Phục sát đất ông nông dân tỉnh Sơn La trồng thứ cam đặc sản ra quả như chùm sung
Nhắc đến ông Hoàng Văn Chất, bản Củ 2 (xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) những người làm vườn ở huyện Mai Sơn, thậm chí là nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La không ai là không biết đến ông.
Vườn cam đặc sản của ông Chất cây nào cây nấy ra quả sai từng chùm như chùm sung.
Với quyết tâm làm giàu từ cây ăn quả, ông Hoàng Văn Chất, dân tộc Thái (sinh năm 1960) ở bản Củ 2, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) đã tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm về cách trồng, chăm sóc các loại cây trồng.
Năm 1998, tuy điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng ông Chất vẫn bỏ ra số tiền 7 triệu đồng (tương đương cả 1 cây vàng thời đó) để mua sách dạy trồng cây, các tài liệu kỹ thuật trồng cam, bưởi…cây ăn quả khác về tham khảo.
Sau nhiều năm kiên trì chăm sóc, vườn cây có múi của ông Chất đã khép kín gần 5ha và cho nhiều quả xum xuê.
Quyết tâm không cam chịu cái nghèo bủa vây, ông Chất, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã mạnh dạn chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi.
Hành trình vượt khó đến với cây cam đặc sản
Giữa cái nắng oi ả của mùa hè, chúng tôi đến tham quan trang trại gia đình ông Chất, đúng lúc ông đang tưới nước cho cây tại vườn. Ông Chất có thân hình cao ráo, khuôn mặt hơi gầy với làn da rám nắng, hằn sâu nhiều vết nhăn, đôi bàn tay gầy guộc đúng kiểu một lão nông “chân lấm tay bùn” miền sơn cước.
Bắt chuyện với ông Chất một hồi lâu, chúng tôi cảm nhận được sự cởi mở và chân thật của ông khi nói về cuộc sống và hành trình duyên nợ với cây có múi như: Cam Vinh, cam đường Canh, cam C36, cam Mỹ, bưởi da xanh.
Vừa tan 1 tuần trà, ông Chất nói với chúng tôi rằng: “Giờ vườn cam của gia đình tôi đang cho quả sai lắm, phải vài tháng nữa mới chín và cho thu hoạch. Các anh có muốn cùng tôi vào vườn xem không? Chúng tôi liền đáp: “Dạ, tất nhiên rồi bác, đó là điều mà chúng tôi đến đây gặp bác mà”.
Lau vội những giọt mồ hôi lăn dài trên má, ông Chất vừa đi vừa vui vẻ nói: “Vườn cây ăn quả nhà tôi cũng khá rộng nên cần nhiều công sức chăm sóc lắm. Vì thế, để vơi đi vất vả tôi có thuê vài công nhân người sở tại về làm cho gia đình rồi”.
Ông Chất trồng các loại cây có múi như: Cam Canh, cam Vinh, cam C36, cam Mỹ, bưởi…
Nhìn vườn cây ăn quả xanh ngút ngàn đang cho quả trĩu cành, ông Chất nhớ lại những ngày đầu vật lộn cùng mảnh đất khô cằn này: “Trước đây tôi làm cán bộ khoa xét nghiệm của Bệnh viện quân y 6, nhưng đến năm 1989 thì tôi xin nghỉ hẳn về nhà để tiện chăm mẹ già và vợ bị ốm. Mảnh đất gần 5ha này nằm trên 1 quả đồi thuộc vùng hẻo lánh, ít người qua lại. Muốn phát triển kinh tế chỉ còn cách làm trang trại là phù hợp nhất”.
Hiện nay, ông Chất sở hữu gần 5ha vườn cây ăn quả cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng.
Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất của mình, ông Chất đã trồng thử các loại cây và theo dõi hiệu quả của chúng. Ông trồng lúa, mận hậu, mơ, cà phê… nhưng hầu như đều thất bại vì bị sương muối tàn phá vào mùa đông.
Không chịu lùi bước, năm 1998 ông Chất cất công về Hà Nội, mua tất cả các tài liệu kỹ thuật, sách kỹ thuật liên quan đến đất đai và cây trồng để về nghiên cứu, tìm loại cây phù hợp với đất.
Video đang HOT
Đắk Lắk: Đáng buồn, bán 1 ký bơ không mua nổi 2 gói mì tôm, nông dân lúng túng với vòng quay “trồng-chặt”
Vừa đọc tài liệu, ông vừa trồng thử nghiệm thêm các giống cây khác nhau và theo dõi sự phát triển của chúng.
Đến năm 2012, ông Chất quyết định chặt bỏ toàn bộ cây cà phê, mơ, mận trong vườn để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả sau khi tìm hiểu thấy loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở quê nhà. Ông trồng chủ yếu các loại cam, bưởi được lấy giống chọn lọc tại các cơ sở uy tín ở Hà Nội.
Về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả, ông Chất vừa làm theo tài liệu hướng dẫn vừa học hỏi từ các nhà vườn khác dưới xuôi. Ban đầu mới bắt tay vào trồng vườn cây, vì thiếu vốn nên ông chỉ mua một số cây giống, rồi về chăm và chiết cành để nhân rộng thêm.
Xác định sẽ gắn bó lâu dài với cây ăn quả nên ông đã chọn phát triển vườn cây trái theo hướng làm nông nghiệp sạch. Tất cả các quy trình về trồng, chăm sóc, thu hoạch quả ông đều tuân thủ theo quy trình VietGAP.
Nhờ cách chăm sóc tốt vườn cam của gia đình ông Chất, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La luôn sai trĩu quả.
Ông Chất đầu tư đào 1 cái giếng khoan, để lấy nguồn nước sạch tưới cho cây nhằm ngăn ngừa các loại nấm và sâu bệnh. Ông hạn chế sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, trong quá trình chăm sóc cây ông ưu tiên dùng chế phẩm sinh học và phân chuồng cùng vỏ cà phê, lõi ngô ủ hoai mục.
Bên cạnh đó ông thường xuyên làm cỏ quanh gốc và tỉa cành, loại bỏ bớt các quả nhỏ để giúp cây khỏe cho quả to, ngon hơn.
Để tạo thuận lợi cho vườn cây phát triển, ông Chất đã lắp đạt hệ thống nước tưới tự động khắp vườn.
Biến đất khô cằn thành “mỏ vàng”
Nhờ cách chăm sóc bài bản và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, nên vườn cây ăn quả của gia đình ông Chất phát triển rất tốt. Khoảng 3 năm sau, thì vườn cây của ông bắt đầu cho thu hoạch quả đem bán.
Đặc biệt, năm 2018 ông Chất đã thành lập Hợp tác xã Trường Tiến do ông làm Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị, chuyên cung cấp hoa quả sạch và các loại giống cây ăn quả cho các siêu thị lớn ở Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Vì vậy mà sản phẩm của ông luôn có đầu ra ổn định và cho thu nhập cao.
Vụ thu hoạch năm ngoái (2019), thời tiết diễn biến thất thường, nhiều vườn cây của các hộ khác bị chết hoặc rụng quả. Tuy nhiên, vườn cây ăn quả của ông Chất vẫn đang phát triển rất tốt. Ông thu hoạch đạt khoảng 200 tấn cam bán ra thị thường.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Văn Chất, bản ủ 2 cho hay: “Sau nhiều năm chăm sóc đến nay vườn nhà tôi có 4.700 gốc cây ăn quả. Trong đó, cam các loại là 4.000 gốc, bưởi Diễn, bưởi da xanh 700 gốc. Tôi bán cam tại vườn với giá từ 20.000 đến 40.000 đồng/kg, tùy theo từng loại mẫu mã.
Lợn rừng giá “trên trời” 150.000 đồng/kg mà khách vẫn mua tơi tới, lợn giống cũng “cháy hàng”
Bưởi thì bán với giá 25.000 – 28.000/kg. Trong số cây ăn quả có múi, cam là bán chạy nhất. Tôi luôn đặt tiêu chí sạch, ngon, chất lượng lên hàng đầu, nên nhiều thương lái và khách hàng trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng và gọi điện đặt mua.
Năm ngoái (2019), vườn cam của gia đình tôi cho thu hoạch 200 tấn, cho thu nhập 2 tỷ đồng. Năm nay nay thời tiết ủng hộ vườn cam đều cho quả đầy cành, tôi phải dùng cây tre để trống đỡ cho cây khỏi gãy cành. Tôi ước tính vụ này sẽ thu hoạch 240 tấn, ước tính có lãi 2,2 tỷ đồng”.
Hiện nay Hợp tác xã của ông Chất đang có 22 thành viên, với hơn 32 ha đất trồng cam và bưởi như: Cam Vinh, cam V2, cam C36, cam Mỹ, cam Canh, bưởi da xanh, bưởi Diễn đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch quả là 18ha. Ông Chất cũng đã lắp đặt hệ thống tưới ẩm theo công nghệ của Israel, để cung cấp đủ lượng nước tưới tiêu cho cây và giảm công sức chăm sóc trong sản xuất.
Ngoài trồng cam, bưởi phát triển kinh tế, ông Chất còn cung cấp cây giống bán cho các huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Nhằm hỗ trợ một số Hợp tác xã khác và nông dân cùng phát triển kinh tế, Hợp tác xã Trường Tiến đang triển khai chuyển giao, tư vấn khoa học kỹ thuật, cung cấp giống, với tổng diện tích 260 ha cam, bưởi da xanh tại các huyện Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Sốp Cộp, Mường La, Sông Mã, Thuận Châu và thành phố Sơn La.
Với tinh dám nghĩ, dám làm, đến nay ông Hoàng Văn Chất không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ nhiều hộ dân trong bản, xã giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu ở địa phương.
Ông Chất cho biết: “Làm nông nghiệp sạch không khó và nó sẽ cho ta thu nhập cao. Tuy nhiên người trồng phải kiên trì, chịu khó và yêu nông nghiệp thì mới cho trái ngọt được”.
Chia sẻ với PV, ông Cầm Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông Dân tỉnh Sơn La, cho biết: “Theo chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năm 2014, ông Hoàng Văn Chất đã chuyển đổi một phần diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi. Đến nay, gia đình ông đã có gần 5ha gồm 7 loại: Cam Vinh, lòng vàng,cam C36, cam đỏ, cam Mỹ, bưởi da xanh, cam đường canh. Cuộc sống và thu nhập của ông Chất đã dư giả và sung túc..”.
Theo ông Cầm Văn Minh, không những thế, ông Chất còn là 1 trong những hội viên tiêu biểu tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội tại cơ sở. Ông Chất đã giúp đỡ, hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho các hội viên nông dân trong xã Chiềng Ban và các xã khác địa bàn huyện Mai Sơn.
Ông Hoàng Văn Chất tích cực tham gia các hoạt động phong trào của địa phương, có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Sơn La: Dân lòng hồ "dài cổ" ngóng chờ con đường cứng hóa
Nhiều năm qua, người dân sinh sống ở ven lòng hồ sông Đà của xã Tà Hộc (huyện Mai Sơn, Sơn La) luôn khát khao có 1 con đường bê tông để tiện lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa.
Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua vẫn chỉ là tuyến đường đất nhỏ hẹp, bùn lầy nằm đó, khiến việc đi lại rất khó khăn...
Tà Hộc là xã vùng ba đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Do địa hình phức tạp nên nhiều tuyến đường đến các bản bị xuống cấp nghiêm trọng. Điển hình như tuyến đường từ trung tâm xã đến 3 bản ven lòng hồ sông Đà là: Bản Heo, bản Luồn, bản Tà Pung, nay được sáp nhập thành bản Mường. Hàng chục năm qua, bà con phải đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản, vật liệu qua những đoạn đường gồ ghề, nhỏ hẹp, trời đổ mưa là đường trơn trượt và ách tắc do sạt lở.
Đường đi lại khó khăn, khiến quá trình di chuyển của người dân gặp nhiều trở ngại.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Mùi Văn Bay, Trưởng bản Mường (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), cho hay: "Hiện nay tuyến đường từ xã đến bản chúng tôi bị sói mòn, sạt lở nghiêm trọng, có đoạn thì đất đá từ ta luy dương đổ xuống đường đi lại rất khó khăn. Nhất là vào những ngày trời mưa to, đường bị nước lũ chia cắt khiến dân bản gần như bị cô lập với các khu vực lân cận. Giao thương bên ngoài gặp nhiều khó khăn.
Khổ nhất là lúc trong bản có người ốm đau muốn đưa ra bệnh viện chữa trị, nhưng đường nhỏ hẹp, gồ ghề, có đoàn phải cần đến 2, 3 người khiêng xe mới di chuyển qua được. Từ bản ra ngoài huyện tốn rất nhiều thời gian. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị với xã và đoàn tiếp xúc cử tri nhiều năm nay về tình trạng đường xuống cấp, nhưng vẫn chưa thấy sửa chữa, nâng cấp tuyến đường cho bà con chúng tôi đi lại được thuận tiện hơn".
Mỗi khi mưa xuống, những đoạn đường đất như này chỉ có thể đi bộ.
Ống cống, đường đã bị xuống cấp trong nhiều năm qua.
Được biết, để khắc phục khó khăn và rút ngắn thời gian đi lại từ các bản ra huyện, người dân lòng hồ sông Đà phải dùng thuyền chở xe máy và người đến cảng Tà Hộc rồi mới tiếp tục di chuyển bằng xe máy ra huyện Mai Sơn. Tuy nhiên, bằng cách làm trên rất bất tiện và gặp nhiều nguy hiểm, có nhiều trường hợp không may mắn đã bị rơi xe xuống sông hoặc lật thuyền. Trong đó, việc đi lại của học sinh cấp 2 ở trung tâm xã Tà Hộc học gặp nhiều khó khăn do phải di chuyển bằng thuyền rất nguy hiểm. Nếu trời mưa to, gió lớn có thể bị chìm thuyền hoặc rơi xuống sông bất cứ lúc nào.
Đất đá sạt từ ta luy dương xuống đường, chỉ còn có 1 lối nhỏ đi lại.
Khi được PV Dân Việt hỏi đường giao thông có làm cản trở đến quá trình buôn bán nông sản và đi lại của người dân trong bản không? Ông Mùi Văn Bực, bản Luồn (nay là bản Mường), than phiền: "Con đường này khó đi lắm, di chuyển bằng xe máy rất vất vả, ngã xe và hỏng xe là chuyện thường diễn ra như cơm bữa.
Tôi làm nương ngô, nương sắn hơn nửa đời người di chuyển trên tuyến đường này, nhưng chưa từng thấy đường được sửa chữa hoặc nâng cấp mở rộng bao giờ cả, có lúc sửa thì chỉ qua loa cho có. Muốn bán ngô, bán sắn cũng không có xe vào mua thường xuyên, giá cả thì bị thương lái o ép... Tôi mong thời gian tới, đường được sửa chữa mở rộng hơn để người dân chúng tôi đi lại và phát triển kinh tế".
Nhiều năm nay người dân sinh sống ở ven lòng hồ sông Đà, luôn khát khao có 1 con đường rộng, được bê tông để tiện lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa.
Hàng chục năm nay người dân lòng hồ "dài cổ" ngóng chờ con đường cứng hóa.
Còn anh Mùi Văn Khoa, bản Mường, xã Tà Hộc, cho biết: "Đường ghồ ghề, nhỏ hẹp, cây cỏ mọc um tùm 2 ven đường đi lại vô cùng vất vả, chúng tôi muốn chở vật liệu xây dựng về sửa sang nhà cửa cũng khó khăn và tốn nhiều chi phí. Nông sản hầu như phải bán cho thương lái ở trên sông, có lúc bị người ta ép giá nhưng không biết làm sao, vì đường nhỏ hẹp nên xe ô tô không vào mua được nên đành chịu. Thời điểm từ tháng 3 - 10 dương lịch, nước sông lại cạn lên xuống thất thường, cả đường bộ lẫn đường thủy đều đi lại rất khó khăn. Nước cạn sâu đến nỗi thuyền bị mắc cạn trơ đáy, muốn di chuyển bằng thuyền chúng tôi phải lội qua bùn lầy ngập đến nửa thân người".
Đường từ trung tâm xã xuống bản Mường ngày càng thu hẹp và xuống cấp nghiêm trọng.
Hiện nay con đường liên bản này ngày càng bị sạt lở, thu hẹp nhỏ đi, ống cống bị mưa lũ cuốn trôi hỏng hóc nghiêm trọng. Có những đoạn đường bị những tảng đá to chắn ngang chỉ vẻn vẹn một lối nhỏ để xe máy có thể đi qua, những đoạn dốc hoặc đi qua các khe suối phải có người đẩy xe thì mới đi được. Tuy được sửa chữa sau cơn bão vừa qua, nhưng con đường vẫn hẹp và khó đi không bảo đảm chất lượng, nhiều nơi không được thiết kế làm rãnh và xây cầu qua các con suối, nên trời mưa là bị ách tắc, bà con nhân dân không thể đi được.
Trời mưa thì đường bị sình lầy, trơn trượt, kéo theo bùn đất xuống giữa đường.
Anh Hoàng Văn Đạo, bản Mường, xã Tà Hộc, chia sẻ: "Chúng tôi như bị lãng quên vậy. Nhiều năm đi lại trên con đường hỏng hóc, xuống cấp trầm trọng nhưng không được đầu tư nâng cấp, muốn phát triển kinh tế cũng khó. Chỉ khi nào đường được nâng cấp và sửa chữa, thì người dân chúng tôi mới có cơ hội giao thương hàng hóa và phát triển các mô hình kinh tế trồng cây ăn quả như các vùng khác và vươn lên làm giàu được".
Hàng ngày hàng giờ, người dân vùng lòng hồ sông Đà ở xã Tà Hộc vẫn luôn khao khát có một con đường rộng, được bê tông để trẻ em có thể đến trường học tập, người dân đi lại, giao thương hàng hóa nông sản thuận lợi là một niềm ước mơ lớn từ bấy lâu nay. Chính vì vậy, ngay lúc này rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng có phương án sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường liên bản, tạo điều kiện cho người dân sớm ổn định cuộc sống và góp phần giảm nghèo ở cơ sở.
Cây cổ thụ gẫy, đổ sập nhà xưởng do mưa lốc ở Sơn La Mưa lớn và gió lốc mạnh đã làm gẫy cây cổ thụ, đổ vào nhà xưởng và xe ô tô của gia đình ông Nguyễn Nhật Sơn. Rất may không có thiệt hại về người. Khoảng 17h chiều nay 13/5, tại tiểu khu 3/2, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La xảy ra trận mưa to kèm gió lốc gây thiệt...