Phường 475 “cán bộ”: “Không đông không được!”
Thông tin thị trấn Mạo Khê (Đông Triều, Quảng Ninh) có 639 công bộc hưởng lương, phường Hồng Hải (TP Hạ Long) có 475 “cán bộ”… khiến dư luận bất bình. Tuy nhiên Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ninh khẳng định “cán bộ không đông không được”.
Tại cuộc họp HĐND tỉnh Quảng Ninh vừa qua, vấn đề “bộ máy cán bộ phình to” cũng đã được đưa ra bàn luận sôi nổi
PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Minh Thiết, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh, về con số cán bộ hưởng lương, phụ cấp “khủng” ở các phường, thị trấn như báo chí đăng tải.
Việc một đơn vị cấp phường, xã, thị trấn có số lượng cán bộ hưởng trợ cấp từ ngân sách lên tới con số “khủng” như tại phường Hồng Hải và thị trấn Mạo Khê đã khiến dư luận sửng sốt. Vậy ông có đánh giá gì về bộ máy cán bộ công chức của cấp cơ sở hiện nay ở Quảng Ninh?
Tại kết luận 364 của Nghị quyết trung ương 7 cũng đã khẳng định đội ngũ cán bộ xã, phường hiện rất đông. Đó là thực trạng chung của cả nước, không riêng gì ở Quảng Ninh. Tôi cũng đã có những tham khảo rộng rãi trên nhiều địa phương khác, đều có chung thực trạng là việc thu gọn công tác cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách cấp cơ sở phường, xã gặp rất nhiều khó khăn. Riêng Quảng Ninh, kết cấu dân số tại những phường, xã, thị trấn quá đông mới dẫn đến tình trạng đông cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách hưởng ngân sách nhà nước.
Lý giải của ông về con số 639 và 475 cán bộ hưởng lương, trợ cấp nhà nước tại hai địa bàn thị trấn Mạo Khê và phường Hồng Hải?
Tại thị trấn Mạo Khê có tới gần 50 nghìn dân, số dân vượt mức cấp phường xã, tương đương với một thị xã, huyện của nhiều địa phương khác. Bây giờ bảo Mạo Khê có hơn 600 cán bộ nhưng phải xem xét là tại địa phương này có bao nhiêu dân và bao nhiêu doanh nghiệp đang hoạt động sinh sống để có số lượng cán bộ thích ứng.
Liên hệ qua 3 huyện Cô Tô, Ba Chẽ, Bình Liêu của Quảng Ninh, số dân cộng lại của 3 địa phương này cũng chỉ tương đương với Mạo Khê và Hồng Hải. Như vậy so sánh một cấp phường, thị trấn có tới nửa vạn dân với những cấp huyện đã là một sự bất hợp lý. Mà dân đông thì buộc phải có đông cán bộ để quản lý, thực hiện các công tác xã hội phát sinh.
Vậy việc hai địa phương này có đông cán bộ như vậy có vượt quá quy định cho phép không thưa ông?
Việc bố trí cán bộ chuyên trách và cán bộ không chuyên trách, tổ thôn bản, chúng tôi đều tuân theo Nghị định 92. Địa bàn lớn, dân đông, quản không hết được nếu ít nhân lực. Chưa kể ngân sách của dân đóng vào để hỗ trợ nuôi cái bộ máy này (cán bộ tổ dân phố, khu phố) cũng đúng với chủ trương chính sách của trung ương chứ không có gì sai cả.
Theo quy định thì một phường chỉ được 25 cán bộ công chức chuyên trách nhưng nếu ở Mạo Khê và Hồng Hải mà cũng chỉ có 25 cán bộ thì tỉnh Quảng Ninh làm sao để quản lý hơn 5.000 hộ dân/một đơn vị cấp cơ sở như thế?
Có nghĩa là việc tinh giản cán bộ tại các địa phương mà cụ thể là ở hai đơn vị cấp cơ sở nêu trên là vấn đề không thể ?
Video đang HOT
Bộ máy cơ sở gọn nhẹ, nhân lực tinh nhuệ và vận hành hiệu quả, tốn ít ngân sách là điều mà bất cứ vị lãnh đạo nào cũng muốn; tuy nhiên phải tùy thực tế cụ thể của từng địa phương mà có quyết sách phù hợp.
Cụ thể hiện nay cứ từ 80 đến 100 hộ dân phải thành lập một đơn vị tổ dân phố. Nhưng nếu cắt giảm vai trò tổ trưởng, bí thư đi thì ai sẽ lo hoạt động xã hội, quản lý của cấp cơ sở. Hiện mỗi khu phố chúng tôi đang khoán phụ cấp 25 triệu/năm/thôn/khu phố. Chia ra mỗi tháng trợ cấp cho một cán bộ phụ trách là 230 nghìn/tháng. Đây là mức thấp cho tổ trưởng tổ, bí thư chi bộ tổ dân phố để họ đảm nhận công việc. Rõ ràng như thế là đông nhưng thẳng thắn ra thì không đông không được.
Vậy trước chủ trương tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách, làm gọn bộ máy cơ sở, tỉnh Quảng Ninh nhận thấy trách nhiệm như thế nào?
Dân số đông buộc phải có nhiều tổ, khu dân cư để quản lý phù hợp. Tuy nhiên chúng tôi có quan điểm là phải làm gọn hết sức có thể bộ máy cấp cơ sở dựa trên tình thần khảo sát, đánh giá chặt chẽ để có chính sách phù hợp với địa phương cụ thể. Biện pháp cơ bản là tỉnh sẽ phải khoán tiền chi lương, trợ cấp để địa phương tự cân đối và thanh lọc các bộ phận không cần thiết.
Theo tinh thần chỉ đạo của trưng ương chúng tôi buộc phải thực hiện khoán. Cụ thể là sẽ rút số tiền chi ngân sách trả lương cán bộ cấp cơ sở xuống còn một nửa so với lâu nay để tùy địa phương người ta xử lý, cân đối và có biện pháp. Bên cạnh đó không giao, cấp chi tiêu biên chế nữa.
Vậy sắp tới tỉnh có kế hoạch cho cán bộ nghỉ việc để thực hiện chủ trương tinh giản cán bộ không?
Bây giờ bảo cho ai nghỉ ai làm là cả một vấn đề khó khăn không riêng gì của Quảng Ninh. Đuổi việc, cho nghỉ một người đâu phải chuyện dễ.
Tuy nhiên chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ để đánh giá lại để có biện pháp riêng biệt từng địa phương cụ thể. Trong các đơn vị công lập chúng tôi đã có những triển khai rất mạnh mẽ, về ngân sách chúng tôi đã giảm rất nhiều chứ không giảm biên chế. Công tác cân đối thu chi được ưu tiên thực hiện và phải duy trì sự phát triển của đơn vị. Dùng quy luật loại trừ để chọn lại những cán bộ có năng lực, hiệu quả.
Còn bây giờ nếu mạnh tay cắt hẳn cấp cơ sở ở khu dân cư, tổ dân phố thì sẽ dẫn đến “vỡ trận”. Đây là một vấn đề nan giải, tế nhị và khó thực hiện.
Xin cảm ơn ông!
Thu Hằng
Theo dantri
Sốc với phường có 475 "cán bộ"
UBND phường Hồng Hải (TP Hạ Long) có 475 "cán bộ", UBND thị trấn Mạo Khê (huyện Đông Triều) có tới 639 công bộc hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước... Những phát hiện gây sốc trên cho thấy chủ trương tinh giản bộ máy hành chính tại đây đang bị đi ngược.
Ngân sách oằn mình trả lương... cho một bộ máy "phình" to từ cơ sở...
"Phình" ra do... chính sách
Theo Phòng Nội vụ (TP Hạ Long), trong số 475 "cán bộ" hưởng lương, phụ cấp của UBND phường Hồng Hải có 23 biên chế chuyên trách; còn lại là những người hưởng phụ cấp gồm khu trưởng, bí thư chi bộ khu ở 18 khu phố; 112 tổ trưởng tổ dân phố; 18 trưởng ban công tác mặt trận, dân quân tự vệ, ANTT..., với mức hưởng từ hệ số 0,2 - 1,0/tháng.
Theo đó, mức hưởng cao nhất là 1.150.000 đồng/người tháng và thấp nhất 230.000 đồng/người/tháng. Tính ra, mỗi năm, UBND phường Hồng Hải được ngân sách thành phố phê duyệt chi 2,5 tỉ đồng cho riêng quỹ lương.
Người dân làm thủ tục tại UBND phường Hồng Hải. Ảnh: Trần Ngọc Duy.
Rõ ràng, đó là sự cồng kềnh khủng khiếp, nhưng lãnh đạo TP Hạ Long cho rằng, đây là phường quy mô loại I trên địa bàn trung tâm chính của Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.
Đây cũng là phường có số dân đông nhất nhì Hạ Long với trên 19.000 nhân khẩu và hơn 4.800 hộ dân sinh sống và có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất Quảng Ninh.
Theo ông Trần Quốc Hùng - quyền Chủ tịch UBND phường Hồng Hải - việc số lượng người được hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách của phường này cứ "phình" ra là do thời gian gần đây sinh ra quá nhiều khu phố, tổ dân phố do sự nhập vào, chia tách ra từ những chủ trương của tỉnh và thành phố.
Năm 2008, phường Hồng Hải chỉ có 9 khu phố, nhưng đến nay lên tới 18 khu phố, xuất phát từ đề án của Thành ủy Hạ Long (năm 2008) chia quy mô, dân phố, tổ dân phố căn cứ vào QĐ số 515 do tỉnh Quảng Ninh ban hành trước đó 1 năm.
Trong khi đó, căn cứ vào các QĐ số 68/2010 và 1070/2013... về "quy định các chức danh, số lượng, chính sách đối với cán bộ, công chức xã phường, thị trấn và điều chỉnh phân loại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh", thì việc phường này có trên 400 cán bộ chuyên trách và không chuyên trách được hưởng lương và phụ cấp là điều tất yếu (?!)
Thừa nhận việc "phình" ra đội ngũ cán bộ cấp xã, phường tại Quảng Ninh là quá "khủng", nhưng ông Vũ Minh Thiết - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh cho rằng - qua rà soát, đều tuân theo các quy định của Nhà nước.
"Kỷ lục" Mạo Khê
Với hơn 50.000 dân, 24 khu phố, 126 tổ dân phố, hiện UBND thị trấn Mạo Khê (huyện Đông Triều) đứng đầu cả tỉnh Quảng Ninh về số người được hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước.
Theo tính toán, mỗi tháng, ngân sách phải chi trên 456 triệu đồng để trả cho đội ngũ nhân sự trên, tương đương với gần... 5,5 tỉ đồng/năm! Dư luận cho rằng, nếu so sánh về quy mô dân số với phường Hồng Hải của TP.Hạ Long, thì việc UBND thị trấn này có số người được hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách như hiện nay là... hợp lý.
Trụ sở UBND phường Hồng Hải
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Phạm Thanh Trường - Chủ tịch UBND thị trấn Mạo Khê - thừa nhận thực tế này và cho biết sẽ kiên quyết tinh giản bộ máy theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh. "Trong kế hoạch chi ngân sách của huyện năm 2014, đã loại một loạt những người hưởng phụ cấp ở các tổ chức đoàn thể cấp khu phố, tổ dân phố" - ông Trường nói
Tuy nhiên, tại Quảng Ninh, chưa có nhiều xã, phường "mạnh dạn" như UBND thị trấn Mạo Khê trong việc này.
Một tổ trưởng tổ dân phố phường Hồng Hải cho rằng, nên cắt giảm các chức danh ở các tổ chức đoàn thể cấp khu phố, tổ dân phố như: Chi đoàn, hội phụ nữ, hội chữ thập đỏ..., bởi mọi việc phường giao xuống từng tổ dân đều do tổ trưởng triển khai thực hiện.
Vấn đề, số lượng hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách tăng mạnh, nhưng chất lượng dịch vụ chưa thực sự tương xứng. "Mỗi lần động chạm đến các thủ tục giấy tờ đất đai, chúng tôi luôn gặp phải trở ngại không đáng có. Đội ngũ công chức theo tôi chưa thực sự gần dân, là công bộc của dân" - ông Nguyễn Minh An (một người dân phường Hồng Hải) nhận xét.
Anh Nguyễn Đăng Mạnh (trú tại khu Vĩnh Xuân, Mạo Khê) bức xúc: "Thủ tục hành chính đã có nhiều cải thiện, nhưng còn xa mới làm hài lòng người dân. Có những việc rất đơn giản nhưng lại cố gây rắc rối cho dân. Chẳng hạn như bắt dân phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục mà không thông báo một lần xem thủ tục thiếu những gì".
Câu chuyện về chi ngân sách quá lớn cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính ở Quảng Ninh không phải là lần đầu tiên Chủ tịch UBND tỉnh này - ông Nguyễn Văn Đọc - "kêu" tại kỳ họp HĐND tỉnh. Với mức chi bình quân 4.120 tỉ đồng/năm cho nội dung này, theo ông Đọc, tương đương với mức chi thường xuyên cả năm của tỉnh Hải Dương.
Vì lẽ đó, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Đọc khẳng định quyết tâm thực hiện kết luận 64 của Bộ Chính trị và Nghị định 29 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. "Thực ra, đây cũng là vấn đề chung của cả nước, Quảng Ninh chuẩn bị thực hiện kết luận 64 và Nghị định 29, nên "đánh động" trước" - ông Đọc chia sẻ.
Theo Trần Ngọc Duy
Lao Động
Nhiều tranh luận về tên gọi 2 quận mới Chủ trương tách huyện Từ Liêm thành 2 quận mới được nhiều ĐB HĐND TP quan tâm. Báo An ninh Thủ đô đã ghi lại một số ý kiến về vấn đề này. Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng: Tách thành 2 quận là hợp lý "Từ Liêm đã cơ bản đô thị hóa xong, nếu vẫn giữ nguyên mô hình...