Pin của một bộ phát tín hiệu hộp đen MH370 hết hạn năm 2012
Báo cáo sơ bộ công bố hôm nay về MH370 cho thấy pin của một bộ phát tín hiệu hộp đen – bộ ghi nhận số liệu chuyến bay – không được thay thế kể từ khi hạn sử dụng của nó hết vào tháng 12/ 2012, hơn một năm trước khi nó biến mất.
Người thân của các hành khách trên MH370 vẫn yêu cầu đòi biết sự thật. Ảnh:Reuters
Báo cáo sơ bộ của nhà chức trách Malaysia hôm nay cho thấy pin của đèn phát tín hiệu hộp đen trên MH370 hết hạn hơn một năm trước khi máy bay biến mất, CNN cho hay.
Theo báo cáo, không có dấu hiệu nào về việc pin được thay trước khi nó hết hạn sử dụng vào tháng 12/2012. Mặc dù pin có thể vẫn hoạt động nhưng “không có gì đảm bảo là nó hoạt động hoặc đạt tiêu chuẩn phát tín hiệu tối thiểu trong 30 ngày”, CNN dẫn báo cáo sơ bộ. Văn bản này là báo cáo cho biết những số liệu dữ liệu kỹ thuật thực tế liên quan đến chuyến bay, không phải là báo cáo điều tra chính thức.
Lần cuối thiết bị phát tín hiệu và bộ ghi âm dữ liệu máy bay được thay thế là vào tháng 2/2008, theo các nhà điều tra. Trong khi đó, pin trên hộp đen khác, thiết bị ghi âm buồng lái, được thay thế theo kế hoạch và chưa hết hạn sử dụng.
Sai sót này chỉ bị phát hiện sau khi chiếc MH370 mất tích. Hãng Malaysia Airlines sau đó lập tức kiểm tra toàn bộ các máy bay nhằm đảm bảo không có “lần bỏ quên” nào nữa.
Cơ trưởng hoàn toàn bình thường
Các điều tra viên cho biết thêm họ không thấy những dấu hiệu cư xử bất thường nào ở hai phi công và trong phi hành đoàn của MH370, trước khi máy bay cất cánh rồi biến mất đúng ngày này năm ngoái.
“Không có dấu hiệu nào về sự tách biệt, thay đổi thói quen hoặc mối quan tâm, không có dấu hiệu về sự tự xao lãng, lạm dụng thuốc hay chất có cồn của cơ trưởng, người phụ trách và phi hành đoàn”, báo cáo cho hay.
Video đang HOT
Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah không có vấn đề gì về cá nhân hay tài chính mà khiến bị nghi ngờ, các nhà điều tra khẳng định.
“Khả năng xử lý căng thẳng của cơ trưởng trong công việc và ở gia đình là tốt. Không có tiền sử về sự thờ ơ, lo lắng hay bị kích động. Không có sự thay đổi đáng kể trong lối sống, xung đột giữa cơ trưởng với người khác hoặc áp lực gia đình”, báo cáo cho hay.
Các điều tra viên cũng xem xét cuộc sống của các thành viên khác của phi hành đoàn, xem lại các đoạn video về họ ở sân bay trong ít nhất ba chuyến bay trước đó và không thấy bất thường trong cách cư xử.
Cam kết tìm kiếm máy bay
Tuy nhiên báo cáo này vẫn chưa làm thỏa mãn thắc mắc của người thân những hành khách có mặt trên khoang là vì sao máy bay biến mất khỏi màn hình radar một cách bí ẩn như vậy.
Chính phủ Malaysia hôm nay cam kết vẫn tìm kiếm chiếc MH370, trong khi người thân của các hành khách và phi hành đoàn tập trung lại để tưởng nhớ họ.
“Không lời nào có thể diễn tả hết nỗi đau mà các gia đình có người thân trên máy bay phải trải qua. Việc thiếu câu trả lời và bằng chứng xác thực, như là mảnh vỡ máy bay, khiến điều này khó chấp nhận hơn”, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói.
Ông Razak cho hay cùng với các đối tác quốc tế, Malaysia vẫn theo sát dấu hiệu nhỏ nhất, “Malaysia vẫn cam kết tìm kiếm chiếc máy bay, và hy vọng sẽ tìm thấy MH370″, ông nói.
Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc, nước có nhiều hành khách nhất trên chuyến bay, hôm nay cũng khẳng định Bắc Kinh sẽ không dừng việc tìm kiếm MH370.
Khoảng 500 nhân viên của Malaysia Airlines hôm nay tập trung tại một sự kiện ở Kuala Lumpur để tưởng nhớ các đồng nghiệp có mặt trên chuyến bay MH370.
“Chúng tôi nhớ họ và sẽ không bao giờ quên họ. Họ sẽ luôn ở trong trái tim chúng tôi”, Mohamad Nor Yusof, Chủ tịch hãng nói.
Hơn 300 người Malaysia cũng tập trung tại một khu phố ở Kuala Lumpur để tưởng nhớ các những người trên chuyến bay, gồm cả người thân của 20 hành khách. Họ cũng ký đơn thúc giục chính phủ tiếp tục việc tìm kiếm.
Chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines chở theo 239 hành khách và phi hành đoàn, biến mất khi đang trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 8/3/2014. Một năm xảy ra sự kiện này, nhà chức trách vẫn chưa tìm được dấu tích gì về chiếc máy bay này, bất chấp nỗ lực tìm kiếm của nhiều nước ở khu vực rộng lớn ở Ấn Độ Dương.
Khánh Lynh
Theo VNE
Máy bay TransAsia bị hỏng động cơ phải, phi công tắt động cơ trái
Ủy ban An toàn Hàng không Đài Loan hôm 6/2 thông báo dữ liệu từ hộp đen chiếc phi cơ TransAsia gặp nạn cho thấy, sau khi động cơ phải ngừng hoạt động, các phi công đã tắt động cơ trái và nỗ lực khởi động lại cả hai nhưng không thành công.
Máy bay TransAsia nghiêng gần 90 độ khi rơi. (Ảnh: AP)
Theo AP, sau khi phân tích dữ liệu từ các hộp đen của phi cơ gặp nạn, Ủy ban an toàn hàng không Đài Loan ngày 6/2 cho biết chỉ 2 phút sau khi cất cánh, cả 2 động cơ của chiếc máy bay ATR-72 đã ngừng hoạt động.
Trong một bản tóm tắt sự việc, các điều tra viên Đài Loan khẳng định phi cơ GE235 gặp sự cố đầu tiên chỉ 37 giây sau khi cất cánh từ sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc.
Theo Giám đốc Ủy ban an toàn hàng không Đài Loan Thomas Wang, cơ trưởng chuyến bay đã phát tín hiệu khẩn cấp về tình trạng "chết động cơ" bên phải, điều thường xảy ra khi nguồn cung nhiên liệu cho động cơ bị gián đoạn hoặc có vấn đề trong khoang đốt. Tuy vậy, ông Wang khẳng định động cơ bên phải của máy bay không bị ngắt mà chuyển sang chế độ chờ, dù áp suất nhiên liệu không đổi.
Hãng AP dẫn lời Giám đốc Wang cho hay: "Máy bay đã phát tín hiệu về tình trạng "chết" một trong hai động cơ vào 10h53'28" khi đang ở độ cao 366m". Sau 46 giây các phi công đã tắt động cơ còn lại, nhưng nỗ lực khởi động lại cả 2 động cơ này đã không thành công và 72 giây sau máy bay đã lao xuống sông Cơ Long".
"Điều này nghĩa là trong những giây cuối, cả 2 động cơ đều không tạo ra lực đẩy", ông Wang bổ sung, "Hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân của tai nạn". Máy bay ATR-72 gồm có 2 động cơ và thường vẫn có thể đáp cánh an toàn nếu hỏng 1 trong 2 động cơ này.
Báo chí phương Tây nhận định rằng thông tin này sẽ làm dấy lên nghi vấn liệu các phi công có tắt nhầm động cơ hay không, dù giới chức tuyên bố: "Chúng tôi không thể trả lời bất cứ câu hỏi "Vì sao" nào vào thời điểm này".
Báo cáo ban đầu về vụ tai nạn máy bay sẽ được công bố trong vòng một tháng, ông Thomas Wang nói.
Chiếc ATR-72 mang số hiệu GE235 của hãng hàng không TransAsia Airways chở 58 hành khách cùng phi hành đoàn đã rơi xuống sông Cơ Long vào 10h56 sáng 4/2, chỉ 3 phút sau khi cất cánh từ sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc, để tới đảo Kim Môn.
Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm 8 thi thể còn lại. (Ảnh: China Times)
Hiện lực lượng cứu hộ Đài Loan cho biết có 15 người sống sót, 35 thi thể đã được tìm thấy, 8 nạn nhân khác vẫn đang mất tích. Thị trưởng Đài Bắc Kha Văn Triết ngày 6/2 cho biết có khả năng những thi thể còn lại đã trôi ra biển bởi chỉ một giờ sau khi máy bay ATR-72 của TransAsia rơi xuống sông, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 3 thi thể trôi dạt cách đó hơn 1 km.
Tuy nhiên, ông Kha khẳng định sẽ tiếp tục công tác tìm kiếm bởi vì gia đình người bị nạn sẽ không thể nguôi ngoai nếu không tìm thấy thi thể người thân.
Thoa Phạm
Theo Dantri/AP
Máy bay Đài Loan rơi: Tìm được hộp đen Tính đến thời điểm 0 giờ 50 ngày 5.2 (tức 23 giờ 50 theo giờ VN ngày 4.2) 31 người được xác nhận thiệt mạng, 15 người bị thương và 12 người mất tích, sau 14 giờ chiếc máy bay chở 58 người của hãng hàng không Đài Loan TransAsia Airways rơi xuống sông ở thành phố Đài Bắc (Đài Loan). Hộp đen...