Phương Tây ngỡ ngàng trước ảnh chiến tranh của phóng viên Việt Nam
Triển lãm ảnh Chiến tranh Việt Nam tại Pháp đã gây ấn tượng mạnh với các bức ảnh của các phóng viên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Từ 30/8 đến 14/9 ở thành phố Perpignan phía Nam nước Pháp đã diễn ra Liên hoan ảnh báo chí quốc tế thường niên lần thứ 26 mang tên “Visa pour l’image” (tạm dịch là Dấu chứng thực hình ảnh).
Nhóm chiến sĩ thông tin trong mũi tấn công của quân giải phóng tại chiến trường Quảng Trị (ảnh: Đoàn Công Tính 1970)
Giữa rất nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh như các cuộc xung đột tại Ukraine, Syria và Iraq, những bức ảnh do các phóng viên ảnh Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành, Hứa Kiểm, Mai Nam tác nghiệp trong giai đoạn 1966-1973 tại Việt Nam đã gây xúc động mạnh đối với khách thăm quan quốc tế. Những bức ảnh này được trưng bày trong triển lãm “Những phóng viên ảnh miền Bắc” trong khuôn khổ Liên hoan, theo sáng kiến của phóng viên người Pháp, ông Patrick Chauvel, người đã xuất bản cuốn sách cùng tên và chuẩn bị cho ra đời một phim tài liệu về chủ đề chiến tranh Việt Nam.
Patrick đã tới Việt Nam năm 18 tuổi với tư cách phóng viên ảnh chiến trường. Cứ vài ngày ông lại ra chiến trường tác nghiệp, cuối chuyến công tác lại quay lại Sài Gòn, tận hưởng những tiện nghi của khách sạn Continental và trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp phương tây. Trong số họ không có ai không tò mò về những phóng viên ảnh phía bên kia chiến tuyến, những người luôn phải tác nghiệp dưới mưa bom bão đạn. Đôi khi, Patrick và các bạn bè của mình cùng nâng ly vì những người đồng nghiệp chưa từng trò truyện này.
Tháng 3/1973, Patrick đã được chứng kiến một sự kiện lịch sử bên bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, đó là sự kiện trao đổi tù binh ngụy và chiến sỹ cộng sản Việt Nam. Ông còn nhớ mình đã cảm thấy lo lắng không biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào khi hàng trăm tù nhân được thả. Và ông cũng đoán phía Bắc Việt Nam cũng bố trí các phóng viên ảnh ghi lại giây phút này. Nhắc lại sự kiện này tại triển lãm, ông vẫn vô cùng xúc động.
Bên vì lý tưởng, bên vì tiền
Ông còn nhớ mình đã kịp hỏi một phóng viên ảnh miền Nam trong ngày hôm đó về lý do người này chọn làm phóng viên chiến trường, người này nói đó là công việc, họ được trả tiền và họ chấp nhận nguy hiểm, tuy nhiên họ sẽ không đánh đổi mạng sống của mình vì bất cứ giá nào. Trong khi đó, ông Thành và các đồng nghiệp miền Bắc không làm việc vì tiền, tất cả mọi người đều chuẩn bị sẵn tinh thần hy sinh trong khi thực hiện sứ mệnh vạch trần tội ác của chính phủ Hoa Kỳ khi xâm lược Việt Nam, và họ tự hào được cống hiến hết mình.
Quá trình chuẩn bị cho cuộc triển lãm và cuốn sách cùng tên “Những phóng viên ảnh miền Bắc” đã thỏa mãn những câu hỏi của Patrick và các bạn ông xưa kia về những phóng viên miền Bắc Việt Nam, những người luôn “tàng hình” trong cuộc chiến.
Những tác phẩm của các phóng viên miền Bắc Việt Nam trong triển lãm được đánh giá ngang với những bức ảnh nổi tiếng của các phóng viên Mỹ về đề tài chiến tranh Việt Nam. Với nhiều người phương Tây, đây là lần đầu tiên họ được tận mắt chiêm ngưỡng những khoảnh khắc lịch sử ấn tượng này. Các nhiếp ảnh gia chiến trường tham dự sự kiện tại Perpignan đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với những người đồng nghiệp lão thành từ miền Bắc Việt Nam thông qua những tràng vỗ tay tán thưởng không ngớt trong suốt buổi ra mắt triển lãm./.
Bộ đội cụ Hồ cố gắng mở đường vượt thác ghềnh cho các đơn vị hậu cần theo sau vận chuyển thực phẩm và trang bị vũ khí. (ảnh: Đoàn Công Tính)
Video đang HOT
Sau Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973, bên bờ sông Thạch Hãn tỉnh Quảng Trị đã diễn ra cuộc trao đổi tù bình lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam. Những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam ngay lập tức lột bỏ áo tù binh, nhảy xuống khỏi thuyền và chạy những bước dài về phía những người đồng chí của mình với vòng tay giang rộng chào đón. (ảnh: Chu Chí Thành 9/3/1970)
Một chiếc máy bay Hoa Kỳ bị bắn hạ tại tỉnh Vĩnh Phúc (ảnh: Mai Nam 4/9/1966)
Cô Nguyễn Thị Hiền, 19 tuổi, tiểu đội trưởng dân quân tại Yên Vực, Thanh Hóa, người đã sống sót sau 800 cuộc không kích và bị chôn sống 4 lần trong những cuộc ném bom B52. (ảnh: Mai Nam1966)
Sau khi bắn hạ một máy bay ném bom ngoại thành Hà Nội, các chiến sĩ dân quân đang thu dọn các mảnh máy bay rơi (ảnh: Đoàn Công Tính 1972)
Bộ đội và dân quân trên đường mòn Hồ Chí Minh đang làm đường giúp xe tăng T54 hành quân ra mặt trận ở phía nam vùng giải phóng năm 1972 (ảnh: Lương Nghĩa Dũng)
Các chiến sĩ du kích ngụy trang tránh máy bay chiến đấu và tiếp cận quân thù (ảnh: Dương Thanh Phong)
Bức ảnh o du kích nhỏ và người lính Mỹ lực lưỡng đã trở thành biểu tượng của cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam chống lại gã khổng lồ Mỹ (ảnh: Phan Thoan)
Lính ngụy đồng loạt rũ bỏ đồng phục ở ngoại ô Sài Gòn trên đường chạy trốn vào 30/4/1975 (ảnh: Dương Thanh Phong)
Theo_VOV
Chiến thắng trận đầu trong ký ức những người lính Hải quân
Chiến thắng trận đầu trở thành mốc son quan trọng, tự hào trong lịch sử Hải quân và kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân ta
Cách đây 50 năm, ngày mùng 2 và mùng 5/8/1964, Hải quân Nhân dân Việt Nam trong thế trận chiến tranh nhân dân đã ra quân trận đầu đánh đuổi tàu khu trục Maddox của Hải quân Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta, tiêu diệt 8 máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái.
Ngày 2/8/1964, tàu khu trục USS Maddox (ảnh) đã xâm nhập sâu vào vùng Vịnh Bắc Bộ và đụng độ với ba tàu phóng ngư lôi của hải quân miền Bắc Việt Nam. Biến cố này được biết đến như sự kiện Vịnh Bắc Bộ lần thứ nhất.
Đây là chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam và của quân, dân miền Bắc trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta của đế quốc Mỹ. Chiến thắng này có ý nghĩa động viên to lớn với toàn quân, toàn dân, chung sức, chung lòng lập nên những chiến công hiển hách, đập tan âm mưu đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá.
Đầu năm 1964, đế quốc Mỹ đã xây dựng một kịch bản chi tiết cho cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam. Cuối tháng 7/1964, tàu biệt kích ngụy bắn phá Hòn Mê (Thanh Hóa) và Hòn Ngư (Nghệ An), đồng thời Mỹ đưa tàu khu trục Maddox tiến sâu vào vịnh Bắc Bộ để khiêu khích, quấy phá nước ta.
Ông Nguyễn Xuân Bột
(Ảnh:Nguyên Nhung)
Nhớ lại trận đánh ngày 2/8/1964, ông Nguyễn Xuân Bột, nguyên thuyền trưởng tàu 333, phân đội trưởng phân đội 3, thuộc tiểu đoàn 135 làm nhiệm vụ đuổi tàu Maddox cho biết: "Để đánh tàu Maddox cần khoảng 12 tàu phóng lôi tấn công từ 4 phía, nhưng lực lượng của ta lúc đó chỉ có 3 tàu phóng lôi nhỏ với tổng cộng 6 quả ngư lôi, 3 khẩu pháo 14,5 ly và 39 chiến sỹ đã xông pha đánh lại tàu Maddox dài hơn 144 mét, rộng 12 mét với trang bị vũ khí hiện đại cùng hơn 270 sỹ quan và binh lính".
Phân đội trưởng Bột lệnh cho 3 tàu, mỗi tàu tiếp cận các mạn khác nhau của tàu địch nhằm phân tán lực lượng, phân tán hỏa lực địch, tranh thủ tiếp cận gần mục tiêu để phóng ngư lôi. Tuy nhiên, trước vũ khí hiện đại của địch, cả 3 tàu đều bị địch bắn thủng, một số anh em bị thương. Trong lúc nguy nan, tất cả chiến sỹ vẫn kiên định, ở nguyên vị trí chờ lệnh. Vào thời khắc đó, một sáng kiến đã lóe lên trong đầu phân đội trưởng Nguyễn Xuân Bột.
Ông nhớ lại: "Khi xông vào gần như vậy tàu 339 là tàu bắn trước, phá ngư lôi. Còn tàu thứ 2 của đồng chí Tự là tàu 336 vào phóng ngư lôi, cũng bị chúng phá luôn ngư lôi của mình và đồng Tự đã hy sinh. Lúc đó pháo 14,5 ly chưa bắn được vì còn xa. Trước tình hình như vậy, tôi phải mở tốc độ 52 hải lý/giờ. Tôi chạy chừng 10 phút thì cách xa tàu Maddox hơn 3 hải lý rồi quay lại đánh. Chúng tôi quét pháo 14,5 ly trên mặt bong".
Cựu thuyền trưởng Nguyễn Xuân Bột năm nay đã 83 tuổi. Đôi mắt ông ánh lên niềm tự hào khi ông kể: "Sáng kiến này đã gây hậu quả lớn đối với quân Mỹ mà phải đến 40 năm sau Mỹ mới công bố: pháo 14,5 ly của Hải quân Việt Nam quét trên mặt bong làm hư hỏng một số thiết bị và thủng 1 lỗ, bắn rơi một máy bay và một chiếc khác cũng bị trúng đạn".
Ông Nguyễn Văn Luyện
(Ảnh: Nguyên Nhung)
Còn đối với nguyên chiến sỹ rada trên tàu 333, thượng sỹ Nguyễn Văn Luyện, lúc đó mới ngoài đôi mươi, trận đánh đầu tiên ông tham gia với vai trò là pháo thủ. Sau khi xác định vị trí, hướng đi, tốc độ của tàu địch để báo cáo thuyền trưởng, ông đã vào vị trí pháo thủ, phối hợp cùng các xạ thủ khác bắn cháy máy bay của địch.
"Khi chúng tôi đánh tàu Maddox, trước đó tàu này đã săn đuổi tàu tuần tiễu của ta đánh rồi. Khi phát hiện chúng tôi, chúng bỏ tàu kia, tập trung hỏa lực bắn chúng tôi rồi bỏ chạy. Tàu chúng tôi vẫn chạy tốc độ nhanh, tiếp tục đánh đuổi. Tinh thần cán bộ chiến sỹ ai cũng phấn khởi bởi lần đầu tiên được làm nhiệm vụ chiến đấu của đơn vị Hải quân".
Sau sự kiện tàu Maddox phải bỏ chạy khỏi vịnh Bắc Bộ, ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ chính thức tuyên bố trả đũa hải quân miền Bắc, dùng hải quân và không quân đánh phá các mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam. Ông Lê Chừng khi đó là trung úy, thuyền trưởng tàu săn tàu ngầm S225, thuộc Tiểu đoàn săn ngầm trực thuộc Bộ tư lệnh Hải quân, vẫn nhớ như in trận chiến đấu với không quân Mỹ chiều 5/8/1964.
Ông kể: "Đúng 13h20', 8 chiếc máy bay địch ào vào vịnh Bắc bộ bắn phá. Thuyền trưởng Lê Chừng lập tức cơ động tàu ra cửa vịnh để đánh trả. Trận đánh diễn ra trong khoảng 1 giờ đồng hồ, ông và các chiến sỹ trên tàu đã bắn rơi máy bay địch, lần đầu tiên bắt sống giặc lái Mỹ ở miền Bắc".
Ông Lê Chừng
(Ảnh: Nguyên Nhung)
Ông Lê Chừng nhớ lại: "Máy bay địch bâu lại nhiều lắm, cái bổ nhào, cái bay trên cao. Nhưng mình chọn đúng lúc chúng bổ xuống đánh mình để bắn lại nó. Chính lúc địch bổ nhào là lúc nguy hiểm nhất thì lúc đó mình mới bắn và mình đã bắn trúng máy bay. Khi đó máy bay bay ra vịnh Bái Tử Long mới rơi và bắt sống được giặc lái Alvarez".
Chiến thắng của 50 năm trước đã khiến cho ngày 2 và 5/8/1964 trở thành một mốc son có ý nghĩa quan trọng, tự hào trong lịch sử của Quân chủng Hải quân và lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Cho đến hôm nay, những kinh nghiệm trong chiến thắng trận đầu vẫn được Quân chủng Hải quân vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, nhất là trong giai đoạn xây dựng quân đội theo hướng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ Tổ quốc nói chung và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc nói riêng./.
Nguyên Nhung
Theo_VOV
Hiệp định Geneva: Những gì để lại cho hôm nay? Bài học lớn nhất, bao quát nhất nhìn từ Hiệp định Geneva sau 60 năm là bài học về tinh thần độc lập tự chủ. Ngoài ra, phải hiểu cả những toan tính của "đồng chí", "đồng minh", không mơ hồ và ảo tưởng. Sau hơn hai tháng đàm phán, từ ngày 8/5/1954, Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương được ký ngày...