Phú Yên: Lợi ích thiết thực của mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau
Theo Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Phú Yên, đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 30 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
Mô hình Câu lạc bộ ra đời tháng 5/2017. Từ đó đến nay, các câu lạc bộ đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp hội viên sống vui, sống khỏe, sống có ích và hỗ trợ giúp nhau trong sản xuất tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống người dân.
Bà Trần Thị Ngọc Oanh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã An Thạnh, huyện Tuy An cho biết, câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thôn Phú Thịnh xã An Thạch thành lập vào ngày 4/9/2018. Khi mới thành lập có 20 hội viên, nhưng đến nay đã phát triển lên 30 hội viên. Các hội viên gồm nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi khác nhau tự nguyện, tự giác tham gia sinh hoạt văn hóa văn nghệ, rèn luyện thể dục, thể thao, vui chơi giải trí, giúp nhau tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Trong đó ưu tiên giúp đỡ cho hội viên là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn về vốn, kỹ thuật để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Bài múa quyền quạt của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thôn Phú Thịnh
Từ khi thành lập đến nay các hội viên đã duy trì đều đặn lịch sinh hoạt định kỳ hàng tháng về khám sức khỏe, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục dưỡng sinh. Đặc biệt, điểm nổi bật của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau là tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, giúp hội viên nghèo, khó khăn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Bà Nguyễn Thị Thiện, Chủ nhiệm câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thôn Phú Thịnh cho biết, do mới thành lập nên số vốn của câu lạc bộ không nhiều, chỉ hơn 12 triệu đồng, nhưng đối với hội viên khó khăn, cho vay vốn không lấy lãi để phát triển sản xuất là rất đáng quý. Đến nay câu lạc bộ đã cho 7 người vay từ 1 đến 3 triệu đồng để chăn nuôi gà, nuôi heo.
Nhiều hộ từ nguồn vốn này đã mua gà giống chăn nuôi, đến nay nhiều hộ đã có thu thập thêm từ chăn nuôi gà khá ổn định, điển hình như các hội viên: Đỗ Xuân Mai, Phạm Xuân Hường, Huỳnh Đức Minh, mỗi tháng thu nhập tăng thêm từ nuôi gà 2 triệu đồng. Câu lạc bộ cũng đề ra chỉ tiêu giúp đỡ 2 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo là hộ Lương Thị Ngà và Nguyễn Phạm Ngọc Phụng, ngoài nguồn vốn tín dụng từ dự án giảm nghèo, hỗ trợ xóa nhà tạm, câu lạc bộ cũng theo dõi để tương trợ về vốn, kỹ thuật để các hộ nghèo phát triểm sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Hội viên Phạm Xuân Hường được hỗ trợ vay vốn chăn nuôi gà tăng thu nhập, ổn định cuộc sống
Theo Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Phú Yên, khi mới thành lập câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được hỗ trợ ban đầu: Ngoài mượn từ quỹ của Hội Người cao tuổi địa phương 20 triệu đồng để làm nguồn vốn ban đầu, mỗi câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thành lập được tỉnh hỗ trợ 2 triệu đồng, huyện hỗ trợ 2 triệu đồng từ nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước. Ngoài ra các câu lạc bộ còn được quyên góp, ủng hộ kinh phí từ các thành viên của câu lạc bộ.
Video đang HOT
Nhiều mô hình giúp phụ nữ khởi nghiệp vươn lên thoát nghèo
Từ khi thành lập đến nay, hầu hết các thành viên câu lạc bộ cho biết sức khỏe được cải thiện hơn khi tham gia câu lạc bộ do câu lạc bộ tổ chức tập luyện thân thể thường xuyên, tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức về tự chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn thực hành nếp sống lành mạnh.
Một số hoạt động theo dõi cân nặng, huyết áp, kiểm tra sức khỏe và hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 1 số thành viên khó khăn giúp thành viên phát hiện sớm bệnh tật và chữa trị kịp thời.
Các thành viên trong câu lạc bộ cảm thấy tự tin hơn, câu lạc bộ tạo cơ hội cho các thành viên phát huy vai trò, đóng góp nhiều hơn cho gia đình và cộng đồng. Bước đầu các thành viên tham gia câu lạc bộ bản thân và gia đình được cải thiện do được vay vốn, được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, kinh doanh, giúp cho các thành viên làm ăn có hiệu quả, kinh tế gia đình phát triển. Thành viên câu lạc bộ thường xuyên được tuyên truyền về chế độ chính sách cũng như hỗ trợ tư vấn sức khỏe… góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của người cao tuổi.
Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Phú Yên cho biết, thành viên vào CLB cảm thấy cuộc sống của họ được vui hơn, các thành viên câu lạc bộ có thêm nhiều bạn mới. Các hoạt động của câu lạc bộ như văn hóa văn nghệ, thăm hỏi giao lưu, thể dục thể thao, học tập kiến thức mới, chăm sóc sức khỏe, tăng thu nhập. Từng thành viên cảm thấy an toàn hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn. Đặc biệt, hoạt động tình nguyện viên là 1 trong 8 hoạt động của câu lạc bộ là thể hiện rõ nét nhất trong tương trợ lẫn nhau, tinh thần tương thân tương ái giúp nhau trong khó khăn của tuổi già, củng cố tình làng, nghĩa xóm, gắn kết cộng đồng.
NGỌC MINH
Theo Dansinh
Nắng đốt cạn giếng, gần 400 hộ dân Kỳ Lạc "bạc mặt" lo nguồn nước
Đã hơn 1 tháng nay, phần lớn giếng nước của người dân 2 thôn Lạc Thắng và Lạc Thanh, xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã cạn khô nguồn nước. Gần 400 hộ dân tất tả lo tìm nguồn nước để đảm bảo tối thiểu những sinh hoạt của gia đình.
Hơn 1 tháng nay, nước giếng ở hai thôn Lạc Thắng và Lạc Thanh chỉ còn có thể chắt những gàu vàng đục dành cho gia súc, gia cầm
Gia đình bà Võ Thị Thư ở thôn Lạc Thắng có 8 người. Hơn 1 tháng nay, nước giếng chỉ còn có thể chắt những gàu vàng đục, chỉ dành được cho gia súc, gia cầm. Nước sinh hoạt được bơm từ khe suối dẫn về qua đường ống chảy nhỏ giọt; nước để ăn thì đi xin ở những giếng còn nước trong thôn về cất trữ, sử dụng dè xẻn. Để có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu cho cả gia đình, bà Thư phải chủ trì phân công thành viên luân phiên đi lấy nước và quản lý, phân chia sử dụng một cách tiết kiệm nhất.
Bà Thư chia sẻ về lần khoan giếng gần nhất, máy khoan đến độ sâu 50m mà vẫn không tìm được nguồn nước
Bà Thư chia sẻ: "Gia đình tôi đã 4 lần kêu thợ về khoan giếng, tìm vị trí khắp cả vườn, nhưng nơi nào cũng vậy, khoan sâu gần 50m vẫn không tìm được nguồn nước ngầm. Dù đã "thích nghi" với tình cảnh thiếu nước trầm trọng trong những tháng hè, nhưng vẫn cảm thấy khổ cực, vất vả quá chú à!".
Những cái giếng còn nước hiếm hoi trở thành nơi chia sẻ nguồn nước sạch để ăn uống cho mọi nhà
Chị Đinh Thị Hiền (thôn Lạc Thắng) vừa chờ đến lượt xếp hàng xin nước một giếng nước không bị khô hạn hiếm hoi trong thôn, vừa than thở: "Mùa này gia đình phải mất hẳn 1 lao động chuyên lo nguồn nước ăn, nước sinh hoạt. Nước dùng dè xẻn lắm rồi, nhưng mỗi ngày không biết mấy chuyến đi chở nước suối, xin nước ăn. Vất vả, phiền hà vô cùng."
Những chiếc can chứa nước là vật dụng không thể thiếu của mỗi gia đình trong những ngày nắng hạn
Còn chị Võ Thị Hảo - thôn Lạc Thanh cho biết, tổ liên gia 3 của chị là vùng khô hạn nhất trong thôn. Cứ đến hết tháng 2 cho đến tháng 8 là tất cả các giếng đào được đậy nắp lại vì không còn nguồn nước để mà sử dụng. Ở thôn này, vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình là những chiếc can đựng nước và các thiết bị bơm, dẫn nước, trữ nước để sử dụng trong mùa khô hạn.
Cùng lãnh đạo thôn Lạc Thắng đến vùng đầu nguồn Khe Gạo - nơi lấy nước sinh hoạt của gần 400 hộ ở 2 thôn, chúng tôi không thể tin được, khi vùng khe suối ngổn ngang vỏ và thân cây keo nguyên liệu, nơi mà trâu bò cả mấy thôn sử dụng hàng ngày lại trở thành đầu mối cung cấp nước sinh hoạt của con người.
Trưởng thôn Lạc Thắng - ông Lê Trung Thành trăn trở: "Dẫu biết là nguồn nước ô nhiễm, nhưng không sử dụng thì biết lấy ở đâu để bà con sinh hoạt. Chúng tôi cũng đã có dự định ra quân thu dọn vệ sinh môi trường vùng này để làm sạch nguồn nước, nhưng khối lượng công việc quá lớn nên chưa thực hiện được".
Dù đầu nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm nhưng không còn cách nào khác, người dân vẫn phải đặt những chiếc máy bơm để dẫn nước về phục vụ gia đình
Nắng nóng chưa hạ nhiệt và theo nhận định của người dân nơi đây, thêm dăm ngày nữa là những giếng nước cuối cùng sẽ cạn. Bà con sẽ phải áp dụng giải pháp cuối cùng là ra khe đào những vũng sâu để tích nước sinh hoạt.
Không chỉ một vài ngày, vài tuần mà trong suốt mùa hè khắc nghiệt, ở vùng khô hạn đặc biệt Lạc Thắng, Lạc Thanh này, một vài cơn mưa may ra cũng chỉ làm dịu đi sự khô khát được ít ngày. Vì vậy, đã nhiều lần người dân trong thôn khẩn thiết đề xuất ở nhiều diễn đàn về việc đầu tư xây dựng một nhà máy nước sạch cung cấp nguồn nước cho người dân trên địa bàn.
Nếu không xây dựng được nhà máy nước, gần 400 hộ dân ở Kỳ Lạc sẽ luôn trong tình cảnh đến hè lại cực nhọc vì thiếu nước
Tuy nhiên, theo thông tin của ông Nguyễn Thái Bình - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Kỳ Lạc, người dẫn đường cho chúng tôi trong chuyến công tác tìm hiểu về tình hình khô hạn tại Kỳ Lạc thì, ông đã từng được đi cùng đoàn khảo sát và biết địa điểm đặt nhà máy nước. Vậy nhưng, sau nhiều lần khảo sát, đến nay, nguồn nước sạch vẫn là mơ ước xa xôi đối với người dân ở đây.
Theo Baohatinh