Phúc thẩm đại án Oceanbank: Bị cáo mang án tử tiếp tục kêu oan
Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) tiếp tục kêu oan về 2 tội danh “Tham ô” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, đồng thời kháng cáo về bồi thường dân sự đối với tội danh “Cố ý làm trái…”.
Hà Văn Thắm: Ai tư lợi thì mới có thiệt hại
Ngày 23/4, trả lời HĐXX và các luật sư về thiệt hại do hành vi chi tiền “chăm sóc khách hàng”, cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm cho rằng, nếu bản án sơ thẩm xác định PVN được đền bù thì các cổ đông khác cũng phải được đền bù.
Bị cáo Thắm trình bày, bản thân bị cáo sở hữu hơn 62% cổ phần ở Oceanbank, nếu các cổ đông cũng được đền bù thì bị cáo sẽ được nhận khoảng 1.000 tỷ đồng tiền bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, cựu Chủ tịch Oceanbank cho rằng thiệt hại là Oceanbank thiệt hại chứ không phải cổ đông của Oceanbank bị thiệt hại.
Cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm tại tòa ngày 23/4.
Vẫn theo bị cáo Thắm, tiền chi để chăm sóc khách hàng là không thiệt hại vì nó làm lợi cho Oceanbank. Chỉ có nhân viên nào cầm tiền chi cho khách hàng nhưng lại tư lợi cá nhân thì đó mới có thiệt hại.
Làm rõ về khoản chi lãi ngoài, bị cáo Thắm cho biết, Oceanbank đã chi cho 51.000 người là khách hàng cá nhân, có đầy đủ chứng cứ để hạch toán cho Oceanbank, có đầy đủ địa chỉ khách hàng. Oceanbank đang thu lại số tiền này thì lại có ý kiến dừng việc này.
“Chi lãi ngoài là chi sai nhưng chỉ là thiệt hại phi vật chất. Nhưng nếu HĐXX quyết là thiệt hại thì vẫn có thể thu hồi 66 tỷ đồng này, có thể đòi được những khách hàng này.” – Hà Văn Thắm trình bày và dẫn chứng, nguyên Giám đốc Oceanbank chi nhánh Cà Mau Nguyễn Hồng Quân đã thu lại 100% tiền đã chi lãi ngoài.
“Nếu tuyên bị cáo phải bồi hoàn thiệt hại là tiền chi lãi ngoài thì những khách hàng đã trả lại tiền chăm sóc khách hàng sẽ thấy không công bằng.” – bị cáo Thắm nói.
Theo bản án sơ thẩm, trong số tiền hơn 246 tỷ đồng mà Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt từ Oceanbank có 20% là tiền của Nhà nước do PVN góp vốn, tương ứng hơn 49 tỷ đồng. Bị cáo Sơn đã nhận và sử dụng số tiền này nên hành vi của Nguyễn Xuân Sơn đã cấu thành tội “Tham ô tài sản”.
Đây là số tiền được xác định do Sơn đã tham ô, đó là khoản tiền thuộc sở hữu Nhà nước do PVN đại diện quản lý, PVN có yêu cầu được nhận lại nên HĐXX buộc Nguyễn Xuân Sơn phải bồi hoàn số tiền này cho PVN. Hà Văn Thắm chấp thuận yêu cầu đòi chi tiền của Sơn, chỉ đạo thực hiện lấy tiền từ Oceanbank để chi cho Sơn, để Sơn chiếm đoạt hơn 49 tỷ đồng là đã đồng phạm giúp sức cho hành vi tham ô tài sản nêu trên của Nguyễn Xuân Sơn.
Video đang HOT
Trả lời luật sư liên quan đến tội danh “Cố ý làm trái…” (bị cáo Thắm bị tuyên 19 năm tù), cựu Chủ tịch Oceanbank khẳng định giữ nguyên quan điểm không kháng cáo phần hình sự đối với tội danh này.
“Bị cáo đã dùng điều đó để xin cho các anh em đồng nghiệp rồi và bị cáo cũng muốn dùng các tình tiết đó để xin cho các tội danh còn lại nếu bị cáo vẫn bị quy buộc.” – bị cáo Thắm trình bày.
Chủ tọa phiên tòa nhắc, Viện Kiểm sát cho phép bị cáo có thể tiếp tục thay đổi kháng cáo cho tới khi nói lời sau cùng. Cựu Chủ tịch Oceanbank nói mình sẽ “suy nghi thêm”.
Nguyễn Xuân Sơn “không quan tâm” nguồn tiền chi lãi ngoài từ đâu
Tiếp sau Hà Văn Thắm, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – trả lời HĐXX và các luật sư bào chữa liên quan đến hành vi chi lãi ngoài tiền gửi. Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Sơn bị tuyên phạt mức chung là tử hình đối với 3 tội danh “Tham ô tài sản”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái…”.
Trình bày trước tòa ngày 23/4, bị cáo Sơn giữ nguyên nội dung kháng cáo kêu oan tội “Tham ô tài sản” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, đồng thời kháng cáo về bồi thường dân sự đối với tội “Cố ý làm trái…”.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (áo trắng, hàng đầu).
Làm rõ về hành vi chi lãi ngoài, bị cáo Sơn khai, tiền Hà Văn Thắm đưa cho là để chăm sóc khách hàng ở PVN. Khoản tiền này chia thành 2 giai đoạn, khi bị cáo làm Tổng Giám đốc Oceanbank và khi bị cáo về làm Phó Tổng Giám đốc PVN.
“Những khoản tiền này đều thể hiện rõ là bị cáo Hà Văn Thắm chi để chăm sóc khách hàng chứ không phải là bị cáo chiếm đoạt.” – bị cáo Sơn nói.
Về nguồn tiền dùng để chi lãi ngoài, bị cáo Sơn cho rằng nhận được chỉ đạo là dùng tiền hợp pháp để chi.
“Bị cáo hoàn toàn không biết và cũng không quan tâm việc lấy nguồn từ đâu. Nhưng quá trình điều tra, bị cáo biết bị cáo Thắm đưa tiền cho bị cáo từ nguồn tiền của bị cáo Thắm, từ vợ và mẹ vợ của bị cáo Thắm và tiền của BSC.” – cựu Tổng Giám đốc Oceanbank khẳng định.
Nói về căn cứ đã sử dụng 246 tỷ đồng chi lãi ngoài, bị cáo Sơn trình bày, bằng chứng pháp lý thì không có vì khi đưa tiền bị cáo không để lại chứng cứ vật chất nào. Tuy nhiên, bị cáo có căn cứ khác như việc bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN) khẳng định đã nhận tiền từ bị cáo trong thời gian suốt 6 năm.
Cho rằng bị truy tố và quy kết án oan 2 tội danh theo kháng cáo, bị cáo trình bày, hành vi của của bị cáo là chi lãi ngoài, kết luận điều tra và cáo trạng cũng kết luận là chi lãi ngoài. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng lại cắt khúc, quy kết cho bị cáo thành 3 tội trạng khác nhau.
“Các bị cáo khác cũng có hành vi như bị cáo chỉ bị quy buộc ở hành vi cố ý làm trái. Trước đây, VKS cũng chỉ quy kết cho bị cáo 1 tội cố ý làm trái nhưng về sau lại tách thành 3 tội thì oan ức quá. Nếu khẳng định bị cáo 1 tội thì bị cáo không kháng cáo.” – Nguyễn Xuân Sơn phân bua.
Đối với tội “Tham ô tài sản”, bị cáo Sơn cho rằng, khi bị cáo là Tổng Giám đốc Oceanbank thì bị cáo chỉ là người làm thuê và không còn chức vụ gì ở PVN. Vì thế không thể quy kết bị cáo chiếm đoạt 49 tỷ đồng của PVN. Còn ở giai đoạn bị cáo về làm Phó Tổng Giám đốc PVN thì không còn chức vụ gì ở Oceanbank nữa.
Về vấn đề bồi thường dân sự, bị cáo Sơn cho rằng cấp tòa sơ thẩm bắt bị cáo phải bồi thường 197 tỷ đồng từ nguồn ở Oceanbank và tịch thu sung công 69 tỷ đồng từ Công ty BSC là không đúng. Theo bị cáo Sơn, khoản tiền 69 tỷ là doanh thu của Công ty BSC trong vòng 5 năm, trong khi đó bị cáo chỉ làm việc ở Oceanbank 2 năm. Khoản tiền này phải trừ đi chi phí, thuế và chỉ còn khoảng 30 tỷ đồng.
Hôm nay, 24/4, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Đại án Oceanbank: Bị cáo lĩnh án tử hình kháng cáo kêu oan
Gần chục ngày sau khi bị cấp sơ thẩm tuyên tử hình, Nguyễn Xuân Sơn đã kháng cáo, cho rằng bản thân không phạm tội tham ô và chiếm đoạt tài sản.
Ngày 6.10, TAND Hà Nội cho biết cơ quan này vừa nhận được kháng cáo dài gần 2 trang của Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng giám đốc Oceanbank - người bị tuyên tử hình gần chục ngày trước.
Nguyễn Xuân Sơn là ai, vì sao bị đề nghị tử hình? Nguyễn Xuân Sơn bị bắt tạm giam năm 2015 để điều tra 3 tội tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.
Trong đơn kháng cáo, Nguyễn Xuân Sơn đưa ra những căn cứ, lập luận cho rằng bản thân không phạm tội Tham ô tài sản và tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Do đó, người bị tuyên tử hình đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội sớm xem xét lại 2 tội danh trên cho mình.
Đối với tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo này xin cấp phúc thẩm xem xét về tính chất, mức độ phạm tội và áp dụng mức án nhẹ hơn.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: Việt Hùng
Ngày 29.9, sau hơn một tháng xét xử và nghị án, TAND Hà Nội tuyên Nguyễn Xuân Sơn tử hình về các tội danh bị truy tố: Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đọa tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo nhận định của HĐXX, hành vi của bị cáo Sơn đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, gây bất bình trong nhân dân, cần xử lý nghiêm nhằm giáo dục, cải tạo, trừng trị riêng góp phần phòng chống tội phạm nói chung, nhất là tội phạm tham nhũng trong giai đoạn hiện nay. Do đó, cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc cho mỗi tội danh tương xứng với mức độ hành vi của từng bị cáo là cần thiết, nhằm loại bỏ những cá nhân đi ngược lại lợi ích của Nhà nước, nhân dân...
Ngoài kháng cáo của Nguyễn Xuân Sơn, TAND Hà Nội còn nhận được đơn kháng cáo của Vũ Thị Thùy Dương (cựu Giám đốc Khối Kế toán và giao dịch trong nước Oceanbank). Nữ bị cáo này kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt, đồng thời mong được hưởng án treo. Trước đó, Vũ Thị Thùy Dương bị tuyên 4 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối với cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm, theo thông tin từ tòa Hà Nội, đến nay họ vẫn chưa nhận được kháng cáo của bị cáo này.
Theo cáo buộc, trong quá trình điều hành Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank), Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT), Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc) và các đồng phạm đã để xảy ra nhiều vi phạm trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà băng này và các cổ đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Cơ quan chức năng xác định tổng số tiền Oceanbank bị thiệt hại là gần 2.000 tỷ đồng.
Trong vụ án này có 51 bị cáo. Họ bị đưa ra xét xử về các tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo Vân Thanh (Zing)
Những túi quà bạc tỷ khiến "thuộc cấp" của ông Đinh La Thăng xộ khám Sau khi PVN trở thành cổ đông chiến lược với 20% vốn điều lệ ở Oceanbank, trong thời gian từ tháng 3.2009 đến tháng 12.2013, ông Ninh Văn Quỳnh đã nhận từ ông Nguyễn Xuân Sơn 20 tỷ đồng. Số tiền này được lấy từ nguồn tiền do Hà Văn Thắm chỉ đạo chi lãi ngoài cho khách hàng gửi tiền vào Oceanbank....