“Phượt” ở xứ ngàn cau, ngắm mây ngàn lang thang trên ruộng
Có người bạn đang làm việc tại TP.Hồ Chí Minh nhờ tôi giới thiệu địa điểm “phượt”, để cùng bạn bè về thăm quê hương trong thời gian đến. Tôi liền nghĩ ngay đến xứ ngàn cau thấp thoáng trong làn sương mờ ảo, với những ngôi nhà sàn nằm cheo leo trên triền núi. Vẻ đẹp ấy sẽ khiến những người bạn phương xa nơi đô thị cảm thấy hấp dẫn, thú vị.
Rong chơi ở miền tây Quảng Ngãi
Để lên xứ ngàn cau Sơn Tây, từ TP.Quảng Ngãi, bạn có thể qua Quốc lộ 24B rồi đến Tỉnh lộ 623. Trên chặng đường ước chừng khoảng 70km đi bằng xe máy có khá nhiều địa điểm thú vị, thuận tiện để những người bạn lần đầu tiên đến Quảng Ngãi cùng nhau tham quan, tìm hiểu. Điểm dừng chân đầu tiên là đại công trình thủy lợi Thạch Nham mang nước về tưới mát các xứ đồng trong tỉnh, cách TP.Quảng Ngãi 25km.
Những thửa ruộng bậc thang xanh thơ mộng ở xứ sở ngàn cau.
Tiếp theo là đèo Cà Đáo, với những khúc quanh co vừa phải trước khi vào thị trấn Di Lăng (Sơn Hà). Cách trung tâm huyện Sơn Tây một quãng đường tầm 25km, nhưng đây là đoạn đường vừa “thử sức” du khách với những đoạn dốc, quanh co, nhưng cũng không kém phần nên thơ, với núi đồi trùng điệp, cây cối xanh ngát.
Phong cảnh thiên nhiên ở Sơn Tây như nàng tiên e ấp, lặng lẽ giữa đại ngàn với những dải mây trắng hờ hững vắt qua triền núi. Ở Sơn Tây, cây cau mọc khắp nơi trong các bản làng, kể cả trên núi xa, vì thế nhiều người hay gọi là xứ ngàn cau.
Tôi đã có một trải nghiệm khá thú vị khi đi trên con đường Đông Trường Sơn vào lúc trời hửng nắng sau một cơn mưa ập đến. Đường tạnh ráo, mây trắng sà xuống tận mặt đường, từ xa như những chùm bông trắng mịn. Dọc đường là những thửa ruộng bậc thang thơ mộng của đồng bào vùng cao.
Những năm gần đây, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng một số dịch vụ như lưu trú, quán cà phê… tại xứ ngàn cau có thể đáp ứng nhu cầu về chỗ ở và ăn uống của du khách. Một trong những món ăn dân dã có hương vị đậm đà, thơm ngon, đó là canh rau ranh ốc đá.
Chỉ cần bạn đặt trước, các hàng quán ở trung tâm huyện Sơn Tây sẽ chuẩn bị ốc để ngâm sạch qua đêm. Ngoài ra, bạn còn có thể thưởng thức những món cá tươi ngon nướng trên bếp than hồng. Cá ở đây được đánh bắt ở các con suối hoặc lòng hồ thủy điện, vẫn giữ được độ tươi ngon, chắc thịt. Không thể không nhắc đến món cá niên nướng chấm muối ớt đặc trưng của đồng bào vùng cao.
Video đang HOT
Thật thú vị với trải nghiệm nướng thịt bên những con suối tung bọt trắng xóa, mát rượi.
Gần trung tâm huyện có khá nhiều con suối lớn nhỏ, nước trong vắt, rất thích thú để dạo chơi giữa đại ngàn. Bạn có thể ngồi trên những tảng đá to, ngâm chân trong dòng nước mát tại những con suối như Ka Xim, Nước Toa… Do có những tảng đá to chắn giữa, nên suối chảy thành từng tầng, tung bọt trắng xóa đẹp mắt. Không khí mát mẻ, thoáng đãng và trong lành. Một con gà làm sẵn, ít cá niên và muối ớt, bạn đã có thể cùng bạn bè có bữa tiệc hấp dẫn bên bờ suối không nơi nào sánh bằng…
Vùng đất giàu bản sắc văn hóa
Sơn Tây không chỉ sở hữu vẻ đẹp nguyên sơ, bình dị và hùng vĩ của núi rừng, ở đó còn có những con người Ca Dong thật lòng và hiếu khách. Một trong những điểm đến giúp bạn hiểu thêm đời sống, văn hóa Sơn Tây là những ngôi nhà sàn của đồng bào vùng cao. Ở xứ ngàn cau, người Ca Dong còn giữ lại rất nhiều nhà sàn và những nhạc cụ truyền thống của dân tộc.
Người Ca Dong còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo.
Đó là nhà sàn của già Đinh Văn Nam, ở thôn Mang Tà Bể, xã Sơn Bua, sát bên đường Trường Sơn Đông còn những bộ ché quý. Xa hơn vài km về phía bắc, qua chiếc cầu treo, bạn có thể đến thăm nhà của già Đinh Văn Lập, ở thôn Nước Tang, xã Sơn Bua, tận mắt chứng kiến những chiếc chiêng quý.
Bên chén chè xanh nóng hổi, già Lập đánh những hồi chiêng bập bùng, ngân vang. Hay như nhà của bà Đinh Thị Dứa, ở khu dân cư Ka La, xã Sơn Mùa còn bộ sưu tập sáo tà lía, đàn brooc, đàn ra ngói… Bà Dứa có giọng hát mượt mà, cất tiếng ca những làn điệu dân ca ra nghé, ka lêu như thanh âm con suối róc rách không ngừng.
Có dịp đến thăm, bạn sẽ được thưởng thức bát nước chè xanh mọc tự nhiên trên núi do đồng bào hái về, hay cùng uống với chủ nhà ly rượu cần mà họ đã cẩn thận cất trên gác bếp.
Rượu được lên men tự nhiên từ một loại lá rừng, nên uống có vị ngọt, ngon. Người Ca Dong rất tự hào về truyền thống dân tộc mình. Bạn có thể ngồi lâu hơn, nghe họ kể những câu chuyện đã đi qua trên vùng đất ngàn cau…
Thuận lợi trong giao thương
Sơn Tây có vị trí địa lý khá thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, đi lại giữa các huyện miền núi của ba tỉnh Quảng Ngãi – Kon Tum – Quảng Nam. Con đường Trường Sơn Đông về phía bắc kết nối với huyện Nam Trà My (Quảng Nam), còn về hướng nam là huyện Konplong (Kon Tum). Từ Sơn Tây, chỉ tốn khoảng thời gian 2 tiếng đồng hồ nữa, bạn có thể tiếp tục chuyến phượt miền núi độc đáo, hấp dẫn, với điểm đến Măng Đen nên thơ…
Theo Bảo Hoà (Báo Quảng Ngãi)
Thị trường Trung Quốc "dở chứng", dân buôn cau mất tiền tỷ
Chỉ mấy ngày trước, thương lái vẫn thu mua cau non ồ ạt với giá cao, rồi bất ngờ gần đây, thị trường Trung Quốc hạ giá và tạm dừng mua cau non. Tình trạng này khiến nhiều tiểu thương ở Quảng Ngãi thiệt hại tiền tỷ.
Người dân Quảng Ngãi sấy cau non. Ảnh: C.X
Bà M.N (một chủ cơ sở chế biến cau ở huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) nói như khóc: "Chuyến hàng vừa rồi, hơn 3 tấn cau chỉ được mua với giá 17.000 đồng/kg, thấp hơn gần cả chục ngàn đồng/kg so với lúc cao điểm trước đó. Đồng thời, gần 1 tấn cau non còn bị phía Trung Quốc ngừng mua và trả về, làm tôi lỗ hơn 100 triệu đồng".
Người dân trèo hái cau. Ảnh: C.X
Những ngày trước, cau tăng giá kỷ lục nên các tư thương lặn lội về tận các vùng sâu, xa thu mua.
Việc "dở chứng" của thị trường Trung Quốc đã làm hàng loạt thương lái, cơ sở thu mua chế biến cau ở Sơn Tây và vùng lân cận bị thiệt hại từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Ông H.Q (chủ cơ sở cau có tiếng ở Sơn Tây, nay đã giải nghệ) bày tỏ: "Ngoài chiêu trò và sự thất thường của thị trường Trung Quốc, việc thị trường cau đột ngột tạm ngừng còn do một phần bởi người buôn mặt hàng này ở địa phương".
Theo ông H.Q, đầu vụ cau năm nay, cùng với thu gom ồ ạt không chê non già, phía Trung Quốc liên tục nâng giá thu mua cau. Vì vậy các thương lái, cơ sở chế biến cau ở địa phương tranh nhau tăng giá mua lên cao ngất ngưỡng để gom hàng, có thời điểm cao tươi lên đến 25.000-27.000 đồng/kg, cao hơn dưới đồng bằng khoảng 5.000 đồng/kg. Vì vậy khi thị trường Trung Quốc "dở chứng" thì nhiều thương lái thiệt hại từ vài trăm triệu cho tới tiền tỷ. Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ chính nhiều mặt hàng nông sản khác của người dân miền Trung như dưa hấu, ớt,... Sự bấp bênh của thị trường này đã nhiều lần diễn ra làm nông dân và thương lái trong nước thiệt hại nặng.
Được biết, huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) hiện có khoảng khoảng 1.100ha đất trồng cau.
Theo Danviet
Lạ: Chủ quán cho trăn, kỳ đà "ngồi" uống cà phê chung với... khách Cùng với bể cá mi ni đủ màu sắc đặt trên bàn, anh Liêm còn chọn một số vật nuôi cảnh nhỏ như trăn, kỳ đà...mang đến trưng bày tại quán, gây nhiều thích thú cho khách khi đến quán này. Thời gian gần đây nhiều người khách đến uống tại quán cà phê nhỏ ở số 317, đường Phan Đình Phùng-TP.Quảng Ngãi...