Phút trải lòng của bà trùm ma túy gánh án tử
Mỗi bánh ma túy tiêu thụ trót lọt, Nhung đút túi 10 triệu đồng. Cứ như thế, người đàn bà tội lỗi này trượt dài trong vòng xoáy chết người từ món hàng quốc cấm.
Tử tù Nhung trải lòng về lỗi lầm đã qua.
Ngày đứa con trai được đặc xá trở về, sau 6 năm thi hành án tại Trại giam Xuân Nguyên về tội “Giết người” cũng là lúc bà trùm ma tuý Trần Thị Nhung, sinh 1969, ở Trại Chuối, Hồng Bàng, phải lĩnh án tử hình, do đường dây buôn bán ma túy lớn của thị và đồng bọn bị bóc gỡ.
Những ngày tháng cuối cuộc đời trong buồng biệt giam tại trại giam công an TP. Hải Phòng, Nhung mới thực sự day dứt, hối hận về những lỗi lầm đã qua. Nhưng sự kháo khát sống của tâm hồn tỗi lỗi ấy đã quá muộn màng…
Túng tiền đi… buôn ma tuý
Chúng tôi gặp tử tù Trần Thị Nhung trong căn phòng nhỏ của Trại giam công an thành phố. Nhìn dáng người thị, ít ai có thể hình dung Nhung lại là một bà trùm ma tuý được xếp vào hạng “có máu mặt” ở đất Cảng.
Qua câu chuyện được biết, Nhung là con út trong gia đình có 4 anh em, được cha mẹ cho ăn học hết lớp 12. Sau khi tốt nghiệp THPT, Nhung cũng muốn thi đại học nhưng hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên phải ở nhà đi làm ăn buôn bán.
Năm 22 tuổi, được bạn bè mai mối, Nhung quen rồi đem lòng yêu anh Lương Văn H. sinh 1965, ở phường Thượng Lý, Hồng Bàng. Nhung nhanh chóng trao cái ngàn vàng cho H. mặc dù tình yêu của Nhung và H. không được hai bên gia đình chấp thuận. Rồi Nhung và H. về sống với nhau như vợ chồng, không hôn thú, không tổ chức đám cưới.
Một năm sau, Nhung sinh con trai đầu lòng đúng vào ngày 2/9, nên đặt tên con là Lương Quốc Khánh.
Hai vợ chồng đều không nghề nghiệp ổn định lại có thêm con nhỏ nên kinh tế lúc nào cũng lâm vào tình trạng túng bấn. Khi con được 7 tuổi, Nhung bắt đầu vay vốn anh em rồi ra Móng Cái (Quảng Ninh) nhập hàng ở cửa khẩu về bán lẻ ở các chợ trong nội thành Hải Phòng.
Do chưa có kinh nghiệm làm ăn nên hàng hoá nhập về bị ế ẩm, lỗi mốt, đồng vốn bị thâm hụt, Nhung quay sang buôn bán điện thoại. Sau nhiều đêm ăn chực, nằm chờ ở vùng biên, Nhung gom được các mặt hàng điện thoại, nhưng chủ yếu là hàng lậu, rồi vận chuyển về Hải Phòng để tiêu thụ. Mỗi chuyến làm ăn trót lọt, Nhung cũng kếm được vài triệu đồng.
Thế nhưng, buôn bán điện thoại được thời gian ngắn, Nhung lâm vào nợ nần chồng chất, bởi những chuyến hàng nhập lậu không qua được tai mắt của lực lượng chức năng nên liên tục bị thu giữ. Lãi mẹ đẻ lãi con, số nợ của Nhung lên đến vài trăm triệu đồng, không có khả năng hoàn trả.
Buồn chán cảnh gia đình, chồng Nhung cũng sa vào cờ bạc, trai gái, cuộc sống vợ chồng luôn trong tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, rồi hai người chia tay nhau, đường ai nấy đi.
Năm 2003, Nhung và đứa con trai về nương nhờ nhà mẹ đẻ. Cuộc sống túng bấn, không có nghề nghiệp, Nhung lại bắt xe ra Móng Cái để nhập hàng quần áo về bán lẻ.
Video đang HOT
Cuộc sống hai mẹ con Nhung không được khá giả cho lắm, nhưng cũng tạm đủ bởi lúc này Nhung biết chi tiêu tằn tiện. Năm 2007, khi Nhung đang nhập dở chuyến hàng tại vùng biên thì thị nhận được hung tin, con trai gây trọng tội giết người.
Lúc đó, Khánh mới 15 tuổi. Tháng 3/2008, Khánh bị kết án 11 năm tù về tội “Giết người”, đồng thời tòa buộc gia đình phải bồi thường cho nạn nhân số tiền 125.000.000 đồng.
Nhìn đứa con tội nghiệp run sợ trên chiếc xe chở phạm mà lòng Nhung đau quặn thắt. Từ ngày con bị bắt, Nhung sống như kẻ mất hồn, tâm trạng rối bời khó tả. Nhung tự nhủ lòng rằng, phải tìm mọi cách để kiếm tiền, đền bù cho gia đình nạn nhân với hy vọng con mình sớm được trở về…
Trong một chuyến làm ăn ở cửa khẩu, Nhung quen người đàn bà tên Hương, ở Hà Đông, Hà Nội. Hương gọi điện thoại hỏi Nhung có biết ở Hải Phòng ai có “hàng trắng” thì Nhung mua và mang sang Trung Quốc bán cho Hương.
Tiền vốn Hương tạm ứng trước cho Nhung 200.000.000 đồng. Cũng qua các mối làm ăn, Nhung quen một người tên Ngân và được Ngân chỉ đường cho Nhung lên gặp Tuấn, nhà ở Hà Đông. Tuấn trực tiếp dẫn Nhung lên Mộc Châu, Sơn La nhập ma tuý với giá rẻ.
Một ngày giáp Tết năm 2010, Nhung bắt xe từ Hải Phòng lên Hà Đông, rồi cùng Tuấn lên Sơn La mua được 1 bánh heroin với giá 160.000.000 đồng. Mua được “hàng”, Nhung trực tiếp mang cho Hương, nhưng do chưa có kinh nghiệm, Nhung mua phải “hàng” kém chất lượng.
Bánh ma túy này, Nhung phải đổi đi đổi lại 5 lần. Sau lần giao dịch với Nhung, Hương tắt máy vì chê hàng xấu…
Bẵng đi một thời gian, Nhung suy nghĩ nhiều về tương lai của mình và con trai. Rồi nghĩ đến món lời từ mua bán trái phép món hàng quốc cấm đã làm Nhung lóa mắt.
Biết được điểm bán ma tuý ở Sơn La với số lượng lớn, giá cả lại phải chăng nên Nhung tính cách nhập “hàng trắng” từ Sơn La về nội thành Hải Phòng để tiêu thụ. Mỗi bánh ma túy tiêu thụ trót lọt, Nhung đút túi 10.000.000 đồng.
Cứ như thế, người đàn bà tội lỗi này trượt dài trong vòng xoáy chết người từ món hàng quốc cấm. Nhung đã gieo rắc “cái chết trắng” cho xã hội, khiến bao gia đình lâm vào cảnh nhà tan, cửa nát vì ma túy…
Và sự day dứt muộn màng
Đầu năm 2011, Nhung gặp Nguyễn Kim Oanh (tức Oanh “cận”) là bạn bè xã hội thân thiết từ trước. Oanh “cận” được Nhung cho vay ít tiền để trả nợ.
Sau đó, Nhung bàn với Oanh lên Mộc Châu, Sơn La nhập ma túy về bán kiếm lời. Để tiện cho việc làm ăn, Nhung còn rủ thêm chị dâu là Hoàng Thị Tuyến, sinh 1963, ở phường Dư Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng và hai cháu ruột con của Tuyến là Trần Đình Chung, Trần Thị Ánh Tuyến cùng tham gia. Oanh “cận” rủ em trai là Nguyễn Mạnh Hùng, sinh 1972, ở C56 Trại Chuối, Hồng Bàng, nhập vào mối làm ăn.
Đường dây mua bán trái phép chất ma túy của Nhung còn có các đối tượng: Phạm Thị Hường, sinh 1983, ở Hà Đông, Hà Nội; Phạm Văn Toàn, sinh 1961, ở khu C2 Cát Bi, Ngô Quyền…
Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6/2011, Trần Thị Nhung và đồng bọn đã thực hiện trót lọt 29 phi vụ ma túy, với tổng số 33 bánh, trọng lượng trên 10,7kg. Việc làm ăn phi pháp của thị và đồng bọn bị lực lượng công an TP.Hải Phòng phát hiện vào 8h ngày 6/6/2011.
Tại ngã tư Ắc Quy, xã An Đồng, An Dương, tổ công tác Phòng PC47 kiểm tra xe máy của Nguyễn Mạnh Hùng, chở chị gái là Oanh “cận”, phát hiện trong cốp xe có 10 chiếc dép xốp, trong các đế dép có 9 túi nilon đựng 974,68g ma tuý và 1 túi nilon chứa 198 viên ma tuý tổng hợp, trọng lượng 19,03g ma túy “đá”. Oanh “cận” khai số ma tuý trên là do Oanh mang từ Sơn La về giao cho Trần Thị Nhung.
Từ lời khai của Oanh “cận”, cơ quan điều tra tiến hành bắt và khám xét nơi ở của Nhung, thu 1 gói đựng 0,14g ma túy “đá”, 1 bộ dụng cụ sử dụng ma tuý, 1 xe máy, 3 điện thoại di động.
Nhung khai nhận, từ đầu năm 2011 đến khi bị bắt, Nhung và Oanh “cận” đã tổ chức 29 chuyến đi Sơn La, mua của Tráng A Chứ, sinh 1973, ở bản Cô Tang, Loóng Luông, Mộc Châu, Sơn La tổng số 33 bánh ma túy tổng hợp. Trong đó, Nhung trực tiếp lên Mộc Châu 24 chuyến.
Khi đưa được “hàng” về Hải Phòng, Nhung bán với giá 170.000.000 đồng/bánh, mỗi bánh lãi từ 10.000.000 đến 15.000.000 đồng. Ngày 26-4-2013, Nhung cùng đồng bọn phải đứng trước vành móng ngựa của TAND thành phố Hải Phòng.
Với vai trò là người chỉ huy, chỉ đạo toàn bộ việc mua bán ma túy, Nhung đã phải lĩnh mức án cao nhất là tử hình. Trong vụ án này, chị dâu của Nhung là Hoàng Thị Tuyến lĩnh án chung thân. Còn 2 đứa con của Tuyến là Trần Đình Chung và Trần Thị Ánh Tuyết hiện vẫn đang lẩn trốn.
Từ ngày bước chân vào trại giam chờ vụ án đưa ra xét xử, Nhung biết mình khó thoát được cái chết nên sau phiên tòa sơ thẩm, Nhung không làm đơn kháng cáo, bởi cho rằng tòa đã xử đúng người đúng tội.
Nhận mức án cao nhất, Nhung biết cuộc đời mình như thế là đã hết. Bước vào phòng biệt giam của CATP, chờ ngày đưa đi thi hành án, Nhung sống trầm lặng bởi quá ân hận về những việc làm tội lỗi mà mình đã gây ra cho xã hội.
Nhiều lúc Nhung lại khóc vì thương cho đứa con trai vừa được đặc xá trước thời hạn, thương mẹ già đang ở cái tuổi gần đất xa trời, phải chịu đau khổ, dằn vặt vì sinh ra đứa con tội đồ đã gieo cái chết trắng cho đồng loại rồi cuối cùng phải gánh chịu số phận chua xót.
Từ ngày Nhung vào phòng biệt giam, chồng cũ và con trai đã vào thăm Nhung. Gặp người thân, nỗi buồn trong sâu thẳm tâm hồn Nhung lại dâng trào. Hai hàng nước mắt lại lăn dài trên đôi gò má người đàn bà tội lỗi ấy.
Nhung mơ ước: “Nếu như còn được sống ngoài xã hội, mình sẽ làm ăn lương thiện kiếm đủ tiền xây cho con căn nhà nhỏ, để con sớm lập gia đình, ổn định cuộc sống…”.
Còn giờ đây, khi cái chết đang cận kề, Nhung chỉ còn biết ngày đêm niệm Phật, mong đức Phật từ bi cứu khổ cứu nạn. Những bài kinh học được trong những tháng tạm giam, Nhung đọc rất rành mạch và thuộc từng câu chữ.
Nhung bảo: “Cuộc đời mình đã hết rồi, mình tự đẩy bản thân vào cõi chết. Niệm phật ngày đêm sẽ giúp cõi lòng nhẹ nhàng hơn, để rồi ngày mai nếu phải đưa đi thi thành án, sang thế giới bên kia, lòng mình sẽ thanh thản hơn phần nào”.
Theo Xahoi
Thảm án đằng sau cuộc hôn nhân sắp đặt
Những ngày qua, người dân xã Bình Dương (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) sống trong nỗi bàng hoàng khi chứng kiến vụ thảm án chồng giết vợ tại đây. Ở miền quê ven đô thanh bình này, không một ai dám tin Lưu Xuân Việt (SN 1983) lại có thể gây ra hành vi táng tận lương tâm đến thế chỉ vì bị vợ cũ từ chối nối lại tình xưa. Việt đã dùng dao chọc tiết lợn giấu sẵn trong người, đâm liên tiếp vào mặt chị Trần Thị Nhung (SN 1992), người từng có thời gian dài cùng mình "đầu ấp má kề" rồi kéo lê xác nạn nhân cho đến lúc chết ngay trước cửa trụ sở Công an xã Bình Dương.
Nỗi đau làm cạn khô nước mắt
Hành động của Lưu Xuân Việt, theo chúng tôi tìm hiểu, là sự kết thúc của một tình yêu đầy ngang trái. Ở thôn Gia Phú (nơi Việt và nạn nhân sinh ra, lớn lên rồi thành gia lập thất với nhau), người dân vừa lắc đầu trước vụ án quá bi thảm, vừa tặc lưỡi xót thương cho cuộc đời ngắn ngủi và quá ít hạnh phúc của một cô gái nết na trót gửi nhầm tình yêu cho kẻ xấu. Chị Hoa, một người dân thôn Gia Phú bảo: "Khổ thân con bé Nhung, lấy phải thằng chồng ghen tuông mù quáng, nó tối ngày bị đánh đập. Hai ba ngày nay, cái Nhung chết rồi, chỉ còn ông nó ngồi ủ rũ, khóc đến cạn cả nước mắt".
Cũng như chị Hoa, người thôn Gia Phú chẳng ai không cảm thán khi nhắc đến ông Trần Văn Soạn (SN 1940), ông nội nạn nhân. Người chết tủi phận đã đành. Nhưng với người còn ở lại sau tấn bi kịch, nỗi đau dai dẳng, cào xé cũng thật khó diễn tả. Trong ngôi nhà nhỏ phủ màu tang thương, tôi cảm nhận sâu sắc nỗi đau này khi chứng kiến những đứa em của Nhung mặt mũi lấm lem, thất thần nhìn di ảnh mẹ và chị gái. Giữa nghi ngút khói nhang, ông Soạn cất giọng trầm buồn đến tái tê: "Mẹ nó mới mất vì bệnh hiểm nghèo chưa được 30 ngày, giờ đến cái Nhung bị chồng cũ giết hại. Nhà tôi đã làm gì nên tội mà ra nông nỗi này". Chỉ nói được đến đấy, mắt ông nhoè đi, giọng nghẹn lại trong cổ họng không bật ra được. Những giọt nước mắt mặn đắng lăn trên gò má nhăn nheo của ông Soạn khiến 3 đứa cháu mất chị, mồ côi mẹ nhìn theo khóc nức nở trước bi kịch tang trùng tang.
Một lúc lâu sau đó, ông Soạn mới lấy lại bình tĩnh, kìm được cảm xúc. Ông trải lòng về nguồn cơn bi kịch của cô cháu gái có số phận hẩm hiu. Ông Soạn có 5 đứa cháu nội thì Nhung là cháu thứ 2. Khi Nhung học hết lớp 9 thì mẹ chị bị bệnh nan y. Nhà nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn nên chuyện con chữ Nhung phải gác lại. Mới 15 tuổi, Nhung khăn gói theo bạn vào miền Nam lao động kiếm tiền gửi về cho mẹ thuốc thang. Ba năm đi làm, chị cũng chỉ dám về thăm gia đình đúng một lần.
Di ảnh của chị Nhung và mẹ
Ông Soạn cho biết: "Dịp Tết 2010, Nhung về thăm nhà. Lúc đó, nó vừa đủ 18 tuổi. Mẹ nó lúc đó rất yếu, lúc nào cũng sợ ra đi mà con cái chưa yên bề gia thất. Bởi thế, vừa có người trong làng dạm hỏi cái Nhung cho thằng Việt, mẹ nó đồng ý ngay. Cháu tôi vì không muốn mẹ phiền lòng nên thuận theo sự sắp đặt. Nghĩ lại càng thêm tủi lòng, chứ nó chưa có lấy một ngày để kịp tìm hiểu chồng tương lai của mình tốt xấu như thế nào".
Kể đến đây, ông thở dài, tự trách bản thân: "Thằng Việt vốn cũng là người trong làng, tôi còn lạ gì cái tính chơi bời, nghịch ngợm của nó. Lúc con Nhung gật đầu lấy nó, tôi cũng khuyên cháu nên xem lại. Nhưng con bé bảo: "Mẹ cháu cũng chẳng được bao nhiêu lâu nữa. Cháu muốn mẹ sống vui vẻ những ngày cuối đời ông à. Tương lai cháu sau này sướng khổ cháu chịu"". Thấy cháu mình nói vậy, ông Sáng cũng chỉ biết im lặng.
"Sợ con cháu sau này trách ông nội "rẽ duyên" nên tôi chỉ biết thầm cầu cho cuộc sống của cháu Nhung được hạnh phúc. Nếu ngày ấy, tôi nhất quyết phản đối thì giờ đã không ra cảnh như thế này". Nói đến đây, giọng ông Soạn như lạc đi, những giọt nước mắt ân hận của người làm ông hết lòng thương yêu con cháu, thậm chí đã dự cảm trước chuyện chẳng lành, nhưng giờ thì đã quá muộn.
Cô gái trẻ về làm vợ được một thời gian thì bao sóng gió ập đến. Hạnh phúc đâu chẳng thấy, chỉ có những trận đòn ghen tàn ác của Việt biến cuộc sống của Nhung thành địa ngục trần gian. "Việt làm nghề lái xe Bắc Nam phải đi xa nhà thường xuyên. Mọi việc trong gia đình nhà chồng, cháu tôi một tay lo toan gánh vác. Thế mà không những không yêu thương vợ, thằng Việt còn nghi ngờ Nhung quan hệ lăng bất chính. Nó thường xuyên đánh đập vợ vô cớ, nhất là những lần uống rượu vào. Tôi còn nhớ chiều mùng 2 Tết vừa rồi, sau khi uống rượu say, nó đã nhốt vợ trong nhà rồi dùng thanh sắt đánh đập cái Nhung một cách tàn bạo. Nếu không có anh Lưu Văn Bắc (anh ruột Việt - PV) đi chơi về phát hiện can ngăn kịp thời thì hôm ấy cháu tôi đã bị đánh đến chết rồi".
Không thể chịu đựng cuộc sống tù ngục, tháng 3/2013, chị Nhung đâm đơn xin ly hôn. Việt xin quyền nuôi đứa con chung mới tròn 18 tháng tuổi của hai vợ chồng. Thương con nhưng chị Nhung không thể tiếp tục cuộc sống với người chồng rượu chè, vũ phu. Còn Việt, dù đã ký vào đơn ly hôn nhưng vẫn không buông tha cho vợ cũ. "Hai đứa nó ly hôn được một tháng thì thằng Việt đến chửi bới, lăng mạ bố mẹ vợ. Tôi ra kêu nó về, nó còn định hành hung cả tôi", ông Soạn bức xúc.
Nỗi ám ảnh kinh hoàng
Câu chuyện giữa người viết và ông Soạn bị ngắt quãng liên tục bởi những giọt nước mắt. Ngày Nhung mới thoát khỏi người chồng vũ phu, chị sống trong hoảng loạn lo lắng và sợ hãi. Nhìn thấy cháu mình như vậy, ông Soạn như đứt từng khúc ruột. Ông đắng đót kể lại: "Tôi còn nhớ hôm 29/6, Việt đến công ty may Lương Tài (Bắc Ninh) tìm gặp cái Nhung và yêu cầu nó nối lại mối quan hệ vợ chồng nhưng bị cháu tôi từ chối. Thuyết phục mãi không được, thằng Việt nổi máu điên, nhặt lấy viên gạch ven đường đập liên tiếp vào đầu vào mặt khiến cái Nhung phải nằm viện hàng tuần trời", ông Soạn kể lại.
Quá bức xúc trước hành vi ngang ngược của Việt, ngày 30/6, ông Soạn đưa cháu gái mình lên Công an xã Bình Dương để trình báo thì được hướng dẫn viết đơn gửi tới Công an huyện Lương Tài, nơi xảy ra vụ việc. Trước một ngày lấy sinh mạng vợ cũ (ngày 8/7), Việt đã liên tục nhắn tin cho chị Nhung đe dọa. Ông Soạn cho biết: "Tin nhắn cuối cùng mà Việt nhắn cho cháu gái tôi có nội dung: "Nếu mày không quay lại với tao, thì phải biến khỏi làng này. Nếu không đừng trách tao...". Tưởng nó quen thói cục cằn, nói dọa vậy thôi, ai ngờ nó lại giết cháu tôi thật".
Uất nghẹn nhớ lại ngày cô cháu nội bị đâm ngay trước mặt mình, khuôn mặt ông lộ rõ sự căm phẫn. Sáng 9/7, Công an xã Bình Dương hẹn ông Soạn, chị Nhung và Việt lên trụ sở UBND xã để giải quyết vụ hành hung hôm trước. Khi đang làm việc tại trụ sở UBND, Việt xin phép gọi chị Nhung ra nói chuyện. Sau đó, Việt gặp ông Soạn xin lỗi rồi nhờ ông khuyên Nhung quay về hàn gắn tình xưa, nhưng ông Soạn nhất quyết từ chối.
Khi biên bản sắp hoàn thành, Việt một lần nữa lại xin phép mọi người được nói chuyện riêng với Nhung. "Hai đứa nó ra bên ngoài hiên cách phòng làm việc của công an xã khoảng 3 mét. Mấy phút sau, chúng tôi bất ngờ nghe tiếng cái Nhung kêu thất thanh. Tôi vội chạy ra thì Việt một tay cầm dao dính đầy máu, một tay túm tóc kéo cháu tôi đi dọc hành lang. Tôi lao tới túm lấy tay mà Việt đang cầm hung khí khoá ngược lại. Việt hụt thế buông cái Nhung ra định chạy trốn thì bị 2 cán bộ Công an xã Bình Dương giữ lại. Do vết thương quá nặng, cháu tôi đã tử vong trên đường đi cấp cứu", Ông Soạn xót xa cho biết.
Tấn bi kịch có thể đã khác... Chuyện cháu ông mất mạng đã rồi, nhưng điều khiến ông Soạn bức xúc nhất là "UBND xã Bình Dương và ban Công an xã mời cháu tôi lên làm việc đã không bảo vệ được tính mạng của công dân. Sau khi bắt được hung thủ nhốt vào phòng, tôi kêu người ra cấp cứu cho cháu Nhung, nhưng không một người nào xuất hiện, dù thời điểm đó đang là giờ làm việc của UBND xã Bình Dương. Đến khi người nhà tôi đến, cháu Nhung mới được đưa đi bệnh viện nhưng quá muộn". Trao đổi với báo ĐS&HN, ông Vũ Văn Dư, Phó trưởng Công an xã Bình Dương cho biết: "Ngoài ông thì có hai Công an viên Phạm Văn Hả, Lưu Văn Quang trực ở trụ sở hôm đó. Ngay khi xảy ra sự việc, tôi và các đồng chí khác đã nhanh chóng kết hợp với ông Soạn bắt gọn hung thủ". Trước những bức xúc của ông Soạn, ông Dư cũng thừa nhận vì sắp hết giờ làm, cán bộ làm việc ở trụ sở UBND xã nhiều người đã về nên không ra sơ cứu kịp thời cho chị Nhung.
Theo Văn Khoát (Đời Sống & Hôn Nhân)
Bé gái yêu sớm rình cha mẹ đi vắng là rước trai về nhà làm "chuyện người lớn" Sự việc có thể chưa bị phát hiện ra, nếu "cặp đôi nhí" không lơ đễnh đến mức nằm âu yếm trong nhà mà không cần khép cửa. Thấy Lan không có bất kỳ chút phản ứng gì để chống trả, Thọ biết là cô bé đã "mềm lòng" nên kéo vào bụi cây gần đó và "đưa người yêu nhí vào đời"....