Phúc thẩm Huyền Như: LS truy trách nhiệm của Vietinbank
Cho rằng Vietinbank quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng, một số nguyên đơn dân sự trong vụ án đã yêu cầu Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét trách nhiệm của ngân hàng này.
Sáng nay (17.12), phiên tòa phúc thẩm “đại án” Huyền Như và các đồng phạm được tiếp tục với phần thẩm vấn công khai. Nội dung thẩm vấn xoay quanh hành vi Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một số công ty, trong đó có Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu (gọi tắt Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu): 125 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư An Lộc: 170 tỷ đồng.
Quang cảnh phiên tòa sáng nay.
Tại phần thẩm vấn, đại diện Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu (nguyên đơn dân sự) cho rằng, hợp đồng quản lý tài khoản của Vietinbank lỏng lẻo, không giám sát được quy trình giao dịch tài khoản. Khi Huyền Như rút tiền khỏi tài khoản hoàn toàn không có thủ tục nào cả mà vẫn rút được. Do đó, đại diện công ty trên yêu cầu làm rõ vai trò của Vietinbank trong vụ án này.
Luật sư Đặng Ngọc Châu (Đoàn Luật sư TP.HCM, bảo vệ quyền lợi cho Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu) hỏi đại diện Vietinbank: “Trong phần thẩm vấn hôm trước, đại diện Vietinbank nói không có trách nhiệm với tiền gửi qua tài khoản thanh toán, trong khi số tiền Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu là tài khoản tiền gửi, vậy Vietinbank có chịu trách nhiệm không?”. Đại diện Vietinbank cho biết không chịu trách nhiệm.
Video đang HOT
“Vậy số tiền 125 tỷ Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu chuyển vào tài khoản thanh toán Vietinbank, nếu ngân hàng không được sử dụng thì số tiền đó có được trả lại không?”, luật sư Châu hỏi tiếp. Đại diện Vietinbank cho rằng: Theo đánh giá của ngân hàng, tài khoản đó là tài khoản giả, toàn bộ động cơ mục đích của bị cáo Huyền Như là để chiếm đoạt. Còn Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu vì lợi ích cá nhân mà thực hiện mở tài khoản bất hợp pháp, đồng thời buông lỏng quản lý, không theo dõi các biến động của tài khoản để xảy ra vụ việc. Do đó, Vietinbank không chịu trách nhiệm về số tiền gửi của công ty bị Huyền Như chiếm đoạt.
Luật sư Châu lập tức đưa ra và đọc quyết định của giám đốc Ngân hàng Vietinbank thời điểm năm 2011 nói về trách nhiệm của Vietinbank đối với tiền gửi của khách hàng.
“Người phân công cho Huyền Như có phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ án này không?”, luật sư Châu hỏi. Đại diện Vietinbank trả lời: “Ở phiên tòa này không xem xét trách nhiệm hành chính, dân sự mà chỉ xem xét trách nhiệm hình sự. Ai làm người đó chịu trách nhiệm”. Đến đây, luật sư Châu dừng hỏi và đề nghị HĐXX ghi nhận các câu trả lời của đại diện Vietinbank để làm căn cứ.
Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư An Lộc (nguyên đơn dân sự trong vụ án) cũng yêu cầu Vietinbank chịu trách nhiệm về việc công ty này bị chiếm đoạt 170 tỷ đồng. Đại diện công ty này yêu cầu Vietinbank trả lại cho công ty số tiền 170 tỷ đồng và số tiền lãi tính từ tháng 8.2011 đến nay (khoảng 13 tỷ đồng). Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư An Lộc cho rằng để xảy ra vụ việc, Vietinbank cũng phải chịu trách nhiệm.
Dự kiến chiều nay, phiên tòa sẽ tiếp tục phần thẩm vấn công khai.
Dân Việt sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa…
Huỳnh Thị Huyền Như (sinh năm 1978), nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam (Vietinbank – Chi nhánh TP.HCM). Năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như vay trên 200 tỷ đồng để đầu tư kinh doanh bất động sản. Đến năm 2010, do việc kinh doanh thua lỗ, mất khả năng trả nợ nên Huyền Như nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của các khách hàng. Từ tháng 3.2010 đến tháng 9.2011, Huyền Như thuê làm giả 8 con dấu của các đơn vị, công ty rồi sử dụng các con dấu giả này làm giả các giấy tờ, chứng từ hợp đồng và trả lãi suất cao để huy động tiền của các tổ chức, cá nhân. Tổng cộng Huyền Như và các đồng phạm đã chiếm đoạt của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng. Tại phiên xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Huyền Như tù chung thân về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức; buộc Huyền Như cùng một số bị cáo khác bồi thường gần 4.000 tỷ đồng đã chiếm đoạt cho các cá nhân và tổ chức. 22 bị cáo còn lại bị phạt từ 1 năm tù treo đến 20 năm tù. Sau phiên tòa, 20/23 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét lại trách nhiệm dân sự. Riêng bị cáo Huyền Như chỉ kháng cáo phần dân sự xin tòa xem xét trả lại căn nhà cho mẹ bị cáo. Có 11/15 nguyên đơn dân sự, người bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan kháng cáo cho rằng cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng khi xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của VietinBank, đồng thời yêu cầu VietinBank có trách nhiệm bồi thường cho họ… Trước ngày mở phiên xét xử phúc thẩm, một số đương sự đã rút đơn kháng cáo.
Theo Nguyễn Hữu (Dân Việt)
"Siêu lừa" Huyền Như thừa nhận làm giả hồ sơ
Huỳnh Thị Huyền Như cho biết một mình thực hiện làm chữ ký, hồ sơ giả để chiếm đoạt tiền của các công ty. Theo Như, việc làm giả này rất tinh vi, chỉ mình Như thực hiện nên mới biết là giả, còn người ngoài nhìn vào không biết được.
Ngày 16.12, Hội đồng xét xử đã tiến hành thẩm vấn công khai bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như - nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Chi nhánh TP.HCM Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Việt Nam (Vietinbank) và một số bị cáo liên quan đến việc Như lừa đảo chiếm đoạt của Công ty Hưng Yên (nguyên đơn dân sự) hơn 200 tỷ đồng. Bị cáo Huyền Như thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Như khai nhận được Giang Quang Chính (nhân viên Ngân hàng TMCP Phương Đông) giới thiệu làm quen với Nguyễn Thị Nga (nhân viên Ngân hàng TMCP Hàng hải). Qua đó Như biết một số công ty ở Hà Nội là Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên có nguồn tiền cần gửi. Như đã chủ động liên hệ Nga nhờ huy động các công ty trên gửi tiền vào Chi nhánh Vietinbank Nhà Bè. Để thực hiện hành vi Như đã làm giả hồ sơ, giả chữ ký, con dấu để mở các tài khoản thanh toán, qua đó chiếm đoạt của 3 công ty với số tiền hơn 1.598 tỷ đồng. Riêng Công ty Hưng Yên bị Như chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng, công ty này làm đơn kháng cáo. Còn 2 Công ty Thịnh Phát và Phúc Vinh đã rút đơn kháng cáo.
Bị cáo Huyền Như đã thừa nhận hành vi làm giả hồ sơ để lừa đảo. Ảnh: H.K
Bị cáo Huyền Như cho biết một mình thực hiện làm chữ ký, hồ sơ giả để chiếm đoạt tiền của các công ty. Theo Như, việc làm giả này rất tinh vi, chỉ mình Như thực hiện nên mới biết là giả, còn người ngoài nhìn vào không biết được, kể cả giao dịch viên, kiểm soát viên của Phòng giao dịch Vietinbank Điện Biên Phủ.
Cũng trong ngày, các luật sư cũng được Hội đồng xét xử cho phép thẩm vấn 4 bị cáo liên quan đến hành vi Huỳnh Như lừa đảo Công ty Hưng Yên. Các bị cáo đều cho biết không hề biết việc làm giả hồ sơ, chữ ký, con dấu của Như.
Theo kế hoạch hôm nay (17.12) phiên tòa sẽ tiếp tục với phần thẩm vấn công khai. Trong đó Hội đồng xét xử thẩm vấn các bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trước. Việc thẩm vấn này được thực hiện theo thứ tự các tội mà các bị cáo thực hiện, xếp theo thứ tự của bản án sơ thẩm.
Theo Nguyễn Hữu (Dân Việt)
Hậu vụ án "bầu" Kiên: Vì sao một Phó phòng của ACB bị khởi tố? Cùng với việc tuyên án sơ thẩm đối với Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố hai vụ án hình sự "Kinh doanh trái phép" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Với diễn biến mới này, "siêu lừa" Huyền Như sẽ lại trích xuất ra Tòa với tư cách...