Pin thiết bị phát sóng định vị dưới nước của MH370 hết hạn từ 2012
Theo báo cáo điều tra được công bố tròn 1 năm sau vụ mất tích của máy bay MH370, pin của thiết bị phát sóng định vị dưới nước của hộp đen ghi lại dữ liệu chuyến bay của phi cơ này đã hết hạn sử dụng từ cuối năm 2012.
Thân nhân hành khách MH370 sống trong đau buồn trong 1 năm nay. (Ảnh:AP)
Theo AFP, báo cáo sơ bộ dày 548 trang được các nhà chức trách Malaysia công bố ngày 8/3 trích dẫn các biên bản bảo trì máy bay cho biết, không có thông tin chứng tỏ pin của thiết bị nêu trên đã được thay trước thời điểm hết hạn là tháng 12/2012.
Pin của thiết bị phát sóng định vị dưới nước này được cho là đã thay thế lần cuối là vào tháng 2/2008. Sai sót chỉ được phát hiện sau khi xảy ra vụ mất tích MH370, Malaysia Airlines sau đó đã lập tức kiểm tra toàn bộ đội máy bay của mình nhằm đảm bảo không có vấn đề tương tự với toàn bộ hệ thống phi cơ của hãng.
Mặc dù pin vẫn có thể hoạt động quá thời hạn, nhưng báo cáo cho biết “sẽ không đảm bảo việc thiết bị vẫn sẽ hoạt động hoặc đạt tiêu chuẩn phát tín hiệu tối thiểu trong 30 ngày như bình thường”.
Trong khi đó, pin trên hộp đen ghi lại âm thanh buồng lái và các dữ liệu khác đã được thay thế đúng kỳ hạn và vẫn trong thời gian hoạt động quy định.
Ngoài ra, trong bản báo cáo sơ bộ, giới chức Malaysia khẳng định không tìm thấy dấu hiệu bất thường nào ở các phi công cũng như tổ tiếp viên trên chuyến bay đó.
Video đang HOT
“Không có các dấu hiệu cho thấy tình trạng tách biệt với xã hội, thay đổi trong thói quen hay các mối quan tâm, bỏ bê, say rượu hay sử dụng ma túy ở cơ trưởng, cơ phó cũng như tổ tiếp viên”, các điều tra viên khẳng định trong báo cáo.
Báo cáo cũng nói cơ trưởng chuyến bay MH370 Zaharie Ahmad Shah không có những trục trặc gì liên quan tới tiền bạc cũng như đời tư gây ngờ vực nào: “Khả năng giải quyết căng thẳng trong công việc cũng như ở gia đình của cơ trưởng là tốt. Không có dấu hiệu của sự thờ ơ, lo lắng hay cáu giận, đồng thời cũng không có những thay đổi đáng kể nào trong cuộc sống của ông ấy, không có các mâu thuẫn cá nhân hay căng thẳng trong gia đình”.
Các điều tra viên cũng nghiên cứu về cuộc sống của những thành viên khác của phi hành đoàn. Họ cũng đồng thời điểm tra các đoạn video ghi lại hình ảnh của phi hành đoàn này tại sân bay trong ít nhất 3 chuyến bay trước đó và cũng không nhận thấy có hành vi bất thường.
Chuyến bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines chở 239 người đã đột ngột mất tích ngày 8/3 năm ngoái khi đang trên đường bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc).
Cho đến nay, sau khi thay đổi địa điểm tìm kiếm vài lần, các nhà chức trách cho hay họ vẫn chưa có bất kỳ dấu vết nào của chiếc máy bay được cho là đã biến mất một cách khó hiểu nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới này.
Thoa Phạm
Theo Dantri/AFP
Giả thuyết mới "đáng tin" về vị trí máy bay MH370
Một cơ trưởng giàu kinh nghiệm khẳng định máy bay MH370 đã có "cái nhìn vĩnh biệt" xuống hòn đảo Penang, quê hương của cơ trưởng chuyến bay, trước khi rơi xuống biển.
Hòn đảo Penang, quê hương của cơ trưởng chuyến bay MH370 Zaharie Ahmad Shah. (Ảnh: Alamy)
Trang tin News.com.au ngày 3/3 dẫn lời phân tích của ông Simon Hardy, cơ trưởng người Anh giàu kinh nghiệm điều khiển Boeing 777, về dữ liệu của máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines và đưa ra giả thuyết về vị trí của chiếc máy bay, mà theo các điều tra viên Úc là "đáng tin cậy".
Theo News.com.au, sau khi nghiên cứu các dữ liệu của chuyến bay mất tích trong suốt 6 tháng, cơ trưởng Hardy cho biết sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur, máy bay MH370 đã mất liên lạc với bộ phận kiểm soát không lưu tại Biển Đông, nơi có đến 4 trạm kiểm soát thông tin chuyến bay giao nhau.
Ông Hardy nhận định khi hệ thống truyền tải thông tin liên lạc trên máy bay bị tắt, chiếc máy bay đã thực hiện một động tác "khá khác thường". Cơ trưởng Hardy tin rằng chiếc máy bay đã bay ra bay vào không phận Malaysia và Thái Lan tới 8 lần.
"Tôi chưa bao giờ chứng kiến điều gì tương tự như vậy, nhưng đó là cách thức hiệu quả để gây rối loạn giữa các trạm kiểm soát không lưu", ông cho hay.
Trang News.com.au dẫn lời cơ trưởng Hardy khẳng định trong những lần đảo hướng trên không, chiếc máy bay cũng đã vòng ngược lại phía đảo Penang, quê hương của cơ trưởng MH370 Zaharie Ahmad Shah. Ông cho biết "đã mất nhiều tháng trời để hiểu được điều này".
Cơ trưởng Hardy đã dựa trên kinh nghiệm bay của chính mình trên khắp nước Úc để hiểu tại sao cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah và cơ phó Fariq Abdul Hamid lại thực hiện một đường vòng ngược trên không như vậy.
"Manh mối nằm ở Ayers Rock. Tôi đã từng thực hiện những đường vòng tương tự ở đó chỉ để được ngắm nhìn một cảnh tượng ngoạn mục. Ai đó trên MH370 đã muốn có một cái nhìn vĩnh biệt xuống Penang".
Ông Hardy cũng tin rằng khu vực tìm kiếm MH370 tại Ấn Độ Dương hiện nay chỉ cách vị trí rơi thực sự của chiếc máy bay khoảng 185km.
Giả thiết của Cơ trưởng Hardy, được công bố trên tạp chí Flight International và trang web flightglobal, đã nhận được ủng hộ từ David Learmount, một trong các chuyên gia an ninh hàng không hàng đầu của Anh.
Ông Learmount cho biết sau khi Cơ trưởng Simon Hardy công bố những tính toán của ông về vị trí của chiếc MH370 trên Flightglobal vàFlight International, Cơ quan an toàn giao thông Úc đã nói chuyện rất lâu với ông, và đánh giá giả thuyết của ông là "đáng tin cậy".
Chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã đột nhiên mất tích vào ngày 8/3 năm ngoái, với 239 người trên máy bay. Cơ quan an toàn giao thông Úc vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc.
Nghi Phương
Theo dantri/News.com.au
MH370 thành bí ẩn vì sử dụng công nghệ theo dõi lỗi thời Một năm sau tham kịch với MH370, vẫn có quá ít manh mối về vị trí chiếc Boeing 777 đã rơi xuống. Tuy vậy, vụ việc này đã không trở thành bí ẩn lớn của hàng không thế giới nếu các công nghệ của thế kỷ 21 được áp dụng thay vì các công nghệ lỗi thời. MH370 đang là bí ẩn lớn...