Phương án nào cũng phải bảo tồn cầu Long Biên
Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết cầu Long Biên đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng, nên Bộ GTVT rất tôn trọng ý kiến của các nhà lịch sử, nhà văn hóa cũng như người dân góp ý về phương án bảo tồn cây cầu này.
Theo Thứ trưởng Đông, có nhiều phương án đối với cầu Long Biên, trong đó đưa ra quan điểm phải tôn tạo, lưu giữ; có những quan điểm phải vừa tôn tạo, giữ gìn vừa phát huy những công năng mới; có những quan điểm giữ nguyên cái cũ và làm cầu ở một vị trí khác. Tôi cho rằng cần lấy ý kiến đa chiều rồi mới quyết định vì mục tiêu chung giao thông thông suốt trên hành lang quan trọng này của Hà Nội, nhưng vẫn giữ được hình ảnh cầu Long Biên.
Thứ trưởng Đông cho rằng, phải định danh rõ sự hài hòa giữa bảo tồn và vận tải. Hà Nội đang đà phát triển mạnh, dân số tăng nhanh, không thể bắt người dân đi vòng khoảng cách xa lên tận Nhật Tân mới qua được sông Hồng. Hơn nữa giao thông là cần thiết để phát triển Hà Nội. Đây là trục quan trọng nên phải xây dựng cầu mới, nhưng chọn vị trí nào phải nghiên cứu kỹ. Chúng tôi đã đề nghị từ trước xây dựng cầu mới cách cầu cũ 30m. Phương án này sẽ bảo tồn nguyên vẹn cầu cũ nhưng vẫn có quan điểm lo ngại ảnh hưởng tới cảnh quan, kiến trúc của cầu cũ. Hà Nội vẫn đề nghị nghiên cứu xây cầu mới đi trùng tim cầu cũ.
Trước đây, Bộ GTVT đã nghiên cứu rất nhiều phương án, trong đó tuyến tránh 30m, 50m, 100m và trong vòng 200m trở lại nhưng tách ra khỏi cầu cũ và giữ lại cầu cũ để Hà Nội có các phương án nâng cấp, bảo tồn. Khi đó, phương án xây cầu mới cách cầu cũ 30m đã được Hà Nội đồng ý rồi trình Chính phủ và Chính phủ đã duyệt dự án khả thi. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng khi xây dựng cầu mới song song sẽ làm ảnh hưởng tới không gian kiến trúc của cầu cũ nên đề nghị dịch ra khoảng 200m và cuối cùng phương án dịch ra khoảng 186m là hợp lí. Nhưng do vấn đề xã hội về giải phóng mặt bằng nên Hà Nội lại đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu phương án trùng tim của tuyến cũ.
Video đang HOT
Tuy nhiên, cầu Long Biên đã rất cũ, nếu tiếp tục sử dụng phải gia cố, tăng cường. Hơn nữa công năng cho đường thủy cũng thay đổi nên phải trùng tu, nâng độ cao. Nếu trùng vị trí cũ mà không cho động chạm đến cầu thì không thể đảm bảo giao thông cả đường sắt và đường thủy.
Mạng đường sắt đô thị Hà Nội được nghiên cứu quy hoạch rất chi tiết với 8 tuyến đường sắt. Đây là tuyến số 1 rất quan trọng với giao thông Hà Nội nên không thể dịch chuyển đi quá xa để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi tàu, từ đó giảm tải giao thông đường bộ. Thứ trưởng Đông nói: Với tuyến đường sắt chỉ cần dịch chuyển đi khoảng 500 m là hành khách đã ngại đi bộ rồi. Mà đặc thù đi đường sắt đô thị là đi bộ lên tàu, không thể bắt hành khách đi vòng lên Nhật Tân rồi mới vòng xuống được. Nên cần hoạch định các tuyến, mỗi tuyến sẽ ảnh hưởng đến một hành lang giao thông nhất định. Ở tuyến này, chỉ có thể dựa trên hành lang đó để lựa chọn vị trí. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ và có thủ tục duyệt dự án từ trước, đề nghị để thực hiện được sẽ xây dựng cầu mới cạnh cầu cũ nhưng cũng có quan điểm lo ngại sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc cầu cũ.
Theo ông Đông, nhu cầu triển khai tuyến đường sắt đô thị số 1 đang cấp bách, đã được đề ra từ những năm 1998. Năm 2005 đã xác định đường sắt đô thị rất cần thiết để tránh quá tải giao thông Hà Nội, tránh quá tải cầu Chương Dương. Phía Nhật Bản cũng đồng ý hỗ trợ khoản vay để xây dựng tuyến đường sắt này nhưng muốn chúng ta chốt phương án vị trí cầu Long Biên để thực hiện. Chúng tôi cần sự đồng thuận vì dự án đi trên địa bàn Hà Nội, rồi sẽ báo cáo Chính phủ quyết định.
Theo Thiện Anh (Giaothongvantai.com.vn)
Sở GTVT Hà Nội nói gì về bảo tồn cầu Long Biên?
"Sửa chữa một cây cầu không khó nhưng quan trọng là việc sửa chữa ấy phải có tính bảo tồn, gắn với lịch sử dân tộc".
Người phát ngôn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân nêu quan điểm với phóng viên các báo đài về việc bảo tồn cầu Long Biên với nhiều phương án được đưa ra, và đang nhận được nhiều ý kiến xoay quanh chủ trương này.
Liên quan đến chủ trương này, ông Tân cho biết trước đây Bộ GTVT và Hà Nội đã có buổi làm việc. Giám đốc Sở GTVT cũng đã nêu quan điểm của Sở về việc này.
"Sửa chữa một cây cầu không khó nhưng quan trọng là việc sửa chữa cây cầu ấy phải có tính bảo tồn, gắn với lịch sử dân tộc. Ngoài ra còn phải đảm bảo cả yếu tố ngoại giao. Vì cây cầu này do Pháp xây dựng, đến nay cầu Long Biên đã có tuổi thọ hơn 100 năm" - ông Tân cho biết.
Mặc dù vậy, theo Phó giám đốc Sở GTVT, đến thời điểm này khả năng chịu tải cầu Long Biên rất kém. Nhưng nếu theo phương án làm lại mới thì công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Giải quyết bài toàn này rất khó. Làm một cây cầu chẳng khó gì, nhưng tiền ở đâu, đầu tư bằng nguồn nào là cả một vấn đề cần phải cân nhắc.
"Quan điểm của Sở GTVT Hà Nội là bảo trì, nâng cấp phát triển lại cây cầu giống như một ngôi nhà cổ. Cần hạn chế giải phóng mặt bằng, di dân phố cổ, vì đây là việc làm rất khó. Tuy nhiên việc quyết định cụ thể thế nào phải phụ thuộc vào cấp có thẩm quyền phê duyệt chứ không phải thích thì làm" - ông Tân nói.
Đang có 3 phương án trong việc bảo tồn cầu Long Biên
Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, VHTT&DL, UBND TP Hà Nội xin ý kiến trong việc bảo tồn cầu Long Biên, vì cây cầu này có liên quan đến dự án đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi.
Bộ GTVT đã đưa ra 3 phương án đối với cầu Long Biên. Đầu tiên là phương án xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện nay và di dời 9 nhịp cầu phía Hà Nội về hướng thượng lưu, cách cầu 85 mét để bảo tồn. Qua đó, cầu Long Biên sẽ được gia cố, sửa chữa nguyên bản để khai thác phần đường 2 bên cầu.
Phương án 2 được Bộ GTVT đưa ra là tháo dỡ cầu Long Biên cũ, xây cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại. Cây cầu mới sẽ có hình dáng tương tự cầu cũ, nhưng công năng thay đổi, dùng cho cả đường sắt, đường bộ.
Phương án 3 là xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.
Điểm đáng chú ý là thực hiện cả 3 phương án này sẽ cần khoảng 60 nghìn m2 đất, và phải di dời hơn 600 nhà dân. Chi phí để làm lại cây cầu này khoảng trên dưới 9 nghìn tỷ, trong đó chi phí cho GPMB gần 1 nghìn tỷ đồng.
Theo Thành Nam (Infonet.vn)
Di dời cầu Long Biên: "Chỉ bảo tàng được kiến trúc vô hồn!" "Với phương án Bộ GTVT đưa ra thì chỉ bảo tàng vật thể kiến trúc vô hồn hoặc khoác lên nó cái vỏ mới chứ không bảo tồn được không gian sống, giá trị lịch sử, kiến trúc như cầu Long Biên hiện tại", KTS Đào Ngọc Nghiêm nói. Ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển...