Phú Yên: Sơ tán 36.000 dân vùng hiểm yếu trước bão số 6
Ngày 10/11, đại diện Ban chỉ huy PCLB-TKCN Phú Yên cho biết, trước 12h cùng ngày, các lực lượng chức năng của tỉnh phải tập trung di dời, sơ tán trên 10.000 hộ dân với khoảng 36.000 người ra khỏi vùng có nguy cơ thiệt hại do bão số 6.
Tại khu vực đầu sóng triều cường ven biển thôn An Hòa, xã Xuân Hòa, TX. Sông Cầu, Phú Yên, trong hơn 10 ngày qua, sóng gió liên tục tấn công vào các khu dân cư. Trước đó, trong đêm 30/10, khi bão số 5 đổ bộ vào đây, toàn bộ người dân đã được sơ tán nên không có thiệt hại về người, mặc dù nhà cửa bị hư hỏng nặng.
Vùng triều cường Xuân Hòa (Sông Cầu, Phú Yên) tiếp tục đối mặt bão số 6. (ảnh: H.P)
Bà Lê Thị Ánh (trú thôn An Hòa) nói: “Kỳ rồi, cả nhà tôi dời vào Đồn Biên phòng Xuân Hòa để tránh bão số 5. May phước, sau bão trở về, nhà cửa bị tốc mái sạch trơn nhưng 6 người trong nhà đều lành lặn. Trước kỳ bão lần này, đồ đạc thiết yếu cũng đã di chuyển xong. Trưa nay (10/11), chúng tôi bắt đầu ở trong đồn biên phòng. Mấy anh em lính ở đây rất nhiệt tình giúp bà con. Ở vùng đầu sóng triều cường này thì phải biết đường mà né tránh, giữ mạng người”.
Người dân Sông Cầu (Phú Yên) di chuyển tài sản trước bão số 6. (ảnh: H.P)
Theo ông Lê Xuân Hiền – Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, trước bão số 6, địa phương đã cùng bộ đội biên phòng đắp hàng ngàn bao cát để làm kè bảo vệ chân móng các ngôi nhà giáp bãi biển Hòa An. Các lực lượng tại chỗ đã kêu gọi, hỗ trợ bà con tiếp tục sơ tán 21 hộ dân với 80 nhân khẩu sống ở trực diện vùng triều cường. Cùng lúc, Xuân Hòa sẽ di dời hơn 200 gia đình các khu vực xung yếu đến ở tạm tránh bão. Công tác di dời sẽ hoàn tất trước 11h ngày 10/11.
Dân vùng triều cường Sông Cầu giằng néo, đóng cửa trước khi dời nhà đi tránh bão. (ảnh: H.P)
Video đang HOT
Phó Chủ tịch UBND TX.Sông Cầu Lương Công Tuấn cho biết: “Dự kiến, Sông Cầu là vùng tâm bão nên địa phương đang triển khai hết công suất các lực lượng phòng chống. Các vùng xung yếu như khu lồng bè vịnh Xuân Đài, các khu triều cường, có nguy cơ sạt lở đất… đều đã bắt tay di dời người dân đến nơi an toàn. Địa phương đã lên danh sách khoảng 200 hộ dân thường nấn ná không chịu sơ tán hoặc chậm di dời. Các lực lượng đang “nắm thắt lưng” từng người để đảm bảo rời lồng bè, vùng nguy hiểm trước 11h hôm nay (10/11). Tất cả vì sự an toàn của người dân vùng dự kiến bão đổ bộ trực tiếp”.
Lực lượng cơ sở tại Sông Cầu đang thúc nhắc người dân di dời tránh bão số 6. (ảnh: Hữu Khoa)
Tại vùng biển huyện Đông Hòa (Phú Yên), đại diện UBND huyện này cho hay đang quyết liệt hỗ trợ dân đưa lồng nuôi thủy sản đến nơi an toàn, không để người nào trên các lồng bè và các vùng triều cường. Tại khu vực biển Vũng Rô, 283 hộ đang nuôi trên 13.700 ô lồng hải sản, hiện đã cơ bản hoàn tất di dời. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ nuôi tiếp tục ra biển thăm nom bè nuôi. Địa phương đang triển khai các canô cao tốc đi kiểm tra, cưỡng chế các hộ dân di dời tránh bão.
Đại diện Ban chỉ huy PCLB-TKCN Phú Yên sát cánh với người dân vùng triều cường ngay trước bão số 6. (ảnh: H.P)
Ông Phạm Đại Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: “Tất cả các phương án phòng tránh bão số 6 đã được địa phương triển khai khẩn trương, nhịp nhàng. Việc tập trung ứng phó tối đa sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại cho dân khi thiên tai xảy ra. Việc di dời trên 35.000 người dân vùng hiểm yếu khi bão số 6 đổ bộ, sẽ hoàn tất trước 14h ngày 10/11″.
Theo danviet.vn
Phú Yên : Nơi nguy cơ "yết hầu" bão dữ
Cận kề bão số 6, "thủ đô" lồng bè tôm hùm thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đang được xem là nơi có nhiều nguy cơ thiệt hại, đặc biệt là về tính mạng con người.
Từ cảng Dân Phước (phường Xuân Thành, Sông Cầu), chạy ghe vài phút là xuất hiện bạt ngàn lồng bè nuôi tôm hùm. Nhà bè chen chúc nhau san sát, trải dài trên mặt biển vịnh Xuân Đài. Vùng nước này có nhiều núi bao bọc nên phù hợp với nghề nuôi tôm hùm và một số loài cá biển.
Lồng bè giăng kín biển Sông Cầu. (ảnh: H.P)
Theo Phòng Kinh tế Sông Cầu, vùng vịnh Xuân Đài hiện có trên 1.800 bè nuôi hải sản, với hơn 100.000 ô lồng; trong đó, trên 90% nuôi tôm hùm, còn lại là cá mú, cáp bớp... Số ô lồng này thuộc sở hữu của khoảng 3.000 hộ dân, với lượng nhân công thường trực trên bè khoảng 4.000 người. Nghề nuôi thủy sản đang là nguồn sống chính của ngư dân ven biển, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động.
Ngay trước bão số 6, nhiều người vẫn còn lo chăm nuôi hải sản lồng bè. (ảnh: H.P)
Sông Cầu cũng xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, với việc ngân hàng luôn đầu tư vào đây hàng ngàn tỷ đồng thông qua việc vay nợ của ngư dân. Nhưng mỗi mùa mưa bão, vùng nuôi tôm hùm Xuân Đài lại là nỗi lo lắng thường trực của mỗi người nuôi và của chính quyền địa phương các cấp.
Không thể giữ an toàn tính mạng khi ở trên những căn nhà bè thế này giữa bão. (ảnh: H.P)
Thực tế, rủi ro của nghề "đánh bạc với nước" này là quá nhiều trong những năm qua. Đặc biệt là bài học từ vụ hàng chục người đau đớn bỏ xác giữa biển do "bám trụ" trên lồng bè nuôi thủy sản trong cơn bão Damrey tháng 11/2017, tại tỉnh Khánh Hòa.
Ông Trần Thanh Công (ở xã Xuân Phương, Sông Cầu) nói: "Bè nuôi của tôi trị giá trên 5 tỷ đồng, phần lớn là nợ vay. Đó là tất cả gia sản, nguồn sống của gia đình tôi và 4 người làm công. Nghe bão là tôi lo kéo bè xuống sát đáy, chằng néo chắc chắn hệ thống nhà bè. Trước trưa nay (10/11), cho tôm ăn xong là tất cả mọi người phải rời bè về nhà tránh bão, bởi dự kiến chiều tối nay, bão số 6 sẽ đổ bộ vào vùng này. Bỏ bè giữa biển cũng lo lắm nhưng còn người là còn của...".
Theo ông Nguyễn Hải Anh - Phó Phòng Kinh tế Sông Cầu, các lực lượng chức năng đã và đang ráo riết thông tin với người dân nuôi thủy sản về diễn biến bão số 6. Đặc biệt, trước 11h ngày 10/11, lực lượng chức năng địa phương tiến hành kiểm tra lần cuối, nếu còn ai trên bè sẽ kiên quyết cưỡng chế vào bờ.
Nhân công rời bè hải sản, lên ghe về đất liền. (ảnh: H.P)
Thế nhưng nỗi lo thường trực ở đây là vẫn còn có người chủ quan, ở lại trên bè để giữ tài sản. "Bởi có người lo lắng bị hư hỏng lồng, bị mất cắp hải sản nuôi. Tâm lý tiếc của vẫn luôn đeo bám bà con nhà bè. Nhiều bài học từ các làng nuôi hải sản là không thể để mọt người dân nào ở trên bè trong khi bão đổ bộ", ông Hải Anh nói.
Lúc này, cơ quan phòng chống lụt bão địa phương đang lo lắng nhất là những nhà bè vừa "nhập cư" về vịnh Xuân Đài. Đó là khoảng 200 bè của người dân từ các vùng biển lân cận vừa kéo dời tài sản đến Xuân Đài để tìm chỗ nuôi, trú ẩn bão lũ.
Ông Hải Anh cho biết thêm: "Những bà con này chưa quen con nước, thường thấy vùng vịnh Xuân Đài khá yên gió. Thế nhưng trong bão lớn kết hợp với mưa lũ lại là chuyện khác, hết sức nguy hiểm đến tính mạng người ở trên các bè ọp ẹp, tạm bợ. Địa phương đang cương quyết kêu gọi, cưỡng chế bất cứ ai ở trên bè trước 11h ngày 10/11".
Kinh nghiệm từ cơn bão số 5 vừa đổ bộ vào Sông Cầu, thiệt hại đã giảm thiểu nhờ tập trung hạ kéo bè sát đáy và kêu gọi di dời cưỡng chế tất cả người trên bè. Trong đó, lực lượng chức năng đã ráo riết "săn lùng" 2 người vẫn cố ra vùng bè khi chỉ còn cách 2 giờ là bão số 5 đổ bộ.
Chính quyền Sông Cầu cam kết từ 11h ngày 10/11, không có ai ở trên bè nuôi giữa biển. (ảnh: H.P)
Xác định đây là vùng "yết hầu" trọng điểm, ông Trần Hữu Thế - Phó Thường trực Ban chỉ huy PCLB-TKCN Phú Yên đã trực tiếp đi kiểm tra hệ thống nhà bè, công tác an toàn trên vịnh Xuân Đài. "Tôi yêu cầu tất cả các lực lượng chức năng tại Sông Cầu phải quyết liệt hỗ trợ người nuôi hải sản đảm bảo đưa lồng bè đến nơi an toàn. Cùng với Sông Cầu, tại các vùng xung yếu khác của tỉnh phải đảm bảo hoàn tất di dời người dân trước 12h ngày 10/11. Dự kiến, trước cơn bão số 6, Phú Yên phải hoàn tất di dời khoảng 5.000 hộ dân đến nơi an toàn tránh trú", ông Thế nhấn mạnh.
Theo danviet
Cơ bản khôi phục cấp điện cho khách hàng bị ảnh hưởng do bão số 5 EVN dự kiến đến hết ngày 31/10 sẽ cơ bản khôi phục cấp điện cho các khách hàng bị ảnh hưởng do bão số 5, trừ những khu vực ngập sâu, chia cắt buộc phải tạm thời cắt điện để đảm bảo an toàn. Công nhân kiểm tra thiết bị máy biến áp. Nguồn: Mai Phương/BNEWS/TTXVN Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)...