Phượt Hải Vân
Hiện nay, cứ đi xa là leo lên tàu bay, dính lưng vào ghế một cái là đã thấy thấp thoáng điểm đến ngoài cửa sổ. Vì thế, cái cảm giác thi vị của cuộc hành trình cũng vơi đi nhiều.
Lần này, dầu vẫn không thoát được cách đi phổ thông do quỹ thời gian hạn hẹp, nhưng tôi đã kịp có cho mình một cuộc phiêu du đúng nghĩa.
Cuối tuần, nhân một lời hẹn, tôi và cậu em đồng nghiệp nhảy tàu bay vào Đà Nẵng. Một cuộc delay 2 giờ ở Nội Bài không làm niềm vui của chuyến đi bị giảm sút. Mà nói thực, với tình trạng giao thông, đường băng sửa chữa như hiện tại, tôi đã coi việc bị hoãn, chậm chuyến là một phần của các cuộc dịch chuyển.
Sau một chuyến bay dài, một buổi tối và buổi sáng hôm sau gặp gỡ vài đồng nghiệp. Cậu em ở Văn phòng đại diện miền Trung và Tây Nguyên dí cho tôi “ẻm” motor và dặn: “Em đã đổ đầy xăng, căng lốp, anh cứ việc đi”.
Cũng mất vài phút ve vuốt, rồi chạy tà tà dọc bờ biển cho quen côn, quen máy, tôi và cậu em đồng nghiệp bắt đầu lên đường.
Trời chiều lòng người đến lạ: nắng nhẹ, trời xanh ngắt, mây trắng như bông, gió biển mang cái mát mẻ, khí khái của đại dương thổi miên man.
Khách sạn chúng tôi ở ngay bãi Mỹ Khê, chỉ cần chạy thẳng đường Võ Nguyên Giáp, rẽ vào đường Phạm Văn Đồng, qua cầu sông Hàn, bám theo Bạch Đằng, đi tiếp Đường 3/2, rồi chạy theo đường Nguyễn Tất Thành, gặp đường Nguyễn Lương Bằng quẹo phải, rồi gặp đường Nguyễn Văn Cừ là có thể lên đèo.
Đường đèo đẹp và không quá nhiều xe. Chạy được một đoạn đèo, qua Hạt kiểm lâm quận Liên Chiểu, lên đến trạm trung chuyển xăng dầu là cả thành phố Đà Nẵng đã được thu vào trong mắt.
Vẫn đúng với nguyên lý càng lên cao càng mát. Chúng tôi cứ nhẩn nha đi, hễ góc nào đẹp là lại dừng để chụp ảnh. Điểm đầu tiên khá gần Đà Nẵng, ngay sau quán cà phê Hải Vân Viên là một điểm ngắm cảnh thật đẹp. Từ đây, có thể nhìn toàn bộ thành phố Đà Nẵng (tầm thấp) và vịnh Nam Chơn.
Vịnh Nam Chơn như một mảnh trăng khuyết hướng ra biển với bãi cát trắng, êm mượt như nhung. Ngoài xa lẻ loi một hòn đảo nhỏ mà tôi không biết tên. Trong bờ, thấp thoáng ẩn hiện trong tán cây, là nét vẽ mềm mại đầy chất thơ của đường sắt Bắc – Nam. Từ Đà Nẵng sang Huế, đây là điểm đầu tiên dừng chân ngắm cảnh đẹp. Lúc chúng tôi đến, trên trời, một chòm mây hình trái tim lơ đãng đậu trên hòn đảo xa. Dầu trời nắng, nhưng điều hòa thiên nhiên đang ở 25 độ mát, gió núi vi vút.
Cậu em tôi khoái quá bảo: “Thế này em đi cả tháng cũng không mệt!”.
Tôi còn nhớ mãi, ngày trước trong các chuyến xe khách Bắc – Nam, lên đèo vừa thích, lại vừa sợ. Thích vì được ngắm cảnh núi cao biển rộng, nhưng sợ vì những đoạn dốc dài, những khúc cua tay áo. Thi thoảng lại sởn gai ốc khi nhìn thấy bát hương, ngôi miếu nhỏ lẻ loi thờ những người chẳng may bỏ mạng vì đèo dốc.
Video đang HOT
Tôi nhớ có đận, đang đi thì thấy mấy anh công binh ra chặn đường. Cả đoàn xe dừng lại đợi chờ thì “ùm”, “ùm”, nghe đất đá bay rào rạt, hóa ra đó là tiếng nổ mìn để phá núi, phá đá, sửa chữa gì đó.
Có bận, tôi đi miền Nam vào mùa Đông, trên người mặc đầy những áo, vậy mà chỉ cần lên đến nửa đèo đã thấy bứt rứt, nóng nực. Đèo Hải Vân là minh chứng rõ nhất cho sự chuyển đổi thời tiết hai miền, nửa ngoài Huế còn lạnh, nửa đằng Đà Nẵng đã ấm áp, chói chang.
Quay lại chuyến đi, đèo Hải Vân thì cây thông cô đơn có lẽ là cây nổi tiếng nhất. Cây nằm giữa đoạn từ chân đèo và Hải Vân Quan. Ngay gần đó cũng có một quán nước cho du khách nghỉ ngơi. Chỗ này khúc cua nhưng mặt ngang đường rất rộng nên nhiều bạn trẻ phải checkin sống ảo cho bằng được vài kiểu ảnh với cây thông. Chính về thế, ở dưới gốc cây thường hay có người. Cậu em bảo: “Tên là cây thông cô đơn mà em thấy nó chả cô đơn tý nào, lúc nào cũng có trai xinh gái đẹp vây quanh,…”.
Nghe cậu em nói cũng có điều cảm thán lắm.
Chạy thêm đoạn nữa là đến di tích Hải Vân Quan, “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” nước Việt. Ở đây, nhìn về phương Nam thì thu vào toàn cảnh Đà Nẵng, nhìn ngược ra Bắc thì ngắm trọn Lăng Cô. Đây cũng là điểm mà nhiều khách du lịch lựa chọn dừng lại nghỉ chân, thăm thú và chụp ảnh nhất.
Ông chủ quán nước mời chúng tôi vào không quên dặn dò: “Hai chú cứ để xe đây cho mát rồi lên chụp ảnh, tý quay lại đây uống nước nghỉ ngơi”.
Nghe thân quen như người nhà ấy.
Từ Đà Nẵng ra, thì chạm vào Hải Vân Quan đã là đất thần kinh xứ Huế. Lúc này, lái xe khá nhàn vì cơ bản là xuống dốc, nên dầu mặt đường có xấu hơn nhiều, thì cảm giác cũng vẫn rất ổn.
Từ đây, tôi chạy thẳng một mạch đến gần chân đèo, có một điểm dừng chân tuyệt đẹp có thể thu gọn vào tầm mắt cả làng chài, bến tàu, bãi biển Lăng Cô (khu nghĩa địa, dân làng gọi là khu nhà mồ), đầm Lập An, đường vào hầm và cả một khúc cua đường sắt nữa. Ở đây, với những người chưa biết đến Lăng Cô, thì có lẽ vẫn là góc view giá trị nhất.
Tôi từng ghé Lăng Cô vài bận, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thu vào tầm mắt một Lăng Cô đẹp như thế. Trời miền Trung ngắt xanh, gió biển mang hơi mát đại dương thổi vào không dứt. Bãi cát dài mịn, thẳng tắp, sóng vỗ ì oạp. Ngay chân đèo, một bến thuyền hàng chục chiếc đang neo lại. Trên cầu, từng đoàn xe nối đuôi nhau chui hầm, xa xa là Đầm Lập An, dưới chân đèo nơi cửa đầm, tiếng máy nổ vui tai đưa con thuyền từ trùng dương về bến…
Đây là lần đầu tiên tôi phượt đèo Hải Vân bằng xe máy, nên cao hứng lắm, vừa chạy xe, vừa cố tận hưởng khí tươi, gió trời miền Trung. Vừa xuống đến chân đèo, hai bên đường, các điểm rửa xe, bơm nước mui thi nhau chào đón. Cảm giác tà tà chạy xe khi hai bên đường là các cột nước phun cao đến cả chục mét nghe cũng vui vui, một sự chào đón tuyệt vời để “nhập” Lăng Cô. Nó còn khiến tôi tưởng ra cảnh các hãng hàng không làm nghi thức đón chào tàu bay mới.
Ghé Lăng Cô, sau khi chạy một vòng đường ven biển, do còn sớm, chúng tôi quyết định vào làng chài, ghé thăm nhà thờ đạo, xem cuộc sống người dân. Xong một vòng mới quay trở lại bãi biển để dùng bữa trưa.
Tiêu chí đưa ra là trưa ăn biển, tối ăn hồ. Sở dĩ tôi có ý này, bởi ban trưa mà ngồi bên biển, làm một vài chai bia thì không gì thú bằng. Còn chiều về, hoàng hôn trên Đầm Lập An vốn là một sự thết đãi tuyệt mỹ không thể bỏ qua mà vài người bạn quen đã rỉ tai mách nước.
Lang thang khám phá những điểm không thể bỏ qua ở Đà Nẵng
Tôi cũng không nhớ nổi mình đã trở lại với phố biển Đà Nẵng bao lần, chỉ biết là càng đi càng say, về rồi lại nhớ...
Đà Nẵng nổi tiếng với rất nhiều điểm đẹp, du lịch nơi đây chắc chắn sẽ để lại cho bạn những ấn tượng khó quên. Tôi cũng không nhớ nổi mình đã trở lại với phố biển này bao lần, chỉ biết là càng đi càng say, về rồi lại nhớ...
Mỗi lần có dịp trở lại Đà Nẵng, tôi lại có sở thích thuê một chiếc xe máy rồi lang thang chơi một vài điểm tại đây. Trong các điểm đến ấy, tôi đặc biệt thích chinh phục đèo Hải Vân - con đèo huyền thoại dài khoảng 21km nối từ Đà Nẵng sang Huế với nhiều vòng cua ấn tượng, một bên là núi, một bên nhìn hướng biển, cây cỏ bao quanh.
Đó sẽ là cảm giác ấn tượng không thể nào quên. Trên cung đường này, ngoài hít hà không khí trong trẻo của rừng núi, bạn còn được ngắm một biển trời bao la và có thể nghỉ bất kỳ chỗ nào bạn thích. Đây là con đèo khá dễ dàng để chinh phục, các bạn gái cũng có thể tự mình di chuyển mà không cần phải lo lắng gì cả. Cả cung đường dài ngoằn ngoèo lên dốc xuống dốc ấy sẽ có một vài điểm để bạn dừng lại và "sống ảo".
Đèo Hải Vân như dải lụa uốn lượn.
Đó có thể là một mỏm đá khá lớn, nằm ngay ven đường hướng biển. Đứng trên mỏm đá phóng tầm mắt nhìn ra biển, cảm giác mình thật nhỏ bé. Khi gần lên đỉnh đèo sẽ có một khúc cua gập tay áo. Chỗ này thì hầu như ai tới cũng phải dừng lại chụp vài tấm cho bõ công leo đèo.
Tiếp tục đi lên trên đỉnh đèo, sẽ có cột mốc phân chia địa phận Đà Nẵng và Huế. Chỗ này khá rộng, đủ để đỗ các loại xe, có vài quán xá mọc lên, bạn vừa có thể uống nước, nghỉ ngơi, vừa có thể mua đồ.
Tại đây vẫn còn dấu vết của một cửa ải với tên gọi là Hải Vân Quan, xây từ đời Trần. Bất kỳ ai lên tới đỉnh đèo, đều leo lên cửa ải và lô cốt để chụp hình làm kỷ niệm. Gần xuống hết đèo, bạn sẽ vô cùng ấn tượng trước bãi biển và làng chài Lăng Cô. Nơi đây có khá nhiều con thuyền nhỏ neo đậu.
Ngoài ra từ đây, bạn còn được ngắm cây cầu nối với hầm Hải Vân rất đẹp. Đi được một đoạn ngắn, bạn sẽ thấy biển báo rẽ tay trái đi ra phía tây đầm Lập An - với chiều dài khoảng 5 - 6km. Đây là một con đầm nước lợ rất đẹp, nước trong veo, in bóng trời mây. Bao quanh đầm là con đường chạy ven chân núi theo một vòng tròn, nghĩa là bạn đi từ phía ngoài vào, chạy xe hết một vòng lại ra phía ngoài đường cái, không cần phải quay đầu lại mới có thể ra được đường chính.
Khúc cua tay áo trên đèo Hải Vân
Không chỉ có đèo Hải Vân, đầm Lập An, bãi biển Lăng Cô khiến người ta thấy yêu mảnh đất này, mà Đà Nẵng còn có phố cổ Hội An "gây nghiện". Có hai cung đường để đến được với Hội An. Một là từ thành phố Đà Nẵng, chạy xe theo đường quốc lộ 1 về phía Nam khoảng 27km đến đường Vĩnh Điện rồi rẽ trái thêm 10km.
Hai là chạy xe dọc theo biển Mỹ Khê, đoạn đường Trường Sa, đến Hội An khoảng 30km. Đây là con đường đẹp và vắng hơn so với đường quốc lộ, lại thoáng hơn và mát hơn do có gió biển thổi vào. Đi theo cung đường hướng biển này, ngoài việc tha hồ ngắm những resort tuyệt đẹp bên đường, bạn còn có thể ghé các cơ sở điêu khắc đá rất ấn tượng để thăm quan hoặc mua đồ lưu niệm tại những cơ sở này cho bản thân và làm quà cho bạn bè, người thân.
Một nét đặc trưng khi đến với Hội An là bạn có thể thuê thuyền dạo quanh sông Thu Bồn và các làng nghề: mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế, thăm Cửa Biển, thăm rừng dừa bảy mẫu Tam Thanh.
Phố cổ Hội An đẹp nhất khi ánh chiều tà buông. Dòng người nhộn nhịp, những ánh đèn lồng rực rỡ tạo một vẻ đẹp long lanh cho phố Hội. Nơi đây còn có chợ đêm bán đủ thứ đồ như vòng tay, vòng cổ, khăn lụa, quần áo, đèn lồng, tranh 3D, tranh đá, làm tên theo ý... Nếu bạn đi đúng vào ngày 14 rằm âm lịch hàng tháng, có thể tham dự đêm phố cổ lung linh huyền ảo. Dịp này hoặc tối cuối tuần (thứ 7, chủ nhật), bạn sẽ được nghe những bài hát chòi lắng đọng.
Ở Hội An, ngoài ngắm cảnh, bạn còn có thể thưởng thức những món ăn ngon như Hoành thánh, Cao lầu, hến xào, bánh bao bánh vạc, cơm gà, bánh tráng đập, bánh ít lá gai, các loại bánh bèo, xèo, ú tro, chè, xôi cua, tào phớ (đậu hũ) với những phong vị riêng biệt...Đồ mua về có thể mua đèn lồng, đồ lụa tơ tằm, áo quần, tranh thêu tay, tranh vẽ, tranh đá...
Phố cổ Hội An
Hội An đã "gây nghiện" đến vậy thì phố biển Đà Nẵng cũng sẽ khiến bạn thích thú khi đón bình minh hoặc hoàng hôn trên những bãi biển đẹp như Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng...
Nếu bạn muốn ngắm biển, thì tốt nhất nên thức dậy sớm một chút, khoảng 4h30 hoặc 5h00 và ra biển đón ánh bình minh đầu tiên trong ngày đến 6h00. Tầm 7h00 thì đã nắng gắt rồi, và thời điểm này bạn nên ngồi ăn sáng. Một bát bún thịt nướng, một đĩa bánh cuốn hay một bát mì quảng hoặc một bát bánh canh...là gợi ý cho bạn về bữa sáng ngon tuyệt.
Sau bữa sáng ấm bụng, bạn nên dạo chơi các điểm tại bán đảo Sơn Trà như thăm chùa Linh Ứng, Bãi Bụt, Bãi Rạng, Bãi Đá Đen, rừng già Sơn Trà, hải đăng Tiên Sa, và đặc biệt đừng quên ghé đỉnh Bàn Cờ. Lên tới đỉnh Bàn Cờ, thì cảm giác là không thể tả nổi, cứ như bạn đang ở cõi tiên ấy với khung cảnh xung quanh là núi, là biển, là gió, là mây trời...tất cả hòa quyện lại thành một thiên đường lộng gió. Từ đây, bạn có thể nhìn thấy thành phố Đà Nẵng xinh đẹp với những bãi biển trải dài xanh biếc đầy quyến rũ.
Một góc chùa Linh Ứng - Bãi Bụt.
Buổi chiều, bạn có thể ghé thăm Bảo tàng điêu khắc Chămpa nằm ngay trong lòng thành phố. Nơi đây chứa đựng bộ sưu tập ấn tượng về nghệ thuật điêu khắc Chămpa. Sau khi thăm bảo tàng, bạn có thể tắm biển Mỹ Khê hay biển Phạm Văn Đồng. Đây cũng là một trong những bãi tắm đẹp nhất, sạch nhất tại Đà Nẵng.
Buổi tối, bạn có thể dạo chơi ngắm phố đêm Đà Nẵng với những cây cầu long lanh ánh đèn đầy mầu sắc như cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý...rồi ghé Cầu khóa Tình yêu, nằm ngay đầu cầu Rồng, đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà. Buổi tối, hàng trăm chiếc đèn lồng đỏ hình trái tim được thắp sáng, ánh xuống mặt nước tạo nên một vẻ đẹp huyền ảo.
Cầu sông Hàn huyền ảo khi đêm về
Đà Nẵng còn nhiều điểm đến đẹp lắm, cứ đi rồi chắc bạn sẽ say như tôi, đi rồi lại muốn đi nữa, về rồi lại nhớ những ngày mình lang thang khắp phố phường Đà Thành..../.
Du khách thích thú khi vừa ăn hải sản tươi ngon, vừa ngắm hoàng hôn ở làng bè Long Sơn Làng bè Long Sơn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang là điểm du lịch cuối tuần hấp dẫn với người dân bản địa và du khách từ TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành lân cận ghé tới. Long Sơn nổi tiếng nhiều năm qua với mô hình nuôi hải sản trên bè, du khách đến đây sẽ được trải nghiệm...