Phục chế ‘gái quê’ Volkswagen Mini Bus
Với bác Lâm Bảo Ngọc, một người mê xe tại TP Hồ Chí Minh, VW mini bus có vẻ đẹp của những cô thôn nữ chân chất, bình dị.
Sống ở nước ngoài hơn 20 năm, hầu như chỉ sử dụng xe đời mới, và thích độ âm thanh, bác Ngọc ít quan tâm tới xe cổ. Khi về Việt Nam, bác thường xuyên theo dõi các trang báo điện tử, và tạp chí xe độ nước ngoài. Một lần tình cờ thấy chiếc VW Bus T1 (đời đầu tiên của VW Bus) đạt giải nhì cuộc thi độ, bác Ngọc nảy ra ý định làm một chiếc xe tương tự.
Miệt mài tìm kiếm tại Việt Nam, bác nhận thấy Bus T1 rất hiếm và đắt nên chuyển sang Bus T2. Bus T2b vốn là chiếc xe quen thuộc của người Sài Gòn trong những năm 80 – 90, thường dùng làm xe cứu thương, sau này để chở học sinh. Chiếc T2 thuộc đời cuối của dòng VW bus mang hình dáng cổ được bác Ngọc mua về cách đây 3 năm. Xe còn khá tốt.
Chiếc VW mini bus T2b được một người chơi xe cổ ở Hà Nội mua lại. Ảnh Thế Hoàng
Nhờ nghề kinh doanh nhà hàng, khách sạn đã dẫn dắt bác đến với dòng mini bus. Bác Ngọc kể : “Tôi thích dòng Mini Bus bởi không gian bên trong rộng, đặc biệt là những chiếc VW mini bus. Nó có thiết kế bình dị, không lẫn giữa đám đông. Vẻ đẹp của nó có thể được ví với những cô gái quê chân chất, nhưng vẫn nhận được ánh mắt ngưỡng mộ khi đứng trong đám đông những cô gái đài các”.
Hai năm sống chung, hiểu rõ tính tình “cô gái quê”, bác Ngọc bắt tay độ lại. “Tôi cố gắng giữ nguyên bản hình dáng bên ngoài. Thay đổi chủ yếu là nội thất và một số chi tiết bên trong động cơ”, bác Ngọc cho biết.
Video đang HOT
Với tiêu chí tiện nghi nên đầu tiên bác muốn là lắp thêm điều hòa để phù hợp với khí hậu nóng ở Sài Gòn. Công việc không hề đơn giản với chiếc bus đã 50 tuổi. Đó cũng là kỷ niệm khó quên với bác Ngọc.
Hình thức bên ngoài của chiếc xe tương đối ổn, nhưng không có máy lạnh. “Tôi hỏi anh thợ đưa đi coi xe, chiếc xe kiểu này đã ai gắn máy lạnh chưa. Anh ta nói yên tâm, “con bọ” máy 1.100 phân khối còn gắn được máy lạnh thì xe này 1.700 phân khối cứ vô tư”, bác Ngọc kể.
Đến khi mua xong xuôi, chính anh này thừa nhận chưa từng thấy ai gắn máy lạnh trên xe kiểu này. Đâm lao đành theo lao. Thật may mắn! Anh thợ đã tính toán và làm được hệ thống máy lạnh không những đáp ứng yêu cầu khó khăn mà còn trên cả tuyệt vời.
Theo bác, khó khăn khi gắn máy lạnh là không gian cabin rộng, cần tới 2 dàn lạnh mới đủ mát. Có nghĩa rằng lốc lạnh phải to, tải nặng sẽ ghì máy. Hai dàn lạnh cần 2 quạt, vì thế máy phát cũng phải lớn. Công suất máy nguyên bản 1.700 phân khối vòng tua thấp phải kéo 2 thứ trên là quá sức, thêm 6 người và một đống đồ điện tử thì xe không thể chạy.
Phụ tải lớn đặt ra yêu cầu tăng sức mạnh động cơ. Bình xăng con 2 họng được sử dụng để tăng công suất. Bộ đánh lửa giữ nguyên nhưng cấy IC để lửa khỏe tăng hiệu suất.
Nội thất xe thay đổi hoàn toàn. Để phù hợp với vẻ ngoài cổ kính, bác chọn nội thất gỗ loại nhẹ vân đẹp và giá không quá cao. Nội thất sắp đặt với tiêu chí tận dụng tối đa không gian. Bàn, tủ, khoang hành lý đủ cho cả gia đình trong những chuyến đi xa. Bộ ghế có thể chuyển linh hoạt thành chiếc giường rộng.
Quá trình độ kéo dài gần 1 năm, tổng chi phí khoảng 180 triệu đồng. Nhưng với bác Ngọc, giá trị của chiếc xe không chỉ nằm ở đó, mà còn là tâm huyết, và ý tưởng tái sinh. Cuộc sống bộn bề lo toan, không phải mọi thứ ta yêu quý luôn ở bên mỗi người. Đó cũng là nỗi niềm của bác Ngọc lúc này, khi mà chiếc xe theo người chủ mới ra Bắc.
“Với nhiều lý do, tôi đành bán nó cho một người bạn ngoài Hà Nội. Nhưng hy vọng có ngày sẽ được đón em nó về. Trong điều kiện cho phép tôi vẫn chơi dòng VW mini bus”.
Thế Hoàng
Theo VNE
Giới chơi xe cổ hoang mang vì tin cấm
Sau khi UBND TP.HCM lên dự thảo quy chế cho lưu hành và niên hạn lưu hành xe mô tô, giới chơi xe cổ có một phen hoang mang
Hơn 34 triệu xe máy đang lưu thông ở nước ta hiện nay thì không một bộ phận không nhỏ là những chiếc xe máy cổ. Những người chơi Vespa cổ ở thành phố Hồ Chí Minh là những người đầu tiên xôn xao với dự thảo này. Anh Thy - một thành viên chơi Vespa cổ lâu năm tỏ vẻ lo lắng: "Nếu thu những chiếc xe quá hạn lưu hành, kiểm tra khí thải thì có lẽ Vespa cổ sẽ là đối tượng có tên trong đầu danh sách"
Vespa cổ "ẵm" cả 3 tiêu chuẩn: Tuổi thọ, khí thải và tiếng ồn
Những chiếc Vespa cổ đều có tuổi đời khoảng 30 - 40 năm, quãng thời gian quá lớn đối với tuổi thọ trung bình của một chiếc xe máy thông thường. Lượng khí thải của Vespa cổ thì không cần đo cũng có thể dễ dàng nhìn thấy bằng cảm quan thông thường. Mỗi lần đỗ đèn đỏ, chỉ cần 2 chiếc Vespa cổ dừng lại cũng khiến cho người đằng sau ngộp thở. Tiếng nổ - cái mà dân chơi Vespa rất thích ở chiếc xe của mình cũng vượt quá tiêu chuẩn tiếng ồn thông thường ít nhất 2 lần.
Vespa cổ không phải đối tượng duy nhất bị ảnh hưởng. Thú chơi xe máy cổ ở nước ta phát triển khá đa dạng với nhiều hội nhóm chơi xe khác nhau. Những nhóm chơi xe cổ đến từ Ý còn có Lambretta, mẫu xe máy có bàn đạp đến từ nước Pháp: Mobylette hay Peugeot. Những chiếc xe Honda được ưu chuộng có giá trị sưu tầm cũng đa dạng: Từ Honda CD, Đê đê, Super Cub, Honda 67... Đến những chiếc xe dòng "Xã hội chủ nghĩa" trước đây: Minsk, Simpson...
Anh Tuấn - người chuyên phục chế Mobylette tại TP.HCM tâm sự: "Những chiếc xe cổ được người chơi xe sưu tầm, phục chế với niềm tin tạo ra cho mình được chiếc xe "gin" nhất, ưng ý nhất. Nhiều chi tiết phụ chế lại bằng cách đánh bóng, săn phụ tùng từ nước ngoài, từ những người sưu tập khác mua đi bán lại... rất cầu kỳ và chi tiết". Nếu những chiếc xe Mobylette AV54 (ra đời khoảng năm 1952) anh Tuấn vừa "dọn" không được lưu hành nữa thì thật đáng tiếc.
Những chiếc Mobyllete cổ sẽ không có cơ hội xuất hiện trên đường?
Những người chơi xe cổ đến từ các nước Châu Âu lo lắng 1, thì hội chơi: Minsk hay Simpson lo lắng 10. Ở những vùng miền núi phía Bắc, đặc trưng của chiếc "Min khơ" đã thành phương tiện để dân địa phương thồ hàng. Đầu tiên, xe quá cũ kèm thêm việc chở hàng quá tải có khả năng gây nguy hiểm cho chính mình và những người tham gia giao thông. Tiếp theo lượng khí thải lớn mà chiếc máy 2 thì mang đến. Nhưng khi nói về vấn đề này với Autopro thì Thanh "béo" - 1 thành viên của Câu lạc bộ chơi xe Minsk Miền Bắc bức xúc: "Không thể đánh đồng Minsk chơi với xe thồ hàng được. Với anh em trong hội, Minsk mang đến cá tính, và cả 1 phong cách riêng. Anh em đều yêu xe bằng tất cả niềm đam mê"
Rõ ràng, công sức của người chơi bỏ vào xe cổ là rất lớn. Không đơn giản là tiền bạc, quan trọng hơn đó là công sức mày mò, tìm kiếm để đạt được một chiếc xe ưng ý. Với một số khác đó là một gia tài, không thể mua lại được bằng tiền, vì lý do đơn giản, có tiền cũng không mua lại được công sức họ đã bỏ ra để làm nên chiếc xe. Xe cổ không chỉ là phương tiện, nói như những một dân chơi xe cổ: "Đó là thứ tôn giáo, là thứ văn hóa của người yêu xe, tạo nên nét đẹp nơi phố phường ồn ã"
Vậy sẽ ra sao nếu những chiếc xe có giá trị sưu tầm, giá trị lịch sử bị tịch thu vì bị đánh đồng cùng những phương tiện cũ nát chuyên để chở hàng khác? Phân biệt xe cổ và xe cũ như thế nào để không tạo thành kẽ hở cho xe cũ mặc sức lưu hành còn xe cổ thì dần mai một? Văn hoá xe cổ cũng là một phần lịch sử và là một phần của văn hoá Việt. Giới chơi xe cổ đang thực sự mong tin và hi vọng rằng những chiếc xe của mình "thoát án tử"
Theo autopro
Thoải mái đường dài trên xe sang Nissan 12 chỗ Chiếc Nissan NV3500 HD đã lập nên một chuẩn mực mới trong dòng xe chở khách cao cấp, 12 hành khách bên trong chiếc xe này có thể tận hưởng tối đa cảm giác thoải mái trên những hành trình dài. Xe có thiết kế bên ngoài như một chiếc SUV Chiếc Nissan NV3500 HD khác hẳn với các dòng Mini bus nổi...