Phút lạc lòng của người đàn bà đoan chính
Tôi là một người phụ nữ đoan chính. Tôi dám khẳng định điều đó bởi tôi có một niềm tin vững chắc vào đức hạnh của mình, vào tình yêu tôi dành cho chồng 15 năm qua và bằng những gì thực tế đã chứng minh.
Tôi một người mẹ hai con luôn tự hào ngẩng cao đầu đả phá những kẻ coi thường tình nghĩa vợ chồng, làm những chuyện bại hoại gia phong, phản bội chồng con mình.
Tôi không bao giờ nhân nhượng cho những kẻ dùng mọi lý lẽ để biện hộ cho những hành động sai trái, bỉ ổi của mình. Tôi cười vào mặt những phụ nữ đã có chồng con nhưng vẫn bám theo những người đàn ông khác với đủ thứ lý do nhăng cuội để che đậy những ham muốn thấp hèn… Suốt bao nhiêu năm qua, chưa có lúc nào tôi nghĩ mình có thể bận tâm vì một người đàn ông khác ngoài chồng mình.
Cho đến ngày tôi biết Đăng. Tôi biết anh chỉ là do một sự tình cờ. Cũng tình cờ tôi phát hiện anh và tôi có những sở thích giống nhau: cà phê, xem phim, du lịch, những món ăn dân dã… Bắt đầu là những tin nhắn, những cuộc điện thoại. Bắt đầu thì ít, dần dần tần suất tăng lên. Những món quà anh gởi cho tôi thường xuyên hơn: Thoạt đầu là chocolate, tiếp theo là nước hoa Pháp, sữa tắm hương lavender ngọt ngào, một thỏi son đỏ dịu đúng sở thích của tôi…
Thoạt đầu tôi thấy khó xử và khó chịu; dần dần tôi thấy thích thú và thầm cảm ơn người đã thấu hiểu tường tận mọi thói quen, sở thích của tôi. Đó là những điều mà lâu rồi chồng tôi không thể hiện. Rồi tôi bắt đầu phân tâm. Canh nhạt, thịt mặn, cá nướng bị cháy khét, quần áo của ông xã và mấy đứa nhỏ không còn phẳng phiu như trước. Tôi bắt đầu đi sớm về muộn. Chỉ là để lên mạng nhìn thấy Đăng, chào hỏi đôi câu, nhắn gởi đôi lời đầy ẩn ý. Cuối ngày, tôi nấn ná để chào anh, chúc anh buổi tối tốt lành.
Video đang HOT
“Em sao vậy? Lúc này công ty có chuyện gì hay sao mà anh thấy em cứ lơ lơ?” – một hôm, ông xã tôi đột ngột hỏi. Tôi giật mình: “Đâu có gì”. Giờ đây tôi rất lười nói chuyện với ông xã. Con gái tôi cũng cật vấn: “Mẹ sao vậy? Áo này là của chị hai chớ đâu phải của con?”. Tôi luýnh quýnh như gà mắc tóc.
Cho đến một ngày, Đăng có việc vào TPHCM. Ngay tối đó, chúng tôi hẹn nhau đi cà phê. Tôi nhắn tin cho ông xã: “Em phải chuẩn bị báo cáo cuối tháng nên ở lại công ty làm cho xong mới về, anh và con ăn cơm trước đi”. Chuyện tôi ở lại làm thêm trước nay đã từng xảy ra nên ông xã tôi chẳng mảy may nghi ngờ.
Tối đó chúng tôi đi cà phê với nhau. Cái quán cà phê thơ mộng bên bờ sông Sài Gòn đủ tối để không ai thấy bàn tay Đăng lần tìm tay tôi và giữ chặt. Tim tôi rung lên khi đôi môi anh chạm nhẹ vào vành tai tôi. Rất lâu rồi tôi không biết đến cái cảm giác có một luồng điện chạy dọc sống lưng mình như thế. “Anh nhớ em quá” – Đăng thì thầm bên tai tôi.
Lúc đó, tôi không còn nhớ rằng mình đã từng là một người đàn bà đoan chính. Tôi không còn nhớ chồng và con đang đợi và lo lắng cho mình ở nhà. Tôi cũng không nhớ mình đã từng miệt thị những người phụ nữ không đứng đắn… Tôi chỉ nhớ trên má, trên môi, trên tóc, trên ngực tôi còn đọng lại hơi thở gấp gáp, nồng nàn của một người đàn ông khác.
Tối đó tôi không tài nào ngủ được và đổ thừa tại ly cà phê của anh bảo vệ công ty. Ông xã thấy tôi cứ lăn qua, trở lại thì cằn nhằn: “Ai bảo muộn rồi mà em còn uống cà phê?”. Rồi anh nhè nhẹ gãi lưng cho tôi. Đây là cách anh vẫn dỗ tôi ngủ từ ngày tôi đặt chân về nhà chồng. Cuối cùng tôi cũng thiếp đi với những mộng mị lạ lùng.
Từ đó đến khi Đăng về, chúng tôi còn đi cà phê với nhau một lần nữa. Cũng giống như lần đầu; tôi lại hồi hộp, đợi chờ, chen lẫn lo lắng. “Khoảng 2 tuần nữa anh sẽ vào” – Đăng nói với tôi khi chia tay. Tôi thấy tim mình đập loạn. Không ngờ một người đàn bà đã 40 tuổi đầu mà vẫn có những cảm xúc lạ lùng như vậy trước một người đàn ông. Tôi bỗng thấy sợ cái khoảng thời gian 2 tuần trước mặt. Chắc là tôi sẽ nhớ Đăng đến chết mất…
“Em đói bụng không? Anh hâm đồ ăn lại cho em nghen?”. Ông xã tôi ngồi chờ ở phòng khách, thấy tôi về, anh đứng dậy. Tôi bảo mình mệt, không muốn ăn rồi đi thẳng vào nhà tắm. Ở đó, tôi không tắm mà nhắm mắt, mường tượng lại từng cái nắm tay, từng nụ hôn, từng ánh mắt, hơi thở của Đăng. Những thứ ấy như vẫn còn luẩn quẩn trên da thịt tôi. Bất giác tôi thấy mặt mình nóng bừng… Tối đó, nằm bên chồng mà toàn bộ tâm trí của tôi lại hướng về Đăng.
Sáng hôm sau, con gái đầu của tôi vào phòng mẹ để mượn cái áo khoác. Cháu bảo tôi: “Hôm qua con với ba thấy ai chở mẹ đi trên đường Trần Quang Khải”. Tôi giật thót người. Do sợ có người bắt gặp, tôi đã gởi xe ở Bệnh viện quận 1 rồi đi bộ một đoạn tới chỗ Đăng hẹn đón tôi. Không lẽ trời bất dung gian, khiến chồng con tôi vô tình đi ngang qua đó để thấy người phụ nữ của họ đang làm chuyện vụng trộm? Tôi rung rung nói với con gái: “Mẹ nhờ chú chở đi công chuyện. Sao con không gọi mẹ?”. “Gọi không kịp vì xe của mẹ chạy nhanh quá. Ba đuổi theo một đoạn rồi quay lại”. Tôi chết trân khi nghe con gái nói như vậy.
May là chồng tôi đã đi làm sớm, anh không thấy sự hoảng loạn trên gương mặt tôi. Cả ngày hôm đó, tôi không tập trung làm được bất cứ điều gì mà chỉ lo nghĩ cách để trả lời chồng nếu anh ấy hỏi.
Tôi đã chờ đợi suốt một tuần lễ qua nhưng ông xã tôi không hề hỏi han gì. Thế nhưng tôi vẫn có cảm giác trong lòng anh có điều gì đó không vui. Anh ít nói cười. Về đến nhà, ăn cơm xong là ngồi vào máy tính. Tôi hỏi chuyện gì, anh trả lời chuyện đó chứ không chủ động nói chuyện hay kể cho tôi nghe những vui buồn anh gặp phải hằng ngày.
Tôi không biết phải làm sao để gỡ cái nút thắt cho chính mình. Mấy ngày qua, tôi không lên mạng, không chát chít, nhắn tin, không nghe điện thoại của Đăng. Tôi cũng không dám đối diện với chồng mình vì sợ anh sẽ không tha thứ khi biết sự thật.
Tôi đã khôn 15 năm và giờ đây lại dại dột trong mấy tiếng đồng hồ. Không lẽ cái tổ ấm mà tôi đã cố công vun đắp bao nhiêu năm qua sẽ đổ vỡ vì những phút ngu muội của mình. Trời ơi, tôi phải làm sao đây?
Theo VNE
Đi tìm tiếng rao xưa
Đêm ấp ôm trong mình bao tâm sự, bao điều suy tư chưa ngỏ. Tôi dõi về phố, mông lung siết chặt mảng màu tối sẫm, choàng lấy cả những tiếng rao đêm chơ vơ, lạc lõng, cảm thương.
Tiếng rao đêm từ bao giờ đã đi vào tiềm thức của người Hà Nội như một nét riêng ngàn đời khó lẫn. Đêm chùng chình buông xuống, phố mờ che lấp những mảnh đời, phận người. Chỉ còn tiếng rao vang vọng, như nỗ lực, cố gắng níu lấy sự mưu sinh giữa dòng đời xô bồ, tất bật. "Ai bánh khúc đây", "ai khoai nướng, ai ngô luộc đây", "ai bánh mì đây"... Tiếng rao lúc nào cũng được kéo dài ra, mênh mang ở khoảng cuối, cuốn thanh âm đến vô cùng.
Ngày nào cũng vậy, cứ đúng khoảng giờ ấy trong đêm, như đồng hồ báo thức đặt sẵn, đều đặn, cần mẫn, chăm chỉ, chuyên cần, anh bán bánh mì lại ngang qua, cất lên giọng quen thuộc. Ngày nào tôi cũng ngóng, cũng trông, đến giờ lại nhoi nhoi chờ đợi phảng phất thứ âm thanh vụng về, thương mến, như đợi người thương, như đinh ninh lời ước hẹn. Dù mua hay không, tôi vẫn thấy cần, thấy gắn bó với tiếng rao ấy, hằng đêm, ngỡ là phải nghe, cần nghe mới yên tâm đi vào giấc ngủ. Ngày đông buốt giá, chỉ cần nghe tiếng gọi, anh bánh mỳ dừng lại, nhẹ nhàng hỏi và trao tôi chiếc bánh mì nóng hôi hổi qua khung cửa nhà trọ. Tôi nhoẻn nụ cười, hy vọng thắp chút ấm áp đêm đông cùng anh.
Tiếng rao nghe sao mà thân thương đến thế, như người chở quê về thành phố, mang ấm lòng thắp lửa những kẻ ở trọ lạc lõng chốn thị thành, luôn nôn nao nhớ mùi quê. Mỗi tiếng rao gồng gánh phía sau một câu chuyện cho riêng mình. Một thanh âm - một món hàng - một số kiếp. Một chất giọng - một tính cách - một phận đời. Những tiếng rao cộng hưởng vào thanh vắng tạo nên bản hòa tấu cuộc sống không thể thiếu nơi thủ đô. Nếu cuộc sống có muôn màu, có lẽ, tiếng rao dệt nên gam màu tối, gam buồn man mác.
Giữa thời hiện đại, lẫn vào vô vàn thanh sắc vội vã, tiếng rao "công nghiệp hóa" với thu âm sẵn vào cat set rồi bật lên, càng tất bật, cuống quýt, càng khiến lòng ai hoài nhớ, muốn đi tìm lời rao xưa cùng bóng dáng người bán hàng bé nhỏ dần dần tan khuất đêm sâu...
Theo VNE
Em đang cũ, mòn đi... Đám bạn đại học rủ em họp lớp đầu năm. Đó là thông lệ, mỗi năm một lần, tụ lại ăn uống, vui đùa, "tám" đủ thứ chuyện. Năm nào cũng vậy, tụi bạn đều bảo em có "số hưởng": "Chồng bà giỏi, kiếm tiền nhiều. Bà chỉ việc ở nhà chăm con. Sướng thế còn gì?". Đúng là em sướng hơn nhiều...