Pompeo tố các công ty Trung Quốc gian lận
Ngoại trưởng Mike Pompeo cảnh báo các nhà đầu tư Mỹ về “thủ đoạn kế toán gian lận” của các công ty có trụ sở tại Trung Quốc.
“Các nhà đầu tư Mỹ không nên chịu những rủi ro tiềm ẩn và không đáng có liên quan đến các công ty không tuân thủ các quy tắc giống như doanh nghiệp Mỹ”, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố hôm 4/6.
Ngoại trưởng Mỹ cũng ca ngợi việc sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq của Mỹ quyết định thắt chặt các quy định niêm yết với những công ty có trụ sở ở Trung Quốc mà ông cho rằng “có các thủ đoạn kế toán gian lận”. Nasdaq đưa ra quyết định này tháng trước, trong nỗ lực ngăn các công ty Trung Quốc thiếu minh bạch về kế toán.
“Tôi hoan nghênh Nasdaq vì đã yêu cầu các đơn vị kiểm toán đảm bảo mọi công ty niêm yết phải tuân thủ các tiêu chuẩn báo cáo và giám sát quốc tế”, Pompeo nói.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết ông đang chỉ đạo một nhóm làm việc của tổng thống Mỹ, nghiên cứu các hoạt động khác của các công ty Trung Quốc được niêm yết trên thị trường Mỹ, với mục tiêu bảo vệ các nhà đầu tư nước này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại buổi họp báo ở Bộ Ngoại giao hôm 20/5. Ảnh: Reuters.
Keith Krach, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách Phát triển Kinh tế, Năng lượng và Môi trường, cũng cho rằng vấn đề thực sự tồn tại là sự thiếu minh bạch, thiếu công khai đối với các nhà đầu tư Mỹ.
“Không quốc gia nào được phép gian lận với các nhà đầu tư Mỹ để tạo ra lợi thế không công bằng, đặc biệt là khi hoạt động tại thị trường Mỹ”, ông Krach nói, thêm rằng chính phủ đã thúc giục các nhà đầu tư Mỹ nhận thức rõ hơn về các hoạt động kế toán không minh bạch của Trung Quốc.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo có thể làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Washington – Bắc Kinh tại thời điểm hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xung đột về thương mại, dịch Covid-19, cũng như các vấn đề liên tiếp xảy ra ở Hong Kong.
Pompeo hồi đầu tháng nói Mỹ không còn lý do gì để ưu ái Hong Kong hơn Trung Quốc đại lục khi Bắc Kinh thúc đẩy luật an ninh, sau khi Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố tước trạng thái đặc biệt của đặc khu hành chính Trung Quốc. Pompeo cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đã phá vỡ cam kết duy trì quyền tự trị cho Hong Kong bằng cách theo đuổi chính sách kiểm soát ngày càng chặt chẽ với thành phố.
Ngoại trưởng Mỹ cũng tái khẳng định lập trường của Mỹ rằng các chính phủ châu Âu nên ngừng làm ăn với tập đoàn Huawei của Trung Quốc.
Mỹ - Trung tạm gác lại cuộc khẩu chiến 'virus Vũ Hán'
Mỹ và Trung Quốc tạm gác những tranh cãi về nguồn gốc của virus corona chủng mới sau khi nhận ra lợi ích chiến thuật trong việc hòa hoãn.
Tổng thống Donald Trump, nổi tiếng với những phát ngôn gây sốc, đã dừng sử dụng cụm từ "virus Trung Quốc" và kiềm chế những chỉ trích nhắm vào cách Trung Quốc ứng phó đại dịch Covid-19.
Những thay đổi được ghi nhận kể từ sau cuộc điện đàm giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 26/3, gần một tháng hai nước công kích qua lại về nguồn gốc của chủng virus corona mới (SARS-CoV-2) và việc Trung Quốc thiếu minh bạch trong dữ liệu dịch bệnh.
Tổng thống Trump hạ tông những chỉ trích nhắm vào Trung Quốc giữa lúc Mỹ cần vật tư y tế chống Covid-19. Ảnh: AFP.
Thay đổi giọng điệu
Ngay cả Ngoại trưởng Mike Pompeo, người từng quyết liệt yêu cầu sử dụng cụm từ "virus Vũ Hán" đến mức hội nghị ngoại trưởng G7 không thể đưa ra tuyên bố chung, cũng đã bắt đầu đề cập đến hợp tác Mỹ - Trung.
"Chúng tôi hiểu đây là một đại dịch toàn cầu. Đã đến lúc mọi quốc gia cùng hợp tác giải quyết", Ngoại trưởng Pompeo phát biểu ngày 7/4 về quan hệ hai nước.
Bắc Kinh chọc giận Washington hồi tháng 3 khi một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra thuyết âm mưu cáo buộc quân đội Mỹ mang virus corona chủng mới đến Vũ Hán.
Nhưng đến tuần này, Đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải đã bày tỏ sự cảm mến dành cho người dân Mỹ trong một một bài xã luận đăng trên New York Times. Ông hứa hẹn Trung Quốc sẽ "làm mọi điều trong khả năng để hỗ trợ nước Mỹ".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Morgan Ortagus, hoan nghênh thiện chí của ông Thôi. Cơ quan này tiếp tục kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu về virus corona và đảm bảo quyền tự do ngôn luận.
Thông điệp được bà Ortagus đưa ra với giọng điệu nhẹ nhàng hơn hẳn những chỉ trích qua lại giữa hai nước thời gian qua. "Hợp tác thực chất đòi hỏi sự minh bạch và hành động thực chất, không phải những lời nói lớn lao", bà nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Mike Pompeo bắt đầu kêu gọi hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc để chống đại dịch virus corona. Ảnh: AFP.
Không có thời gian cho đổ lỗi
Dù cách Trung Quốc phản ứng trước đại dịch có thể có bất cập gì đi nữa, cách Tổng thống Trump đổ lỗi cho Bắc Kinh vẫn khiến nhiều nhà quan sát hoài nghi là một chiêu bài chính trị.
Nhà lãnh đạo đối diện không ít chỉ trích vì hành động chậm trễ và không ngăn chặn được Covid-19 tại Mỹ, khiến hơn 12.000 người tử vong tính đến ngày 7/4.
Gần 1/2 số khẩu trang y tế của Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc. Với tình trạng nguồn cung vật tư y tế của Mỹ đang thấp đến mức báo động, Tổng thống Trump hiểu rằng ông cần Trung Quốc.
"Washington chắc chắn không muốn xa cách Bắc Kinh đến mức phía họ cấm bán trang thiết bị y tế sang Mỹ", Elizabeth Economy, Giám đốc bộ phận nghiên cứu châu Á tại tổ chức tư vấn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), cho biết.
Bà nhận định "bộ phận lớn tại Mỹ nhận thấy thời điểm này không phải lúc để chơi trò đổ lỗi quốc tế, mà ưu tiên cần là cứu người".
Theo chuyên gia của CFR, cũng có thể chính phủ Mỹ đã nhận thấy họ không cần ra mặt chỉ trích như trước, đặc biệt khi nhiều nước khác đang bắt đầu phê phán Bắc Kinh.
Elizabeth Economy cho rằng sự thay đổi về giọng điều giữa lãnh đạo hai nước sẽ không cải thiện đáng kể quan hệ song phương vốn sóng gió từ trước đại dịch. Chính phủ của Tổng thống Trump đã quyết tâm đối trọng Trung Quốc trên nhiều mặt trận, từ vấn đề nhân quyền đến đầu tư quốc phòng.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/4 tiếp tục lên án sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, chỉ trích hành động dùng tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.
Ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là khôi phục nhu cầu hàng hóa của thế giới để đảm bảo xuất khẩu và tăng trưởng. Ảnh: AFP.
Giữ cho Tổng thống Trump bình tĩnh
Từ góc nhìn của Trung Quốc, rạn nứt quan hệ với Mỹ làm hạn chế các lợi ích quốc gia, đặc biệt khi Bắc Kinh đang muốn xây dựng hình ảnh "mạnh thường quân" giữa lúc đại dịch lây lan khắp thế giới.
Trung tâm Tiếp cận Toàn cầu, cơ quan của Bộ Ngoại giao Mỹ giám sát hoạt động tuyên truyền nước ngoài, cho biết mạng xã hội Trung Quốc đã bắt đầu dập tắt những thuyết âm mưu cáo buộc Mỹ gây ra đại dịch.
Theo Douglas Paal, học giả thuộc Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, mục tiêu của Trung Quốc là "giữ cho ông Trump bình tĩnh và ngăn xảy ra những thiệt hại không cần thiết, duy trì kênh ngoại giao với ông Trump".
Cựu cố vấn về các vấn đề châu Á cho 2 đời tổng thống Mỹ, Ronald Reagan và George H.W. Bush, cho rằng Trung Quốc cũng rất quan tâm đến bầu cử Mỹ vào tháng 11.
Theo ông Paal, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là hồi sinh nhu cầu thế giới cho hàng hóa của nước này. Bắc Kinh ban đầu dự đoán việc Tổng thống Trump tái đắc cử sẽ là kịch bản có lợi nhất. Trung Quốc từng lo sợ những đối thủ của ông Trump ở đảng Dân chủ có thể can thiệp mạnh tay hơn vào các vấn đề nhân quyền và thương mại.
Douglas Paal cho biết truyền thông nhà nước của Trung Quốc thời gian qua có thái độ tích cực bất ngờ dành cho ông Joe Biden, ứng viên sáng giá của đảng Dân chủ. Cựu phó tổng thống Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã dành rất nhiều công sức để xây dựng mối quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng nhận ra "cơ hội chiến lược lịch sử" để mở rộng sức ảnh hưởng sau khi Tổng thống Trump tự làm suy yếu hệ thống đồng minh Mỹ.
"Theo quan sát dựa trên truyền thông chính thống, Trung Quốc không còn quá mặn mà như một năm trước với viễn cảnh ông Trump tái đắc cử. Vì vậy, họ không còn quá nhiều tham vọng để dính líu đến ông Trump. Họ có thể đứng yên và lo đảm bảo các lợi ích của mình", Paal nhận định.
Hàng chục nghìn người rời Vũ Hán từ nửa đêm sau phong tỏa
Thành phố miền Trung Trung Quốc chính thức dỡ bỏ phong tỏa từ 0h ngày 8/4 sau hơn 2 tháng "nội bất xuất, ngoại bất nhập" để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Cựu tổng thanh tra Mỹ tiết lộ tình huống bị Trump sa thải Steve Linick cho biết ông mất chức Tổng thanh tra Ngoại giao khi điều tra vụ Trump bán vũ khí cho Arab Saudi và cáo buộc với Ngoại trưởng Pompeo. Cựu tổng thanh tra Bộ Ngoại giao Mỹ Steve Linick hôm 3/6 tham gia điều trần kín trước Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ, xác nhận ông...