‘Pinocchio’ mới đậm nét Guillermo Del Toro
Qua ngôn ngữ hình ảnh độc đáo và mang đậm dấu ấn cá nhân, đạo diễn Guillermo Del Toro mang đến hơi thở mới cho câu chuyện quen thuộc về chú bé người gỗ.
Thể loại: Hoạt hình tĩnh vật, nhạc kịch, kỳ ảo
Đạo diễn: Guillermo Del Toro
Diễn viên: Gregory Mann, Ewan McGregor, David Bradley
Đánh giá: 7/10
Được thông báo từ 2008, song Pinocchio của đạo diễn Guillermo Del Toro ( Hellboy, Pan Lapyrinth, Shape of Water) gặp nhiều khó khăn do không tìm được nhà sản xuất. Đến năm nay, bộ phim mới có cơ hội ra mắt khán giả. Trên thực tế, trong năm 2022 có ít nhất 3 phim về chú bé người gỗ, trong đó có phiên bản live-action do Tom Hanks đóng chính.
Cậu bé người gỗ Pinocchio vốn không xa lạ với trẻ em trên toàn thế giới cũng như các bậc phụ huynh. Đặt chân lên mảnh đất đã được đào xới kỹ lưỡng, Guillermo Del Toro gieo một hạt giống mới lạ vào thế giới cổ tích, với những chi tiết đen tối pha lẫn ấm sáng. Có thể xếp tác phẩm vào phân khúc “auteur”, chỉ những tác phẩm xoay quanh thế giới quan của nhà làm phim thay vì nhu cầu đại chúng.
Pinocchio thể hiện rõ cá tính của đạo diễn Guillermo Del Toro. Ảnh: Netflix.
Mái ấm mang tên “nhà” và mái nhà không ấm
Pinocchio của Guillermo Del Toro lấy bối cảnh vùng quê nước Ý vào những năm xảy ra Chiến tranh thế giới thứ nhất. Geppetto, một ông lão thợ mộc có tiếng trong vùng, đang có một cuộc sống hạnh phúc với cậu con trai nhỏ Carlo. Tuy nhiên, chiến tranh đã cướp mất Carlo ngay trước mắt Geppetto. Vì quá đau buồn trước cái chết của Carlo, Geppetto đã tạo ra một con rối gỗ, mong nó sẽ thay thế khoảng trống mà Carlo đã để lại.
Pinocchio không đến thế giới loài người theo cách chính thống. Cậu có cơ thể bằng gỗ, một linh hồn vay mượn và kiến thức sơ sài về cuộc đời. Ít đến mức hết lần này đến lần khác cậu đẩy cả Geppetto và mình vào tình cảnh éo le, để rồi phải nói lời tạm biệt với người cha mà mình thương nhất.
Thông điệp gia đình là chủ đề được Guillermo Del Toro quan tâm. Vị đạo diễn đặt ba gia đình song song nhau, cùng đồng hành đến cuối phim để lật ra tất cả những mặt sáng tối đầy rẫy trong xã hội đương thời: gia đình của cậu bé Candlewick, gánh xiếc của Volpe và gia đình của Pinocchio. Mỗi mái ấm mang một khái niệm về hạnh phúc, giai tầng cũng như cách nhìn nhận về thời cuộc khác nhau.
Gia đình tồn tại cả trong hai hình hài nhân từ và tàn nhẫn.
Cách đạo diễn xây dựng khái niệm “tổ ấm” khá đặc biệt và rạch ròi với một nơi để sống, để thở. Nhìn vào phim, khán giả có thể nhận ra ngay đâu là khoảnh khắc mà mái ngói không còn là nhà, hoặc nhà không hẳn là những bức vách vuông vức. Nhà là thứ Candlewick tìm mãi trong mắt cha, thứ Geppetto đặt cược cả mạng sống để tìm lại, hoặc rạp xiếc ác độc của Volpe.
Chiến tranh đã tạo ra sự đối lập rõ ràng trong nhận thức của những người cha. Có thể nói bộ phim là một cuộc tìm kiếm những mái nhà mà nhân vật đáng lẽ phải có như một điều hiển nhiên. Candlewick, cho dù có khiến gia đình Pinocchio lao đao vào phút đầu, là một cậu bé tốt, khát khao có được sự công nhận từ người cha lạnh lùng của mình. Hay chú khỉ Spazzatura không ngần ngại từ bỏ Pinocchio để chạy tới ông chủ Volpe, mặc kệ lão ta có đánh đập chú hàng ngày đi chăng nữa.
Guillermo Del Toro mang đến sự dị biệt cho tác phẩm kinh điển. Ảnh: Vanity Fair.
Kịch bản là con dao hai lưỡi
Hoạt hình tĩnh vật (stop – motion) là thể loại được vị đạo diễn chọn để thực hiện Pinocchio. “Trong vô số các thể loại, dạng phim thiêng liêng và kỳ diệu nhất với tôi là hoạt hình tĩnh vật, vì chúng gắn kết giữa họa sĩ diễn hoạt và con rối”, Guillermo Del Toro chia sẻ.
Đối với kịch bản có chiều sâu, chứa đựng nhiều yếu tố hơn là một câu chuyện cổ tích dành cho thiếu nhi thì stop – motion là một lựa chọn hoàn toàn hợp lý. Thể loại hoạt hình mang đến một góc nhìn mới lạ và sát với thực tế hơn, khiến khán giả đoán được hàm ý mà đạo diễn muốn gửi gắm trong các chi tiết, điển hình như quả thông hoàn hảo, Mussolini bị sỉ nhục, cái chết,…
Hình ảnh của phim tinh xảo, song có thể gây sợ hãi với khán giả nhí. Ảnh: Netflix.
Hơn thế, mười lăm năm là một mốc thời gian không hề ngắn. Ấp ủ hơn một thập kỷ, Guillermo Del Toro đã chứng minh tay nghề của mình thông qua từng lời nói cử chỉ, từng cảnh phim cô đọng mà ít có tác phẩm nào đạt được tới trình độ khéo léo, tỉ mẩn này.
Mặt khác, chính chiều sâu kịch bản đã dẫn đến một bộ phim dài hơn 120 phút – một thời lượng không mấy phù hợp so với khán giả thiếu nhi. Các tình tiết phim quá nhanh, quá nhiều đối với người xem nhỏ tuổi, khiến phim khó là lựa chọn hàng đầu cho các nhà có con nhỏ. Yếu tố đen tối kỳ ảo cũng là một trong những nguyên do khiến phụ huynh ngần ngại.
Không chỉ có vậy, do sự phức tạp của khâu tạo hình, đôi lúc mũi của Pinocchio cũng không dài ra khi cậu nói dối, giống như cảnh cậu đòi Geppetto một ly chocolate nóng. Đây là một trong những “sạn” nhỏ ảnh hưởng đến chất lượng của phim.
Xem xét trên nhiều phương diện, Pinocchio của Guillermo Del Toro vẫn là một tác phẩm có tiềm năng lớn, có kịch bản chặt chẽ và mang đậm chất riêng của nhà làm phim. Với thông điệp chính là “nhà”, đạo diễn vừa đề cao tình cảm gia đình, vừa châm biếm những thói tàn ác của con người nhằm đày đọa hạnh phúc người khác, đồng thời nêu ra những cái nhìn cởi mở hơn về sự khác biệt trong cộng đồng.
Trailer Pinocchio
Khám phá những địa điểm nên thơ trong các bộ phim cổ tích hoàn toàn có thật ngoài đời
Bạn đã bao giờ mơ ước được đứng giữa những tòa lâu đài nguy nga tráng lệ trong các câu chuyện cổ tích? Những hình ảnh quen thuộc nơi các nhân vật huyền thoại được viết lên? Đây là những mong ước hoàn toàn có thể thành sự thật. Chúng ta có thể đặt chân vào thế giới cổ tích khi ghé thăm những địa điểm trong phim có thật ngoài đời sau.
Moana
John Muske, một trong những đạo diễn của Moana Sing-Along đã lấy ý tưởng cho bộ phim từ một cuốn sách về người anh hùng thần thoại Polynesia, Māui. Ông đã dành thời gian đi đến nhiều quần đảo ở Nam Thái Bình Dương để chọn được địa điểm lấy ý tưởng.
Fiji, Samoa và Tahiti là một số hòn đảo mà một số nơi Muske đã đến thăm để tìm hiểu về văn hóa, truyền thống của người bản địa và cuối cùng ông đã thành công tái tạo lại những cảnh quan ngoạn mục của Motunui, hòn đảo của Moana.
Pinocchio
Disney sản xuất bộ phim dựa trên cuốn tiểu thuyết dành cho trẻ em Cuộc phiêu lưu của Pinocchio của Carlo Lorenzini, người đã lấy bối cảnh sáng tác ở quê ngoại, ngôi làng Collodi ở Ý. Thị trấn này gắn bó với Carlo đến nỗi anh đã lấy bút danh là Carlo Collodi.
Những ngôi nhà nhỏ, những con đường lát đá nhỏ hẹp và những mái vòm đã khiến ngôi làng vùng Tuscan cũng đã trở thành hình ảnh thân thương với mọi người hâm mộ Pinocchio.
Bạch Tuyết và bảy chú lùn
Bạn có thể hình dung ra nàng Bạch Tuyết đang hát cho hoàng tử của mình nghe từ ban công đó không? Công chúa Bạch Tuyết được lấy cảm hứng từ một câu chuyện dân gian của Đức rồi được anh em nhà Grimm ghi lại.
Nghiên cứu cho thấy câu chuyện có thể được sáng tác với bối cảnh có thật là Lâu đài Lohr và Rừng Spessrt ở nước Đức. Vậy nên không có lý gì các nhà làm phim không lấy hình ảnh ở nơi đây đem vào hoạt hình.
Cô bé Lọ Lem
Herbert Ryman là người thiết kế hình ảnh lâu đài của Cinderella, lâu đài sau này được xây dựng như một phần của Disney World. Nguồn cảm hứng chính của ông là lâu đài Neuschwanstein ở Đức. Ban đầu nó được xây dựng bởi Vua Ludwig II của Bavaria như một lâu đài mùa hè.
Những tòa tháp nhọn cao, lối vào hình vòm và khu rừng xung quanh hoàn toàn khớp với những tòa lâu đài của Hoàng tử trong câu chuyện Lọ Lem.
Người đẹp và quái vật
Vùng Alsace của nước Pháp nổi tiếng với những ngôi làng đẹp như tranh vẽ. Bộ phim hoạt hình Người đẹp và quái vật đình đám của Disney dựa trên câu chuyện gốc được viết bởi Gabrielle-Suzanne Barbot de Villeneuve, một nhà văn Pháp sống trong thế kỷ 19.
Vì vậy, "thị trấn nhỏ tỉnh lẻ" của Belle được lấy cảm hứng từ thị trấn nước Pháp thực sự. Các nhà sản xuất đã chọn những ngôi làng như Colmar và Eguisheim để miêu tả thị trấn của Belle và vẽ nó vào trong phim.
Lee Jong Suk lấy vai nam chính Pinocchio từ mỹ nam hạng A này: Diễn đỉnh nhưng tên tuổi hạ nhiệt vì lý do đau lòng Lee Jong Suk từng nổi danh nhờ bộ phim Pinocchio nhưng vốn dĩ ban đầu đó không phải vai diễn của anh. Pinocchio là bộ phim nổi đình đám màn ảnh Hàn giai đoạn cuối 2014, đầu 2015 với sự góp mặt của cặp đôi "nhân đôi visual" Lee Jong Suk - Park Shin Hye. Thời điểm đóng bộ phim này, Lee Jong...