Pobeda – Chiếc ôtô đi gần 40 ngàn cây số với Bác Hồ
12 năm và 39.463km có vinh dự chở Hồ Chủ tịch, chiếc xe hơi mang tên Pobeda (có nghĩa là Chiến Thắng) vẫn còn đó như minh chứng cho lối sống giản dị và thanh cao của Người.
Pobeda – “Chiến thắng”
GAZ-M20, hay “Pobeda” (có nghĩa là chiến thắng), là sản phẩm của hãng xe GAZ thuộc Liên bang Xô Viết, sản xuất từ năm 1946 đến năm 1958.
Tên gọi Pobeda của xe bắt nguồn từ việc thử nghiệm thành công mẫu xe vào năm 1943, đúng với thời điểm Thế chiến thứ 2 sắp ngã ngũ, với chiến thắng thuộc về Liên Xô.
GAZ-M20, hay “Pobeda”
Mặc dù trong thời gian sản xuất, nhà máy của GAZ đã bị bắn phá rất nhiều, nhưng cũng không ngăn cản được sự quyết tâm của nhóm phát triển xe. Do đó, ngày 6/11/1944 mẫu xe thương mại đầu tiên đã được sản xuất hoàn tất.
Pobeda sở hữu khối động cơ 2.1 lít, 4 xi-lanh thẳng hàng, sản sinh công suất 50 mã lực, giúp chiếc xe có thể đạt tốc độ tối đa 105 km/h. Bên cạnh đó, đây là chiếc xe đầu tiên tại Liên Xô được trang bị đèn xi-nhan, hai cần gạt nước điều khiển điện, máy sưởi điện và hệ thống radio AM.
Thời điểm đó, Pobeda trở thành phương tiện biểu tượng của Liên Xô, đồng thời nó cũng là một món đồ xuất hiện nhiều trong các bộ sưu tập ngày nay. Trong những năm tháng “hoàng kim” của mình, Pobeda đã được sản xuất tổng cộng 235.997 chiếc, bao gồm 14.220 chiếc mui trần. Chính sự hoàn hảo của Pobeda đã khiến nó trở nên rất phổ biến tại Liên Xô.
Chiếc xe của Bác
Chiếc Pobeda là 1 trong 6 chiếc ôtô do Chính phủ Liên Xô tặng Việt Nam năm 1955. Tháng 3/1957, Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao chuyển cho Văn phòng Phủ Chủ tịch. Xe đã phục vụ Bác Hồ từ năm 1957 đến năm 1969 và đã chạy được 39.463km.
Video đang HOT
Chiếc xe gắn bó với Bác
Chiếc xe mà Bác sử dụng có màu cà phê sữa. Dù là xe cũ nhưng các lái xe chăm chút bảo quản nên vẫn phục vụ Bác được. Xe sử dụng lâu năm cũng xuống cấp nhiều, nên cán bộ giúp việc có ý muốn thay chiếc xe mới. Bác biết tin, Bác hỏi đồng chí lái xe:
- Xe hiện nay đã hỏng chưa?
- Thưa Bác, xe chưa hỏng nhưng đổi xe mới chạy êm hơn, nhanh hơn…
Nghe vậy, Bác nói ngay:
- Nếu thế thì chưa nên đổi. Ai muốn xe chạy nhanh hơn, ngồi êm hơn thì đổi. Bác vẫn dùng chiếc xe này được rồi, vì nó chưa hỏng.
Bác còn nói thêm: xe tốt thì nên ưu tiên cho các đồng chí làm ngoại giao khi cần tiếp khách quốc tế trước…
Cán bộ giúp việc chưa từ bỏ ý định, mới bàn riêng với lái xe, nhân một lần đi công tác, cố tạo ra sự cố hỏng xe để lấy cớ “xe quá cũ, máy nóng… không khởi động được”, nhưng Bác vẫn không đổi ý, còn dặn:
- Lần sau, trước khi đi công tác, nên kiểm tra cẩn thận, chuẩn bị tốt thì sẽ không bị lỡ công việc.
Cứ như vậy, Bác thủy chung với chiếc xe “Chiến Thắng” cho tới ngày Bác đi xa.
Chung quanh chuyện sinh hoạt đời thường của Bác rất nhiều chuyện xúc động, như cách sử dụng và gắn bó với chiếc xe Pobeda cũ kỹ nói trên là một ví dụ. Cũng qua đó mà mọi người mới thấy rằng, bao giờ Bác Hồ cũng thể hiện rất tiết kiệm, đơn sơ mà gần gũi, bình dân… là bài học giáo dục lớn một cách sinh động nhất.
Thu Hà tổng hợp (TTTĐ)
Dự kỷ niệm sinh nhật Bác tại Vladivostok, Viễn Đông Nga
Bài viết ghi lại những cảm xúc đặc biệt của nhà báo Nguyễn Hồng Hải - Ban Khoa giáo Đài THVN khi tham dự lễ sinh nhật Bác tại vùng Viễn Đông - Liên bang Nga.
Tháng 5, ở vùng Viễn Đông xa xôi quanh năm băng giá này đã bước vào mùa hạ. Tuyết đã tan. Cả vùng đất này như bừng dậy hồi sinh sau cả mùa đông dài lạnh giá. Những vạt rừng cây vừa mấy hôm trước còn trơ trụi và rặt một màu sám hoang lạnh.
Vậy mà chỉ sau chừng một vài đêm thôi, mở mắt ra và chợt giật mình như lạc tới một vùng đất khác. Như có phép màu nhiệm. Cả thành phố đột ngột bừng lên bởi sắc xanh mỡ màng của cây lá. Hoa Anh đào và Tulip cũng ngời lên rạng rỡ. Và hoa Bồ công anh thì nở vàng rực miên man trên những thảm cỏ ven đường...
Khung cảnh tươi đẹp ở vùng Viễn Đông
Vladivostok là thủ phủ của vùng Viễn Đông- Liên bang Nga nằm bên bờ Biển Nhật Bản và giáp gần biên giới của Trung Quốc - Nga - Bắc Triều Tiên. Vladivostok, tiếng Nga có nghĩa là "cai trị phía Đông" hay "Nắm lấy phương Đông".
Đặt tên này, hẳn là khi khởi lập, những người đặt nền móng xây dựng đã nhìn thấy vị trí quan trọng và đặt nhiều kỳ vọng vào thành phố này. Với diện tích 600 km2, thành phố tọa lạc ở cực nam của bán đảo Muravyov-Amursky rộng khoảng 30 km và dài 12 km. Đây là thành phố nơi có cảng của Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga.
Từ 1958 đến 1991, chỉ có công dân Xô-viết được sống trong thành phố này, hoặc thậm chí chỉ có họ mới được viếng thăm Vladivostok và trước đó muốn vào thành phố họ cũng phải xin phép. Trước thời hạn chế này, thành phố có cộng đồng nhiều người Hoa và Triều Tiên. Cộng đồng Armenia ở đây đông nhất phía đông Nga.
Ông Achkasov Stanislav Pavlovich đang giới thiệu những hình ảnh, tài liệu về Bác Hồ mà ông dày công sưu tập
Đến Viễn Đông vào tháng 5, chúng tôi đã hết sức bất ngờ khi được Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Vladivostok, chính quyền thành phố và Hội hữu nghị Việt- Nga của vùng Primorye mời đến tham dự lễ kỷ niệm sinh nhật Bác. Khi chúng tôi đến, đại sảnh của khách sạn, nơi Bác Hồ đã từng nghỉ chân trong những lần Bác đến nơi này, mọi người đã tập hợp đông đủ lắm rồi. Ngoài đại diện cộng đồng người Việt đang làm ăn sinh sống ở Viễn Đông là nhiều thế hệ người Nga.
Rất nhiều người trong số này là những công dân Liên Xô đã học tập, lao động hoặc gắn bó với Việt Nam. Trong số họ, có những người đã được gặp Bác Hồ. Tất cả họ đều hồ hởi, xúc động khi kể lại những kỷ niệm về những lần được vinh dự gặp Hồ Chủ tịch và những tình cảm đối với Bác, với Việt Nam.
Nhiều thế hệ người Nga tới dự buổi lễ.
Chúng tôi đã gặp và trò chuyện với nhiều người. Ông Miskov Victor Mikhailovich đã kể lại ấn tượng của mình khi gặp Bác Hồ vào năm 1957. Khi đó ông đang là trợ lý thứ 2 của thuyền trưởng tàu chở hàng STEPAN RAZIN. Chính cuộc gặp với Bác Hồ- một người đã từng là phụ bếp trên tàu- đã là nguồn động lực thôi thúc ông phấn đấu và trưởng thành dần lên, ông nói.
Cho tới khi nghỉ hưu, ông đã có gần 20 năm liền là giám đốc và Tổng giám đốc Công ty vận tải biển Viễn Đông FESCO. Và các đội tàu của công ty ông đã hoạt động không mệt mỏi vận chuyển những chuyến hàng tình nghĩa của nhân dân Xô viết gửi tới nhân dân Việt Nam trong những năm tháng chống Mỹ (trên tuyến cảng biển Vladivostok và cảng Hải Phòng).
Rồi bà Iovkova Zinaida Andrecvra, người đã nhận Huân chương Hữu nghị của nhà nước Việt Nam. Bà hiện là Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị với Việt Nam của tỉnh Primorye- Chủ tịch Liên hiệp phụ nữ của tỉnh này. Rồi Giáo sư Sokolovsky Alexander Iakubovich- Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam của Đại học Tổng hợp Viễn Đông Nga.
Thời gian đã trôi qua, Liên xô một thời nay đã là nước Nga với rất nhiều biến động, nhưng với những người tôi gặp, trong câu chuyện, khi nói về Việt Nam, họ vẫn luôn dành những tình cảm ấm áp thân thương.
Chụp ảnh kỷ niệm với bà Iovkova Zinaida Andrecvra
Ông Achkasov Stanislav Pavlovich nguyên là kỹ sư mỏ địa chất. Ông đã có thời gian sang Việt Nam công tác tại mỏ Cẩm Phả- Quảng Ninh. Bây giờ ông là Chủ tịch chi hội Artem- Hội hữu nghị với Việt Nam của tỉnh Primorye. Ông đã dành rất nhiều thời gian để sưu tầm tài liệu, hiện vật, sách báo liên quan đến cuộc đời và những hoạt động của Bác Hồ tại Viễn Đông.
Ông cũng đã mang tới đây trưng bày, giới thiệu bộ sưu tập độc đáo công phu của mình. Ông nói, điều đó vẫn chưa nói hết tình cảm, tấm lòng của ông đối với Bác và nhân dân Việt Nam. Ông sẽ cố gắng làm hết sức mình để thế hệ trẻ hôm nay hiểu và tiếp nối tình cảm ấy giữa hai đất nước, hai dân tộc. Tình cảm thiêng liêng mà thế hệ ông đã dày công vun đắp. Ông nói và ông khóc.
Và, chúng tôi chợt thấy ấm lòng khi được ngồi ở đây, dự lễ kỷ niệm sinh nhật Bác thật trang trọng mà đầm ấm giữa tấm lòng của các bạn Nga ở vùng đất Viễn Đông xa xôi này...
Theo Nhà báo Nguyễn Hồng Hải
VTV
Tình cảm với Bác Hồ của một người bạn Thái Lan Là một người Thái Lan nhưng lại có tình cảm đặc biệt với Việt Nam và luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình, ông Tira Vanichteeranont hiện đang ấp ủ kế hoạch tổ chức cuộc triển lãm tranh, ảnh về Bác Hồ nhân kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Người. Ông Tira đang xem lại bộ ảnh về...