Phương pháp “hầm trong cát” đã giúp công binh giải cứu 12 công nhân
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh cho biết, lực lượng công binh đề xuất phương án đi mở theo đường ngắn nhất. Bằng các phương pháp thi công khoa học trong đó có một số biện pháp truyền thống như phương pháp “hầm trong cát”, lực lượng này đã giải cứu 12 công nhân mắc kẹt.
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng là người được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao chỉ huy lực lượng cứu hộtrong hầm . Đại tá Hùng cho biết các lực lượng có liên quan của quân đội là hơn 300 cán bộ, chiến sỹ. Lực lượng thi công ngách hầm trái là 110 chiến sỹ của Lữ đoàn công binh 293. Đây là Lữ đoàn chủ lực đào hầm để giải cứu 12 công nhân mắc kẹt bên trong.
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng phấn khởi sau khi giải cứu thành công 12 công nhân – Ảnh: Viết Hảo
Thưa Đại tá, cảm xúc của ông như thế nào khi lực lượng công binh đã lập được một chiến công lớn và vượt cả thời gian dự kiến?
Tôi hết sức phấn khởi! Kết quả này là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ, trực tiếp là Bộ tư lệnh công binh trong công tác huấn luyện và tổ chức các lực lượng tinh nhuệ để thực hiện các nhiệm vụ trong thi công, nhất là thi công đường hầm phục vụ bảo vệ biên giới, lãnh thổ quốc gia; và thứ hai là tham gia các nhiệm vụ ứng cứu sụp đổ công trình.
Như đã biết, chúng tôi vào sau 2 ngày so với các lực lượng đầu tiên. Chúng tôi đề xuất phương án đi mở theo đường ngắn nhất và có thể nói khu vực của công binh là khó khăn nhất.
Chúng tôi bằng các phương pháp thi công khoa học và có một số biện pháp truyền thống như phương pháp “hầm trong cát” nên quá trình thi công đã khắc phục được khó khăn ban đầu trong điều kiện mực nước ngầm rất cao, đất đá phong hóa nặng. Một điều phấn khởi là phương án của công binh đề xuất thì được Chính phủ, trực tiếp là Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý.
Đến trưa nay, trực tiếp là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng nhất trí theo phương án của công binh có sự thay đổi so với báo cáo với Phó Thủ tướng. Nhờ có sự ủng hộ của chính quyền địa phương, nhất là sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, các cơ quan ban ngành, UBND tỉnh Lâm Đồng thì lực lượng công binh vững tin đưa ra các giải pháp để tìm con đường ngắn nhất, bằng biện pháp tốt nhất để hoàn thành khối lượng công việc, đưa nạn nhân ra.
Thưa Đại tá việc đưa các nạn nhân ra vào chiều nay có nằm trong dự tính của mình không?
12h trưa ngày 19/12, chúng tôi hội ý và trù liệu nó sẽ diễn ra vào tối cùng ngày hoặc vào sáng sớm ngày mai (20/12). Cái khó là tùy thuộc vào địa chất và chúng tôi chưa xác định mực nước ở trong hầm. Do vậy, chưa thể xác định chính xác thời gian nên chưa dám báo cáo với ban chỉ đạo, chúng tôi lặng lẽ thi công nhưng đã đảm bảo tốt, tiếp cận được các nạn nhân.
Đại tá có thể cho biết chiến công này là tổng hợp của những yếu tố nào?
Cái rõ ràng nhất là công tác chuẩn bị bộ đội ngay từ thời bình và trước khi nhiệm vụ này diễn ra. Muốn chuẩn bị bộ đội tốt là phải huấn luyện tốt, nuôi quân tốt và cái chính là xây dựng ý chí quyết tâm, bản lĩnh chính trị cho các bộ chiến sỹ. Nếu nhà báo nào có điều kiện vào hầm thì thấy rõ ràng là sụt trượt rất lớn. Và nếu như người nào mà không có ý chí quyết tâm, không dũng cảm thì thông thể đảm nhiệm công việc trong đường hầm khó khăn, vất vả như thế.
Video đang HOT
Cấp cứu công nhân bị nạn ở trại dã chiến sau khi đưa ra ngoài – Ảnh: Viết Hảo
Thưa Đại tá, chiến công này được lập trước lễ kỷ niệm Thành lập QĐND Việt Nam 3 ngày. Vậy lúc này ông có muốn nói gì với các chiến sỹ công binh vừa hoàn thành nhiệm vụ lớn lao này?
Trước tiên tôi xin được cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan ban ngành của Chính phủ, trực tiếp là Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Bộ Quốc phòng, Cục Cứu hộ Cứu nạn, Ủy ban Quốc gia TKCN…
Qua đây tôi cũng muốn cảm ơn đến tất cả các cơ quan ban ngành, nhất là các lực lượng tham gia. Tôi cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tin tưởng, nhất trí với phương án công binh thay đổi để sớm có hiệu quả.
Nhân đây tôi cũng gửi lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội đến tất cả các đồng chí cán bộ chiến sỹ, lực lượng công binh Việt Nam và trực tiếp là lực lượng tham gia làm nhiệm vụ ứng cứu sập đổ hầm thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo, tỉnh Lâm Đồng.
Viết Hảo – Doãn Công – Ngọc Hà
Theo Dantri
"Bị giam trong hầm tối, tôi đã nghĩ mình không còn đường sống"
"Khi ở trong hầm mình cũng đã nghĩ đến tình huống xấu nhất: có thể không ra được và bị đất đá chôn vùi. Đến khi nghe được tiếng của lực lượng cứu hộ, mọi người đã vui mừng òa khóc... ".
Khóc òa lên khi thấy ánh sáng
Dù tinh thần đang dần ổn định nhưng khi kể về những ngày tăm tối bị mắc kẹt cùng 11 công nhân, Phạm Viết Lành (20 tuổi, ở Thanh Chương, Nghệ An), vẫn không hết bàng hoàng. "Em không nghĩ mình lại có thể sống. Khi hầm sập, một không gian đen kịt, không khí không có, bắt đầu khó thở. Ai cũng hoảng loạn, chẳng nghĩ mình có thể sống sót trở về. Nhưng rồi sau đó nghe tiếng của anh em bên ngoài nên mọi người động viên nhau vượt qua", Lành tâm sự.
Nạn nhân được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng chăm sóc (ảnh Ngọc Hà)
Nạn nhân Nguyễn Tiến Đoàn (quê Nam Định) đang dần ổn định sức khỏe, kể lại, ngày đầu tiền sau khi sập hầm, anh vẫn còn giữ được bình tĩnh. Đến ngày thứ 2, 3, cảm giác lúc này lẫn lộn, hoang mang, lo sợ.
Anh Đoàn chia sẻ thêm: "Khi ở trong hầm mình cũng đã nghĩ đến tình huống xấu nhất, có thể không ra được và bị đất đá chôn vùi. Đến khi nghe được tiếng của lực lượng cứu hộ mọi người đã vui mừng òa khóc lên, mọi người tự động viên trấn tĩnh tinh thần cho nhau. Lúc này, mới hy vọng có sự sống, ban ngày thì mọi người vẫn bình thường, nhưng khi màn đêm buông xuống thì ai nấy đều mang tâm trạng giống nhau, buồn bã, nhớ gia đình, người thân, hoang mang... Tối đến mọi người chẳng biết làm gì nên đem chuyện vui ra tếu táo cho qua đêm".
Đồ họa: Ngọc Diệp
Trở về từ cõi chết
Nạn nhân Hoàng Đình Thịnh (quê Nam Định), mới 16 tuổi nhưng cuộc sống nghèo khổ khiến em phải tha phương vào Lâm Đồng làm ăn, gặp ngay sự cố sập hầm đáng sợ.
Thịnh không nghĩ mình còn sống trở về
Trở về từ cõi chết, em Thịnh xúc động kể lại: "Khi mọi người đưa ra khỏi hầm em không tin vào mắt mình sao lại có nhiều người đến vậy. Em không nghĩ nhiều người lại đến cứu em và mọi người nhiều đến vậy. Dù em vẫn nghĩ mình sẽ chết nhưng đến khi mọi người cứu ra khỏi hầm em mới tin đó là sự thật".
Còn với anh Trương Tuấn Việt, thoát chết trở về, trong anh có nhiều cảm xúc lẫn lộn, khó nói thành lời: "Mình như chết đi sống lại một lần nữa!".
Chị Phan Thị Hoa (vợ anh Việt) mừng vui chẳng nói thành lời, ôm chồng mà nước mắt vui sướng lăn dài. "Khi nghe tin chồng tôi gặp nạn tôi và gia đình rất lo lắng, hoang mang. Khi lực lượng cứu hộ chưa cứu được tôi chỉ cầu mong anh ấy và mọi người bình an. Đến lúc này, niềm vui tôi không không tả nổi, như có phép màu đã giúp mọi người thoát qua cơn hoạn nan. Chúng tôi rất cảm ơn các lượng lượng đã ứng cứu kịp thời để đưa các nạn nhân thoát khỏi cõi chết", chị Hoa nói.
Chỉ Hoa thầm cầu mong ông trời cho chồng và các công nhân khác bình an
Bác sĩ Nguyễn Bá Huy, Giám đốc Bệnh viên đa khoa tỉnh Lâm Đồng cho biết: Từ khi đưa các công nhân bị mắc kẹt trong hầm ra, bệnh viện đã huy động các bác sĩ sẵn sàng cấp cứu. Theo đó, cứ 1 bệnh nhân sẽ có 1 bách sĩ và 1 điều dưỡng theo dõi trực tiếp. Sau khi được sơ cứu, sức khỏe các bệnh nhân đang dần ổn định, trong đó 11 bệnh nhân nam sức khỏe tốt hơn, tỉnh táo và ăn uống bình thường. Riêng bệnh nhân nữ duy nhất trong vụ mắc kẹt thì sức khỏe suy kiệt, huyết áp thấp, phản ứng thấp nên đang được các bác sĩ chăm sóc đặc biệt.
Bác sĩ Huy cho biết thêm: "Trong môi trường ẩm, ngâm nước lâu ngày thì dễ bị viêm phổi, nhưng hiện tại sức khỏe các bệnh nhân rất ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để có biện pháp chữa trị kịp thời cho các bệnh nhân".
Nạn nhân Trương Quốc Việt "tôi như sống lại lần nữa"
Nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh đang hồi phục sức khỏe tốt (Doãn Công)
Các nạn nhân được đưa đi bệnh viên đa khoa tỉnh Lâm Đồng theo dõi điều trị
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên thăm tặng quà cho các nạn nhân (ảnh Ngọc Hà).
Ngọc Hà - Doãn Công
Theo Dantri
Hình ảnh chiến sỹ công binh giây phút giải cứu 12 công nhân Các chiến sỹ công binh thuộc Lữ đoàn công binh 293 - Bộ Tư lệnh công binh là lực lượng chủ lực đào ngách hầm bên trái và giải cứu an toàn 12 công nhân trước sự ngỡ ngàng của tất cả... Những nạn nhân đầu tiên được công binh đưa ra ngoài cửa hầm. Công binh đưa nạn nhân vào trại dã...