Pizza hồn Ý da Việt!
Có một mối duyên kỳ ngộ giữa món bánh pizza Ý với các loại bánh bột nướng hoặc chiên của ta.
Trước tiên, cần làm rõ “chàng” bánh hảo phô mai với nhóm thịt nguội kia có điểm chung nào với mấy “nàng” gốc rơm rạ của dân mình. Thì ra chúng có nền móng chung là tinh bột. Kế đến, có thể tích hợp đạm (thịt, trứng…) với một số rau đậu để vun đắp thành một món ăn giàu năng lượng với đa dạng thành phần.
“Ăn theo” bánh ngoại
Vậy cơ duyên nào khiến chúng lọt vào “mắt xanh” của nhau? Câu trả lời là “làn sóng du lịch” – anh Đỗ Khuê, đạo diễn chương trình “Món ngon Cần Thơ phố” của Đài Truyền hình Cần Thơ nói ngay. Anh Khuê dẫn chứng gần chục năm trước ở Tây Đô, khá nhiều du khách nước ngoài đến đây đã đòi dùng thử bánh trái bản địa.
Thấy vậy, giới truyền thông có tâm miệt này ngồi lại góp ý cho ông chủ lò hủ tíu Sáu Hoài (ở gần cầu Rau Răm, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ), nhằm cải biên nên một món mới hợp khẩu vị khách Âu – Mỹ. “Cũng trầy trật vài ba bận, món pizza hủ tíu mới nên vóc nên hình”, anh Khuê kể.
Thú vị hơn, chính du khách nước ngoài đã đặt tên cho nó. Đến nay, nó lọt vào tốp hàng đặc sản đứng nhất, nhì những món khách ngoại ưa chuộng ở thành phố gối đầu nhiều sông rạch này. Anh Tôn Thất Lang ở quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ, cho biết những dịp lễ lớn, hàng ngàn lượt khách ghé qua đây mỗi ngày để được thưởng thức món bánh đặc biệt này.
Một cách thăm dò “thân nhiệt” của lửa than để kịp thời xoay trở bánh.
Theo người viết, điểm son của món trên là nhóm sáng chế đã dùng dừa thay cho phô mai. Lấy nước dừa xiêm “khìa” (sên lửa nhỏ) thịt heo nạc cho lát thịt thêm ngọt bùi. Pha nước cốt dừa với ít sữa bò làm nước xốt nhằm tạo nên độ béo đặc biệt lẫn hương thơm hấp dẫn riêng. Ngoài ra, cái gam màu trắng đục của xốt góp phần làm nổi bật những sợi hủ tíu vàng hồng lẫn lớp lá màu xanh ngọc của mớ xà lách với ít ngò rí thơm non.
Tuy nhiên, tựa như món mì xào giòn của người Hoa, cái sự béo của nó quá… hào phóng nên một số chị em sợ mất eo! Chính điểm trừ này làm nó tụt hạng so với một loại bánh nướng tưởng như pizza mà không phải, ở thành phố Đà Lạt.
“Trời càng lạnh, ăn món này càng thích”, một cô bạn đồng nghiệp ở báo Lâm Đồng chia sẻ. Ngoài ra, địa hình đèo dốc chập chùng nơi đây cũng góp phần làm cho dạ dày của một số du khách ưa lang thang lội bộ, ngó nghiêng mau réo gọi. Thêm sự hiện diện của dãy bếp than hồng, phần nào tạo cảm giác ấm áp cho lữ khách; nhất là những tối mờ sương, giá lạnh.
Mùi thơm của trứng nướng quyện với mùi mỡ hành thơm nức, tiếng hít hà khe khẽ của nhóm bạn trẻ do lỡ tay xịt tương ớt hơi nhiều là cảnh tượng được thấy ở quán vỉa hè Dì Đinh (ngã ba Hoàng Diệu – Trần Nhật Duật, Đà Lạt). Còn mấy anh bếp, lúc nào cũng tất bật xoay, trở mẻ bánh.
Có lúc, họ hơi khum lòng bàn tay, để vuông góc và cách xa mặt chiếc bánh cỡ 2 – 3 lóng tay người lớn, nhằm “đo lửa” xem có nóng hỗn quá không. Bao nhiêu đó đủ níu kéo người ta ngồi lại ăn chơi vài cái dù bụng còn lưng lửng. Giá bánh lại mềm, dưới 25.000 đồng/món. Có gần 20 món được in trên một mặt của tờ giấy A4 ép nhựa cẩn thận. Trong đó, tên gọi một số món khá ngộ nghĩnh: cút không bò, gà bò tươi…
Video đang HOT
Nhúm rau dưa chua với vài ba giọt tương ớt nhỏ, đã lập công lớn!
Thử gọi món gà (trứng) bò phô mai xúc xích, hương vị béo, bùi hài hòa khá thú vị. Và phải công nhận rằng chính cái không khí se lạnh đặc trưng của xứ sở sương mù buổi tối đã góp phần kích thích cơn thèm trỗi dậy.
Trong đó, những đốm xanh hành lá với mấy vệt đỏ hồng của tương ớt tuy là gia vị phụ trợ nhưng lại đóng vai trò chính trong việc kết nối – kiềm hãm cơn ớn ngán. Chúng kiêm luôn cánh tay đắc lực cho đường tiêu hóa, giúp thuận lợi dung nạp những nguyên liệu khá giàu đạm và dễ gây đầy hơi như trứng, xúc xích…
Được biết, tên “cúng cơm” của món vừa kể là “bánh tráng hành”. Song chẳng rõ, một vị du khách nào đó đã đặt thành “pizza Đà Lạt”. Và nó “lên đời” luôn từ đó, cũng không dưới 10 năm nay. Điểm khác biệt rõ nét giữa món bánh sau này so với ban đầu là dòng khách ta chuộng chủ yếu. Thường nhộn nhịp tới lui vẫn là lứa tuổi mới lớn. Lạ hơn, các món “pizza Đà Lạt” dường như không thể rời xa vùng đệm của hồ Xuân Hương với những tàng phượng tím. Bằng chứng là khi “bén rễ” qua Nha Trang hay vô TP.HCM hoặc xuống Bình Dương, thường không còn hiển vinh nữa.
Cuộc “hợp hôn” dậy sóng
Cũng dòng pizza “lai” đó mà ở Sài Gòn nó còn được biến tấu táo bạo hơn: cơm tấm pizza. Ôi thôi, “miệng đời” khen – chê rầm rộ. “Thua rồi! Khúc ngọn cơm tấm, cứ nhàn nhạt hương vị, không có gì ấn tượng hết. Còn phần pizza chìm quá, chẳng nghe mùi vị thơm, béo mạnh đặc trưng của loại phô mai Ý lừng danh (Mozzarella) đâu cả”, bạn Quốc Tiến, khá sành ăn, làm thiết kế tạp chí, ở quận 2 nhận xét.
Còn bạn Tân Nhân, cũng ở quận 2, một thành viên tích cực trong nhóm Saigon Ùm (trên Facebook) bình luận nhẹ nhàng: “Sư kêt hơp nay theo minh chi ơ mưc trung binh. Sư co măt cua phô mai Mozzarella lam nên cho nươc măm cung phân nhân (sươn-bì- cha) quả la thu vi đo. Nhưng no lai không tao nên môt hương vi đôt pha”.
Từng làm biên tập cho một tờ báo điện tử chuyên về ăn uống tại TP.HCM nên Nhân nhiệt thành đưa ra giải pháp: “Con nhiêu thư phai điêu chinh. Như nươc măm phai đăc săc hơn (nươc măm keo, hoăc ươp thẳng vao phân nhân banh), phân cha cung cân đươc chăm chut nhiêu hơn. Va liêu Mozzarella cheese co phai la môt lưa chon qua an toan?”.
Cơm tấm pizza, cuộc “hợp hôn” dậy bao sóng gió
Quả thật, hôm chúng tôi ghé lại đây (608 Võ Văn Kiệt, phường Cầu Kho, quận 1) dùng lần hai, thì lượng phô mai được gia vào bánh rất ít – chỉ là hương hoa thôi. Có lẽ nhà sản xuất luôn nghe ngóng dư luận để điều chỉnh cho phù hợp khẩu vị chung. Mặc dù vậy vẫn còn khá chông chênh giữa phần hương Việt (sườn, bì, trứng, nước mắm pha…) với hồn Ý (bột mì nơi đế bánh, phô mai).
Cũng may, còn có nhúm “đòn tay vuông” dưa cà rốt với củ cải trắng chua ngọt thanh dịu tham dự. Xịt thêm vài giọt tương ớt hiệu con gà cay thơm tuyệt vời, vừa kích thích khẩu vị vừa dập tan cơn ớn ngán. Và lẽ ra, khi “gọi tên em” là cơm tấm pizza thì phần hồn cốt của nước mắm với bột thính (rắc lên bì) phải nổi bật hơn nữa.
Nhớ lại, trong Liên hoan Ẩm thực món ngon các nước tại TP.HCM dịp cuối năm 2009, có “Hội thi pizza toàn cầu”, gồm các đầu bếp đại diện cho khoảng 20 nước Á – Âu. Ấn tượng nhất, có một đội nhà hàng ở khu Phạm Ngũ Lão, quận 1 trình diễn món pizza nước mắm khiến không ít khách tham quan ồ lên ngạc nhiên.
Đầu bếp đội đó đã dùng rất ít nước mắm ngon đem sên (để khử bớt mùi), rồi gia vào xốt cà chua nhằm phối nên một làn hương vị bản địa thoang thoảng. Thế nên phong vị chính của chiếc bánh ấy vẫn rất Tây – nổi trội độ béo thơm của phô mai ngon với chất ngọt của thịt bò bằm. Nhưng cắn tiếp vào lần hai, rất dễ ớn ngán nếu thực khách là dân chuộng nồi kho quẹt!
Vốn dĩ, mọi sự cách tân quá trớn trong ẩm thực hoặc văn chương hay điện ảnh vẫn thường hứng chịu búa rìu dư luận. Với lại, mọi việc ở đời rất khó hoàn hảo nên hãy cứ mở lòng cảm thông bạn nhé!
Mì xào chế biến theo cách này chẳng sợ nóng lại còn đủ chất
Chỉ là món mì xào quen thuộc nhưng chế biến theo cách này không chỉ ngon miệng, đẹp mắt mà còn đầy đủ chất dinh dưỡng.
Nguyên liệu cần chuẩn bị cho 1 người ăn
- 1 gói mì ăn liền
- 1 quả trứng
- 2 con tôm
- 2 cây rau cải thìa
- 30ml nước tương, 15ml dầu hào, 8g đường
- Một ít vụn rong biển
- Vừng rang, xốt mè
Cách làm mì xào cực ngon
- Bước 1: Đun sôi một nồi nước, cho mì vào trụng 1-2 phút rồi vớt ra để ráo. Cho nước tương, dầu hào, đường vào bát trộn đều.
- Bước 2: Cho một ít dầu ăn vào chảo đun nóng, đổ mì vào xào đều sau đó thêm nước tương vừa hòa vào đảo chung. Thêm sốt mè vào đảo đều cho ngấm gia vị là được.
- Bước 3: Rau cải thìa rửa sạch luộc chín.
- Bước 4: Tôm rửa sạch chiên chín.
- Bước 5: Trứng chiên ốp la.
- Bước 6: Cho mì ra đĩa, thêm tôm, trứng, rau cải luộc vào rồi rắc chút rong biển và vừng rang chín lên trên là xong.
Chúc bạn thực hiện thành công!
Quỳnh Chi
Bí ẩn của 'minh chủ' ốc gạo cuốn dừa nạo Đem ốc xào với lá cách xong, làm món cuốn này chắn chắn sẽ tạo được "minh chủ" trong "võ lâm" món ốc gạo. Chỉ cần chén nước mắm mặn ngon dầm ớt vắt chút chanh, là đã có một bữa ốc ngon hơn nhiều so với ốc Sài Gòn. Ốc gạo mua ở ven đường từ Cần Thơ đi Phong Điền -...