Phương pháp đột phá đưa phổi ra khỏi cơ thể để ‘làm sạch’ ung thư
Theo phóng viên TTXVN tại Israel, bệnh viện Beilinson ở miền Trung Israel cho biết các bác sĩ đã đưa phổi của một bệnh nhân ung thư ra khỏi cơ thể, làm sạch phổi khỏi các khối u và nối lại phổi thành công cho cơ thể của bệnh nhân này.
Chữa trị ung thư phổi bằng phương pháp “làm sạch” các khối u từ các cơ quan trong cơ thể ở giai đoạn đầu. Ảnh minh họa: thefinancialexpress.com.bd
Các bác sĩ phẫu thuật cho biết đây là một bước đi đột phá bằng phương pháp “làm sạch” các khối u từ các cơ quan trong cơ thể ở giai đoạn đầu. Phương pháp này có thể làm thay đổi cách thức chữa trị ung thư trên toàn cầu.
Với phương pháp mới này, không cần phải chờ một ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng, bệnh nhân vẫn có thể quay lại cuộc sống thường ngày mà không cần hóa trị liệu hoặc xạ trị.
Cho tới nay, bệnh nhân ung thư trải qua phẫu thuật chịu tổn thương từ khối u, gây ra tình trạng tắc nghẽn di chuyển của không khí trong phổi trái, dẫn đến việc phổi không hoạt động đúng chức năng. Việc cắt bỏ vĩnh viễn phổi, như cách chữa trị thông thường hiện nay, sẽ làm cho bệnh nhân gặp nhiều rủi ro, thậm chí mất mạng, cho đến khi tìm được phổi mới phù hợp để cấy ghép thay thế.
Còn với phương pháp chữa trị mới, trong ca phẫu thuật, bệnh nhân được cho thở thông qua lá phổi còn chức năng hoạt động, trong khi các bác sỹ phẫu thuật cắt bỏ phần phổi bị ung thư và loại bỏ khối u bên lá phổi bệnh. Sau đó, phổi được ghép trở lại, các mạch máu và phế quản được nối lại như ghép phổi và ngực được khâu lại.
Sau quá trình chữa trị tại bệnh viện, bệnh nhân trên bắt đầu quá trình hồi phục và tình trạng hiện được mô tả là rất tốt. Các bác sĩ cho biết “phương pháp phẫu thuật mới có thể đưa đến hy vọng mới cho các bệnh nhân bị ung thư phổi giai đoạn sớm trên toàn cầu về chữa trị căn bệnh này một cách triệt để”.
Video đang HOT
Bùi Công Đồng
Theo TTXVN
Điều trị hiệu quả hơn nhờ kỹ thuật y khoa
Nhiều bệnh viện trên địa bàn TP HCM đã áp dụng các kỹ thuật y khoa mới, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân
Với việc ứng dụng những kỹ thuật cao chuyên sâu, các cơ sở y tế mở ra hy vọng mới, đem lại tin vui cho người bệnh.
Phát hiện sớm ung thư
Đây có thể nói là lĩnh vực được cộng đồng quan tâm hàng đầu. Đầu năm 2020, Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP HCM đã đưa vào sử dụng hệ thống PET/CT trong chẩn đoán, điều trị ung thư mới.
Hệ thống PET/CT này là một trong những thế hệ máy hiện đại nhất tại Việt Nam hiện nay, với những đặc tính ưu việt như: giúp giảm liều thuốc phóng xạ, ghi hình ít hơn và thời gian ghi hình ngắn hơn. Vì vậy, số lượng bệnh nhân được sử dụng kỹ thuật tiên tiến này trong ngày sẽ nhiều hơn. Công suất máy tối đa có thể ghi hình đến 30 ca/ngày.
Hệ thống sẽ cung cấp thông tin cả cấu trúc giải phẫu và mức độ chuyển hóa của khối bướu, rất hữu ích cho bác sĩ (BS) trong việc chẩn đoán bệnh. Hệ thống có tính năng phân lập chính xác giai đoạn của hầu hết các loại ung thư như: ung thư vú, gan, phổi, đại tràng, tuyến giáp, tử cung... để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp cho từng giai đoạn bệnh; đánh giá hiệu quả đáp ứng điều trị; theo dõi và phát hiện ung thư tái phát; mô phỏng lập kế hoạch xạ trị.
Kỹ thuật sinh thiết tuyến tiền liệt qua hướng dẫn siêu âm kết hợp hình ảnh MRI. Đây là kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới lần đầu tiên triển khai tại Bệnh viện Bình Dân (TP HCM)
Đặc biệt, hệ thống PET/CT còn có khả năng ứng dụng trong lĩnh vực tim mạch và thần kinh, giúp đánh giá tình trạng "sức khỏe" của cơ tim, chẩn đoán các bệnh sa sút trí tuệ như Alzheimer và phát hiện ổ động kinh.
Với việc ứng dụng kỹ thuật này, BV Ung Bướu trở thành BV thứ 4 trên địa bàn TP (sau BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân 115 và BV Quân y 175) và là BV thứ 10 tại Việt Nam có hệ thống máy PEC/CT.
TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung Bướu, cho biết việc đưa vào vận hành hệ thống PET/CT này rất thiết thực, giúp BV giải quyết được một lượng lớn bệnh nhân ở khu vực TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam.
Giải tỏa nỗi niềm bệnh đàn ông
Một tin vui khác dành cho cánh đàn ông vừa được BV Bình Dân (TP HCM) "trình làng" là triển khai kỹ thuật chuyên sâu sinh thiết tuyến tiền liệt qua hướng dẫn siêu âm kết hợp hình ảnh MRI (MRI fusion biopsy). Đây là kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới lần đầu tiên triển khai tại BV Bình Dân cũng như tại Việt Nam, giúp phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt, bệnh lý ác tính thường gặp nhất của hệ tiết niệu - sinh dục ở nam giới sau tuổi 50.
Theo TS-BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV Bình Dân, tại Việt Nam, đa số người bệnh ung thư tuyến tiền liệt đến khám ở giai đoạn muộn, đã xâm lấn hoặc di căn xa, không còn chỉ định điều trị triệt để. Trong khi đó, nếu phát hiện ung thư còn ở giai đoạn khu trú, có tới 85% người bệnh sống đến 10 năm. Vì vậy, việc chẩn đoán sớm ung thư tuyến tiền liệt là cực kỳ quan trọng trong chiến lược điều trị cho người bệnh.
Việc ứng dụng MRI fusion biopsy nhằm tăng độ chính xác, tăng khả năng phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt với sự xâm lấn tối thiểu trong điều trị và chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt; định hướng cho BS dùng kim sinh thiết lấy chính xác mẫu mô bất thường ở tuyến tiền liệt; giảm thiểu nguy cơ sót mẫu bệnh, chảy máu, nhiễm trùng. Việc thực hiện MRI tuyến tiền liệt trước khi sinh thiết cũng giúp BS có đánh giá, cân nhắc trước khi tiến hành sinh thiết (thông qua thang điểm PI-RADS và dấu hiệu lâm sàng).
Bớt nỗi lo tai biến chạy thận
Với những người phải chạy thận nhân tạo (CTNT), việc này là "cực hình" trong đời sống và luôn đối mặt nguy cơ tai biến y khoa. Sự cố 8 người chết khi CTNT tại tỉnh Hòa Bình là bài học đắt giá cho ngành y tế Việt Nam. Việc giảm thiểu nguy cơ này là bước đột phá hiện nay.
Tại BV Chợ Rẫy (TP HCM), BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV, cho hay sau nhiều năm nỗ lực, thành quả này của BV đã được ghi nhận khi mới đây, Khoa CTNT đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế TNV (Anh quốc) trao chứng nhận tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Đây là tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng quốc tế đang được ứng dụng cho hơn 1 triệu tổ chức tại 178 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại Việt Nam, ít BV hạng đặc biệt có CTNT nào đạt chứng nhận này.
Theo BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa CTNT BV Chợ Rẫy, với 74 máy, trung bình mỗi ngày nơi đây thực hiện chạy thận định kỳ cho khoảng 400 bệnh nhân, chưa kể các trường hợp cấp cứu ở những bệnh lý cần lọc máu.
"Với việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, người bệnh tại BV Chợ Rẫy sẽ được chăm sóc trong môi trường an toàn, thân thiện, được sử dụng các dịch vụ y tế hiện đại theo công nghệ mới, giảm thiểu sai sót nhờ các quy trình và hướng dẫn cụ thể góp phần cải thiện tình trạng quá tải nhưng vẫn nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng tiêu chuẩn này cho các khoa, phòng khác, phù hợp với xu thế hội nhập" - BS Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh.
Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH
Theo Người lao động
Những tiến bộ đột phá trong điều trị ung thư 5 năm qua Trong 5 năm qua, các nhà khoa học trên thế giới thống kê nhiều tiến bộ lớn trong điều trị ung thư. Dưới đây là 3 đột phá điều trị ung thư trong 5 năm qua: Các lựa chọn thay thế mới cho hóa trị có tác dụng Thật không may, cho đến nay hóa trị là cách tốt nhất để điều trị...