Phương pháp chiến đấu ‘ngoại hạng’ của Israel khiến IS khiếp vía
Thay vì đối đầu trực tiếp bằng súng đạn với IS, Israel “chế ngự” quân khủng bố bằng chiến lược kiên nhẫn, răn đe, và cảnh giác.
Israel ở gần lãnh thổ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang chiếm giữ hơn so với Mỹ. IS cũng đã tuyên bố sẽ chiếm Israel và biến nước này thành một vương quốc caliphate của nhóm.
Tuy nhiên, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã bác bỏ việc sẽ chiến đấu trực tiếp với IS. Bởi điều này có thể dẫn tới cái chết của hàng trăm sinh mạng người dân đất nước Do Thái tại bất kỳ thời điểm nào. Thay vào đó, không giống Mỹ, Israel đã có cách ngăn cản các cuộc tấn công của IS bằng một chiến lược kiên nhẫn, răn đe và cảnh giác.
Tất nhiên, theo The National Interest (TNI), Mỹ không thể chỉ áp dụng phương pháp đó để đối đầu với IS bởi môi trường an ninh của Mỹ không giống của Israel. Tuy nhiên, Washington có thể học hỏi từ Israel để tăng cường an ninh quốc gia.
Phương pháp “3 chữ C”
Phương pháp của Israel đối với IS rất đơn giản. Đó là thuyết phục IS không được tấn công đất nước này bằng cách đe dọa sẽ trả đũa. Nếu anh tấn công chúng tôi, chúng tôi sẽ trả lại anh nỗi đau mà anh không thể chịu đựng được. Để đạt được hiệu quả, sau khi vạch ra đường giới hạn rõ ràng, phương pháp này cần “3 chữ C” là giao tiếp – communication, năng lực – capability, uy tín – credibility.
Video đang HOT
Israel dùng biện pháp răn đe để ngăn cuộc tấn công của IS.
Thứ nhất, “communication” nghĩa là giao tiếp/ tuyên bố bằng ngôn ngữ mà kẻ thù có thể hiểu được. Thứ hai, “capability” nghĩa là có khả năng thực hiện những lời răn đe hay bắt kẻ thù phải trả giá. Thứ ba, “credibility” nghĩa là khiến kẻ thù tin rằng Israel sẽ hành động như đã tuyên bố. Nếu để một trong ba chữ C kia thất bại, toàn bộ kế hoạch sẽ bị phá sản.
Tuy nhiên, nhiều thành viên của cộng đồng chính sách Mỹ chỉ xem phương pháp này của Israel thật ngây thơ và ngớ ngẩn hết sức. Một số khẳng định quân khủng bố chỉ muốn giết người. Một số khác đánh giá khi đối mặt với những kẻ không sợ chết thì chuyện đe dọa họ chỉ là công cốc. Vì thế, Mỹ mới chọn cách tấn công phủ đầu bằng các cuộc không kích xóa sổ IS ở Syria và Iraq.
Trong khi đó, các chiến lược gia Israel cho rằng mặc dù không phải là biện pháp hoàn hảo, nhưng răn đe vẫn là lựa chọn tốt nhất. IDF tin rằng họ đã ngăn chặn thành công các quốc gia như Iran, Lebanon và Syria, các nhóm vũ trang Hezbollah và Hamas, thậm chí còn ngăn được các tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới như IS, Palestinian Islamic Jihad và Al Qaeda chỉ bằng cách răn đe.
Các chiến lược gia Israel bác bỏ quan điểm của Washington khi cho rằng IS là mối đe dọa đáng ngại đối với “toàn bộ thế giới văn minh”. Tổng thống Mỹ Barack Obama còn đặt vấn đề IS làm “ưu tiên hàng đầu”. Ngược lại, Israel chỉ coi IS đơn thuần là một nhóm khủng bố như bao nhóm khác không hơn không kém. IS thậm chí còn không nằm trong nhóm các mối đe dọa hàng đầu của Israel. Giống như cựu giám đốc tình báo quân sự Amos Yadlin của nước này từng nói: “Cuối ngày hôm nay, chúng tôi thảo luận về hàng ngàn kẻ khủng bố tự do lái xe bán tải và xả súng bằng khẩu Kalashnikovs và súng máy”.
Răn đe trong “Chiến lược IDF”
Trước đây, các chiến lược gia Mỹ dường như không mấy quan tâm tới chiến lược chống khủng bố của Israel. Tuy nhiên, theo TNI, gần đây Mỹ có sự thay đổi. Điển hình là hồi tháng 8-2015, lần đầu tiên trong lịch sử IDF, Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel, Trung tướng Gadi Eizenkot, đã công bố học thuyết quốc phòng IDF. Trung tâm Khoa học và các vấn đề quốc tế Belfer của Trường Harvard Kennedy đã đăng tải một bản dịch ra tiếng Anh của tài liệu này.
Binh lính của tiểu đoàn trinh sát Beidouin trong một đợt huấn luyện ở Israel. Ảnh: TNI
Tài liệu “Chiến lược IDF” bàn luận chi tiết cách thức ngăn chặn các nhóm khủng bố, đặc biệt là Hezbollah và Hamas. IDF gọi hai nhóm này là “các tổ chức tiểu nhà nước” chứ không phải là “quân khủng bố” giống như Mỹ gọi. “Các tổ chức tiểu nhà nước” có nghĩa là có trụ sở, chiếm lãnh thổ và cai quản dân chúng. Họ dễ bị tổn hại hay có nhiều thứ để mất giống như một quốc gia. Do đó, Israel sẽ áp dụng biện pháp “răn đe chung” và “răn đe cụ thể” kết hợp.
Răn đe chung là duy trì ưu thế quân sự áp đảo và giữ danh tiếng như của “Bố già”. Theo cách nói của ông Eizenkot, Israel phải được xem là một kẻ thù không thể đoán trước, có thể đáp trả một cách rất khốc liệt và tàn nhẫn.
Răn đe cụ thể được áp dụng linh hoạt với từng đối tượng và từng hành động cụ thể. Nó đòi hỏi phải phân tích liên tục những đặc trưng của kẻ thù như danh tính, các đặc điểm, khả năng, các quy trình ra quyết định của đối phương. Israel tìm cách gây ảnh hưởng đến các tính toán của kẻ thù bằng cách thuyết phục họ về “sự vô ích của việc tiếp tục tấn công” và nhắc nhớ họ những “hậu quả của cuộc đối đầu trước đó”.
IDF cũng không ngừng xác định tính hiệu quả của biện pháp răn đe, luôn đảm bảo mọi điều kiện để thành công. Các đường giới hạn luôn rõ ràng, các quan chức cấp cao hàng đầu của Israel liên tục công bố bằng cả tiếng Hebrew (tiếng Do Thái) và tiếng Ả Rập. Khả năng bảo vệ các đường giới hạn luôn được khẳng định bằng việc phô trương quá trình phát triển quân sự. Sự tin cậy được tăng cường bằng các “hành động tấn công hạn chế để cảnh báo” một khi “luật chơi” bị phá vỡ.
Israel coi Hezbollah là “mối đe dọa nghiêm trọng nhất” do Iran hậu thuẫn. Theo Israel, nhóm này đang sở hữu kho vũ khí gồm hơn 100.000 tên lửa và rocket đang nhắm vào Israel. Nhiều trong số đó là tên lửa dẫn đường chính xác có khả năng bắn trúng các mục tiêu chiến lược của Israel, kể cả trung tâm đầu não quân sự ở Tel Aviv – vốn được ví như Lầu Năm Góc của Mỹ. Dù vậy, Israel vẫn không thay đổi chiến lược mà vẫn áp dụng biện pháp răn đe.
Hệ thống phòng thủ Iron Dome (Vòm sắt) của Israel. Ảnh: AFP
Dĩ nhiên, răn đe không phải là “dòng chảy” duy nhất trong chiến lược đối phó kẻ thù của đất nước. Toàn bộ chính sách ngăn chặn quân khủng bố gồm phát hiện (thâm nhập sâu nhận diện nguy cơ), phòng vệ (như hệ thống phòng thủ Iron Dome, tường an ninh hay hàng rào biên giới).
Trong khi nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, mạnh tay đầu tư cho các hệ thống phòng thủ đó, Israel luôn đặt sự răn đe làm “kim chỉ nam” trong chiến lược chống khủng bố của nước này. Dù IDF cũng thừa nhận chiến lược này của họ đôi khi gặp thất bại, gây mất mát, nhưng cộng đồng an ninh quốc gia nước này vẫn xem biện pháp răn đe vẫn tốt hơn so với bất kỳ biện pháp thay thế khả thi nào. Và sau mỗi xung đột, IDF đều nỗ lực gấp đôi để thiết lập cấp độ răn đe mới.
NGỌC NHƯ
Theo PLO