Phương Tây và nỗi ám ảnh mang tên khủng bố
Ngày 27/11, ban quản lý của nhiều trường học ở thủ đô Brussels và vùng Brabant của Vương quốc Bỉ thông báo cho toàn bộ học sinh nghỉ học, tạm thời đóng cửa, “tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc phòng ngừa”, do nhận tin đe dọa đánh bom vào tối 26/11.
Cảnh sát Bỉ đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cần thiết.
Song, hiển nhiên, đây là tín hiệu tiếp theo tô đậm thêm những nguy cơ từ chủ nghĩa khủng bố quốc tế mà phương Tây đã, đang và sẽ phải đối mặt trong thời gian tới, với những tác động dữ dội từ thời cuộc.
Một chuỗi lời hăm dọa
Tròn một tháng trước đó, nhiều trường học ở Đức cũng trải qua tình cảnh tương tự.
Ngày 27/10, cảnh sát thành phố Erfurt (bang Thuringen) cho biết đã nhận được một email đe dọa đánh bom tòa thị chính thành phố. Ngay sau đó, lực lượng an ninh đã tiến hành phong tỏa tòa nhà và sử dụng chó nghiệp vụ để khám xét, tìm chất nổ. Cùng ngày, tại các bang miền Nam là Bayern và Baden-Wurttemberg cũng xuất hiện những lời đe dọa kiểu đó. Tại bang Baden-Wurttemberg, 5 trường học phải tạm thời đóng cửa, cùng 1 trường ở bang Bayern. Theo người phát ngôn của cảnh sát bang Bayern, lực lượng cảnh sát phải đánh giá mọi lời đe dọa một cách kỹ lưỡng. Tất cả các trường học đều được khám xét và khu vực lân cận cũng bị phong tỏa.
Cảnh sát Bỉ canh gác nghiêm ngặt hơn sau những lá thư đe dọa đánh bom.
Sáng 27/10, tại thành phố Mannheim (bang Baden-Wurttemberg), cảnh sát cũng sơ tán một trường đại học, sau khi trường này nhận được email đe dọa đánh bom. Tuy nhiên, sau khi khám xét ngôi trường, cảnh sát không phát hiện mối nguy hiểm nào.
Trước đó một ngày, sân bay Basel-Mulhouse, hay còn gọi là “Euro Airport” của Thụy Sĩ cũng bị đe dọa tấn công thông qua email và buộc phải sơ tán.
Gần nhất, ngày 22/11, một chiếc ôtô đang di chuyển với tốc độ cao đã đâm vào hàng rào trạm kiểm soát ở cầu Rainbow, cửa khẩu biên giới Mỹ-Canada ở khu vực thác Niagara và bốc cháy khiến 2 người tử vong cùng 1 người bị thương. Sự việc đã buộc cơ quan chức năng tuyên bố đóng cửa biên giới cách thành phố New York khoảng 400 dặm (640 km) về phía Tây Bắc, đồng thời phát cảnh báo an ninh lớn vào đêm trước lễ Tạ ơn.
Video đang HOT
Phát biểu trước Quốc hội Canada, Thủ tướng Justin Trudeau gọi đây là một tình huống rất nghiêm trọng và cho biết đang cân nhắc các biện pháp bổ sung đối với khu vực cửa khẩu biên giới trên khắp Canada. Do đó, 4 khu vực cửa khẩu biên giới ở khu vực thác Niagara đều đã bị đóng cửa, bao gồm cửa khẩu cầu Rainbow, cầu Whirlpool, cầu Queenston và cầu Peace. Nhưng, cuối cùng, theo các kết quả điều tra sau đó của chính quyền New York và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), vụ cháy nổ trên không liên quan đến khủng bố.
Tất cả những sự vụ ấy đều chỉ là “hoảng báo”. Vấn đề là, không ai dám xem nhẹ bất cứ lời cảnh báo nào, trong bối cảnh thế giới hiện tại.
Cuộc chiến ở Gaza đã trở thành cơ hội lớn để các tổ chức khủng bố quốc tế chiêu mộ thành viên.
Từ lễ Tạ ơn đến lễ Giáng sinh
Ngày 23/11, người dân Mỹ tổ chức lễ Tạ ơn, trong bối cảnh giới chức tăng cường các biện pháp an ninh tại chỗ và căng thẳng xã hội gia tăng, những động thái có liên quan mật thiết đến cuộc xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel.
Được coi là nghi lễ quan trọng tại Mỹ, lễ Tạ ơn là dịp quây quần gia đình và bạn bè. Nó cũng đánh dấu tuần bận rộn nhất trong năm của lĩnh vực du lịch và cũng là khởi đầu của mùa mua sắm lễ hội, với ngày hội mua sắm giảm giá Black Friday diễn ra 1 ngày sau lễ Tạ ơn.
Tuy nhiên, như FBI báo cáo trước quốc hội, nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố đang ở mức cao nhất trong gần một thập kỷ. Do lo ngại ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Trung Đông khiến tình hình an ninh phức tạp, giới chức Mỹ đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa bổ sung tại các sân bay và trung tâm mua sắm trên cả nước, đặc biệt là dọc tuyến diễu hành lễ Tạ ơn Macy’s đặc trưng ở thành phố New York, kể cả khi chưa có dấu hiệu khủng bố rõ ràng nào.
Rút cục, dịp lễ Tạ ơn đã trôi qua ở nước Mỹ trong an toàn. Thế nhưng, trước mắt không xa đã lại là lễ Giáng sinh và ngày đón năm mới, những dịp lễ hội quan trọng thường niên ở các nước phương Tây, với sự tập trung không thể kiểm soát của rất đông những đoàn người đổ ra đường trong niềm vui.
Trong khi đó, thí dụ như tại châu Âu, giới chức an ninh nhận thức rõ nguy cơ gia tăng số vụ tấn công của các phần tử Hồi giáo – những kẻ bị cực đoan hóa bởi ảnh hưởng từ xung đột Israel – Hamas.
Ít nhất 10 quan chức tình báo và cảnh sát ở 5 quốc gia châu Âu – trong đó có Anh, Đức và Pháp – nói với hãng tin Reuters vào ngày 23/11, rằng họ đang tăng cường giám sát các chiến binh Hồi giáo. Tình trạng này sẽ gây thêm gánh nặng cho các nguồn tài nguyên hiện nay, vốn đã chịu sức ép nặng nề do phải đối phó với những mối đe dọa khác trước đó.
Một quan chức an ninh Anh cho biết: Cuộc chiến ở Gaza có thể trở thành nơi chiêu mộ phiến quân Hồi giáo lớn nhất kể từ cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, trong bối cảnh những lời kêu gọi tấn công vào các mục tiêu Do Thái và phương Tây đã gia tăng ở châu Âu. Một nguồn tin tình báo của Đức cũng hé lộ: Những mối đe dọa đối với dân thường ở quốc gia này hiện xếp cao nhất trong lịch sử gần đây.
Hai cuộc tấn công của các phần tử Hồi giáo ở Pháp và Bỉ vào tháng trước đã giết chết 3 người. Các quốc gia như Slovenia và Bosnia-Herzegovina đã nâng mức cảnh báo về mối đe dọa từ khủng bố. Italy cũng tái áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới với Slovenia, với lý do có nguy cơ các phần tử cực đoan xâm nhập.
Đáng chú ý, số nạn nhân thiệt mạng do các cuộc tấn công của chiến binh Hồi giáo ở châu Âu đã tăng mạnh từ năm 2004-2006, do lời kêu gọi của Al-Qaeda, và đạt đỉnh điểm trở lại vào năm 2015-2018, do ảnh hưởng từ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. IS và Al-Qaeda đang thu hẹp hoạt động, nhưng cuộc chiến mà Israel tiến hành lại đang tạo nên những hiểm họa mới.
Cầu Rainbow buộc phải đóng cửa một ngày.
Sự trở lại của “những con sói đơn độc”
Theo các quan chức an ninh, mối nguy hiểm chính đối với châu Âu dường như là từ “những con sói đơn độc” – những kẻ tấn công cực đoan, thường không liên kết chính thức với các nhóm khủng bố lâu năm. Mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa an ninh này có thể phụ thuộc vào thời gian Israel tiếp tục cuộc tấn công chống lại Hamas ở Gaza.
Sĩ quan Jochen Kopelke – người đứng đầu liên đoàn cảnh sát lớn nhất nước Đức – nói với Reuters: “Việc những người này thực hiện tội ác chỉ còn là vấn đề thời gian. Không phải lúc nào họ cũng nhất thiết sử dụng bom. Họ có thể lao ô tô vào đám đông hoặc tấn công bằng dao”. Các khu chợ Giáng sinh sắp mở cửa có thể là những mục tiêu tiềm năng.
Đáng chú ý, các nhà lãnh đạo Hồi giáo ở châu Âu cũng ghi nhận sự gia tăng các vụ tấn công nhằm vào người Hồi giáo và giáo đường Hồi giáo, sau khi phong trào Hamas tấn công Israel ngày 7/10. Họ đồng thời mô tả bầu không khí sợ hãi vì thông tin sai lệch lan truyền trên mạng.
Ngược lại, nhiều tín đồ Hồi giáo cực kỳ tức giận trước sự tàn bạo của cuộc tấn công của Israel. Một số người cho rằng, các chính phủ châu Âu lẽ ra phải làm nhiều hơn để kiềm chế Israel. Đơn cử, ông Peter Knoope, cựu Phó Giám đốc chính sách của điều phối viên quốc gia về chống khủng bố Hà Lan, cho biết: Các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Anh, Pháp và Đức tới Israel vào tháng trước đã khiến một bộ phận người Hồi giáo phẫn nộ.
“Những con sói đơn độc” có thể xuất hiện từ bất cứ đâu, sau khi bị tiêm nhiễm hận thù trên không gian mạng.
Bà Iman Atta, Giám đốc nhóm Hồi giáo Tell Mama ở Anh, nhận xét: “Tôi chưa bao giờ thấy xã hội của chúng ta bị phân cực đến vậy”. Và, Giám đốc Trung tâm quốc tế về chống khủng bố, ông Thomas Renard lưu ý: “Những gì bạn có bây giờ là một mối đe dọa ngày càng lan rộng và đa dạng hơn”. Theo ông, hiện có nhiều hiện tượng cực đoan hóa xảy ra trên mạng hơn là những nơi như nhà thờ Hồi giáo.
Vấn đề là, như sĩ quan cảnh sát Đức Kopelke cảnh báo: Mạng lưới những người theo chủ nghĩa Salafists – những người theo chủ nghĩa Hồi giáo cực kỳ bảo thủ – đã xuất hiện trở lại. Và, một nhóm mới gồm những người có ảnh hưởng ủng hộ Hamas đã xuất hiện trên các nền tảng Instagram và TikTok.
Hiện thực dòng chảy sự kiện thế giới từng nhiều lần chứng minh: Từ những hạt giống hận thù được lan tỏa trên không gian mạng như thế, thảm kịch có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào và hung thủ cũng có thể là bất cứ ai.
Châu Âu nói riêng và cả thế giới phương Tây nói chung – thế giới Ki-tô giáo trong mắt các tín đồ Hồi giáo – lúc nào cũng có thể trở thành mục tiêu hành động của chủ nghĩa khủng bố, vì cả những hiềm khích tôn giáo lẫn “độ mở” cố hữu trên nhiều phương diện (thí dụ như những sự vụ ồn ào còn chưa lắng dịu hẳn, chung quanh việc Đan Mạch hay Thụy Điển để xảy ra những hành động báng bổ kinh Quoran của Hồi giáo ở nơi công cộng).
Nói như ông Thomas Renard, cách tốt nhất để ngăn chặn các cuộc tấn công là sự kết hợp giữa sức mạnh (trấn áp) cùng với công tác phòng ngừa. Song, nếu không thực hiện được những động thái hòa giải từ gốc rễ tư tưởng, bao nhiêu sự phòng ngừa là đủ để mang lại yên bình, triệt tiêu nỗi ám ảnh từ các “con sói đơn độc” ít nhất là cho những ngày lễ cuối năm sắp tới
Thụy Điển kêu gọi EU tăng cường an ninh
Ngày 17/10, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson kêu gọi các nước Liên minh châu Âu (EU) tăng cường kiểm soát an ninh tại biên giới và đảm bảo an ninh nội địa sau vụ một tay súng sát hại 2 công dân Thụy Điển ở Brussels (Bỉ) một ngày trước đó.
Cảnh sát Bỉ phong tỏa hiện trường vụ nổ súng tại Brussels, tối 16/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Bỉ đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng ở sân vận động King Baudouin ở thủ đô Brussels tối 16/10, khiến 2 công dân Thụy Điển thiệt mạng và một người bị thương. Một đối tượng là nam giới, tự nhận là thành viên của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo "( IS) tự xưng, đã tuyên bố thực hiện vụ tấn công này. Cảnh sát Brussels đã bắn bị thương nghi phạm 45 tuổi, người Tunisia. Nghi phạm đã chết trong bệnh viện.
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Kristersson nêu rõ: "Tất cả các dấu hiệu cho thấy đây là một cuộc tấn công khủng bố nhằm vào đất nước và công dân Thụy Điển chỉ bởi vì họ là người Thụy Điển". Ông nhấn mạnh rằng Thụy Điển và EU cần bảo vệ tốt hơn khu vực biên giới của mình và đảm bảo rằng các phần tử nguy hiểm không thể ở lại bất hợp pháp trong lãnh thổ của mình. Thủ tướng Kristersson khẳng định hiện là thời điểm các nước châu Âu cần tăng cường an ninh.
Trước đó, từ tháng 8, Thụy Điển đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao thứ 2, sau hàng loạt vụ đốt bản sao cuốn kinh Koran và các hành động khác nhằm vào cuốn sách linh thiêng của người Hồi giáo. Chính phủ Thụy Điển cũng cảnh báo rằng đất nước đang trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu của các tay súng thánh chiến cũng như của những thông tin sai lệch trên các nền tảng mạng xã hội về các vấn đề như các vụ đốt kinh Koran.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh "chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo" quay trở lại đang đặt ra mối đe dọa đối với tất cả các nước châu Âu.
Phát biểu trong chuyến thăm Albania ngày 17/10, ông bày tỏ đau buồn về những gì đã xảy ra ngày 16/10 tại Brussels, cho thấy tất cả các nước châu Âu đều đang trở nên dễ bị tổn thương với sự trở lại của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.
Không ai có thể đơn độc giành chiến thắng Kể từ năm 2017, theo đề nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định chọn ngày 21/8 hằng năm là Ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố (The International Day of Remembrance and Tribute to the Victims of Terrorism). Năm nay, ngày kỷ niệm thương đau ấy...