Phút sinh tử qua lời kể của người thoát chết sau vụ sập vũ trường
‘Tối mọi người định làm xong sẽ liên hoan để mai Linh về nhà, vé máy bay đã đặt sẵn đây rồi. Lẽ ra chiều mai là nó được về quê ăn Tết’, nạn nhân sống sót sạu vụ việc kể lại.
“‘Linh! Toàn! Nhảy xuống đi!’. Tôi chỉ nhớ lúc đó mình đã hô lớn như vậy trước khi toàn bộ giàn sắt của vũ trường sập xuống. Tỉnh lại, tôi thấy một lính cứu hỏa đang cố kéo mình ra khỏi thanh sắt đang đè lên chân”, anh Trần Quang Đạt (38 tuổi, quê Hà Nội) bần thần kể lại giây phút vũ trường King Night Club (đường Cách Mạng Tháng 8, TP Bà Rịa, Bà Rịa – Vũng Tàu) bất ngờ đổ sập xuống chiều 3/1.
Lực lượng cứu hộ nỗ lực giải cứu người bị kẹt trong vũ trường. Ảnh: B.L.
Mất hơn 5 tiếng, lực lượng chức năng mới có thể giải cứu toàn bộ 7 người bị mắc kẹt trong vũ trường ra ngoài. Trong đó, có 2 người bị xây xát nhẹ, 3 người gãy chân, 1 người bị đứt gân cổ chân được chuyển lên bệnh viện tại TP.HCM để điều trị.
Không may mắn như những người khác, Phạm Kim Linh (27 tuổi, quê Thanh Hóa), công nhân trang trí nội thất tại vũ trường, tử vong trong đống đổ nát. Linh đã không thể lên chuyến bay chiều thứ 7 để về quê ăn Tết với gia đình.
5 giây sinh tử
Rạng sáng 4/1, anh Đạt đang được điều trị trong Phòng Cấp cứu, Bệnh viện Bà Rịa, chân phải bị gãy do khung sắt đè lên. Khắp cơ thể là những vết trầy xước còn rớm máu.
Dù mệt rã rời nhưng anh Đạt không thể chợp mắt. Nghĩ lại cảnh tượng kinh hoàng vừa xảy ra trước đó chưa đầy 6 tiếng, anh lại nhớ đến Linh. Theo lời kể của anh Đạt, anh Linh là “lính” đã theo anh từ nhiều năm nay. Linh về TP Bà Rịa thi công nội thất cho vũ trường King Night Club cũng theo lời rủ rê của anh Đạt.
Chiều 3/1 lẽ ra là ngày làm việc cuối cùng của chàng trai 27 tuổi trước khi về quê ăn Tết. Trước khi khung sắt sập xuống, anh cùng đồng nghiệp (Toàn) đang ở trên giàn giáo để lắp đặt hệ thống đèn.
Anh Trần Quang Đạt tại Phòng Cấp cứu, Bệnh viện Bà Rịa. Ảnh: Quang Huy.
“Chỉ khoảng 5 giây thôi là mình thấy cả giàn sắt trên đầu đổ sập xuống. Toàn nhảy kịp xuống còn Linh đang lúi húi vướng vào cái gì đấy nên không kịp và thành ra như vậy”, anh Đạt thuật lại.
Khi tỉnh lại và biết thông tin anh Linh tử vong, anh Đạt đã gọi điện thông báo cho anh trai Linh từ Thanh Hóa vào.
Về phần mình, anh Đạt vẫn muốn giấu vợ và mới chỉ thông báo cho anh, chị ruột. “Vợ mình còn đang trông 2 con, mình cũng chỉ thương nhẹ, được xuất viện luôn chắc không sao. Báo cô ấy chỉ thêm lo. Mình định đổi vé máy bay về quê ăn Tết sớm hơn để người nhà tiện chăm sóc”, anh Đạt tâm sự.
Thảm họa ngày khai trương vũ trường
“Nếu vũ trường sập muộn vài tiếng không biết sẽ kinh khủng cỡ nào”, anh Nguyễn Duy Thành (45 tuổi, quê Nghệ An), quản lý vũ trường, bộc bạch.
Vũ trường King Night Club được thành lập khoảng 7-8 năm nay. Mới đây, vũ trường dừng hoạt động 3 tháng để sửa sang và dự định khai trương trở lại vào tối 3/1. Theo dự kiến, đêm khai trương sẽ thu hút đến 200-300 người tham gia trong đó có 100 nhân viên. Sự kiện có ca sĩ Chi Dân tham gia biểu diễn nên được nhiều người quan tâm.
Anh Thành và anh Đạt đều nhận định thi công kém chất lượng là nguyên nhân dẫn đến thảm họa này. Anh Đạt cho biết trước đó mấy ngày, anh nhận thấy một số mối hàn của công trình còn hở miệng nên đã chụp ảnh lại, gửi cho chủ vũ trường để chuyển nhà thầu thi công yêu cầu sửa chữa.
Vũ trường King Night Club hiện bị phong tỏa, chờ lực lượng chức năng làm rõ nguyên nhân. Ảnh: Thu Hằng.
Theo miêu tả của anh Thành, khoảng 80% khung sắt của vũ trường bị sập hoàn toàn.
Sau sự việc, anh Thành lập tức gọi đại diện nhà thầu tới hiện trường kiểm tra. Người này lúc đầu nhấc máy và hứa sẽ tới nhưng sau đó “bặt vô âm tín”. Anh Thành nhiều lần gọi lại thì thuê bao đã không còn liên lạc được. Theo hợp đồng thi công đã ký, nhà thầu này có trách nhiệm bảo hành công trình trong vòng 1 năm.
Trước mắt, quản lý vũ trường cho biết sẽ lo toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh đối với người bị nạn, sau đó mới tính đến điều tra và khiếu kiện.
Hiện, lực lượng chức năng TP Bà Rịa đang phong tỏa hiện trường để xác định nguyên nhân dẫn đến vụ sập vũ trường khiến 1 người tử vong.
Nhiều người kẹt trong vũ trường King Night Club lúc bị sập
Sau tiếng nổ lớn, vũ trường King Night Club trên đường Cách Mạng Tháng Tám, TP Bà Rịa (Bà Rịa – Vũng Tàu) đổ sập, nhiều người kẹt trong đống đổ nát.
Thu Hằng – Quang Huy
Theo news.zing.vn
Theo chân cảnh sát đi 'bắt'... tiếng ồn
Tiếng ồn đang là vấn nạn ô nhiễm tại nhiều đô thị lớn trong đó có Đà Nẵng. Nhà hàng, quán nhậu, vũ trường, cà phê,... đua nhau mở nhạc xập xình, hết công suất tra tấn suốt ngày đêm.
Để có được chứng cứ, có cơ sở xử phạt, các chiến sĩ Công an thuộc Phòng cảnh môi trường (Công an TP Đà Nẵng) phải bí mật, xuyên đêm đo tiếng ồn một cách thầm lặng.
Chứng cứ ô nhiễm từ không trung
Đã 2 tháng nay, Phòng Cảnh sát Môi trường triển khai thực hiện chuyên đề để xử lý tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ quán bar, pub, phòng trà. Đến ngày 15/9, đơn vị đã lập biên bản hơn 14 trường hợp vi phạm và đang hoàn tất hồ sơ xử phạt theo quy định với tổng số tiền phạt hơn 200 triệu đồng.
"Đối với các hành vi vi phạm tiếng ồn liên quan sẽ xử lý theo Nghị định 167 của Thủ tướng Chính phủ; liên quan đến lĩnh vực môi trường thì xử lý theo Nghị định 155 (vi phạm nhiều lần có thể kiến nghị rút giấy phép kinh doanh); liên quan đến Trật tự an toàn giao thông thì căn cứ Nghị định 46 để xử phạt", Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Đà Nẵng
Ô nhiễm tiếng ồn là vấn nạn nhưng để có chứng cứ không phải là chuyện dễ. Một đêm trung tuần tháng 9, chúng tôi liên hệ Công an TP để cùng được mục sở thị việc thực hiện nhiệm vụ đo tiếng ồn, xác định mức độ ô nhiễm.
Để không lộ thông tin, các chiến sĩ công an bí mật thời gian địa điểm kiểm tra, đo đạc đến giờ chót mới thông tin cho phóng viên biết để lên đường theo chân.
Dù đã hơn 22h nhưng tiếng nhạc sống, tiếng hát hò vẫn vang ầm ở một quán cà phê nằm ở đường Lê Duẩn (quận Hải Châu). Quán này hoạt động kinh doanh cả ngày, nhưng ban đêm có tổ chức chương trình nhạc sống.
Các chiến sĩ làm nhiệm vụ thu thập chứng cứ vi phạm của một quán mở công suất lớn tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
Vì không gian mở, lại nằm trong khuôn viên một công trình công cộng nên tiếng nhạc từ quán cafe này khiến người dân xung quanh mất ăn, mất ngủ và bức xúc.Tại một căn nhà nằm trong kiệt (hẻm) của đường Nguyễn Thị Minh Khai, các chiến sĩ xin phép được vào nhà để ghi nhận mức độ ô nhiễm tiếng ồn. Chủ nhà vui vẻ mở cửa để anh em test kiểm tra.
"Người dân rất mệt mỏi vì tiếng ồn. Cả ngày đi làm mệt nhọc, đêm ở nhà đóng kín cửa nghỉ ngơi cũng không yên. Con cái không học bài được. Cả nhà bị tra tấn vì nhạc ồn đến tận khuya", chủ nhà than thở.
Đứng từ tầng 3 căn nhà, dù đã khá xa quán cafe nhưng âm thanh vẫn dội về liên hồi. Anh em trong tổ mang thiết bị quan trắc ra bấm nút để đo mức độ ô nhiễm tiếng ồn.
Theo quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường do Bộ TN&MT ban hành, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn trong thời điểm 21h đến 6h ở khu vực đặc biệt là 45 decibel (dBA), khu vực thông thường là 55 dBA. Tuy nhiên, kết quả ghi nhận tiếng ồn phát ra từ quán cafe trên đường Lê Duẩn, dù đứng cách xa khoảng 30 m nhưng máy đo vẫn liên tục ghi nhận âm thanh vượt chuẩn có khi lên đến 70dBA.
Từ khi bấm nút, đến khi cho kết quả, một chiến sĩ công an được giao nhiệm vụ ghi hình toàn bộ để làm bằng chứng. Để đảm bảo khách quan, chính xác, đoàn thực hiện đo 3 lần ở một khoảng cách nhất định. Khi hoàn thành việc đo âm thanh, đại diện đoàn lập tức mời chủ cơ sở đến hiện trường thông báo kết quả quan trắc, đồng thời tiến hành làm việc, lập biên bản dưới dự chứng kiến của cảnh sát khu vực và đại diện tổ dân phố.
Kết thúc việc đo đạc và lập biên bản khi đã gần nửa đêm. Các chiến sĩ công an uống vội hớp nước rồi lại lên xe di chuyển đến khu vực đường 2/9 nơi người dân phản ánh quán bar đang mở nhạc lớn dù đã quá giờ. Công việc đo đạc và xử lý lại diễn ra tương tự.
Đến gần 2h hôm sau, đoàn mới kết thúc công việc. Về nhà nghỉ ngơi, chợp mắt, đúng giờ làm việc, anh em chiến sĩ phải có mặt ở cơ quan để hoàn thành hồ sơ, thủ tục trước khi ra quyết định xử lý đối với các cơ sở vi phạm. Với chứng cứ khách quan, trung thực trực tiếp từ hiện trường trong đêm, các chủ cơ sở hết chối cãi, chấp nhận nộp phạt và cam kết không tái diễn.
Vì giấc ngủ của dân
Tổ trưởng tổ dân phố 37, phường Thạch Thang (quận Hải Châu) ông Lê Xuân Đài được mời làm chứng và lập biên bản xử lý sai phạm của quán cafe nói trên rất vui và hết sức ủng hộ các chiến sĩ công an làm nhiệm vụ vì đây là vấn nạn mà bà con khối phố rất bức xúc. Việc mạnh tay xử lý các cơ sở vi phạm sẽ giúp người dân có được những buổi tối yên bình, ngủ được tròn giấc.
"Âm nhạc phải có giờ có giấc và trong khuôn khổ, giới hạn để người dân còn được nghỉ ngơi. Người dân hy vọng tình trạng ô nhiễm tiếng ồn sẽ không còn tái diễn", ông Đài cho biết.
Thiết bị đo, kết quả đo tiếng ồn được ghi hình để làm bằng chứng.
Đại úy Nguyễn Minh Hoàng - Tổ phó tổ kiểm tra chuyên đề (Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Đà Nẵng), cho hay qua hai tháng triển khai xử lý ô nhiễm tiếng ồn, theo phân công, hàng đêm anh em vẫn phải đi đo đạc các địa điểm ồn ào khi có phản ánh của người dân.
Theo tinh thần chỉ đạo của Công an TP, Phòng và Công an cấp quận huyện, xã phường đã tiến hành phổ biến quy định, tuyên truyền đồng thời yêu cầu các cơ sở ký cam kết không vi phạm.
Phần lớn các cơ sở đã thực hiện rất nghiêm túc nhưng cạnh đó vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm vì mục đích kinh doanh. Nhiều cơ sở viện cớ kinh doanh dịch vụ về đêm để phục vụ du lịch.
Nhưng anh em quán triệt nhiệm vụ là phải đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân. Kinh doanh cũng phải đúng quy định, không thể vì lợi ích của mình mà ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Đại tá Trần Thanh Nhơn - Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Đà Nẵng, cho biết: Theo lệnh của Giám đốc Công an TP, các lực lượng quyết tâm xử lý rốt ráo vấn đề ô nhiễm tiếng ồn tại các quán bar, pub, quán karaoke, phòng trà ca nhạc, quán cà phê tổ chức hát nhạc sống, các điểm kinh doanh điện tử và cả những nơi không có hoạt động kinh doanh nhưng liên quan đến tiếng ồn.
Các trường hợp bị lập biên bản xử phạt là do đã được tuyên truyền, nhắc nhở và đã ký cam kết nhưng cố tình vi phạm. Hai nội dung mà lực lượng kiểm tra tập trung xử lý là tiếng ồn vượt quy định và hoạt động quá thời gian cho phép.
Sau đợt cao điểm kéo dài đến hết tháng 9, công an các đơn vị, địa phương sơ kết để đưa nhiệm vụ này thành công việc thường xuyên bằng trách nhiệm của lực lượng công an đối với cuộc sống bình yên của nhân dân.
Theo Zing.vn
Bà Rịa - Vũng Tàu: Nghiêm cấm các hành vi vi phạm Quy chế quản lý hoạt động văn hóa công cộng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây đã ra Quyết định ban hành Quy chế quản lý hoạt động karaoke, vũ trường và các hoạt động văn hóa công cộng trên địa bàn. Ảnh minh họa/thegioitiepthi.vn Theo đó, các hành vi nghiêm cấm cụ thể gồm: Hoạt động kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh...