Phút cuối của những tử tù tái sinh
Tù nhân sau giờ lao động
Trước ngày ra pháp trường, tử tù thường mang trong mình nhiều tâm trạng đan xen khó tả. Người thì run sợ, người thì trầm ngâm không cất nổi lời nói, người lại khóc lên nức nở… Nhưng thật đặc biệt và vui sướng biết bao khi trong những giây phút ấy, họ bất ngờ nhận được quyết định ân xá của Chủ tịch nước.
1. Nhờ quyết định đặc xá của chủ tịch nước dịp Quốc Khánh, giấc mơ được trở về nước Lào bắt đầu một cuộc sống mới khiến cho tử tù Xiêng Phênh (SN 1959) vui sướng vô cùng.
Năm 1995, dù có đơn xin Chủ tịch nước tha tội chết nhưng Chánh án TAND TP Hà Nội vẫn ra quyết định thi hành bản án tử hình đối với Xiêng Phênh. Hội đồng thi hành án tử hình quyết định bản án sẽ được thi hành vào sáng ngày 21/6/1996.
Trước giờ ra pháp trường, Xiêng Phênh được đưa vào một phòng có chữ “Thi hành án”. Mãi đến khi một người phiên dịch giải thích “chuẩn bị đưa anh đi bắn đấy!”, Xiêng Phênh mới thấy sống lưng mình lạnh toát.
Anh ta kể, lúc đó, khi cán bộ mang một đĩa xôi gà đến nhưng anh ta không nuốt nổi vì sợ. “ Tôi sợ đến nỗi có cảm giác khuỵu cả người xuống. Thời khắc đó tôi mới lắp bắp xin cán bộ cho khai thêm”, Xiêng Phênh nói. Và cũng từ lời khai đó, một đường dây buôn bán may túy lớn từ Lào vào Việt Nam liên quan đến một số sỹ quan công an đã bị phanh phui. Đại úy Vũ Xuân Trường, Thiếu tá Vũ Hữu Chỉnh… và một số người khác lần lượt bị bắt giam trong đường dây buôn ma túy này.
Do cần cù, Phênh được cán bộ trại giam giao làm thủ kho đội khâu bóng. Ngoài khâu bóng, Phênh còn có thêm nghề làm hương khá thành thạo, hay được quản giáo trại giam Thanh Xuân khen. Năm nào anh ta cũng được giảm án.
Phênh dự tính sau khi ra trại sẽ cùng vợ mở mang thêm trại gà, làm ăn chân chính. Ngoài ra: “Nếu có vốn, sẽ mở thêm xưởng khâu bóng, giúp những người nghèo khác ở quê tôi có thêm việc làm, chứ nếu còn nghèo khổ, không có việc làm thì dễ sa vào buôn bán ma túy lắm”, Phênh nói.
Video đang HOT
2. Năm 1991, khi mới 19 tuổi đầu, Đào Minh Tú (sinh năm 1972, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) đã đeo trên mình một bản án 18 tháng tù giam vì ban đêm cắt khóa vào nhà dân ăn trộm một chiếc xe máy.
Năm 1994, Tú lại một mình đột nhập vào nhà dân để nẫng một cái đầu VCD. Lần này Tú bị TAND huyện Từ Liêm tuyên phạt 30 tháng tù giam về tội “Trộm cắp tài sản”.
Năm 1996, người mẹ già của Tú khóc hết nước mắt khi thằng con trời đánh lại bị bắt và lĩnh 5 năm tù vì trộm hai chiếc xe máy và gây rối trật tự công cộng.
Năm 2002 Tú ra tù và kết hôn với chị Nguyễn Thị M (sinh năm 1973). Người phụ nữ hiền lành này sau đó sinh hạ cho Tú một “cô công chúa” kháu khỉnh. Nhưng trớ trêu thay, Tú đã cướp đi sinh mạng của một người khác xuất phát từ một mâu thuẫn rất nhỏ nhặt. Lần này, TAND tối cao tuyên phạt Đào Minh Tú án tử hình về tội “Giết người”!
Sau nhiều lần kháng cáo bất thành, tưởng như ngày ra pháp trường chắc chắn sẽ đến với Tú thì trong đợt ân xá của Chủ tịch Nước năm 2006, Tú đã được giảm án xuống chung thân và chuyển lên giam giữ tại Trại giam Tân Lập (Phú Thọ).
Phạm nhân Tú được cán bộ quản giáo cho vào lao động trong đội gấp giấy của phân trại. Với Tú, cải tạo không đơn thuần chỉ là làm cho xong việc mà đằng sau đó lại là một hy vọng lớn – cải tạo để báo hiếu mẹ, trả ơn vợ.
“Nếu được xếp loại tốt thì cháu sẽ được thêm thời gian gặp người thân hoặc được gặp trong phòng riêng. Cháu nợ mẹ chữ Hiếu nên cháu cố gắng cải tạo thật tốt để mỗi lần được gặp mẹ càng lâu càng tốt, mẹ cháu lên thăm thấy vậy cũng vui lòng. Bây giờ cháu chỉ có thể báo hiếu được cho mẹ theo cách đó” – Tú nói.
Bên cạnh đạo hiếu là tình nghĩa vợ chồng. Tú biết rằng vợ mình ở ngoài tuy không có nghề nghiệp ổn định nhưng đang phải một mình vừa gánh vác công việc nhà chồng, vừa chăm lo cho mẹ chồng lại tần tảo nuôi con ăn học. “Với vợ, cho dù cháu có làm gì đi nữa thì cũng không trả hết được. Cháu chỉ muốn nói một lời cảm ơn tới vợ” - Tú chia sẻ.
3. Phạm Khắc Thủy (SN 1963, trú tại Mộc Châu, Sơn La) và Nguyễn Văn Thủy (quê ở Thái Nguyên, kém Khắc Thủy 5 tuổi) đều bị kết án tử hình vì buôn ma túy và ở cạnh nhau trong phòng biệt giam suốt 3 tháng.
Khoảng 2h sáng một ngày cuối tháng 4/2005, khi hai Thủy đang chuyện trò thì tiếng cửa sắt ken két rung lên. Phòng của Thủy ở ngay ngoài, anh thấy tiếng cán bộ quản giáo nói to: “Thủy hôm nay đi trả án nhé”. Dù đã bình tĩnh đón chờ giây phút này từ lâu, nhưng sao khi nghe những âm thanh đó, anh bỗng thấy tim mình đau nhói, chân run rẩy không thể nhấc lên được. Để trấn tĩnh lại, Thủy xin cán bộ quản giáo cho thay bộ quần áo mới và hút điếu thuốc lào.
Trong lúc ngồi hút thuốc, Thủy thấy cán bộ quản giáo sang phòng bên cạnh gọi Thủy kia đi trả án. Rồi từ bên đó thấy giọng Thủy kia hồn nhiên: “Anh ơi, thế là anh em mình cùng ‘đi một chuyến đấy’. Thủy đáp lại “Ừ, lát qua Mộc Châu nhà anh ăn cơm nhé”. “Không, anh phải qua Thái Nguyên nhà em trước đã”. Hai anh em đùa nhau như vậy, nhưng sao nghe lòng mặn chát chia ly. Thủy kia được đưa ra trước để ăn bữa cơm cuối cùng và rồi ra khỏi phòng, còn Thủy cứ ngồi như vậy hút thuốc mà không thấy cán bộ quản giáo quay lại. Mãi đến 7h sáng, một cán bộ quay lại bảo: “Thủy chưa đến lượt nhé”. Thủy ngồi gục xuống, lòng trống rỗng.
Vì đã một lần tưởng sẽ phải xuống đò âm phủ, nên Thủy hiểu thế nào là sự chấm hết. Thế nên, những ngày sau đó, lúc nào anh cũng cảm thấy thời gian trôi thật nhanh, Thủy lo sợ ngày mình ra đi mà còn chưa kịp dặn dò vợ con. Thủy đã nhờ một phạm nhân xin cho một cái ruột bút bi, thi thoảng lại viết mấy dòng vào bên trong tấm áo khoác. Cứ thế, khi những lời căn dặn vợ con được Thủy ghi dày đặc lớp vải lụa lót áo, Thủy đã gửi lại cho người phạm nhân dọn dẹp và nhờ rằng, khi nào Thủy chết, anh hãy mang tấm áo đó về cho vợ con Thủy.
Nhưng tấm áo đó chưa kịp đến tay người cần nhận, thì tròn một tháng sau, vào khoảng 9h sáng, khi đang ngồi cầu nguyện cho vợ con, Thủy được cán bộ quản giáo vào dẫn ra ngoài để nghe quyết định ân xá của Chủ tịch nước từ tử hình xuống chung thân. Thủy không thể tả hết cảm giác lúc đó của mình, lâng lâng vui sướng, xúc động nghẹn ngào.
Theo VNN
Tình tiết ngoài vụ án con chặt xác cha (Kỳ cuối)
Nghiêm Viết Thành: "Điều gì có thể làm được, em sẽ làm để cho mẹ và chị không còn buồn, khổ đau vì em nữa..."
"Mục đích trước mắt của em là sẽ gắng cải tạo tốt vì mẹ và vì chị gái. Nên giờ, điều gì có thể làm được, em sẽ làm để cho mẹ và chị không còn buồn và khổ đau vì em nữa...".
"Em cũng suy nghĩ rất nhiều và biết rằng, có nghĩ nhiều, u sầu nhiều cũng không kéo lại được thời gian nữa. Mục đích trước mắt của em là sẽ gắng cải tạo tốt vì mẹ và vì chị gái. Nên giờ, điều gì có thể làm được, em sẽ làm để cho mẹ và chị không còn buồn và khổ đau vì em nữa...". Đó là tâm sự của đứa con "nghịch tử" Nghiêm Viết Thành (SN 1991, ở phường Bình Hàn, TP Hải Dương).
Quá khứ đau thương
Thấy tôi dừng lại bên phạm nhân này, Thượng úy Hiếu hiểu ý tôi và nối tiếp câu chuyện: "Đây là phạm nhân Nghiêm Viết Thành, mới chuyển từ trại tạm giam CA tỉnh Hải Dương về Trại giam Hoàng Tiến từ đầu tháng 5-2010 đến nay".
Lúc này, tôi mới nhận ra, phạm nhân Thành chính là hung thủ sát hại người cha đẻ của mình mà báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực đưa tin về vụ án. Nhưng hôm nay nhìn Thành khác nhiều so với ngày "hầu" tòa. Ngày ấy, khuôn mặt hắn hốc hác, gầy và lạnh lùng. Nhưng giờ nhìn Thành béo hơn, trắng hơn và khuôn mặt tươi tắn hơn...
"Qua hai lần xét xử, em được ân xá đặc biệt, từ tử hình xuống chung thân. Cái cảm giác lúc đó thật khó tả với em. Bởi sau lần xét xử sơ thẩm, em đã nghĩ mình không còn cơ hội sống, với tất cả những gì em đã gây ra cho gia đình và với chính người cha của em. Tất cả những giây phút kinh khủng ấy đã trôi qua, nhưng giờ mỗi lần nhớ lại em vẫn không hiểu được mình nữa.
Lúc em gây án, con người em như vô thức, không còn nhận ra được hành vi của mình. Lúc ấy, trong đầu em chỉ nghĩ làm thế nào để che giấu được hành vi tội ác của mình với mọi người. Và rồi, hàng loạt hình ảnh về phim hành động cứ hiện về trong đầu em, những hình ảnh trong các trò chơi bạo lực cứ luẩn quẩn. Lúc ấy, em như vô thức, không còn nhận ra đó là cuộc sống thực tại hay thế giới ảo nữa.
Và rồi em đã gây ra tội ác tày trời...". Thành chia sẻ thêm. Thành nhớ lại: Trưa 9-5, em đèo chị gái đi lang thang qua những con phố ở TP Hải Dương. Khi lên đến cầu Hải Tân thấy đông người, em nghe thấy có người nói: "Có xác người chết trôi ở sông". Em đoán họ đã phát hiện thấy xác bố mình nên không dừng lại mà đèo chị gái về nhà.
Đến khoảng 12g30, em đi xe máy một mình ra cầu Hải Tân để nghe ngóng tình hình, xong lại đi chơi game tiếp. Đến 21g, em nhận được điện thoại của người anh họ, em biết là sự việc đã bị bại lộ nên đã nhanh chóng lên xe chạy đi. Lúc đó, em không nghĩ được gì nữa chỉ muốn chạy đi thật nhanh, xa hẳn cái nơi ấy. Trên đường đi, em còn đánh rơi cả điện thoại của mình và chìa khóa nhà.
Ngày em bị đưa ra xét xử, nhìn mẹ ngất lên, ngất xuống, em thấy thương mẹ vô cùng. Em cố giấu, cố làm vẻ lạnh lùng để cho mẹ ghét em mà đỡ buồn. Nhưng thấy mẹ đau đớn nhìn em, ngồi một góc cùng chị gái, em thấy trách mình, trách cái hành vi tàn độc của mình, khiến hai người em yêu thương nhất phải gánh chịu hậu quả. Thấy con bị tuyên án tử hình, mẹ vẫn không nguôi hy vọng xin cho em được giảm án. Mẹ đã lặn lội lên trại thăm em, khuyên em làm đơn kháng cáo, mong có cơ hội sống. Rồi tất cả những vất vả, ngược xuôi của mẹ em cũng được đền đáp bằng việc em được tha tội chết. Nước mắt em đã rơi khi nghe tòa tuyên án, lúc đó, em nghĩ rằng em sẽ làm tất cả, dù khó khăn đến mấy, em cũng cam chịu để bù đắp công lao, lòng vị tha trời biển của mẹ".
Những ngày hy vọng...
"... Những ngày đầu tiên về trại giam, cái cảm giác sợ, buồn và cô đơn cứ ùa về và em thường hay ngồi thu mình ở một góc buồng giam. Biết được hoàn cảnh và nỗi lòng của em, cán bộ giáo dục Sơn cũng thường xuyên gọi em ra tâm sự riêng và thầy khuyên em rất nhiều điều.
Giờ đã thành lệ, buổi sáng em dậy và khoảng 6g bắt đầu đi lao động, sau đó đến 10g về ăn uống, nghỉ trưa; đến chiều lại bắt đầu từ làm việc từ 14g đến 16g là được nghỉ về tắm, giặt và ăn cơm, rồi về phòng. Buổi tối rảnh, em cũng hay đọc báo, đọc tạp chí, xem ti vi nên cũng quên đi nhiều mặc cảm. Nhiều lúc rảnh, em cũng viết thư cho mẹ, trong những bức thư ấy, em cũng đã khuyên mẹ hãy giữ gìn sức khỏe. Em hứa với mẹ sẽ làm lại cuộc đời.
Giờ tư tưởng em cũng đã ổn định hơn rồi và em còn tăng cân nữa đấy chị ạ. Hiện nay, em ở trong phòng có gần 80 phạm nhân, nhưng em là người trẻ tuổi nhất trong buồng giam, nên nhiều anh em cũng động viên chia sẻ. Đặc biệt, là anh Dũng, hơn em cả chục tuổi, cũng là người Hải Dương. Anh ấy dẫn dắt em từng ly, từng tý một, bảo cho em cách ứng xử với mọi người như thế nào cho phù hợp...
Cũng vì mới vào môi trường trại giam nên em đang dần thích nghi, nhiều lúc nhớ lại những món chuối đậu, cá kho, thịt băm mà mẹ làm cho em và chị ăn mỗi lần mẹ về nước mà thấy nhớ mẹ thế chị ạ! Rồi nhớ những cái tết Trung thu, tết Nguyên đán, em được chị đưa đi dạo quanh phố phường, rồi hai chị em cùng nhau đi dạo quanh hồ... Cái cảm giác ấy, thật tuyệt! Nhớ lắm, nhưng em sẽ cố kìm nén để mẹ và chị biết rằng em đã lớn rồi và không phải suy nghĩ về em nhiều nữa.
Từ ngày em về đây, em cũng quên những trò chơi game ấy và cũng từ ngày ấy, cô bạn gái của em chưa một lần lên thăm em. "Con gái bây giờ phụ bạc lắm chị ạ", Thành cười rất tươi và bảo, "đùa chị cho vui thôi, chứ em và cô ấy cũng chỉ là tình cảm nhất thời, bồng bột của tuổi học trò, không có gì sâu đậm chị ạ, cô ấy rồi cũng có cuộc sống riêng. Nếu cô ấy lên thăm, em lại thấy áy náy vì cảm thấy mắc nợ người ta. Cứ như này lại hóa hay chị ạ".
"Em cũng suy nghĩ rất nhiều và biết rằng, có nghĩ nhiều, u sầu nhiều cũng không kéo lại được thời gian nữa. Cái mục đích trước mắt của em là sẽ gắng cải tạo tốt vì mẹ và chị gái. Bởi mẹ đã vất vả, chạy ngược, chạy xuôi lo cho em vào những ngày gian khó nhất, mẹ như sinh em ra lần thứ 2 vậy. Nên giờ, điều gì có thể làm được, em sẽ làm để cho mẹ và chị không còn buồn và khổ đau vì em nữa...".
Theo Pháp luật xã hội
Tình tiết ngoài vụ án con chặt xác cha (Kỳ 2) Bị cáo Nghiêm Viết Thành như được sinh ra lần thứ 2 Nghe tòa tuyên án, Nghiêm Viết Thành như được sinh ra lần thứ hai, hắn mừng mừng, tủi tủi, cổ họng ứa nghẹn. Còn về phần bà Nguyên, cái cảm giác thật khó tả khi con được tha tội chết. Bà chẳng biết nói gì hơn nữa, chỉ biết nói rằng:...