Phục tráng một số giống lúa đặc sản địa phương
Với mục tiêu phục tráng một số giống lúa đặc sản địa phương để lựa chọn được giống gốc, làm cơ sở phục vụ cho sản xuất đại trà và phát huy lợi thế cạnh tranh, xây dựng thương hiệu các giống lúa đặc sản của tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên thực hiện Đề tài “Phục tráng một số giống lúa đặc sản tại tỉnh Tuyên Quang”.
Đề tài được thực hiện trong 3 năm (2014 – 2016), do Tiến sỹ Nguyễn Thị Lân, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên làm chủ nhiệm. Theo điều tra, khảo sát của đơn vị thực hiện đề tài, tại các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta có gần 200 giống lúa, trong đó tỉnh Tuyên Quang có nhiều giống lúa địa phương như khẩu pái, khẩu lường ván, khẩu mò, nếp râu, nếp bã trầu… là những giống lúa có chất lượng ngon, được nông dân trồng để sử dụng trong những dịp lễ Tết.
Các giống lúa này được trồng chủ yếu ở các huyện Nà Hang, Hàm Yên với diện tích mỗi loại giống khoảng 10 ha. Để mở rộng diện tích, phát triển sang các địa phương khác thì cần khôi phục các giống lúa cho đúng giống gốc và xác định biện pháp kỹ thuật phù hợp.
Giống lúa khẩu lường ván được trồng thí điểm tại xã Yên Thuận (Hàm Yên).
Thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn đưa 2 giống lúa vào nghiên cứu là giống khẩu pái và khẩu lường ván. Cả 2 giống lúa này đều được người dân ở các xã Yên Thuận, Phù Lưu (Hàm Yên) và xã Thượng Giáp (Nà Hang) gieo trồng, năng suất chỉ đạt từ 0,8 – 0,9 tạ/sào, tương đương 20 – 25 tạ/ha. Sản lượng này thấp hơn rất nhiều so với năng suất trên lý thuyết.
Video đang HOT
Nguyên nhân có thể do người dân cấy mạ già và số dảnh cấy nhiều dẫn đến khả năng đẻ nhánh thấp. Tuy đã chú trọng bón phân khoáng như đạm, lân, kali cho lúa nhưng không sử dụng phân chuồng và lượng phân bón chưa cân đối làm ảnh hưởng đến năng suất lúa…
Để phục tráng giống lúa khẩu pái và khẩu lường ván, đơn vị thực hiện dự án lựa chọn trồng thí điểm qua 3 vụ mùa tại xã Yên Thuận (Hàm Yên) với tổng diện tích gieo trồng 2 giống là 1.980 m2/vụ. Vụ 1 theo dõi 300 cá thể/giống, chọn được 100 cá thể/giống; vụ 2 cấy 50 dòng/giống, chọn được 10 dòng/giống.
Năng suất các dòng đạt từ 41,83 – 44,67 tạ/ha (giống khẩu pái) và 42,58 – 46,94 tạ/ha (giống khẩu lường ván); vụ 3 cấy 10 dòng, chọn được 5 dòng ưu tú/giống. Năng suất trung bình giống khẩu pái đạt 42,94 tạ/ha cao hơn năng suất của giống lúa này khi chưa chọn lọc là 7,22 tạ/ha; giống khẩu lường ván đạt 44,52 tạ/ha cao hơn năng suất của giống lúa này khi chưa được chọn lọc là 8 tạ/ha.
Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã sản xuất được 100 kg hạt giống siêu nguyên chủng, trong đó mỗi giống là 50 kg. Chất lượng cơm của 2 giống lúa này theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì giống lúa khẩu pái có chất lượng cơm đạt loại khá, giống lúa khẩu lường ván có chất lượng cơm đạt loại tốt.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Lân, Chủ nhiệm đề tài, ngoài việc sản xuất được hạt giống siêu nguyên chủng, nhóm nghiên cứu đã đào tạo, tập huấn kỹ thuật phục tráng giống và kỹ thuật trồng lúa đặc sản địa phương cho 15 cán bộ kỹ thuật, 105 lượt người dân; đưa ra một số biện pháp kỹ thuật nhằm hoàn thiện quy trình hướng dẫn kỹ thuật sản xuất 2 giống lúa đặc sản trên như: Thời gian gieo trồng tốt nhất đối với giống khẩu pái là giữa tháng 5, đối với giống khẩu lường ván là cuối tháng 5; cả 2 giống lúa đều có thể cấy với mật độ từ 30 – 35 khóm/m2…
Việc thực hiện đề tài đã thu được kết quả tích cực, mở ra hy vọng phát triển trên diện rộng, góp phần bảo tồn, bổ sung vào cơ cấu giống lúa của địa phương, tạo sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân, từ đó phát huy lợi thế cạnh tranh và xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa đặc sản của tỉnh Tuyên Quang.
Theo Mai Hương (Báo Tuyên Quang)
Yên Nguyên phát triển nghề nuôi cá lồng đặc sản
Nhằm khai thác hiệu quả diện tích mặt nước sông Lô chảy qua địa bàn, trong những năm qua bà con xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) tập trung đầu tư nuôi cá lồng đặc sản. Qua đó đã góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế, giảm nghèo tại địa phương.
Ông Trần Văn Thân, thôn Hợp Long 2, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) chăm sóc cá lồng đặc sản.
Ông Trần Văn Thân, thôn Hợp Long 2, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cho biết, gia đình ông từ nhiều năm nay đã nuôi cá lồng trên sông Lô, chủ yếu là các loại cá trắm, trôi, rô phi cho hiệu quả kinh tế ít. Đầu năm 2015, gia đình ông đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng theo Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh đầu tư xây dựng 3 lồng sắt để nuôi cá chiên.
Sau hơn 1 năm nuôi đến nay 3 lồng cá đặc sản của gia đình ông đã cho thu hoạch. Cũng theo ông Thân, cá chiên là loài khá dễ nuôi, ít bị bệnh. Mỗi lứa nuôi từ 1 năm đến năm rưỡi, khi cá đạt trọng lượng trung bình từ 1,5 đến 2 kg/con có thể xuất bán.
Với 3 lồng nuôi, mỗi lồng nuôi gần 500 con, giá bán buôn từ 450.000 đồng đến 470.000 đồng/kg, mỗi vụ sau khi trừ chi phí gia đình ông thu về trên 50 triệu đồng. Ngoài ra ông Thân cũng là tổ trưởng tổ tự quản nuôi trồng và khai thác thủy sản trong thôn với 30 hộ gia đình tham gia.
Còn đối với ông Đinh Văn Lan cũng là người tham gia nuôi cá đặc sản ở cùng thôn cho biết, trong thôn những hộ có điều kiện thì làm lồng bằng khung sắt, lưới và phao nhựa, hộ ít vốn thì tận dụng những cây tre, cây luồng trên rừng để làm lồng. Tùy theo kích cỡ lồng mà thả cá phù hợp, tránh thả quá dày. Đặc biệt, nuôi cá ở sông Lô quanh năm nước chảy nên ít xảy ra dịch bệnh.
Đến nay gia đình ông có 4 lồng nuôi các loại cá đặc sản như chiên, lăng... Nguồn thức ăn chính cho 4 lồng cá của gia đình ông chủ yếu là các loài cá tạp, được các thương lái thu mua ở trên hồ thủy điện Tuyên Quang về bán cho các hộ nuôi cá lồng ở nơi đây.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thời gian tới, UBND xã Yên Nguyên tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích phát triển nghề nuôi cá lồng. Trong đó xã lấy quy hoạch làm trọng tâm để tạo ra những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.
Xã tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân, chú trọng tập huấn kỹ thuật mới, qua đó góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân; chú trọng phát triển thủy sản đi đôi với bảo vệ môi trường, ngăn chặn tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, quan tâm tìm kiếm thị trường tiêu thụ để nghề nuôi cá đặc sản ở nơi đây được phát triển bền vững.
Theo Nguyễn Việt (Báo Tuyên Quang)