Phút cuối của người đàn ông bị cảnh sát Mỹ ghì chết
Đồn cảnh sát Minneapolis, bang Minnesota đêm 25/5 nhận cuộc gọi từ một chủ cửa hàng, thông báo nghi ngờ George Floyd tiêu thụ một tờ 20 USD giả.
Sau khi nhận cuộc gọi, hai sĩ quan cảnh sát đầu tiên có mặt tại hiện trường là Thomas Lane và J.A. Kueng. Họ đến gần xe của Floyd, thấy người đàn ông 46 tuổi này ngồi ở ghế lái, hai người khác cũng có mặt trên xe.
Sau cuộc trao đổi ngắn với Floyd, cảnh sát Lane rút súng, chĩa vào cửa kính xe, yêu cầu anh này giơ tay lên. Khi Floyd đặt hai tay lên vô lăng, Lane cất súng, ra lệnh cho anh này ra ngoài và kéo anh ra khỏi xe.
Theo báo cáo sự việc, Floyd lúc đầu “chống cự khi bị còng tay”, nhưng trở nên “tuân thủ” khi đã bị còng. Cảnh sát Lane cho Floyd ngồi xuống và hỏi tên, giấy tờ tùy thân và giải thích tại sao anh ta bị bắt. Lane và Keung sau đó xốc Floyd đứng dậy, kéo anh ta đến chiếc xe tuần tra.
Lúc 20h14, Floyd đột nhiên cứng đờ người, ngã xuống đất và nói với các sĩ quan rằng anh ta bị nghẹt thở. Hai cảnh sát Derak Chauvin và Tou Thao sau đó điều khiển một xe tuần tra khác tới hiện trường.
Video cho thấy Floyd bị ba cảnh sát ghì đầu gối lên người. Video: CNN.
Năm ngoái, Floyd và Chauvin, 44 tuổi, vẫn làm việc cùng nhau tại một hộp đêm ở Minneapolis. “Khi không thực hiện nhiệm vụ, Chauvin làm thêm ở hộp đêm trong suốt 17 năm chúng tôi hoạt động”, Maya Santamaria, chủ hộp đêm El Nuevo Rancho, nói.
“Họ làm việc cùng khung thời gian, chỉ là Chauvin làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh ở bên ngoài, còn Floyd làm bảo vệ bên trong hộp đêm”, Santamaria cho hay. Các nhân viên bảo vệ như Floyd có nhiệm vụ ngăn chặn những kẻ gây rối bên trong hộp đêm.
Tuy nhiên, Santamaria không rõ hai người có biết nhau hay không.
4 sĩ quan cảnh sát cố gắng đẩy Floyd vào băng ghế sau của xe tuần tra, nhưng anh này “không tự nguyện vào xe và vật lộn với các sĩ quan bằng cách cố tình ngã xuống”, theo hồ sơ tại tòa án.
Khi đứng bên ngoài xe, Floyd bắt đầu kêu rằng anh không thể thở được. Các sĩ quan vẫn tìm cách đẩy anh ta vào trong xe từ phía ghế phụ, nhưng Chauvin sau đó kéo Floyd khỏi xe.
Dưới lực kéo của Chauvin, Floyd ngã úp mặt xuống đường, tay vẫn bị còng. Hai sĩ quan Kueng và Lane giữ chân anh này, trong khi Chauvin ghì đầu gối trái lên gáy của Floyd từ 20h19.
Floyd liên tục kêu lên “Tôi không thể thở”, “Mẹ ơi” và “Làm ơn”, nhưng các cảnh sát vẫn giữ nguyên vị trí. Một sĩ quan nói với Floyd rằng “Anh vẫn đang nói cơ mà”.
Cảnh sát Lane sau đó hỏi: “Chúng ta có nên lật anh ta lại không?”, Chauvin đáp: “Không, giữ nguyên như khi chúng ta tóm được hắn”.
Khi Lane bắt đầu lo lắng rằng Floyd có thể rơi vào trạng thái mê sảng do kích động, Chauvin trả lời: “Đó là lý do chúng ta nên để hắn nằm sấp”.
Đến 20h24, Floyd ngừng giãy giụa. Chỉ khoảng một phút sau, video cảnh Floyd bị ghì gáy, nằm im bất động xuất hiện trên mạng xã hội.
Sĩ quan Keung kiểm tra mạch trên cổ tay phải của Floyd và nói anh không thể bắt được mạch, nhưng không ai trong số 4 cảnh sát có hành động nào đáng kể. Đến 20h27, Chauvin mới bỏ đầu gối khỏi gáy Floyd.
Xe cứu thương tới hiện trường và Floyd được tuyên bố đã chết tại Trung tâm Y tế Hạt Hennepin ngay sau đó. Các công tố viên cho biết dù bị ghì gáy trong khoảng 9 phút, Floyd không phải chết do ngạt thở.
Hồ sơ truy tố nói rằng Floyd mắc các bệnh lý nền gồm động mạch vành và suy tim do tăng huyết áp. “Những tác động kết hợp của việc Floyd bị cảnh sát ghì gáy, bệnh lý nền và bất kỳ chất kích thích tiềm tàng nào trong cơ thể Floyd đã dẫn đến tử vong”, hồ sơ có đoạn.
Cảnh sát Derek Chauvin ghì đầu gối lên cổ George Floyd trong vụ bắt hôm 25/5. Ảnh: CBS.
Những người bạn nói rằng Floyd là một người “luôn vui vẻ”. Anh bị cho nghỉ việc bảo vệ tại nhà hàng Conga Latin Bistro kể từ khi cơ sở này phải đóng cửa vì Covid-19. Với chiều cao khoảng 2 mét, anh được bạn bè gọi là “gã khổng lồ hiền lành”. Jovanni Tunstrom, chủ nhà hàng Conga Latin Bistro, cho hay Floyd luôn có thái độ tốt.
“Anh ấy sẽ cố tình nhảy kiểu rất tệ để chọc cười mọi người. Tôi đã gắng dạy anh ấy nhảy vì anh ấy yêu nhạc Latinh, nhưng tôi không thể vì anh ấy quá cao. Anh ấy luôn gọi tôi là sếp, nhưng tôi nói ‘Floyd, đừng gọi tôi là sếp, tôi là bạn anh’”, Tunstrom kể lại.
Floyd trước đây sống ở Houston, nơi anh được biết đến như một ngôi sao của đội bóng bầu dục địa phương. Tuy nhiên, Floyd sau đó sa ngã và bị bắt năm 2007 với tội danh cướp có vũ trang vì đột nhập vào một nhà hàng ở Texas. Anh ta bị kết án 5 năm tù vào năm 2009.
Năm 2014, sau khi ra tù, Floyd chuyển đến Minneapolis, để lại một cô con gái hiện 6 tuổi và sống với mẹ. Đại dịch tấn công khiến Floyd mất việc ở nhà hàng lẫn nghề tài xế xe tải.
Lời cuối cùng của Floyd, “Tôi không thể thở”, trở thành thông điệp được hô trong các cuộc biểu tình đang nổ ra trên khắp nước Mỹ, trong đó nhiều vụ đụng độ bạo lực, đốt phá, cướp bóc đã xảy ra.
Đồn cảnh sát nơi Chauvin làm việc đã bị đốt rụi. Cả 4 sĩ quan liên quan đến sự việc đều đã bị sa thải, trong đó Chauvin bị kết tội ngộ sát, ba người còn lại đang bị điều tra.
Dù vậy, đám đông biểu tình vẫn chưa thỏa mãn. Tình trạng thất nghiệp và khó khăn kinh tế do Covid-19 càng khiến các cuộc biểu tình trầm trọng hơn, biến nước Mỹ thành một “thùng thuốc súng” có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Đây được cho là lời nhắc nhở đau đớn cho nước Mỹ về lịch sử lặp lại của nạn phân biệt chủng tộc cũng như tình trạng bạo lực của cảnh sát với người da màu. Eric Garner cũng từng thốt ra những lời tương tự khi anh bị cảnh sát kẹp cổ đến chết trên Đảo Staten, New York, vào tháng 7/2014. Cả hai nạn nhân đều da màu và hai sĩ quan cảnh sát đều là người da trắng.
Thủ đô Mỹ áp lệnh giới nghiêm
Thị trưởng Washington ra lệnh giới nghiêm tối 31/5 và huy động Vệ binh Quốc gia hỗ trợ cảnh sát đối phó người biểu tình.
Lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 23h ngày 31/5 đến 6h sáng ngày 1/6, được áp dụng nhằm đối phó người biểu tình tập trung gần Nhà Trắng, Thị trưởng Washington Muriel Bowser cho hay, dù trước đó cho biết bà sẽ không áp đặt lệnh giới nghiêm vì tin rằng những người biểu tình bạo lực sẽ không tuân thủ biện pháp này.
Ký giả Steve Dresner của đài phát thanh WTOP cho biết người biểu tình ở quảng trường Lafayette đối diện Nhà Trắng ban đầu "khá trật tự nhưng ồn ào". Tình hình trở nên căng thẳng khi có người đập vỡ kính một xe cảnh sát, khiến lực lượng an ninh phản ứng bằng cách bắn hơi cay và lựu đạn choáng về phía đám đông.
Cảnh sát chắn trước đám đông người biểu tình tại thủ đô Washington hôm 31/5. Ảnh: AFP.
Ngoài thủ đô Washington, ít nhất 40 thành phố tại Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm nhằm đối phó các cuộc biểu tình đòi công lý cho George Floyd. Khoảng 5.000 lính Vệ binh Quốc gia đã triển khai tới thủ đô Washington và 15 bang, trong khi 2.000 lính dự binh đang sẵn sàng cơ động.
Ba bang gồm Arizona, Texas và Virginia đã ban bố tình trạng khẩn cấp để tăng khả năng huy động nhân lực và trang bị nhằm giải quyết tình trạng bạo lực và hôi của.
George Floyd, người đàn ông tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, tử vong tại bệnh viện hôm 25/5, sau khi bị sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin ghì chặt đầu gối lên gáy trong hơn 9 phút, dù liên tục cầu xin và nói rằng anh "không thể thở".
Các cuộc biểu tình "Tôi không thể thở" khởi phát từ Minneapolis hiện lan rộng khắp nước Mỹ. Hàng trăm người đã bị bắt, nhiều tài sản, nhà cửa bị phá hoại. Chauvin đã bị truy tố tội giết người cấp độ ba và ngộ sát do bất cẩn, nhưng nhiều người chưa thỏa mãn với tội danh này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi cái chết của Floyd là một "thảm kịch", nhưng cho rằng các hành vi bạo lực quá khích là hành động của "những kẻ cướp bóc, vô chính phủ". "Chúng ta không thể và không được cho phép một nhóm nhỏ tội phạm cùng những kẻ phá hoại tàn phá các thành phố và cộng đồng dân cư của chúng ta", ông nói.
Nữ phóng viên trúng đạn khi đưa tin biểu tình Mỹ Nữ phóng viên ảnh tự do Linda Tirado ngày 29/5 bị bắn trúng mắt trái trong lúc đang đưa tin về biểu tình ở Minneapolis, bang Minnesota. Sau khi Tirado bị trúng đạn, dường như là đạn cao su từ cảnh sát, một số người biểu tình đã đưa cô tới bệnh viện. Sau phẫu thuật, Tirado được các bác sĩ báo tin...