị tôi uống hết bấy nhiêu. Uống nước đái riết thở cũng chảy máu cam.
Không chịu được cảnh đó, tôi lần theo rừng le trụi lá tìm nước. Tôi không dám đi mà chỉ dám lết trên đá lần dò tìm chỗ có nước. Bọn Pol Pot có thể xuất hiện bất cứ lối mòn nào. Lu hũ chum vại có thể chứa nước được đều đã bị đập. Nước hiếm hoi như mạng sống của chúng tôi lúc này.
Nhưng chúng tôi phải tìm nước. Không có nước, cái chết vì khát nó đáng sợ không thua gì cái chết bị giết. Tụi nó đập hết chum vại hay bất cứ thứ gì có thể trữ nước mưa. Ngay cả một mảnh lu bể chúng cũng đập. Chúng hy vọng chúng tôi không còn chỗ để sống sót.
Trích sách "Về từ hành tinh ký ức"
Theo Zing.vn
3 cán bộ bị cách chức vì sử dụng bằng giả Ba cán bộ chủ chốt tại thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn, An Giang) bị kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Chiều 29.5, ông Phan Văn Sương, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, xác nhận Ban Thường vụ Huyện ủy vừa ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức...