Phút nhân ái của “người thứ ba”
Xưa nay, trong xã hội “người thứ ba” thường hay bị lên án là người nhẫn tâm đi giựt chồng/vợ, phá hoại gia đình người khác. Trong tiểu thuyết hay trên sân khấu họ là nhân vật phản diện tượng trưng cho cái xấu, cái ác.
Ảnh minh họa
Nhưng câu chuyện sắp được kể ra đây sẽ cho chúng ta một cái nhìn khác về “người thứ ba”. “Nhân chi sơ tính bổn thiện” – con người ta sinh ra vốn tính lành – mà cuộc đời lại là một vòng xoáy nghiệt ngã. Đôi khi cái thiện bị che khuất do những toan tính đời thường, nhưng nó không bao giờ mất đi nếu như mỗi chúng ta biết thức tỉnh đúng lúc.
Nam được sinh ra và lớn lên trên dãy đất miền Trung nắng gió khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi. Chứng kiến cái nghèo hằn trên mái tóc xác xơ của cha và đôi tay khô héo của mẹ, Nam quyết tâm phải học thật giỏi, phải đổi đời bằng chính tri thức của mình. Năm 1984, tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc, anh dễ dàng có được chỗ đứng trong một doanh nghiệp nhà nước danh giá.
Con đường sự nghiệp mở ra thênh thang, anh cứ thế guồng chân mà chạy, có khi đến vài ba năm mới về thăm gia đình một lần. Không những ba mẹ anh chị em mà cả họ hàng ở quê cũng dần có cuộc sống sung túc nhờ sự giúp đỡ của Nam. Chừng ngoảnh lại đã gần bốn mươi, anh vẫn không nhớ là mình chưa từng có một mối tình vắt vai. Mẹ anh cứ hối thúc mãi, anh đánh liều nhờ mẹ coi ngoài quê có cô nào ưng ý thì chọn giùm. Rốt cuộc một đám cưới cũng được diễn ra vào năm 1998.
Người vợ mà mẹ Nam chọn cho anh là một cô giáo mới ra trường nhà ở cùng xóm, nhỏ hơn anh gần hai mươi tuổi, tên Linh. Nam rời quê lúc Linh chỉ mới biết đi lẫm chẫm. Sau này lớn lên, loáng thoáng đôi lần thấy Nam về quê thăm nhà, Linh cũng không có ấn tượng gì nhiều. Trong suốt bốn tháng “tìm hiểu”, Linh chỉ nhận được từ Nam vỏn vẹn một lá thư, ngoài những câu hỏi thăm sức khoẻ, gia đình, Nam tóm lại một câu rất “hành chính”: “Anh đã lớn tuổi, không còn nhiều thời gian để nghĩ đến chuyện yêu đương.
Nếu em đồng ý làm vợ anh thì mẹ anh sẽ qua nhà nói chuyện và sau đó anh sẽ về tổ chức đám cưới”. Linh nghĩ, dẫu sao đó cũng là một người đàn ông thành đạt, có tiền của, địa vị, hơn nữa hai nhà ở cùng xóm, biết rõ gốc gác gia đình nên Linh bằng lòng. Dẫu rằng lúc đó cô giáo tương lai cũng đang có vài anh chàng để ý và theo đuổi.
Sau đám cưới chóng vánh, Linh theo chồng vào Sài Gòn sinh sống. Ngôi nhà khang trang trong một khu dân cư yên tĩnh là tổ ấm mà họ trở về sau tuần trăng mật trên thành phố cao nguyên lộng gió. Lập gia đình, với Nam, là một nghĩa vụ và anh luôn luôn hoàn thành nghĩa vụ của mình một cách hoàn hảo, không hề có một sơ hở để có thể chê trách. Cuộc sống với Nam là một chuỗi kế hoạch mà trong từng thời điểm anh cân nhắc vạch ra và kỳ công thực hiện một cách nghiêm túc.
Dần dần Linh nhận ra giữa nàng và Nam có một khoảng cách thế hệ rõ rệt. Lối sống, tính cách sở thích của hai người đều khác biệt nhau. Trong khi anh luôn chỉn chu nghiêm túc thì nàng lại có một chút phá cách cầu kỳ. Anh tỏ ra khó chịu khi nàng mê đọc loại tiểu thuyết diễm tình, xem phim Hàn Quốc và nghe nhạc sến, thì nàng lại không cảm thụ nổi các tác phẩm được gọi là kinh điển mà anh say sưa thưởng thức. Mỗi lần đi du lịch, nàng thích chỗ đông người với những cuộc vui sôi động anh lại chọn không gian yên tĩnh để nghiền ngẫm. Đi siêu thị mua sắm, anh cũng ấn định thời gian chỉ đủ để đến nơi, mua và về…
Kết cuộc bao giờ nàng cũng phải ngoan ngoãn nghe lời anh như cô con gái nghe lời ông bố khó tính. Trong con mắt anh, nàng là một đứa trẻ cần được dạy bảo để hoàn thiện, và quan trọng hơn, nàng phải thay đổi cách nghĩ, cách sinh hoạt sao cho giống như mình. Linh luôn tôn trọng, ngưỡng mộ kể cả mang ơn Nam vì anh đã mang đến cho nàng và cả gia đình nàng ở quê một cuộc sống sung túc. Nhưng nàng vẫn luôn cảm thấy bất an, thấy cô đơn buồn bã trong cái cuộc sống lúc nào cũng tròn trịa đến nhẵn nhụi kia.
Một năm sau, con gái đầu lòng ra đời, năm đó anh đã bốn mươi tuổi. Anh chuẩn bị lập công ty riêng và suốt ngày quần quật với những công việc không tên. Lý do mà anh đưa ra thật chính đáng là để làm nền tảng cho con gái trong tương lai. Tiếp theo là những ngày dài Nam thường xuyên đi công tác xa nhà. Nỗi cô đơn trong Linh trở thành nỗi ám ảnh bủa vây, càng cố vùng vẫy nàng càng bị nó bám riết. May mà còn có công việc và lũ học trò làm nguồn an ủi.
Cách đây ba năm, do yêu cầu công việc, Linh được cử đi học một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ. Anh lớp trưởng (đồng nghiệp) tên Thiện lớn hơn Linh hai tuổi, cao to, đẹp trai, trẻ trung, năng động. Thiện mới chia tay với người yêu sắp cưới sau 5 năm sánh bước vì nàng phải theo gia đình đi nước ngoài. Ngay lần gặp và nói chuyện đầu tiên, Thiện đã làm cho Linh xao xuyến, bồi hồi. Đặc biệt là anh lại rất hay cười và có khiếu gây cười cho mọi người bằng những câu chuyện dí dỏm, hài hước. Ngược lại, đôi mắt thẳm sâu buồn và gương mặt xinh xắn đằng sau cái vẻ rụt rè ít nói của Linh cũng lập tức đánh gục Thiện.
Video đang HOT
Chuyện gì đến đã đến. Khóa học kết thúc cũng là lúc hai người họ đã mặn nồng sâu đậm với những cảm xúc mới mẻ của một mối tình ngoài chồng ngoài vợ. Lúc đầu là những tin nhắn nồng nàn tình cảm, những nụ hồng tươi thắm mỗi khi có dịp. Chỉ vài tuần sau đó, những cuộc ái ân với đầy đủ cung bậc cảm xúc đã trở thành một thứ ma túy thiêu đốt tâm hồn họ. Họ lao vào cuộc tình tội lỗi ấy như con thiêu thân lao vào một ngọn đèn sáng.
Nhưng giấy không gói được lửa, câu chuyện rồi cũng đến tai các đồng nghiệp trong trường. Mọi người bóng gió xa xôi, Linh mặc kệ… Có điều Linh không thể ngờ, là cô con gái mười một tuổi của nàng cũng mang máng hiểu chuyện. Lần đầu tiên, nó thấy mẹ dám trả treo với ba câu gì đó và hai người cãi nhau dữ dội. Con bé sợ quá, trùm chăn run rẩy. Nàng ôm con thút thít, mong tìm thấy sự an ủi. Không ngờ con bé xô mẹ ra, giận dỗi: “Tại mẹ, tại mẹ hết. Tại mẹ làm ba tức giận, mẹ xin lỗi ba đi”. Nói rồi nó rấm rứt khóc. Linh trố mắt nhìn con. Như một người có tật giật mình. Không lẽ con bé đã biết chuyện. Ý nghĩ ấy làm nàng bủn rủn…
Sau bữa đó, rất nhiều lần nàng có ý định sẽ thoát ra khỏi cuộc tình nông nổi ấy. Nhưng cứ độ vài hôm không gặp Thiện là Linh lại quay quắt nhớ như điên cuồng, không thể làm được việc gì. Thế là nàng buông xuôi. Thiện bắt đầu nhận ra sự mâu thuẫn đang giằng xé trong Linh. Trước đây, Thiện yêu nàng vì thấu hiểu được hoàn cảnh đáng thương mà nàng buột phải hứng chịu. Nay, Thiện tội nghiệp nàng vì cuộc sống bất an mà trong đó có anh góp phần gây ra.
(Ảnh minh họa)
Một đêm, thấy bứt rứt khó ngủ, nhớ lại thái độ bồn chồn, thẫn thờ, có lúc im lặng ra vẻ hối hận của Linh ban chiều, Thiện đâm ra lo lắng. Sau một lúc đắn đo, anh gọi vào di động cho Linh, máy không liên lạc được. Càng sốt ruột, Thiện đánh liều gọi vào máy bàn. Bên kia đầu dây, con gái Linh giọng còn ướt nước: “Ba má con từ chập tối đến giờ cãi nhau ở trong phòng, không trả lời máy cho chú được đâu. Điện thoại mẹ bị ba quăng vô hồ cá rồi”.
Thiện cố gắng đánh lừa bằng cách giả vờ gọi cho mẹ cô bé để trao đổi công việc của trường. Nhưng Thiện không ngờ cô bé đã nhận ra giọng nói của mình: “Con biết chú, chú thường gọi cho mẹ con những lúc ba con không có ở nhà, mẹ con đã nhiều lần vào phòng nói chuyện điện thoại với chú hàng tiếng đồng hồ. Nhiều lần như thế ba con gọi vào máy mẹ không được thì y như rằng sau đó là cuộc cãi vã kéo dài nhiều ngày. Chú đừng tìm mẹ con nữa được không chú!”. Thiện cố nghe những lời nói của đứa trẻ ở đầu dây bên kia và giải thích nhẹ nhàng sau đó tắt điện thoại và nằm thẫn thờ cả đêm.
Thật ra, Linh không phải là người phụ nữ đa tình dễ dãi, càng không phải là loại đàn bà trắc nết. Nàng đến với Thiện cũng không hoàn toàn vì tình dục mà đơn giản chỉ vì sự cảm thông, chia sẻ của người đàn ông cùng trang lứa. Việc nàng lấy chồng vội vã, không xuất phát từ tình yêu cùng với sự chênh lệch tuổi tác đã đẩy nàng vào bi kịch. Anh biết, anh mới chính là tình yêu của nàng – mối tình đầu muộn màng và ngang trái. Nhiều khi Thiện cũng tự hỏi mình có thật sự yêu Linh hay không? Anh nhận ra cho đến thời điểm này, trong trái tim anh, Linh đã có một vị trí nhất định.
Nhưng bây giờ điều đó có nghĩa gì khi gia đình nàng đang đe dọa đổ vỡ kéo theo bao số phận lao đao khốn khổ, trong đó có hai đứa trẻ, con của Linh… Nhưng xét cho cùng, cuộc tình tội lỗi này cũng không đi được đến đích vì Thiện không thể cưới Linh làm vợ. Nhiều ngày sau đó anh thẫn thờ như một người vừa thoát ra cơn ác mộng kinh hoàng. Anh biết mình phải can đảm đối diện với sự thật. Anh quyết định sẽ nói lời chia tay. Thiện sẽ rất buồn nếu phải xa Linh nhưng điều anh lo lắng hơn là làm sao để nàng ít bị tổn thương nhất. Làm sao để Linh hiểu và chấp nhận lời đề nghị của anh một cách nhẹ nhàng nhất. May mà Linh là một người biết nghe lý lẽ. Tất cả không phải dễ dàng nhưng cuối cùng cũng trôi qua một cách bình yên.
Giờ đây, mỗi người họ đang có một cuộc sống hạnh phúc với gia đình riêng của mình. Linh đã sinh thêm một bé trai. Thiện đã lập gia đình và sắp có em bé. Tôi kể lại câu chuyện này để tự răn mình và để chia sẻ với mọi người: Ranh giới giữa cái thiện và cái ác thật mỏng manh, đôi khi chỉ cần một chút bất cẩn là chúng ta có thể vấp ngã. Nhưng kể cả khi chúng ta lỡ vấp ngã mà biết dừng lại đúng lúc, biết tự mình đứng lên, hành động ấy cũng thật đáng trân trọng. Xin cảm ơn phút nhân ái của “người thứ ba”.
Theo VNE
Khốn khổ yêu con gái sếp
Tôi không hiểu sao mình lại đòi ăn đúng cái món mà Hương Mai đã "cấm cửa vĩnh viễn".
Có lẽ mọi chuyện bắt đầu từ cái bánh khọt. Hôm đó tôi đưa Hương Mai tới nhà Nguyệt Vân chơi, sẵn dịp để lấy số tài liệu làm luận văn thạc sĩ mà tôi nhờ cô bạn thân tìm giúp. Tôi, Hương Mai, Nguyệt Vân làm chung một chỗ, trước đây, suýt chút nữa tôi và Nguyệt Vân đã thành một đôi.
Nhưng tôi lù khù nên bị thằng cha phó phòng "phỗng tay trên", đành ngậm bồ hòn làm ngọt dù trong bụng rất ấm ức. Tôi quay sang Hương Mai, người được mệnh danh là hoa khôi của cơ quan, lại là con gái rượu của giám đốc sở. Thế nhưng dù đã hết sức cố gắng nhưng tôi vẫn không có được những cảm xúc say mê, ngọt ngào như đã từng có với Nguyệt Vân. Chính vì vậy mà hai chúng tôi cứ "xìu xìu, ển ển"; cho là yêu cũng được, mà nói là bạn bè cũng chẳng sai.
Hương Mai hiền lành, tốt bụng, ruột để ngoài da. Thương ai thì để trên đầu, ghét ai thì vùi người ta xuống bùn không thương tiếc. Nàng có tật muốn nói gì thì nói, chẳng cần rào trước đón sau; cũng chẳng sợ ai phiền lòng. Nhiều lần đi với Hương Mai tôi đã bực mình đòi bỏ nàng lại giữa đường vì không chịu nổi những câu nói thật thà đến vô duyên của nàng.
Lần xuống nhà Nguyệt Vân cũng vậy. Hôm đó, cô em gái út của Nguyệt Vân đang dạy học ở Rạch Giá cũng về thăm nhà. Đúng hôm chúng tôi xuống, hai chị em đang hì hục đổ bánh khọt. Nguyệt Vân rủ tôi: "Trúng món khoái khẩu của ông, lại trưa rồi, hai người ở lại đi. Bữa nay út Lan làm đầu bếp chính". Tất nhiên là tôi ở lại. Hương Mai cằn nhằn một chút rồi cũng bằng lòng.
Út Lan đổ bánh khọt theo kiểu miền Tây. Cô bảo tôi: "Em ở dưới mới có 4 năm mà bị lây đủ thứ, nhất là trong chuyện ăn uống, nấu nướng cái gì cũng cho một tí đường, lại còn nước cốt dừa nữa chớ. May mà em siêng tập thể dục, nếu không chắc bây giờ thành cái thùng phuy rồi". Nghe Nguyệt Lan nói vậy, Hương Mai chen vào: "Chị ghét ăn đồ ăn dưới miền Tây lắm, món nào cũng ngọt như chè, ăn ngán muốn chết. Còn cái món bánh khọt này á hả? Ở Vũng Tàu là ngon nhất". Nguyệt Lan cười: "Dạ, đúng là cái gì của quê mình cũng ngon nhất".
Không có ai tranh cãi, coi bộ Hương Mai cũng buồn. Đến khi dọn lên ăn, nàng lấy đũa gắp cái bánh khọt đưa lên săm soi rồi cắn thử một miếng, sau đó nhăn mặt: "Ngọt mà béo chết được". Nguyệt Lan lại cười: "Dạ, em đã bớt ngọt và béo lại rồi đó chị". Hương Mai vẫn chưa buông tha: "Sao lại để tép nguyên cả vỏ như vầy? Ăn xảm xì, không khéo lại mắc cổ". Lần này thì Nguyệt Vân lên tiếng: "Tép bạc đất mà Mai, tép này mềm mụp, để vỏ ăn mới ngon chớ lột vỏ thì còn gì nữa?".
Tôi biết cô bạn của tôi bắt đầu "lên cơn vô duyên" nên bảo: "Nè, không ăn thì để người khác ăn, đừng có chê khen". Nói rồi tôi thản nhiên lấy rau sống cuốn bánh khọt chấm nước mắm chén tì tì. "Ăn gì mà ăn dữ vậy, chừa người khác ăn với chớ?"- thấy tôi ăn nhiều, có lẽ Hương Mai cũng bực mình nên lại càu nhàu. Tôi cười: "Đang đói mà lại được ăn, cớ gì không ăn?".
Có lẽ tôi đang đói thật nên cái món bánh khọt mà Hương Mai thích nhất nhưng tôi lại rất ghét hôm đó bỗng ngon đến lạ lùng. "Thường ngày anh đâu có chịu ăn, sao bữa nay ăn dữ vậy?"- Hương Mai hết chịu nổi, lại lên tiếng. Tôi biết cô nàng đang ghen với Nguyệt Vân dù giữa hai chúng tôi chẳng có tình ý gì, thế nhưng tôi vẫn nói: "Thường ngày không ăn là vì bánh không ngon".
Có lẽ cơn bực tức vẫn đeo đẳng nên trên đường về, Hương Mai lại ca cẩm: "Bữa nào anh ghé nhà em đổ bánh khọt cho ăn, ngon gấp mấy lần bánh của họ". Tôi không trả lời. Hương Mai cắn mạnh vào lưng tôi: "Sao không trả lời? Bộ đang nhớ Nguyệt Vân hả? Lộn xộn là chết với ông Sơn đó nghen". Tôi bực mình vì bị cắn đau thì ít mà chủ yếu vì cái tật nói nhiều của Hương Mai nên chẳng muốn tranh luận. Điều đó càng khiến nàng điên tiết: "Nói trúng tim đen rồi phải không? Biết mà, biết anh vẫn tơ tưởng tới nó mà...". Tôi vẫn im lặng chạy xe. Đến nước này, Hương Mai chồm lên ghé sát vào tai tôi hét lớn: "Bộ câm rồi sao không trả lời? Biết vậy hồi sáng không thèm đi theo anh"
Tôi loạng choạng tay lái nên thắng xe lại: "Xuống đón xe ôm về đi, mệt cái lỗ tai quá rồi". Hương Mai nhảy phắt xuống xe, vứt mớ tài liệu của tôi lên yên xe nhưng vì mạnh tay quá nên xấp tài liệu văng xuống đường. Tôi giận tím mặt: "Em làm cái gì vậy?". Hương Mai chống nạnh, hất hàm: "Thấy rồi còn hỏi". Tôi xuống xe, cúi lượm mớ tài liệu, vừa tự hỏi, liệu tôi có tương lai với cô gái này không?
Tôi cho tài liệu vào cốp xe rồi bảo Hương Mai lên xe tôi chở về. Dù sao thì ở chỗ này giữa đường cũng khó đón xe. Phải nói đến lần thứ ba, nàng mới chịu leo lên xe. Nhưng vừa ngồi xuống nàng đã ôm chặt lấy tôi: "Tưởng anh bỏ em ở lại đây luôn rồi chớ. Anh mà bỏ em lại đây, em về méc ba cho khỏi quy hoạch anh luôn". Lời đe dọa của Hương Mai ít nhiều có tác dụng nên tôi làm lành: "Dọa cho em sợ chớ làm sao dám bỏ em ở chỗ này?".
Tôi xuống xe, cúi lượm mớ tài liệu, vừa tự hỏi, liệu tôi có tương lai với cô gái này không? (Ảnh minh họa)
Hương Mai đúng là ruột để ngoài da, vừa đùng đùng đó lại quên ngay: "Để hôm nào anh ghé nhà, em nói con Liên đổ bánh khọt cho anh ăn nghen". Con Liên là con bé giúp việc nhà Hương Mai, nó nấu ăn cũng rất ngon. Tuy vậy, vừa nghe Hương Mai nói, tôi đã không nhịn được cười: "Cho ăn món khác đi, ngán bánh khọt rồi".
Cứ tưởng là Hương Mai nói xong sẽ quên, nào ngờ ngay hôm sau, hết giờ làm việc, nàng nhắn cho tôi: "Ghé nhà em đi". Tôi ghé qua, thấy trên bàn ăn đã dọn sẵn... một bàn tiệc bánh khọt. Trời ạ, những cái bánh của chị em Nguyệt Vân vẫn chưa làm cho tôi hết cơn ngây ngất, bây giờ lại cho ăn nữa, tôi không bội thực mới lạ.
Tôi nhìn những chiếc bánh khọt ướt đẫm mỡ, mấy con tôm lột bự chảng nằm đầy vun trên cái bánh mà thấy... trào dâng một niềm ngán ngẫm. Cũng bánh, cũng rau, cũng nước mắm mà sao tôi dù đã cố gắng lắm cũng chỉ ăn được 4 cái rồi buông đũa. Hương Mai nài nỉ cách gì tôi cũng không ăn thêm nổi. Nàng bực bội tuyên bố: "Từ nay, cấm anh nhắc tới hai chữ bánh khọt nghe chưa".
Trời ơi, ngay cả sở thích cá nhân của tôi cũng bị quản lý nữa là sao? Ăn uống đâu phải lúc nào cũng ngon miệng? Khi người ta đang thèm, đang đói, đang phấn chấn thì mới có tâm trạng ăn uống, chớ cứ nhồi ép như vậy, còn gì là ngon? Hôm đó vì có ba mẹ Hương Mai nên tôi không nói gì. Thế nhưng tôi cứ suy nghĩ mãi về tương lai của mình. Cái chức trưởng phòng rồi phó giám đốc, giám đốc công ty là con đường mà Hương Mai đã vạch ra cho tôi và phải nỗ lực hoàn thành khi ba cô ấy còn tại chức. Thế nhưng nếu có những thứ ấy mà phải đồng hành suốt đời với một người như Hương Mai thì đến lúc này đây, tôi đã muốn buông bỏ...
Cho đến một ngày, tôi có dịp đi công tác ở Kiên Giang. Sực nhớ mình có người quen dưới ấy nên tôi bảo Nguyệt Vân cho số điện thoại của em gái. Biết tôi đang ở Rạch Giá, Nguyệt Lan mừng húm: "Anh ở đây bao lâu? Chừng nào anh về? Để em ghé qua chở anh đi ăn nghen. Anh muốn ăn gì, em đãi...".
Nghe tiếng Nguyệt Lan, tự dưng tôi cũng thấy mừng. Tôi bảo em: "Dẫn anh đi ăn bánh khọt đi". Tôi không hiểu sao mình lại đòi ăn đúng cái món mà Hương Mai đã "cấm cửa vĩnh viễn", không cho tôi nhắc đến kể từ sau cái lần tôi ăn ở nhà nàng mà kêu ngán.
Nguyệt Lan và các bạn của em đưa tôi đi ăn bánh khọt ở cái quán gần nhà bảo tàng. Những cái bánh vàng ươm, giòn rụm đổ bằng khuôn đất, đổ tới đâu ăn tới đó; mấy con tôm đất nhỉnh hơn cái đầu đũa một chút mềm mụp, ngọt lừ; mấy hột đậu xanh đãi vỏ bùi bùi; chút nước cốt dừa trắng tinh khôi để vào khi bánh gần chín vừa để cái bánh có vị beo béo, thơm thơm chứ không ngậy... "Bánh này ăn không cũng ngon, nhưng gói rau sống chấm nước mắm thì càng ngon tuyệt"- Thu Thủy, cô bạn của Nguyệt Lan bảo tôi.
Chị chủ quán biết tôi là người ở xa tới nên đặc biệt dành cho tôi những cái bánh chị chăm chút nhất. "Mấy cái khuôn đổ bánh khọt này là của bà nội tui để lại đó. Gần 60 năm rồi, mỡ dầu thấm vô nên đen bóng, chắc chắn lắm lại dễ tróc nên không cần cho nhiều dầu mỡ, chỉ thoa nhẹ qua một chút là được"- chị vừa thoăn thoắt gỡ bánh, vừa nói với tôi.
Nguyệt Lan múc nước mắm cho tôi rồi bảo chị chủ quán: "Người này là sành ăn bánh khọt Vũng Tàu lắm đó nha. Bánh của chị mà dở ảnh về ngoài đó nói lại là chị dẹp tiệm luôn". Rồi quay sang tôi, em bảo: "Bữa em làm bánh cho anh ăn là làm theo cách của chị đó. Em thích bánh khọt ở đây là vì bánh cũng ngon mà nước mắm và rau sống cũng ngon. Anh coi nè: Nước mắm chị làm bằng nước dừa chớ không có bỏ đường. Nước dừa xiêm nấu cho sắc lại, tỏi ớt đâm nhuyễn chớ không bằm, chanh thì gọt vỏ tách từng tép ra rồi mới đâm lấy nước nên rất thơm mà không bị đắng...".
Tôi lấy cái lá cải xanh, trải lên đó tất cả những thứ rau có trong dĩa, định làm một cuốn ăn cho đã thì Nguyệt Lan ngăn lại: "Không phải vậy. Chỉ cần vài thứ rau thôi nhưng mỗi lần thay đổi một ít, như vậy sẽ có cảm giác mới mẻ, lâu ngán...". Tôi thấy em nói có lý. Lần đầu tôi cuốn bánh khọt với rau cải xanh, hún lủi, rau thơm thì ăn có vị khác; lần sau tôi cuốn với đọt chiết, xà lách, quế đất, rau răm thì lại có vị khác... Thì ra cái chuyện ăn uống cũng đâu có đơn giản, đúng như lời chị chủ quán nói.
Nó càng phức tạp hơn khi sau lần gặp gỡ đó, bỗng dưng tôi cứ thấy nhớ cái vùng đất xa xôi ấy. Tôi hay gọi điện, nhắn tin hỏi thăm công việc, bạn bè của Nguyệt Lan. Tôi hỏi thăm cả... chị của em dù mỗi ngày tôi vẫn trông thấy cô ấy ở công ty. Rồi tôi hỏi cả những điều vu vơ về gió mưa, nóng lạnh... Và cuối cùng tôi hỏi chừng nào Nguyệt Lan nghỉ về Vũng Tàu ăn Tết với gia đình.
Có vẻ như lần này, cái mộng làm trưởng phòng, rồi phó giám đốc và giám đốc công ty của tôi đi đứt vì mấy cái bánh khọt rồi!
Theo VNE
Sao em không dạt dào như trước? Nếu trước đây em dạt dào cảm xúc thì giờ đây, lại là sự mạnh mẽ, cứng rắn đến mức làm vỡ vụn từng mảnh trái tim anh. Đối với anh em là tất cả. Hai ta khởi đầu từ số 0 - từ hai người xa lạ rồi em đã trở thành số 0 trong lòng anh, đứng trước cả số 1....