Phường kêu khó nếu phải thu phí bảo trì đường bộ
Trước nhiều khả năng đảm nhận việc thu phí bảo trì đường bộ của người đi xe máy, lãnh đạo một số phường quận ở Hà Nội cho rằng không có người đi thu phí, mức hỗ trợ quá ít và khả năng thu sót là “đương nhiên”.
Theo dự thảo thông tư của Bộ Giao thông Vận tải về phương án thu phí bảo trì đường bộ, từ ngày 1/6, phí ôtô sẽ do cơ quan đăng kiểm đảm trách, còn với xe máy sẽ do chính quyền cấp tỉnh, thành phố quyết định tùy thuộc theo đặc điểm địa phương.
Dự thảo thông tư nêu rõ, chi phí tổ chức thu phí đối với môtô không quá 5% tổng số thu. Số kinh phí được để lại này chi cho công tác tổ chức thu, như: in ấn chỉ, chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng, vật tư văn phòng…
Theo một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, phương án tối ưu nhất là giao cho chính quyền phường xã thu phí bảo trì vì tổ dân phố nắm sát nhất các hộ gia đình có bao nhiêu xe máy. “Chính quyền cơ sở phải có trách nhiệm tạo nguồn thu để có kinh phí cải tạo hạ tầng trên địa bàn”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nói.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, hầu hết lãnh đạo phường xã ở Hà Nội cho rằng giao cho cấp phường xã thu là không khả thi. Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, giải thích nhân lực cấp phường có hạn, trong khi công việc hiện nay rất nhiều, chắc chắn không đủ người để đi thu phí. Nếu giao cho tổ trưởng dân phố thì không đúng chức năng và quyền hạn hiện có. Hiện lực lượng này chỉ đảm nhận chi trả lương hưu, thu thuế đất, còn thu phí bảo trì là lĩnh vực hoàn toàn khác.
Ông Hải cho rằng, nếu giao thêm quyền thu phí cho tổ trưởng dân phố thì vẫn phải có cảnh sát khu vực đi kèm thì người dân mới chấp hành nộp phí. Song vẫn có trường hợp hộ dân không nộp đủ phí của số xe sở hữu, ví dụ một gia đình có 4 xe máy song người ta chỉ kê khai 2 và không hợp tác thì lực lượng của phường rất khó thuyết phục và khó kiểm tra số xe thực tế của gia đình này.
Ôtô, xe máy bắt đầu thu phí bảo trì từ ngày 1/6. Ảnh: Hoàng Hà.
“Tình trạng thu sót là đương nhiên, tỷ lệ này sẽ rất lớn và nảy sinh chuyện bất bình đẳng giữa các gia đình, có hộ đóng ít, hộ đóng nhiều. Quan trọng nhất là phải tạo đồng thuận cho dân, người dân phải tự giác đóng phí bảo trì theo số xe máy của gia đình”, ông Hải nói.
Với nguồn kinh phí được trích lại, lãnh đạo phường Thanh Nhàn cho biết, phường có 5.000 hộ, mỗi hộ tính trung bình 2 xe máy, nếu được trích lại 1-2% nguồn thu thì số tiền được trích lại mỗi năm khoảng 20-30 triệu đồng. Nếu chia cho 75 tổ dân phố thì thù lao cho người đi thu rất ít ỏi.
Video đang HOT
“Thù lao phải tương xứng chứ ít quá thì lại lợi bất cập hại. Nếu ép các phường thu phí này thì sẽ phản tác dụng và gây khó khăn cho phường, trong khi lượng việc của chính quyền cơ sở rất nhiều”, ông Hải bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Vũ Cao Minh, Phó bí thư quận Thanh Xuân, nhận định công tác thu phí bảo trì đường bộ qua các phường sẽ gặp khó khăn, bởi chức năng của phường hiện chưa có việc thu phí bảo trì đường. Nếu bổ sung chức năng thì phường cũng không thể đủ người đi thu mà phải huy động các tổ trưởng dân phố, cảnh sát khu vực.
“Phải trích lại phần thu được cho phường một mức thích đáng, theo tôi ít nhất là 5% để trả công cho người đi thu và tuyên truyền cho người dân. Nếu quá thấp thì người ta không có động lực và nhiệt tình làm việc”, ông Minh nói.
Theo Bí thư quận Thanh Xuân, các tổ trưởng dân phố sẽ rất ngại đi thu tiền vì thường gặp một số người dân có nhận thức kém. Ngay cán bộ công ty môi trường đi thu phí vệ sinh của từng hộ mà còn rất vất vả, nhiều hộ cố tình trây ỳ, trong khi loại phí này gắn với hộ dân hơn là phí đường bộ.
“Cần có cơ chế đủ mạnh và việc tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc nộp phí, nếu để cho dân tự đến phường nộp thì rất khó. Nhà nước cũng có chế tài phạt, ví dụ trong khi lưu hành, nếu cảnh sát không thấy giấy tờ nộp phí thì có thể phạt nặng”, ông Minh bày tỏ.
Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, dự tính mỗi năm số tiền thu từ đầu ôtô trong cả nước đạt hơn 6.800 tỷ đồng số tiền thu được từ 50% số môtô, xe máy đã đăng ký sẽ đạt 2.400 tỷ đồng.
TT
Mức thu đối với xe máy
Mức thu (ngàn đồng/năm)
1
Dung tích xy lanh dưới 70 cm3
80-100
2
Dung tích xy lanh 70 cm3 đến 100 cm3
100- 120
3
Dung tích xy lanh trên 100 cm3 đến 175 cm3
120-150
4
Dung tích xy lanh trên 175 cm3
150-180
Theo VNExpress
Phí bảo trì đường bộ tính theo đầu phương tiện: Khó thu - dễ thất thoát
Phương án thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã không nhận được sự đồng tình của một số bộ, ngành. Theo đó, Bộ GTVT lại nghiêng về phương án thu quỹ qua đầu phương tiện.
Thu phí bảo trì đường bộ với xe máy chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn
Chậm nhất sẽ áp dụng vào năm 2012
Trước đây, Tổng cục Đường bộ đã đưa ra 2 phương án thu quỹ bảo trì đường bộ. Theo đó, phương án 1 là thu phí qua xăng dầu. Cách thức thực hiện, sẽ trích từ 330-1.000 đồng/lít xăng từ thuế nhập khẩu xăng dầu để đưa sang quỹ bảo trì đường bộ. Phương án này được nhiều chuyên gia đánh giá là khả thi, thực hiện minh bạch, đơn giản hơn. Tuy nhiên, tại cuộc họp lấy ý kiến của các bộ, ngành vừa qua, đại diện nhiều bộ, ngành đã phản đối phương án này. Do vậy, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, đang hoàn thiện lại dự thảo và sẽ trình Chính phủ trong tháng 10.
Theo đó, dự thảo sẽ trình Chính phủ 2 phương án, một là thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu và phương án 2 là thu phí đường bộ qua đầu phương tiện. Và đến thời điểm này, phương án thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện được nhiều người ủng hộ. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết: "Thời gian qua, Bộ GTVT đã đưa ra nhiều phương án để bàn bạc, hiện tại cơ bản đã hoàn thành dự thảo cuối cùng để trình Chính phủ. Bộ kiến nghị sử dụng phương án thu phí qua đầu phương tiện và cũng được các bộ, ngành đồng tình". Nếu được thông qua, thì năm 2012 sẽ đưa vào áp dụng, chậm nhất là tháng 7.
Quỹ bảo trì đường bộ hình thành trên hai nguồn, trong đó, ngân sách nhà nước dự kiến đáp ứng 30%, thu trên các phương tiện tham gia giao thông là 70%. Tuy nhiên, các nguồn thu này cũng mới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu bảo trì đường sá. Nếu thực hiện phương án thu phí này, ông Trường cho rằng, sẽ loại bỏ các trạm thu phí Nhà nước quản lý, tổng số 19 trạm, song các trạm thu theo hình thức BOT vẫn tồn tại. Hiện, vẫn còn 30 trạm theo hình thức này. Nguyên nhân vì quỹ bảo trì chỉ phục vụ cho công tác duy tu, còn các trạm BOT phải thu để hoàn vốn.
Xe máy sẽ thu phí 180.000 đồng/năm
Cụ thể, đối với ô tô sẽ thu theo phương thức qua đăng kiểm xe ô tô hàng quý, hàng năm. Mức thu theo quy định của Bộ Tài chính, phụ thuộc vào trọng tải và loại phương tiện sử dụng đường bộ. Mức thu với ô tô được chia làm 7 nhóm, trong đó thấp nhất là 180.000 đồng/tháng và cao nhất 1.440.000 đồng/tháng. Còn đối với xe máy, sẽ thu qua bảo hiểm, hoặc giao cho các địa phương thu để đưa vào quỹ bảo trì của địa phương. Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường đánh giá, mức thu trên xe máy sẽ là 180.000 đồng/năm, mức này tương đối thấp. Như vậy, tổng nguồn thu hàng năm dành cho quỹ sẽ được từ 8.000-10.000 tỷ đồng.
Còn phương thức thu qua xăng dầu, đối với ô tô sẽ thu trực tiếp để đảm bảo công bằng. Hơn nữa, các đối tượng không sử dụng xăng cũng tương đối ít, nên việc hoàn lại không phức tạp, không mất thời gian. Với dầu, sẽ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, hoặc thu qua đầu phương tiện sử dụng dầu.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc thu phí qua đầu phương tiện cần tính toán chính xác. Ông Hùng cho rằng mức thu dự kiến trước đây của Bộ GTVT đề xuất với ô tô sử dụng dầu diezel cao gấp 1,5 lần ô tô sử dụng xăng là không hợp lý, thay vào đó cần thu theo số kilômét sử dụng.
Nhiều người cũng tỏ ra e ngại, khi mà hiện cả nước đang có đến 32 triệu xe máy, việc thu phí qua đầu phương tiện đối với loại hình này dễ dẫn đến thất thoát, tiêu cực. Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ trong một lần trả lời báo chí cũng đã cho rằng, thu phí qua đầu phương tiện đối với xe máy là rất khó và thất thoát lớn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, nếu được Chính phủ thông qua, quỹ bảo trì đường bộ sẽ tổ chức kiểm tra việc thu, chi, có kiểm soát.
Khó thu phí bảo trì đường bộ từ xe máy
Cả nước có đến 32 triệu xe máy, mô-tô. Nếu thu qua bảo hiểm tôi cho rằng khó khả thi, dễ thất thoát. Ngay đến bảo hiểm xe máy hiện nay, nhiều cá nhân cũng bỏ qua không mua thì nói gì đến việc thu phí bảo trì đường bộ? Nhiều người chỉ chịu đóng bảo hiểm khi mới mua xe, đi đăng ký BKS, còn sau đó thì lờ đi. Trong khi đó, nếu giao cho các địa phương đứng ra thu, lại dễ nảy sinh tiêu cực. Con số 180.000đ/xe/năm nếu nhân lên với lượng xe của từng tỉnh thành là một số tiền cực lớn, trong khi đó không thấy quy định nói rõ về cách thức thu phí nếu giao cho địa phương.
Nguyễn Văn Hùng (Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Thiếu công bằng khi thu qua đầu phương tiện
Trong gia đình, tôi là người thường xuyên di chuyển bằng xe máy nhất, sau đó đến vợ và con trai (đang là sinh viên đại học). Thế nhưng nếu như phải đóng phí bảo trì đường bộ thì cả 3 xe này đều bị áp mức 180.000đ/xe/năm. Như thế là bất công bằng. Đồng ý, việc thu phí cho quỹ bảo trì đường bộ là lối thoát cho tình trạng thiếu kinh phí bảo trì đường bộ triền miên, khiến đường xá xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính công bằng.
Lê Công (Q. Long Biên, Hà Nội)
Theo ANTD