Pờ Yầu: Làng trên núi
Dịp cuối tuần, tôi muốn đến một nơi còn đậm chất Tây Nguyên, một làng xa thực sự. Sau vài lời tư vấn, bạn chở tôi đến Pờ Yầu- ngôi làng xa nhất của xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.
Pờ Yầu nằm ẩn sâu trong những cánh rừng già. Đó có lẽ là làng xa nhất mà tôi được đặt chân đến cho tới thời điểm này. Từ xa, con đường bê tông 13 km mới được hoàn thành nằm vắt vẻo qua dãy núi như dải mây nhẹ hạ xuống khi chiều về chạy ngoằn ngoèo trên sườn núi.
Sau khi vượt qua cánh đồng chuối xanh mướt, qua thung sâu có những cánh đồng lúa chín vàng rực thì đến cửa rừng. Những cây gỗ hương lớn có hoa màu vàng nở thoang thoảng hương. Ở trạm kiểm lâm, những người gác rừng hỏi chúng tôi mấy câu, khi thấy tay xách nách mang kẹo bánh cho tụi trẻ thì họ cho qua.
Con đường trước mặt chỉ toàn dốc là dốc. Suốt quãng đường ba mươi phút, không hề gặp chiếc xe nào ngược lại dù đường rất đẹp, có đoạn gấp khúc cong như khuỷu tay, con đường cứ mải miết luồn qua những tán cây cổ thụ rợp bóng để vào làng.
Nhờ sự quan tâm của tỉnh, đường vào Pờ Yầu hôm nay đã được bê tông hóa chắc chắn, có đoạn phải xẻ đá thông qua, đá được xếp chồng lên nhau ven đường lạ mắt cũng là điểm để chúng tôi dừng xe chụp ảnh. Phía dưới là thung sâu, cây bụi xen lẫn dây leo um tùm, thoảng tiếng chim trong nắng chiều. Những thảm cỏ nằm xen trong đá đã xanh mơn mởn sau vài cơn mưa đầu mùa.
Video đang HOT
Con đường cứ dốc lên rồi dốc xuống. Nhìn phía sau lưng là nông trại, đất đai bằng phẳng của những doanh nghiệp mới đầu tư gần đây. Còn phía trước dưới tán cây mờ mịt của rừng già là những mái tôn màu đỏ nhỏ xíu như đồ chơi xếp hình thấp thoáng nhà sàn của người làng. Pờ Yầu nằm tách biệt với các làng còn lại của xã Lơ Pang.
Cậu em tôi-một người con của Lơ Pang công tác tại Công an huyện Mang Yang-kể: “Mấy hôm đi làm căn cước công dân, Pờ Yầu đi cả làng, lái cả xe công nông đi. Em hỏi: “Thế người lớn đi hết, để làng ở lại, người ta lấy làng thì sao”. Bà con cười bảo rằng, trong làng chưa bao giờ có mất cắp, với lại làng ở xa lại nghèo nên cũng không sợ. Dân làng ở lại làm căn cước, người này chờ người kia nấu cơm mang đến trụ sở UBND xã đến chiều mới về”.
Làng Pờ Yầu hôm nay. Ảnh: Phạm Ngọc |
Làng hiện ra thấp thoáng rồi rõ dần, cửa ngõ vào làng treo 2 hình nộm, bên này là người cầm kiếm, bên kia người cầm cung tên được treo lên 2 bên cây to. Người ta giải thích cho tôi đó là hiệp sĩ bảo vệ làng, trấn làng cho dân làng yên ổn làm ăn. Tôi đã đi nhiều làng nhưng những hiệp sĩ hình nộm thì lần đầu tiên tôi thấy, họ vẽ mặt từ quả bầu khô hay chiếc mũ bảo hiểm vỡ, kết cây đót thành tóc và người.
Làng nằm chon von trên đỉnh núi, đỉnh núi ấy được san đi để những ngôi nhà sàn mọc lên giữa rừng già rậm rạp. Bao quanh làng là những dãy núi cao quây tròn như che chở cho làng được yên bình qua năm tháng.
Pờ Yầu có lúa, có mì, có bời lời… nhưng người dân vẫn nghèo lắm. Những căn nhà sàn nho nhỏ nằm nem nép từa tựa vào nhau, cả làng sống quần tụ và quây quần vào núi. Trường tiểu học và mẫu giáo phân hiệu làng Pờ Yầu cũng nằm chênh vênh trên đỉnh núi quay về hướng mặt trời lặn. Một cô giáo kể với tôi, lớp 1 3 có 20 học sinh, lớp 2 có 17 học sinh và lớp 4 5 có 28 học sinh. Các em rất ngoan, đi học chuyên cần, yêu thương cô giáo, chỉ tội thiếu thốn quần áo, giày dép, bút mực.
Trời chiều, thảng tiếng chim đập cánh lạc bầy. Tối sụp đến rất nhanh. Cơn gió chiều thông thốc thổi, cây phượng đỏ ối nở đỏ cả khoảng trời lồng lộng xanh rụng những bông xuống mặt đường. Những đứa trẻ đã theo ba mẹ đi rẫy trở về nhà. Ánh điện bắt đầu được bật lên trong những mái nhà. Chúng tôi xuống núi.
Trong ánh sáng yếu ớt của đêm, những tàng cây cổ thụ bắt đầu tỏa ra mùi hương dịu nhẹ. Bên những nếp nhà, từng làn khói mảnh bay lên từ đỉnh núi với mùi cơm thơm ban chiều. Tôi nhủ thầm, sẽ còn trở lại Pờ Yầu lần nữa bởi vì một lần đi qua tôi chưa ghi nhớ hết được những chi tiết của nơi này, một ngôi làng nằm trên đỉnh núi.
Về đến nhà, tôi viết đôi dòng trên trang Facebook cá nhân: “Tôi đã trở về trên núi cao”, mượn tên một cuốn sách của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Bạn tôi nhắn hỏi: “Ủa, hồi giờ tưởng cậu đã ở trên núi”. Tôi đáp, ừ thì cũng là dân miền núi nhưng núi cao thì vẫn có núi cao hơn, có những đỉnh núi mà tôi chưa được đặt chân đến bao giờ.
Suối nước nóng Mường Lèo
Từ trung tâm huyện Sốp Cộp, vượt quãng đường gần 60 km ngoằn ngoèo, uốn lượn vắt ngang những sườn núi cao vút, đến đầu bản Liềng là thấy suối nước nóng lộ thiên giữa cánh đồng lúa vàng.
Nhìn từ xa, cả khu vực này hiện ra như một bức tranh thủy mặc.
Khu bể nước nóng ở bản Liềng, xã Mường Lèo (Sốp Cộp).
"Púng Hỏn", tiếng Thái nghĩa là vũng nước nóng, đây cũng là tên con suối thuộc địa bàn bản Liềng. Sinh ra và lớn lên tại vùng đất này, ông Lèo Văn Tuận, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mường Lèo kể: Trước đây, có nhiều "Púng Hỏn" lắm, chẳng ai biết được có từ bao giờ, nước ở đây nóng lắm, đến nỗi con ếch, con nhái nhảy vào đều bị chết. Ngày trước, một vài hộ dân từ xã Púng Bánh lên đây tìm nơi sinh sống. Trong một lần đi rừng, họ phát hiện nhiều con nai, hươu, vượn, sơn dương tụ tập về uống nước ở những vũng nước trong cánh rừng già. Biết đó là vùng đất tốt, họ liền dựng nhà sinh sống. Khi lớn lên, vẫn thấy thú rừng về uống nước ở đây. Hồi đó, xung quanh những "Púng Hỏn" này là rừng già rất đẹp, từng đàn vượn, khỉ về đây uống nước, người dân gọi những khu rừng này là "Lống Căm" (rừng thiêng). Rừng toàn cây cổ thụ to lớn, 5-6 người ôm không xuể. Những người đi săn thường ngâm mình dưới suối để rình bắt, bắn thú rừng.
Ngày trước, rừng còn nhiều, lại ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển nên đồng bảo ở đây dường như không biết đến mùa hè, bà con còn cho rằng thần thánh đã tạo ra "Púng Hỏn". Tắm ở đây, phụ nữ thì da dẻ hồng hào, mềm mại, khỏe khoắn; cánh đàn ông lại cảm thấy sảng khoái, hết mệt mỏi sau một ngày lao động vất vả mỗi khi trầm mình trong dòng nước nóng. Cũng do suối nước nóng có nhiều hoạt chất, nên đã tắm ở đây, người trong vùng không ai bị bệnh ngoài da. Năm 1961, bộ đội biên phòng về đây đóng quân, trường học được mở, dân cư đông hơn, người dân khai phá khu rừng để xây dựng trường học, làm ruộng nước... cũng vì thế mà giờ chỉ còn một "Púng Hỏn". Bây giờ, rừng già quanh suối không còn nữa, bà con tiếc lắm. Thời tiết giờ cũng khác trước nhiều, mặc dù vậy, những đêm hè ở đây vẫn luôn mát mẻ, lạnh về đêm. Thời kỳ ông Tuận làm Bí thư Đảng ủy xã, thấy nguy cơ suối nước nóng bị bồi lấp, ông đã nhiều lần đề nghị huyện đầu tư xây dựng để khai thác, bảo tồn. Cách đây 3 năm, huyện đã đầu tư xây dựng bể và một số phòng tắm như bây giờ.
Khu vực bản Liềng có vị trí rất đặc biệt, "Púng Hỏn" chảy về phía một con suối cách đó chừng 70m, suối này được tạo bởi 3 con suối nước lạnh và 2 suối nước nóng và có tên chung là Nậm Lăm. Đầu tiên là con suối Nậm Mạt bắt nguồn từ đỉnh Pu Sâng, chảy qua bản Mạt cách đó hơn chục cây số rồi hòa vào Nậm Lăm từ đầu bản Liềng. Khi chảy đến gần cuối bản Liềng thì có thêm dòng Nậm Pừn và một suối nước nóng khác cạnh đó hòa vào tạo thành dòng suối lớn chảy về sông Mã. Con suối này cung cấp nước trong lành cũng như tôm, cá cho người dân. Vào mùa đông, hơi nước bốc lên phủ khắp cả vùng tạo nên cảnh đẹp lạ thường. Mặc dù những con suối có vị trí gần nhau, độ cao như nhau, nhưng lại phân biệt nóng, lạnh rất rõ ràng. Ông Lò Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Mường Lèo nói: Để cải tạo nâng cấp nguồn suối khoáng tự nhiên, tránh bị bồi lấp và đưa vào khai thác du lịch, huyện đã đầu tư hơn 500 triệu đồng xây bể và phòng tắm. Xã đã giao cho các trường học phối hợp với Đoàn Thanh niên vệ sinh để cho trẻ tắm vào mùa đông. Các hộ dân ở đây không phải lắp đặt hệ thống nước nóng lạnh. Mọi khách du lịch hoặc bất cứ ai đến thăm hay đi qua Mường Lèo đều tắm ở con suối này. Nước nóng ở đây có nhiệt độ dao động từ 35-40oC. Thời điểm này, xã chỉ quản lý mó nước nóng chính, còn mó cạnh suối Nậm Pừn thì bà con không sử dụng vì nước nóng ở đó đã bị lẫn với nước suối. Quanh khu vực này có khoảng 2ha ruộng nước, vụ chiêm xuân bao giờ cũng chín sớm hơn ở vùng khác, gieo mạ cũng không bị chết hay sâu bệnh. Đặc biệt, lúa trồng ở khu vực này rất dẻo và thơm ngon.
"Púng Hỏn" Mường Lèo không còn nguyên sơ, nhưng vẫn giữ được nét đẹp riêng. Dòng suối nóng nơi đây còn có tiềm năng về du lịch, nếu như kết hợp với cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ thì nguồn tài nguyên quý giá trên vùng biên ải này sẽ không bị bỏ ngỏ.
Cu Vai - Bản làng nơi "níu gió vờn mây" Người dân ở Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) gọi bản Cu Vai là chòm, vì chòm Cu Vai tụ lại nằm biệt lập trên đỉnh một ngọn núi cao. Chòm Cu Vai là nơi những nếp nhà đơn sơ của người dân bản Mông nương tựa vào nhau, quấn quýt quy tụ thành một xóm làng như những chòm sao trên bầu trời...